Bác bị giam ở nhà tù tưởng giới thạch thời gian nào

05 Tháng 06 Năm 2013 / 19305 lượt xem

Lường Thị Lan

Phòng ST-KK-TL

Trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian 14 tháng bị giam trong nhà tù Tưởng Giới Thạch là thời kỳ gian khó nhất của Người. Bằng ý chí, nghị lực của người chiến sĩ cộng sản và tâm hồn của một người nghệ sĩ, Hồ Chí Minh đã biến quảng đời khó khăn ấy thành những trang “Nhật ký” bằng thơ. Kể từ khi Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam (tháng 8/1942) đến khi được trả tự do (tháng 10/1943), Người bị giải đi khắp 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc, giam trong hơn 30 nhà lao. Mỗi một địa danh Hồ Chí Minh đi qua đã trở thành “nhân chứng” chứng kiến cuộc sống gian khổ, đắng cay của Người. 

Tháng 8 năm 1942, khi sang Trung Quốc Hồ Chí Minh đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam hơn một năm. Vậy nguyên nhân tại sao, Người lại bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt? Theo hồi ký của đồng chí Vũ Anh viết thì: "Tháng 7 năm 1942, Bác lại đi ra ngoài với mục đích gặp Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Nhưng danh nghĩa thì Bác là đại biểu của hai đoàn thể Việt Nam độc lập đồng minh và Hội quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội, đi gặp Tưởng Giới Thạch. Lúc đó Bác bắt đầu dùng tên Hồ Chí Minh. Bác có tấm danh thiếp giữa in Hồ Chí Minh, một bên in tân văn ký giả, một bên in Việt Nam - Hoa kiều... Ra khỏi biên giới thì lấy một đồng chí Trung Quốc đi với Bác. Đồng chí đó không có giấy tờ gì, bị khám xét rồi bị bắt, và Bác cũng bị bắt theo”(1). Chính trong tập thơ Nhật ký trong tù do Hồ Chí Minh viết thì có 3 lần Người nói mình bị tình nghi là gián điệp. Đó là trường hợp bài "Bị bắt giữ ở phố Túc Vinh”: Túc Vinh mà để ta mang nhục / Cố ý dằng dai, chậm bước mình/Bịa chuyện tình nghi là gián điệp / Cho người vô cớ mất thanh danh(2); bài: "Đường đời hiểm trở”: Ta người ngay thẳng lòng trong trắng/ Lại bị tình nghi là Hán gian; và một bài khác: "Đi Nam Ninh”: Hôm nay xiềng sắt thay dây trói / Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung / Tuy bị tình nghi là gián điệp / Mà như khanh tướng vẻ ung dung. Về sau này, trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc” tháng 10 năm 1944 ký tên Hồ Chí Minh, Người có nhắc lại sự kiện này: "Tháng 8 năm 1942, tôi vâng lệnh Đoàn thể đi cầu ngoại viện. Chẳng may gặp sự hiểu lầm ở ngoài, làm cho đồng bào, đồng chí lo phiền cho tôi hơn một năm giời.”(3). Qua những tư liệu chúng ta có thế khái quát nguyên nhân Hồ Chí Minh bị bắt giam đó là lúc đầu khi khám xét giấy tờ tùy thân thì của Người đã hết hạn, sau này chúng nghi ngờ Hồ Chí Minh sang để phá hoại tổ chức Việt Nam cách mạng đồng minh hội do Tưởng Giới Thạch đỡ đầu.

Địa danh đầu tiên gắn với những bài thơ của Hồ Chí Minh trong Nhật ký trong tù, đó là Túc Vinh. Túc Vinh là tên một con phố của huyện lỵ Thiên Bảo thuộc tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc. Hồ Chí Minh bị bọn tưởng Giới Thạch bắt tại đây vào ngày 27 tháng 8 năm 1942, khi Người được Dương Đào dẫn đường đi từ Tĩnh Tây đi Bình Mã để đáp ô tô đi Trùng Khánh. Bởi muốn đi Trùng Khánh phải qua đất huyện lỵ Thiên Bảo. Trước tình huống bị bắt bất ngờ, Người đã ghi lại bằng những câu thơ vừa bực tức vừa hài hước sâu cay: Núi cao gặp hổ mà vô sự/ Đường phẳng gặp người bị tống lao. Hài hước hơn nữa là Người bị bắt trên con phố mang tên Túc Vinh (nghĩa đen là đủ vinh): Túc Vinh mà để ta mang nhục!.

Sau khi bị bắt ở phố Túc Vinh, Hồ Chí Minh bị giam giữ tại nhà tù Tĩnh Tây, từ đây Người còn bị giải đi rất nhiều nhà lao, nhà giam khác nữa. Cần nói thêm rằng Tĩnh Tây là địa phương gần với biên giới Việt - Trung hơn Thiên Bảo (nay đổi tên thành Đức Bảo). Người bị bắt ở Túc Vinh thuộc Thiên Bảo, nhưng lại bị đưa ngược về Tĩnh Tây để giam. Sau thời gian 42 ngày bị giam tại nhà ngục Tĩnh Tây, đến ngày 10/10/1942, Người bị giải trở lại nhà lao Thiên Bảo. Sự kiện này được Người ghi lại trong bài Tết Song Thập bị giải đi Thiên Bảo. Song Thập là ngày 10 tháng 10, ngày quốc khánh của Trung Hoa dân quốc: “Nhà nhà hoa kết với đèn giăng”. Vậy mà Người phải chịu cảnh “Lại đúng hôm nay ta bị giải”. Trên đường bị giải về Thiên Bảo, Người có ngủ lại đêm ở Long Tuyền. Địa danh Long Tuyền thì “theo nhà sử học Hoàng Tranh viết trong cuốn Hồ Chí Minh ngục trung thi chú giải, thì địa danh này chính là Long Xuyến, một thôn của xã Túc Vinh, huyện Đức Bảo. Có thể để cho vần âm, nên Người đã viết thành Long Tuyền. Thôn này nằm ngay cạnh con đường lớn đi Điền Đông, cách huyện lỵ Đức Bảo (lúc này là huyện lỵ Thiên Bảo) 36km, cách huyện lỵ điền đông 49km. Vào thời điểm này, để đi bộ từ Thiên Bảo đến Điền Đông, người đi phải nghỉ đêm tại Long Xuyến. Ở đây Người tiếp tục bị giải đến các nhà lao như: Quả Đức, Long An, Đồng Chính… Quả Đức là huyện lỵ được hợp nhất với huyện Bình Trị thành Bình Quả ngày nay. Quả Đức cách huyện lỵ Điền Đông 60 km, cách Nam Ninh 137 km. Khi bị giam ở đây Người đã làm bài thơ “Nhà lao Quả Đức”. Long An là một huyện ở ở lưu vực sông Hữu Giang, cách huyện lỵ Bình Quả 37km cách Nam Ninh 100km. Tại nhà giam ở huyện lỵ Long An, Người đã viết bài thơ ca ngợi ông Sở trưởng họ Lưu, một vị quan liêm khiết, làm việc thận trọng và đúng đắn, ngay cả trong lao tù cũng sạch sẽ, gọn gàng khiến cuộc sống của Người cũng được cải thiện sau thời gian bị giải đi cực khổ. Bị giam ở Long An đến ngày 2/11/1942 Hồ Chí Minh bị giải đến nhà ngục Đồng Chính. Đồng Chính là huyện lỵ cũ của Quảng Tây, cách Long An 30 km và cách Nam Ninh 50km, nay đổi thành Phù Tuy.  

Từ Đông Chính, Người bị giải đi Nam Ninh, trên hành trình này, Người đã như: “Vãng Nam Ninh”, “Bát lộ tháp thuyền phó Ung”, “Nam Ninh Ngục”…Trong đó, Nam Ninh là tỉnh lỵ của Quảng Tây, Ung là biệt danh của Nam Ninh. Hai sông Tả giang và Hữu giang cùng nhập vào tại phía Tây Nam Ninh thành sông Úc giang. Đoạn Úc giang chảy qua Nam Ninh được gọi là Ung giang, cho nên Nam Ninh có lên là Ung châu gọi tắt là Ung. Hồ Chí Minh bị giam ở Nam Ninh khoảng một tuần sau đó Người được giải đi Vũ Minh, huyện lỵ Vũ Minh cách Nam Ninh 43 km về phía Bắc. Tại nhà Ngục Vũ Minh, Người đã làm các bài thơ như: “Giải vãng Vũ Minh”, “Bào Hương cẩu nhục”, “Trúc lộ phu”… Đến ngày 21/11 Người lại tiếp tục bị giải từ Vũ Minh đi Tân Dương. Ở Tân Dương cũng chỉ được 2 ngày đến ngày 23/11 lại bị giải đến nhà ngục Thiên Giang. Thiên Giang là một thị trấn nhỏ của huyện Lai Tân, cách huyện lỵ Lai Tân 42 km, tại đây Người viết bài thơ “Thiên Giang ngục trung”. Đến ngày 12/2 từ nhà ngục Thiên Giang Người bị giải đi Liễu Châu. Chặng đường từ Thiên Giang – Lai Tân Người bị giải đi trên một xe lửa chở than.

Hành trình từ Ung Ninh đến Liễu Châu, Người bị giải qua các huyện lỵ như Nam Ninh, Vũ Minh, Tân Dương, Lai Tân,... Mỗi lần dừng chân hoặc đi ngang qua các địa danh này, Người đều làm thơ. Vì thế, qua các bài thơ đó chúng ta biết được những nơi Người đi đã đi qua. Dù bị giam, bị trói, bị giải đi nhưng Người tù nhân ấy cứ bình thản ghi lại tất cả. Bởi vì Người không coi mình là tù nhân, mà là "khách tự do” trong nhà tù: Trong lao tù cũ đón tù mới / Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa / Tạnh, mưa, mây nổi bay đi hết / Còn lại trong tù khách tự do – “Vào nhà ngục huyện Tĩnh Tây”. Và hơn thế nữa, Hồ Chí Minh tự coi mình là nhà thơ với tâm hồn tự do, tự do ngắm trăng qua song sắt nhà lao: Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ / Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ (Ngắm trăng).

Trong quãng thời gian bị giam cầm, sinh hoạt của Người cứ diễn ra theo một thứ tự đều lặp đi lặp lại: vào nhà giam rồi lại bị giải đi tiếp, rồi lại vào nhà giam và lại bị giải đi. Nhưng với Hồ Chí Minh, một tâm hồn vĩ đại thì không để cho cuộc sống gian khổ khiến mình bi quan mà ngược lại luôn làm chủ hoàn cảnh để cho ra đời những câu thơ bay bổng như "cánh hạc ung dung” (Tố Hữu). Tuy nhiên, cũng có lúc Người đã rất “Bất bình”: Đã giải đến Nam Ninh/ Lại giải về Vũ Minh/ Giải đi quanh quẹo mãi/ Kéo dài cả hành trình/ Bất bình!. Trước đó, Bác đã bị giải từ Tĩnh Tây đi Thiên Bảo, rồi từ Thiên Bảo đi Quả Đức. Nhìn vào bàn đồ hành chính Quảng Tây, nếu theo đường bộ thì từ Quả Đức về Vũ Minh chỉ khoảng gần 80km, không cần đi vòng qua Long An, Đồng Chính, Nam Ninh (như các bài thơ Người viết tại các địa danh này), vậy mà chúng cứ áp giải Người đi quanh quẹo mãi. Từ Vũ Minh, Hồ Chí Minh lại bị giải đi Tân Dương, qua Bào Hương (căn cứ vào 5 bài thơ Người viết trên đường đi và 7 bài viết trong nhà ngục Tân Dương). Tiếp đó là Thiên Giang rồi Lai Tân (bằng xe lửa, lần đầu tiên và lần duy nhất đi xe lửa trong hành trình Nhật ký trong tù). Cho đến ngày 9 tháng 12 năm 1942, tức là gần 4 tháng sau khi bị bắt, Người bị giải về Liễu Châu. Đến Liễu Châu, Hồ Chí Minh tổng kết về quãng thời gian mình vừa trải qua, Người gọi đó là một cơn "ác mộng”: Ngoảnh lại hơn trăm ngày ác mộng / Tỉnh ra, trên mặt vẫn vương sầu ("Đến Liễu Châu”).

Sau một thời gian chờ đợi ở Liễu Châu, Người bị giải đến một cơ quan chỉ huy của Quốc Dân Đảng và sau đó đến cuối tháng 12 lại được lệnh giải đi Quế Lâm. Trong thời gian chờ đợi để giải đi, Người bị ốm nặng: Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh/ Ngoại thương đất Việt cảnh lầm than. Ở đây Người còn làm bài "Bốn tháng rồi” tổng kết một cách sâu sắc và xác thực cuộc sống lao tù mà Người gọi là "sống khác loài người”. Ngoài ra Người còn viết bài "Liễu Châu ngục” ("Nhà ngục Liễu Châu”), nhưng cái "lạ” của bài này là chỉ kịp ghi đầu đề (trong nguyên tác), còn nội dung thì chưa kịp viết. Có thể Hồ Chí Minh bị đặt trước tình thế không lường trước được và phải rất vội vàng, đúng như Người đã viết: "Tưởng rằng cửa ải khó khăn này là cuối cùng, Ngày tự do đang đến nhanh, Ngờ đâu còn cửa ải khó khăn nữa, Chúng tôi còn bị giải đi Quế Lâm”. Ở Quế Lâm, cũng là những tháng ngày gian khố nhất trong hành trình tù đày của Người, đến nỗi sau này khi có người hỏi về cuộc sống lao tù ở Quế Lâm Người cũng không muốn nhắc lại: “Đời tù Quế Lâm Cụ thấy như thế nào? Cụ Hồ cười nói: “Nhắc lại làm gì chuyện cũ”(4).

Đến Quế Lâm rồi Người lại bị giải lộn trở về Liễu Châu. Ở Quế Lâm, Người "lại bị giam một tháng rưỡi nữa”(5), rồi "Từ Quế Lâm, người ta giải cụ đi Liễu Châu, giam vào nhà giam quân sự”(6). Trước tình cảnh đó có lẽ Người chỉ còn biết đặt dấu "?” và dấu hỏi kèm dấu chấm than "?!”. Ở bài thơ có đầu đề "?!”, Người viết: Không đâu khổ đã bốn mươi ngày/ Bốn chục ngày qua xiết đoạ đày/ Nay lại giải về Liễu Châu nữa/ Khiến người đã bực lại buồn thay! Hoặc như trong bài có đầu đề "?”: Liễu Châu, Quế Lâm lại Liễu Châu/ Đá qua đá lại bóng chuyền nhau/ Quảng Tây đi khắp lòng oan ức/ Giải tới bao giờ, giải tới đâu?.

Tại Liễu Châu, ở đây Người được đưa đến Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu Quốc dân Đảng Trung Quốc. Cục này đóng ở Liễu Châu, là một trung tâm quân sự của Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây lúc đó. Trở lại Liễu Châu lần này, Người bị giam trong nhà giam quân sự nhưng cuộc sống lao tù có phần bớt khắc nghiệt hơn. Trong “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Trần Dân Tiên viết: "Ở đây Cụ được hưởng "chế độ chính trị”. Có đủ cơm ăn, không bị gông, không bị xích. Thỉnh thoảng Cụ có thể đọc một tờ báo hoặc một quyển sách…”(7). Thơ Hồ Chí Minh trong những ngày này ít tả cảnh sinh hoạt cụ thể trong nhà tù như thời gian trước mà thiên về tình cảm với quê nhà, thương nhớ Tổ quốc với bao nỗi niềm canh cánh “Trong khi cụ lê lết tấm thân mệt lử từ nhà giam này đến nhà giam khác, có lẽ những việc lớn đang dồn dập trong nước và trên thế giới”(8). Những ngày ở Liễu Châu lần thứ hai, Người viết được thêm 25 bài nữa. Tháng 5 năm 1943, Thiếu tướng Hầu Chí Minh lên thay Lương Hoa Thịnh làm chủ nhiệm Cục chính trị của Đế tứ chiến khu. Theo lệnh cấp trên, Hầu Chí Minh tiếp tục giám sát Hồ Chí Minh. Nhưng khi đã được tiếp xúc nhiều lần ông tỏ lòng mến phục Người. Vì vậy, Hầu Chí Minh đã hết lòng giúp đỡ khi Người bị giam ở Đệ tứ chiến khu, đồng thời tác động với chính quyền để Hồ Chí Minh được trả tự do. Hầu Chí Minh là người đã trực tiếp thả Người theo lệnh của Tưởng Giới Thạch. Cảm tạ ơn nghĩa của Hầu Chí Minh, Người đã viết bài thơ “Kết luận” để thể hiện tấm lòng của mình và bài thơ cũng là kết thúc hành trình “Ngục trung nhật ký”, kết thúc 13 tháng tù giam của Người. Tuy được trả tự do nhưng Hồ Chí Minh vẫn bị quản chế, sức khỏe của Người giảm sút: mắt bị mờ, chân đi không vững. Người phải cố gắng để tự tập luyện phục hồi sức khỏe. Ngoài việc tập leo núi, tập nhìn vào bóng tối… Người còn được Hầu Chí Minh dạy Thái cực quyền để rèn luyện thân thể, nhanh chóng phục hồi lại sức khỏe để tiếp tục hoạt động.

Như vậy, từ các địa danh nêu trong những bài thơ kể từ ngày Người bị bắt) đến khi được trả tự do, hành trình lao tù của Hồ Chí Minh đã đi qua 13 huyện thị: Thiên Bảo (nay là Đức Bảo), Tĩnh Tây, Điền Đông, Quả Đức (nay là Bình Quả), Long An, Đồng Chính (nay thuộc Phù Tuy), Ung Ninh, Nam Ninh, Vũ Minh, Tân Dương, Lai Tân, Liễu Châu, Quế Lâm... Mỗi lần di chuyển mà chủ yếu là đi bộ, Người bị giải đi trong tình cảnh cổ đeo gông, tay bị trói, chân đeo cùm, thân thể thì ghẻ lở, giận rệp. Trên hành trình đày ải đó có quãng thời gian suốt “Bốn tháng cơm không no” đường đi hiểm trở, khó khăn phải trèo đèo lội suối, trong khi các huyện lỵ đều cách nhau rất xa, có ngày đi bộ đến 50 km từ sáng sớm đến tối khuya. Trong cả hành trình “quanh quẹo” đó, có hai lần Hồ Chí Minh được đi tàu hỏa và đi thuyền, nhưng đi tàu thì ngồi toa chở than, đi thuyền thì bị trói lủng lẳng vào cột buồm, vậy mà Người vẫn thể hiện sự lạc quan, không nao núng tinh thần và luôn tin tưởng ở tương lai. Trái lại với hoàn cảnh trớ trêu đó là tinh thần “thép”, là sự kiên định của người chiến sĩ cộng sản, là khí phách lạc quan yêu đời, là tình yêu con người, yêu thiên nhiên của Hồ Chí Minh. Chính những năm tháng hoạt động cách mạng gian khổ đã tôi luyện cho Người một ý chí sắt đá kiên cường để có thể vượt qua được mọi hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhất.

Chú thích:

(1). Những tên gọi bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

(2). Những bài thơtrích trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, tr305-454.

(3). Văn kiện Đảng, (từ 25/1/1939 đến 2/9/1945), Nxb Sự thật, H.1963.

(4) (5) (6) (7) (8). Trân Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Trẻ, tr103, H2011.