Cách làm dịch chuối bón cho hoa hồng

Chuối không chỉ tốt cho con người mà còn rất tốt đối với các loài cây trồng đặc biệt là hoa hồng. Trong thành phần của dịch chuối có những dinh dưỡng rất hữu ích như là kali, magie, natri,… và các loại vitamin B6, C, trytophan cùng với các chất chống oxy hóa.

Có nhiều cách để làm dịch chuối, và một trong những cách hiệu quả là lên men chuối chín, dưới sự phân hủy sinh học của các loài vi sinh vật, các chất có trong chuối sẽ được phân giải hoàn toàn thành dưỡng chất thiết yếu để nuôi dưỡng cây đặc biệt trong giai đoạn ra hoa và đậu trái và giúp hoa tươi đẹp và chuẩn form.

Nội dung bài viết

  • 1 – Tác dụng của dịch chuối
  • 2 – Cách làm dịch chuối bằng men vi sinh
  • 3 – Những cách làm dịch chuối khác
    • 3.1 – Làm dịch chuối từ men bia
    • 3.2 – Cách làm dịch chuối từ thân cây
    • 3.3 – Cách làm dịch chuối từ hoa chuối

Cây chuối không chỉ rất phổ biến mà bên trong nó còn có chứa rất nhiều thành phần các chất dinh dưỡng mà các cây hoa rất cần như: Vitamin [nhóm B, C], Cacbonhydrate, axit amin, protein và muối khoáng như: Canxi, Natri, Kali,… các chất trung, vi lượng phong phú. Đồng thời nhờ vào hoạt động sinh trưởng mà cây chuối tự sản sinh ra các loại hoóc-môn thực vật tự nhiên rất hữu ích với cây trồng.

Những hoóc-môn thực vật này có tác dụng kích thích sinh trưởng lên rễ, thân, lá giúp cây hoa hồng của chúng ta phát triển tốt hơn, và hoóc-môn thực vật này hoàn toàn tự nhiên nên nó rất an toàn. Do đó, dịch chuối được xem như là “Thần dược với cây hoa”, khi bón sẽ giúp hoa nở đậm, màu sắc và cánh cứng cáp hơn.

Cách làm dịch chuối bón cho hoa hồng rất đơn giản, bạn chỉ cần lấy thân cây chuối [hoặc trái chuối chín] đã cắt nhỏ để ngâm vào nước, để qua ngày là có thể sử dụng được. Có thể làm dịch chuối bằng cách đun sôi thân cây chuối [hoặc trái chuối chín] đã cắt nhỏ, sau đó lọc lấy nước sử dụng.

Phương pháp đun sôi để làm dịch chuối giúp thủy phân tốt hơn, và nó giúp tiêu diệt mầm bệnh nhưng lại làm mất đi một số chất dinh dưỡng. Do có nguồn gốc 100% hữu cơ nên nó cực kỳ tốt cho cây trồng cũng như an toàn đối với người sử dụng, đồng thời cách làm cũng khá đơn giản, hiệu quả, giá rẻ và giúp giảm lượng rác thải ra môi trường.

2 – Cách làm dịch chuối bằng men vi sinh

Nguyên liệu để làm ra 1,5 lít dịch chuối

  • Chế phẩm vi sinh Emuniv: 25g
  • Chuối chín: 250-300 gr [5-6 trái]
  • Mật rỉ đường: 50 ml
  • Nước sạch: 1 lít [nước giếng hoặc nước đã khử Clo]
  • Can chứa 2 Lít có nắp đậy

Các bước thực hiện

  • Bước 1: Cắt nhỏ chuối chín [giữ nguyên vỏ], cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn [cho thêm 200ml nước để dễ xay]
  • Bước 2: Hòa tan men vi sinh Emunivmật rỉ đường với 800ml nước rồi cho vào can chứa.
  • Bước 3: Đổ chuối xay vào can chứa rồi đậy nắp kín lại. Đặt can chứa tại nơi tối và mát mẻ.

Lưu ý: Dịch chuối ủ với men vi sinh Emuniv sẽ sinh ra khí gas, nên cân phải xả khí gas thường xuyên để tránh can bị biến dạng, có thể gây nổ bung nắp và bắn nước ra ngoài. Thời gian xả giảm dần sau khoảng 5-7 ngày vì lúc này lượng khí gas đã giảm.

Dấu hiệu nhận biết dịch chuối thành công sau 3 tuần:

  • Trong quá trình ủ, dịch chuối có hiện tượng nổi váng trắng, do quá trình vi sinh Emuniv lên men
  • Dịch chuối có mùi rất thơm, có vị chua ngọt của chuối lên men như rượu chuối

So với cách làm dịch chuối bằng phương pháp đun sôi thì ủ với men vi sinh Emuniv sẽ giúp giữ lại chất dinh dưỡng tốt hơn, do không phải đun sôi, làm mất một số chất có lợi. Hàm lượng chất dinh dưỡng cũng được gia tăng đáng kể nhờ vào hoạt động phân giải hữu cơ của các vi sinh vật có lợi.

Đồng thời, lượng vi sinh vật có lợi này khi được bón vào đất sẽ có tác dụng cải tạo đất giúp cải thiện độ màu mỡ, tơi xốp hơn và cũng có tác dụng đẩy lùi các loại vi sinh vật gây hại, giai tăng sức đề kháng của cây trồng tốt hơn.

Mấu chốt của một mẻ dịch chuối thành công chính là chất lượng VSV có lợi bên trong đó. Do đó, nếu bảo quản được lượng VSV này càng lâu thì hiệu quả bón cho cây càng lớn. Thời gian sử dụng trung bình của dịch chuối lên men khoảng 6 tháng, sau đó lượng VSV sẽ giảm nên hiệu quả cũng giảm. Hãy làm dịch chuối vừa đủ dùng để không bị lãng phí.

Hướng dẫn bón dịch chuối cho hoa hồng

Một lít dịch chuối vi sinh có thể pha với 50-100 lít nước sạch để phun hoặc tưới trực tiếp vào gốc cho hoa hồng, thời gian bón định kỳ là 7-10 ngày/lần. Nếu dùng để tưới hàng ngày thì tỉ lệ pha loãng hơn khoảng 200 – 500 lần.

Công thức:

  • Pha loãng 100 lần khi bón 7 – 10 ngày: 10-20ml dịch chuối ~ 1 lít nước sạch
  • Pha loãng 200 – 500 lần khi bón hằng ngày: 2-5ml dịch chuối ~ 1 lít nước sạch

Khuyến khích nên sử dụng với lượng loãng nhất, sau đó thấy cây phát triển tốt thì có thể tăng lên từ từ. Hãy bắt đầu với lượng 2ml/1000ml nước tưới mỗi ngày [nếu có thời gian], sau đó tăng lên 3ml, 4ml, 5ml. Nếu dùng để phun lên lá thì nên dùng lượng loãng nhất 2ml/1000ml [lọc cặn trước phun], nên phun vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Nên kết hợp dịch chuối với một loại phân hữu cơ khác như đạm cá, đỗ tương ngâm,… để đảm bảo cây hoa hồng luôn đầy đủ các chất dinh dưỡng.

3 – Những cách làm dịch chuối khác

3.1 – Làm dịch chuối từ men bia

Nguyên liệu cho 20 lít dịch chuối

  • Chuối chín: 5 kg
  • Bia: 2 lon
  • Sữa chua: 3 thìa
  • Nước vo gạo: 3 lít
  • Thùng 18 lít

Các bước thực hiện

  • Bước 1: Cắt nhỏ chuối chín [giữ nguyên vỏ], cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn [cho thêm 200ml nước để dễ xay]
  • Bước 2: Cho các loại nguyên liệu gồm 2 lon bia + 3 thìa sữa chua + 3 lít nước vo gạo + chuối xay
  • Bước 3: Thêm nước vừa đủ thùng, sau đó đậy nắp lại. Đặt thùng chứa tại nơi tối và mát mẻ.

Đây là cách làm dịch chuối bằng phương pháp lên men IMO [vi sinh vật bản địa], nó gần như tương đồng với phương pháp lên men có sử dụng vi sinh Emuviv nhưng khó thành công hơn, do mật số khá thấp. Tuy nhiên, làm theo cách này giúp bạn tận dụng những gì sẵn có.

Hướng dẫn sử dụng: Pha loãng 8-10 lần để tưới, tương đương 1 lít dịch chuối/8-10 lít nước sạch, bón định kỳ 1 tuần/lần.

3.2 – Cách làm dịch chuối từ thân cây

Nguyên liệu

  • Thân chuối: 1 kg
  • Rau muống: 1 kg
  • Mật rỉ đường: 1 kg

Cách làm

1kg thân chuối, 1kg rau muống tất cả cắt nhỏ từ 1-3 cm. Trộn với rỉ mật đường rồi cho vào lu, ủ 1-3 tuần lọc lấy nước để dùng, bả còn lại có thể bón trực tiếp một lớp thật mỏng.

Hướng dẫn sử dụng: Pha 25-30ml/25 lít.  Phun hoặc tưới định kỳ 7-10 ngày/1 lần.

3.3 – Cách làm dịch chuối từ hoa chuối

Lợi ích của phân bón từ hoa chuối

  • Giúp cây ra hoa đẹp, đậm màu, cành hoa dày [dưỡng hoa]
  • Kích thích đâm chồi nảy lộc
  • Cải thiện sức đề kháng, giúp chống lại các loại côn trùng gây hại.
  • Đặc biệt có nguồn gốc từ hữu cơ

Nguyên liệu

  • Hoa chuối: 3 kg
  • Mật rỉ đường: 1 kg
  • Nước sạch: 3 lít
  • Thùng

Các bước thực hiện

  • Bước 1: Hoa chuối cắt thành từng miếng nhỏ
  • Bước 2: Đổ hoa chuối đã cắt nhỏ vào thùng, đổ 1 kg mật mía, tiếp theo là 3 lít nước. Khuấy đều cả 3 nguyên liệu với nhau.
  • Bước 3: Đóng chặt nắp thùng để nguyên liệu được lên men. Đặt nơi tối và mát.

Sau 1 tuần ủ dịch chuối thì lọc hoa chuối lấy nước cốt để tưới cây.

Hướng dẫn sử dụng: Pha 1 [ml] với 1 lít nước [tỷ lệ 1/1000]. Phun trước khi nở hoa trước hoặc sau khi hoa nở. Nên phun vào buổi sáng, do lúc này cây bắt đầu quang hợp, hấp thụ dinh dưỡng nhanh, dịch hoa chuối có tác dụng đuổi côn trùng gây hại.

Cua Gạo Garden Team

Chủ Đề