Cách phân biệt gi và d

Hệ thống chính tả của bất cứ thứ tiếng nào có sự liên quan giữa chữ viết và cách phát âm đều cố gắng giữ mối quan hệ giữa dấu hiệu và âm được mật thiết chừng nào hay chừng ấy. Tuy nhiên, không thể nào không có những trường hợp mà chính tả đi một đường và cách phát âm đi một nẻo. Trong phạm vi nhỏ bé của bài này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến hai phụ âm đầu trong tiếng Việt có cùng một cách phát âm như nhau là gi– và d-, ví dụ như trong hai chữ giàydày. Trong một số trường Việt ngữ, có nhiều thầy cô đọc hai chữ trên đây khácnhau để giúp cho các em học sinh phân biệt được ý nghĩa và chính tả. Phụ âm gi– thì các thầy cô đọc là [z] [như trong những chữ tiếng Anh zone, zero v.v.], còn phụ âm d- các thầy cô đọc là [j] [như trong những chữ tiếng Anh young, year, v.v.]. Về mặt thực dụng, việc phân biệt cách đọc hai phụ âm đầu này là có ích vì nó giúp cho học sinh nhận ra chữ, hiểu nghĩa và viết đúng. Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ thấy trong các lớp học tiếng Việt mà hoàn toàn không có trong thực tế. Nói một cách tổng quát, trong đa số phương ngữ miền Bắc ngày nay, cả hai phụ âm đầu này đều được phát âm là [z], còn trong đa số phương ngữ miền Nam, hai phụ âm đầu này đều được phát âm là [j]. Xin mở ngoặc ở đây là các chữ dùng trong ngoặc vuông chính là những dấu hiệu ngữ âm quốc tế được dùng trong ngành ngữ âm học và âm vị học.

Trong lúc giảng dạy tiếng Việt, chúng tôi thường được các em sinh viên hỏi tại sao hai chữ viết khác nhau mà lại đọc giống nhau. Một số em đã học tiếng Việt ở các trường Việt ngữ lại bảo rằng thầy cô của các em đọc hai chữ khác nhau chứ không đọc giống nhau như chúng tôi. Chúng tôi trả lời các em bằng cách trước hết lấy một ví dụ trong tiếng Anh. Thứ tiếng nào cũng có những chữ đồng âm, dị nghĩa, có lúc chính tả giống nhau [như can—danh từ—nghĩa là ‘cái lon’, trong  khi can—động từ—nghĩa là ‘có thể’], có lúc cả chính tả cũng khác nhau [như site—danh từ—có nghĩa là ‘chỗ, nơi’, còn cite—động từ—nghĩa là ‘trích dẫn’]. Sinh viên gốc Việt ở đây nói tiếng Anh là chính, nên mỗi lần chúng tôi đưa ra một ví dụ tương tự như trong tiếng Việt để các em hiểu và dễ liên tưởng đến tiếng Việt, các em dễchấp nhận những trường hợp của tiếng Việt hơn.

Trở lại với hai phụ âm đầu gi-d-, nếu chấp nhận rằng trên thực tế, hai âm này đọc giống nhau [Bắc giống nhau theo một kiểu, Nam giống nhau theo một kiểu], thì những từ ngữ có hai phụ âm đầu này có thể tạo thành những cặp chữ đồng âm, dị nghĩa và khác luôn cả chính tả nữa: gia đình/da dẻ; giày dép/dày dặn; dây thừng/giây phút, v.v. Những từ ngữ thuộc loại này thường ẩn chứa một nguyên nhân lịch sử lý thú. Ngày xưa chúng được phát âm khác nhau, nhưng lâu ngày chày tháng, chúng bị gộp thành một cách phát âm giống nhau. Lấy lại một ví dụ trong tiếng Anh với cặp chữ site/cite, hai chữ này đều có nguồn gốc từ hai chữ La-tinh situs và citāre. Chữ s- trong tiếng La-tinh đọc là [s], nhưng chữ c- trong tiếng La-tinh lại đọc là [k]. Trải qua nhiều trăm năm của những biến đổi ngôn ngữ, hai phụ âm đầu [s][k] đã trở thành [s] cho cả hai chữ tiếng Anh gốc La-tinh này .

Còn gi-d- trong tiếng Việt thì sao? Hai phụ âm đầu này cũng trải qua một quá trình biến đổi tương tự như trường hợp nêu trên. Trong tiếng Việt thời xưa ở miền Bắc, phụ âm đầu gi- được phát âm là [3] [như chữ ‘s’ trong các chữ tiếng Anh Asia, measure, television, etc.], còn phụ âm đầu d- được phát âm là [z] [như zoo, zero, zest, etc.]. Chính vì thế mà khi các vị cố đạo người Âu châu nghe hai âm khác nhau này, họ đã dùng hai cách viết khác nhau để phân biệt. Ngày nay, có thể còn một số ít các nơi ở miền Bắc còn giữ được sự phân biệt này, nhưng đa số người nói đã nhập hai âm lại thành một là âm [z]. Âm không còn khác, nhưng chính tả thì vẫn còn là vậy.

Khi tiếng Việt theo chân một số người Việt tiến về phương nam, có lẽ những người này không còn giữ sự phân biệt giữa hai phụ âm gi-d- nữa, mà chỉ còn có một lối phát âm [z] cho cả hai. Có một điểm thú vị là từ Huế trở vào, người Việt không dùng âm [z] nữa mà thay thể nó bằng âm [j] [như chữ ‘y’ trong các chữ tiếng Anh you, yarn, yam, etc. —đây là sự biến đổi cách phát âm bằng cách dùng phần giữa lưỡi thay vì phần đầu lưỡi cho âm xát]. Nói tóm lại, hai phụ âm đầu gi-d-, một là cùng phát âm là [z] cả [như ở miền Bắc], hai là cùng phát âm là [j] cả [như ở miền Nam]. Nếu cố tình phát âm sao cho hai âm này khác nhau thì đó chỉ là một cách phát âm “nhân tạo”, không tự nhiên, không phải là tiếng Việt trong thực tế.

Như vậy thì sẽ có những thầy cô nêu thắc mắc: Nếu cách phát âm khác nhau giúp cho học sinh phân biệt chính tả, tại sao lại không nên dùng? Xin thưa, trong lớp các em có thể viết đúng chính tả nhờ cách này, nhưng khi ra ngoài thực tế, các em chỉ nghe có một cách phát âm cho cả hai cách viết. Khi nghe chữ mới có một trong hai phụ âm này cũng chịu, không biết phụ âm nào là phụ âm nào. Vả lại, chúng ta cũng có thể giúp các em phân biệt hai lối chính tả bằng cách dựa vào ý nghĩa của từ ngữ. Ví dụ, giày để mang vào chân thì viết là gi-, còn dày có nghĩa là ‘không mỏng” thì viết là d-. Lâu dần các em sẽ quen. Tiếng Anh cũng dùng lối dựa vào nghĩa để phân biệt chính tả của những chữ đồng âm. Ví dụ “ở đó” thì viết là there, “họ là” thì viết là they’re và “của họ” thì viết là their.

Tóm lại, dạy một ngôn ngữ nói chung, và tiếng Việt nói riêng, là truyền đạt tất cả những nét tự nhiên, sống động của nó. Nếu phải dùng một phương pháp để hỗ trợ việc dạy và học mà biến một phần nào đó của ngôn ngữ trở thành giả tạo, gượng gạo thì chúng ta đã vô tình làm mất đi một chút vẻ đẹp của tiếng Việt.

  Trần C. Trí

04 October 2016 | By viadmin | SISU

Tiếng Việt Nam hay thường được gọi là Tiếng Việt, là tiếng đơn âm, không biến hình biến dạng, có khi một tiếng có nhiều nghĩa, hoặc một tiếng có những cách viết khác nhau. Người Việt Nam từ Bắc chí Nam chỉ sử dụng một loại ngôn ngữ. Duy có giọng nói, thì mỗi miền có giọng nặng nhẹ khác nhau. Như người Bắc có một giọng, người Nghệ Tĩnh có một giọng, người Huế, người Quảng, và người Nam đều có giọng nói khác cả. Song điều đó cũng không ảnh hưởng nhiều cho sự giao tiếp của người dân Việt Nam trên mọi miền đất nước.

Hệ thống chữ viết Tiếng Việt ngày nay là một hệ thống chữ viết với nhiều ưu điểm – một thứ chữ ghi âm vị, dễ học, dễ nhớ. Nhưng, bên cạnh những ưu điểm thì vẫn còn tồn tại một số điểm bất hợp lí, dẫn đến lỗi viết sai [hay còn gọi là lỗi chính tả] cho những học sinh nước ngoài khi mới tiếp xúc và học tập Tiếng Việt.

Đặc biệt là lỗi phụ âm đầu “d/gi”, và đây cũng là câu hỏi mà gần đây học sinh năm thứ nhất môn ngữ âm Tiếng Việt hay đưa ra trong những tiết học.

 Vì chữ viết Tiếng Việt là thứ chữ ghi âm vị, nói thế nào viết thế ấy, nên tốt nhất thì vẫn là mỗi con chữ ghi một âm. Nhưng âm vị /z/ thì lại đồng thời ghi âm cả hai chữ viết là “d” và “gi” nên dẫn đến việc viết sai chính tả các cặp từ có phụ âm đầu là “d” và “gi”. Ví dụ: hai từ “dâu da” và “giâu gia”, viết thế nào là đúng? Đáp án chính xác là “giâu gia: loài cây to ,cùng với họ cây trẩu, quả từng chùm, vị chua ”. Nhưng theo thói quen, nhiều người thường viết là “dâu da”, chứ ít khi viết “giâu gia”.

Trong quyển của Hoàng Phê, mục từ “dâu da” [tr.241] thì thấy viết: “dâu da” xem“giâu gia”. Lật tiếp sang mục từ “giâu gia” [tr.383] thì lại thấy ghi: “giâu gia” cũng viết “dâu da”: Cây to cùng họ với trẩu, lá hình bầu dục, quả tròn, mọc từng chùm, ăn hơi chua.”

Trong của Nguyễn Như Ý thì cũng thấy tình trạng tương tự, “dâu da” như “Giâu gia”.

Như vậy, theo cả hai cuốn từ điển trên, “dâu da” và “giâu gia” đều cùng tồn tại, và đều có thể sử dụng trong khi viết và nói, không có từ nào là “sai”, người dùng muốn viết cách nào cũng được. Hai từ “dâu da” và “giâu gia”, xét trên phương diện ngữ âm thì chúng phát âm giống nhau, cùng ghi âm đầu /z/, khi phát âm thì không phân biệt với nhau được, nhưng khi viết thì thể hiện bằng hai hình thức kí hiệu con chữ khác nhau: “d” và “gi”. Trong Tiếng Việt còn có những cặp phụ âm đầu khác cũng cùng chung tình trạng trên, như âm vị /k/ có lúc viết là “k”, có lúc viết là “c”, lúc khác lại viết là “q”. Hoặc như âm vị /γ/ tùy từng trường hợp có thể ghi bằng hai cách là “g”, “gh”. Hoặc như âm vị /ŋ/ có lúc ghi “ng”, có lúc ghi “ngh”.

Khảo sát riêng những từ có phụ âm đầu là “d/gi”, chúng tôi đã thống kê được đến hơn 50 từ có thể viết âm đầu là “d” hoặc “gi”. Ví như: dàn/giàn [mướp], [trôi] dạt/giạt, [đánh] dậm/giậm, dẫm/giẫm [đạp], [bờ] dậu/giậu, dở/ giở [chứng], [cơn] dông/giông, dội/giội [nước], [mài] dũa/giũa, [thư] dãn/giãn, [già] dặn/giặn, dong/giong [buồm]...

Đây có thể xem là hiện tượng “lưỡng khả” trong Tiếng Việt hiện nay, viết cách nào cũng đúng. Nguyên nhân có lẽ phải xét theo quan điểm lịch sử, có thể một trong hai từ là từ cổ, thường được sử dụng trước đây, nhưng theo thời gian cách viết phụ âm đầu có thay đổi, nên tồn tại cả hai cách viết.

Tiếp theo, có những trường hợp, vì biểu đạt ý nghĩa khác nhau mà sử dụng phụ âm đầu khác nhau. Ví dụ: da – viết “d”- với các nghĩa có liên quan tới “ da thịt”, “da diết”, “ma da”, “cây da”. Ở đây chúng ta thấy “da thịt”, “da diết”, “cây da” đều là những từ thuần Việt. gia – viết “g”- trong các trường hợp còn lại, với các nghĩa là “nhà”, như: gia đình, gia súc, gia cầm..., chỉ “người có học vấn, chuyên môn” : chuyên gia, chỉ nghĩa “thêm”: gia vị. Chúng tôi thấy rằng “gia đình”, “ chuyên gia”, “ gia vị”đều là từ Hán Việt.

Trong quá trình tra cứu từ điển chúng tôi phát hiện phụ âm “gi” không bao giờ kết hợp với âm đệm, tức là “gi” không đứng trước các âm : oa, oăn, oan, uy, uyên, uê,vậy nên khi gặp các vần này chúng ta sẽ dùng “d”. Ví dụ: doạ nạt, nổi dóa, hậu duệ, vô duyên, kiểm duyệt, duy trì, duyên số, doăn doắn...

Nói tóm lại ,để viết đúng chính tả , chúng ta nên ghi nhớ cách viết của mỗi từ có âm đầu là /z/ , đồng thời hãy chuẩn bị một cuốn Từ điển Tiếng Việt. Vì “Cách ghi “d” và “gi” khác nhau trong những từ cụ thể, không thể đúc rút thành quy luật chính tả được, nó liên quan đến vấn đề từ vựng học và hơn nữa “d” và “gi” có khả năng tồn tại những lí do lịch sử riêng.

By: Bích Tiệp

Video liên quan

Chủ Đề