Chính sách phát triển du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng không chỉ mang lại giá trị kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Để phát triển bền vững, du lịch cộng đồng cần thêm nhiều nguồn lực, nhất là sự chung tay của chính quyền và người dân.

Du khách trải nghiệm gặt lúa cùng người dân huyện Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Dung

Với 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, Bình Liêu là một trong những địa phương tiêu biểu phát triển được nhiều mô hình du lịch cộng đồng mang bản sắc của địa phương. Trong đó phải kể đến việc duy trì hiệu quả nhiều hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch thường niên, như: Ngày hội Kiêng gió, hội hát Soóng cọ, lễ hội đình Lục Nà, hội hoa sở, hội mùa vàng... Cùng với đó, trên địa bàn cũng đã hình thành các cơ sở lưu trú, homestay đặc sắc, có dấu ấn riêng biệt, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm nét sinh hoạt cộng đồng của bà con để hiểu hơn giá trị, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu...

Theo ông Hoàng Huy Trọng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện: Khi du lịch mở cửa trở lại sau dịch Covid-19, huyện Bình Liêu đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, thu hút đông người dân và du khách. Có thể kể đến: Hội Soóng cọ 16/3 âm lịch của người Sán Chỉ tại Húc Động; chuỗi sự kiện kích cầu, phục hồi du lịch dịp 30/4 và 1/5 với ngày hội di sản then Tày, hội Kiêng gió, Đại hội thể dục thể thao. Ước tính lượng khách đến du lịch trong thời gian tổ chức các sự kiện kích cầu, phục hồi đạt gần 16.200 khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. 5 tháng đầu năm, số khách đến Bình Liêu đạt gần 27.200 lượt người, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 14 tỷ đồng.

Tại Tiên Yên, vùng đất ngã ba sông vừa thuận lợi về giao thông, vừa hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh đặc sắc, khác biệt có nhiều triển vọng xây dựng nên các sản phẩm thú vị, kích thích sự phát triển của du lịch cộng đồng. Đặc biệt, huyện đã chủ động triển khai và thực hiện các đề án bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, như: Đề án xây dựng chợ phiên văn hóa vùng cao xã Hà Lâu; làng văn hóa dân tộc Tày [thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ]; phục dựng Lễ hội đình Đồng Đình [xã Phong Dụ]; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu [xã Hải Lạng]...

Phố đi bộ Tiên Yên thu hút đông người dân và du khách. Ảnh: Công Thành

Tiên Yên còn đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó đầu tư gần 10 tỷ đồng hoàn thành tuyến đường mòn, các điểm nhấn cảnh quan của thác Pạc Sủi; mở rộng đường vào xã đảo Đồng Rui; đưa Trung tâm văn hóa - thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tại Tiên Yên với tổng diện tích trên 9ha vào hoạt động. Cùng với đó, nâng cấp chỉnh trang phố đi bộ Tiên Yên; quy hoạch, giải phóng mặt bằng các di tích lịch sử, đền thờ; phục dựng, nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống...

Ngoài các địa phương trên, toàn tỉnh có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch, có điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, các mô hình du lịch cộng đồng vẫn còn khá manh mún, chưa được phát triển bài bản, chuyên nghiệp để tương xứng với tiềm năng và các giá trị văn hóa của địa phương. Đặc biệt, ở khu vực miền núi do đặc điểm địa hình khiến việc làm đường giao thông đến một số thắng cảnh du lịch tự nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa chuyên nghiệp, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong khi đó, việc kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư, tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ để phục vụ phát triển KT-XH nói chung còn hạn chế. Cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch chưa rõ nét. Bên cạnh đó, văn hóa bản địa, nhất là các giá trị truyền thống của các dân tộc, như: Nhà cổ, nét văn hóa, sinh hoạt bản địa, trang phục… đang bị mai một.

Để khắc phục những mặt còn hạn chế, phát huy mạnh mẽ lợi thế du lịch cộng đồng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4839/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu của đề án hướng đến: Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; phát huy giá trị các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân, đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững. Trong đó, đặc biệt quan tâm thực hiện theo hướng đa dạng và chuyên nghiệp, không mang tính cạnh tranh lẫn nhau và phải có tính liên kết, kết nối chặt chẽ thông qua sự hấp dẫn của những sản phẩm đặc thù, đặc trưng riêng, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển...

Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và 1,1 lượt khách quốc tế tham gia du lịch cộng đồng với tổng thu từ hoạt động du lịch cộng đồng đạt 6.000 tỷ đồng và tạo ra 4.200 việc làm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai du lịch cộng đồng, quan tâm đến chính sách hỗ trợ hạ tầng, đào tạo nghề, hình thành sản phẩm du lịch. Đặc biệt, phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương nghiên cứu kỹ các mức hỗ trợ ở từng hạng mục cụ thể như: Đường đi lại, nhà vệ sinh, cảnh quan, điểm dừng chân, bãi đỗ xe…; quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; khảo sát ý kiến các hộ dân tham gia. Bên cạnh đó, xây dựng chiến dịch truyền thông cho các địa điểm du lịch cộng đồng; có chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp, hãng lữ hành…

Theo quangninh.gov.vn

Cùng với các sản phẩm du lịch truyền thống như: du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa lịch sử - tâm linh... sản phẩm du lịch cộng đồng ngày càng khẳng định được sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế. Trong vài năm trở lại đây, sản phẩm du lịch này đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện yếu tố mùa vụ, là sản phẩm được định hướng phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Thanh.

Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông [Bá Thước] được đông đảo du khách đánh giá là điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn.

Cho đến nay, nếu chỉ ra một điểm đến có thể đại diện cho thương hiệu du lịch cộng đồng xứ Thanh, chắc hẳn Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông [Bá Thước] là cái tên làm hài lòng đông đảo du khách. Trong những năm qua, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông đã được đầu tư cơ bản về cơ sở hạ tầng, giao thông thuận tiện, đây chính là cơ sở quan trọng giúp địa phương thu hút được các nhà đầu tư lớn. Đến nay, nhiều khu nghỉ dưỡng nổi tiếng như: Puluong Retreat; Puluong Treehouse; Pù Luông Eco Garden; Puluong Casa Resort; The Palm Puluong Homestay & Restaurant; Ebino Pù Luông Resort and Spa; Puluong Natura Bungalows; Ciel De Puluong; Pu Luong Jungle Lodge... đã trở thành điểm đến hấp dẫn, quen thuộc cho mỗi kỳ nghỉ của du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, những homestay gọn gàng, sạch đẹp cũng góp phần mang đến cho du khách thêm nhiều trải nghiệm về cuộc sống, văn hóa người dân bản địa. Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, quản lý điểm đến cũng như phát huy giá trị bản sắc văn hóa, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông dần trở thành điểm đến 4 mùa, được du khách đánh giá an toàn - thân thiện - hấp dẫn.

Hơn 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 cũng đã làm thay đổi xu hướng lựa chọn sản phẩm, điểm đến của khách du lịch. Phần lớn, khách chọn đi du lịch ngắn ngày, đi theo nhóm nhỏ, lựa chọn sản phẩm nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên, tìm đến không gian thoáng đãng, trong lành. Theo đó, cùng với Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, một số điểm du lịch cộng đồng khác như: bản Bút [Quan Hóa], bản Mạ [Thường Xuân], bản Năng Cát [Lang Chánh]... tiếp tục là điểm đến thu hút được đông đảo du khách. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch [VHTTDL], nếu như năm 2017 du lịch cộng đồng mới chỉ thu hút được 300 nghìn lượt khách thì đến năm 2021 loại hình du lịch này đã thu hút tới 730 nghìn lượt khách tham quan [chiếm 22% tổng lượng khách toàn tỉnh năm 2021].

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song trong tương quan so sánh với các sản phẩm du lịch truyền thống, du lịch cộng đồng vẫn là sản phẩm chiếm tỷ lệ không lớn trong cơ cấu lượng khách đến Thanh Hóa. Hiện nay, sản phẩm du lịch cộng đồng chủ yếu thu hút khách du lịch từ các tỉnh phía Bắc, thị trường khách hẹp, khả năng cạnh tranh ở mức trung bình, việc liên kết và thúc đẩy các sản phẩm khác hạn chế... Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng khu vực miền núi còn thiếu, nhất là đường giao thông kết nối nội vùng và ngoại vùng chưa đồng bộ; các dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, y tế, thông tin liên lạc, điện nước... còn nhiều hạn chế, bất cập; nguồn nhân lực còn hạn chế về trình độ và kỹ năng nghề... Đây là những hạn chế cơ bản khiến du lịch cộng đồng tại các địa phương chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Vương Thị Hải Yến cho biết: Với xu hướng phát triển du lịch xanh, trong thời gian tới du lịch cộng đồng sẽ là sản phẩm du lịch chiếm ưu thế. Dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh Thanh Hóa có đủ điều kiện để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm đặc trưng. Để làm được điều đó, ngay từ ban đầu cần làm tốt công tác quy hoạch và quản lý điểm đến. Việc tập trung quản lý điểm đến sẽ hạn chế đầu tư sai quy hoạch, phá vỡ cảnh quan, đảm bảo môi trường tự nhiên và xã hội; giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống. Mặt khác, chú trọng khai thác các yếu tố đặc trưng, có tính khác biệt, tạo điểm nhấn của mỗi địa phương để tránh sự đơn điệu, trùng lặp, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá cũng sẽ được tập trung đẩy mạnh nhằm thu hút đầu tư vào các huyện miền núi, tạo điểm nhấn, hình thành “đầu tàu” dẫn dắt cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch cộng đồng.

Cũng theo bà Vương Thị Hải Yến, việc hướng dẫn cộng đồng dân cư bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống là yếu tố cần đặc biệt chú trọng khi phát triển du lịch cộng đồng, trên cơ sở tránh làm tổn hại đến cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa, mặt khác phát huy các giá trị cốt lõi để tạo ra những trải nghiệm khác biệt, dịch vụ tinh tế, chuyên nghiệp, thân thiện tại mỗi điểm đến. Đối với các doanh nghiệp, các khu nghỉ dưỡng, bên cạnh việc cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống cần tăng cường bổ sung các sản phẩm bổ trợ như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cung cấp thực phẩm có khả năng chữa bệnh, mỹ phẩm tự nhiên, spa... từ nguyên liệu tự nhiên, sẵn có của địa phương. Sở VHTTDL sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng. Đặc biệt, chú trọng bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, trở thành sản phẩm nổi bật, có lợi thế cạnh tranh của du lịch Thanh Hóa.

Theo Báo Thanh Hóa

Video liên quan

Chủ Đề