Các cách tuyên truyền bảo vệ môi trường

YênBái - Những năm qua, vấn đề bảo vệ môi trường [BVMT] được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, không chỉ là tăng cường các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng bằng nhiều hình thức tuyên truyền, mô hình thiết thực với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Dân số gia tăng kéo theo sự gia tăng các loại chất thải, gây sức ép lớn tới môi trường. Riêng năm 2020, khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh khoảng 416,7 tấn/ngày. Hoạt động nông - lâm nghiệp, thủy sản cũng tác động rất lớn tới môi trường.

Giai đoạn 2016 - 2020, lượng chất thải từ hoạt động chăn nuôi - thủy sản tăng từ 280 triệu mét khối lên 330 triệu mét khối đối với nước thải; chất thải rắn tăng từ 1 triệu tấn lên 1,5 triệu tấn với lượng thu gom, xử lý đạt 60 - 80%. Sản lượng và năng suất cây trồng không ngừng nâng cao cũng kéo theo nhu cầu sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Việc sử dụng phân bón hóa học mất cân đối, thời gian bón, cách bón bừa bãi và mang tính tự phát, không khoa học dẫn đến hậu quả làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái một cách nghiêm trọng, làm cho đất mất khả năng sản xuất. Dư lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật làm ô nhiễm đất và nguồn nước. Bởi vậy, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi của cộng đồng về BVMT được coi là biện pháp cốt lõi.

Giai đoạn 2016 - 2020, công tác này được các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai bằng nhiều hình thức: tổ chức 1 cuộc mít tinh, lễ ra quân với sự tham gia của hơn 700 học sinh và thanh niên; tổ chức 6 cuộc tập huấn, giảng bài về công tác BVMT; phát hơn 50.000 tờ rơi [có cả bằng tiếng Mông].

Đồng thời tổ chức nhiều chương trình có ý nghĩa như: Chương trình trao tặng đèn năng lượng mặt trời cho các tổ chức cộng đồng tại các vùng chưa có điện lưới quốc gia; lớp học giáo dục môi trường Vì một Việt Nam xanh cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; Chiến dịch đổi pin sinh thái

Cùng với đó còn có sự tham gia nhiệt tình của các tổ chức đoàn thể bằng việc triển khai và nhân rộng nhiều mô hình thiết thực, qua đó, tuyên truyền, nâng cao có hiệu quả ý thức, trách nhiệm của hội viên về BVMT, ăn ở hợp vệ sinh, sống thân thiện với môi trường, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng và duy trì 43 mô hình điểm "Khu dân cư tự quản BVMT, 4 mô hình "Tự quản BVMT và ứng dụng với biến đổi khí hậu ở khu dân cư; xây dựng 2.381 mô hình dân vận khéo về BVMT ở khu dân cư với 7 nội dung hoạt động, trong đó, có 406 mô hình tự quản về vệ sinh môi trường thường xuyên hoạt động đạt hiệu quả tốt.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh duy trì 20 đội tuyên truyền viên, 20 mô hình nhóm tự quản vệ sinh môi trường; 265 mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản, câu lạc bộ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon, mô hình thu gom xử lý rác thải, không thả rông gia súc; vận động 134.302 hộ gia đình sử dụng nước sạch sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, hội viên phụ nữ nhất là ở vùng cao.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đơn vị triển khai xây dựng các mô hình: hàng cây nông dân, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình; tiếp tục duy trì hoạt động của các mô hình thu gom và xử lý rác thải tại cụm dân cư, mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng nguồn nước tự chảy.

Tỉnh đoàn xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình như: tổ môi trường xanh, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, đường cây thanh niên, bồn hoa thanh niên, Đội thanh niên tình nguyện BVMT, Đội tuyên truyền măng non về BVMT

Môi trường là ngôi nhà chung của loài người. Mái nhà ấy có thể vững chãi, trường tồn hay không chính là nhờ vào sự bảo vệ của mỗi cá nhân. Hãy nêu cao trách nhiệm và cùng chung tay BVMT từ những việc nhỏ như vứt rác đúng chỗ, phân loại rác, hạn chế sử dụng các sản phẩm khó phân hủy, xử lý, thu gom rác thải, nước thải trước khi thải ra môi trường

Video liên quan

Chủ Đề