Đánh giá phân tích hai đứa trẻ học sinh giỏi

Tài liệu trên đây do HocThatGioi chọn lọc và tuyển chọn , là nguồn tài liệu tham khảo cần thiết và bổ ích giúp học sinh có thể nắm vững kiến thức quan trọng của tác phẩm. Nếu thấy hay hãy chia sẻ cho bạn bè cũng tham khảo nhé!. Chúc các bạn học tốt!

Nhà văn Amatop từng nói: “Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc”. Thật vậy! Khi ta đọc một tác phẩm chân chính mang đầy giá trị, ta sẽ có những ấn tượng, những cảm xúc mạnh mẽ bởi những điều độc đáo, đặc sắc trong tác phẩm ấy mà nhà văn sáng tạo nên. Có rất nhiều tác phẩm văn chương hay mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc nhưng có lẽ ít có tác phẩm nào khiến người đọc ấn tượng và lưu luyến nhiều như “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam bởi khi đọc những dòng văn dịu dàng ấy, ta cảm thấy như “cả thế giới ngưng đọng lại” thời gian ngừng trôi chảy và cảm xúc thì vẫn cứ mãi dạt dào da diết.

Chắc hẳn ai trên đời cũng sẽ có một giây phút nào đó cảm thấy nhịp sống như dừng lại, dòng chảy thời gian nhưng đọng lại trong một khoảnh khắc nào đó. “Cả thế giới ngưng đọng” không phải là khi đồng hồ ngừng quay, vạn vật đứng yên không chuyển động mà đó là khi không gian và thời gian xung quanh khiến ta cảm thấy lòng mình như lắng xuống, tĩnh lặng. Cảm giác quả thật là một thứ mơ hồ và khó diễn tả. Trong văn Thạch Lam, điều đó lại càng khó diễn tả hơn nữa. Thường thì đối với cuộc sống con người, cảm giác mọi thứ như dừng lại là khi con người đang trong một cảm xúc ở một khoảnh khắc nào đó rất đặc biệt, mang những cảm xúc cũng đặc biệt, mãnh liệt. Còn trong tác phẩm văn chương, việc tạo nên những bối cảnh, khoảnh khắc mà người đọc cảm nhận được “cả thế giới ngưng đọng lại” quả thật là điều không dễ dàng.

Xây dựng không gian và thời gian trong tác phẩm là một yếu tố quan trọng làm nên chiều sâu cho sáng tác của người nghệ sĩ. Không gian và thời gian trong tác phẩm nói lên những tâm tư, suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật mà nhà văn mốn ngầm bộc lộ. Nếu như không gian chật hẹp, tù túng thể hiện những cảm xúc mãnh liệt, rõ ràng, không gian có phần mênh mông, rộng mở, cảm xúc của nhân vật sẽ đong đầy, da diết. Chọn thời gian phù hợp cũng sẽ tạo nên cảm xúc trong lòng người đọc, tùy vào thời điểm sáng, trưa, chiều, tối hoặc bốn mùa xuân, hạ, thu, đông mà tác giả lựa chọn để vẽ nên bối cảnh cho tác phẩm.

Mỗi tác phẩm có một điểm nhấn khác nhau nhưng có lẽ lựa chọn không gian, thời gian cho tác phẩm của mình mà khiến “cả thế giới như ngưng đọng” thì quả thật không phải ai cũng làm được như Thạch Lam. Con người Thạch Lam rất đôn hậu, hiền hào có lẽ vì vậy mà văn Thạch Lam cũng rất đỗi dịu dàng và nhẹ nhàng như thế. Nó như một mặt hồ trông có vẻ rất yên bình, phẳng lặng nhưng thực chất lại có muôn vàn những con sóng nhỏ lăn tăn không ngừng nghỉ. Các tác phẩm của Thạch Lam mặc dù êm ái, dịu dàng quá đỗi nhưng luôn chứa những cảm xúc rất dạt dào khiến trái tim người đọc rung động và thổn thức. “Hai đứa trẻ” là một tác phẩm mang những cảm xúc nồng nàn như thế, từng câu chữ trong “Hai đứa trẻ” đều thấm đẫm chất thơ, chất trữ tình, cách lựa chọn bối cảnh không gian, thời gian tuy không có gì là quá lạ lẫm và đặc biệt nhưng lại đem đến ấn tượng sâu sắc khiến người đọc cảm giác như cả thế giới ngưng đọng trong tác phẩm của Thạch Lam.

Người đọc bồi hồi trước một khung cảnh phố huyện lúc chiều tà thật buồn và nhẹ nhàng. Buổi chiều muộn đó được bắt đầu bằng “tiếng trống thu không” trên chòi canh vọng lại giữa một vùng khoogngian đang ngả bóng tối. Buổi chiều ở khu phố huyện yên ắng đến mức có thể nghe được tiếng ếch nhái từ đồng ruộng, tiễng muỗi vo ve trong gian hàng. Mọi biến chuyển của cảnh vật được nhân vật Liên cảm nhận rõ nét qua từng giác quan. Thạch Lam đã vẽ nên một bức tranh cảnh phố huyện lúc chiều tà có động mà như đang tĩnh bởi đó là những thay đổi rất nhẹ, rất khẽ nơi cảnh vật. Không gian rộng mở, từ dãy núi, rặng tre, cánh đồng đến gian hàng bé nhỏ của chị em Liên. Ta cảm thấy thời gian đang trôi chầm chậm và cnahr vật cũng thay đổi từ từ theo biến chuyển của thời gian. Mọi sắc thái xung quanh được thu lại vào trong tầm mắt của cô bé Liên với ánh nhìn đượm buồn. Đọc đoạn văn này, người đọc bỗng trào lên một nỗi buồn, nỗi cô đơn nhưng lại có gì đó êm đềm và bình lặng. Cảm xúc như lắng đọng, cảnh vật cũng lắng đọng, chẳng có lẽ mới mở đầu thiên truyện mà Thạch Lam đã khiến người đọc có một thứ cảm xúc hỗn độn như vậy chỉ vì những cảnh vật đang nhuốm màu của ngày tàn kia và điều này cũng thể hiện được cho người đọc thấy rằng một dòng cảm xúc xuyên suốt tác phẩm này sẽ là man mác và hỗn độn như thế.

Thạch Lam xây dựng truyện ngắn “Hai đứa trẻ” bằng những tình tiết rất chậm, thậm chí ta cảm thấy có lúc không gian như dừng lại cho chúng ta nhìn ngắm những khung cảnh trong tác phẩm. Trước cảnh ngày tàn như thế, Liên đã mải mê ngồi nhìn ngắm cảnh phố huyện lúc vãn chợ vào chiều tàn mà quên cả dọn hàng cho mẹ. “Chợ họp đã vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”, phố huyện đã hết những tiếng huyên náo của người mua, người bán, thay vào đó là sự im lặng, buồn bã. Mọi thữ như ngưng đọng lại qua con mắt của Liên. Đó là những “rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía trên đất”, đó là mùi âm ẩm của đất bốc lên, mùi của quê hương, của nơi mà Liên đang sống. Liên còn trông thấy những người bán hàng về muộn đang thu xếp hàng hóa nhưng còn đứng nói chuyện với nhau ít câu. Nhịp sống thật chậm rãi, có gì đó thoáng buồn, nỗi buồn của cái nghèo, cái đói, nỗi buồn của sự thương cảm cho những kiếp người cùng khổ. Ta cảm thấy mọi thứ như dừng lại nhưng thực ra thời gian đang trôi chảy, có lẽ bởi Thạch Lam đưa người đọc vào những cảm xúc êm đềm quá, sâu lắng quá khiến ta chẳng còn bận tâm đến thời gian nữa. Liên ngồi ngắm nhìn phố và thấy mọi thứ như một thước phim quay chậm. bắt đầu từ cảnh vật nhuốm màu của đêm tối đến con người làm việc cũng chậm rãi, từ từ.

Trong cả tác phẩm, có rất nhiều lần Liên đã trầm tư suy ngẫm nhìn ngắm cảnh vật và mỗi lần như thế là một lần thế giới như ngưng đọng lại. Trong toàn bộ thiên truyện, đoạn mang những cảm xúc sâu sắc nhất, khó diễn tả nhất và cũng là đoạn cho thấy cả thế giới như ngưng đọng lạo thực sự có lẽ là đoạn hai chị em dọn hàng xong và ngồi đợi chuyến tàu đêm chạy qua nơi phố huyện. Trên chiếc chõng tre đã cũ, ngồi xuống đã nghe tiếng ọp ẹp, Liên và An đã ngồi bên nhau nhìn ngắm phố huyện khi trời đã bắt đầu về đêm. Đọc đoạn văn này, tôi xao xuyến và nhớ lại nhwungx ngày còn bé được ở với bà. Vào những đêm bố mẹ tôi bận việc, tôi ngủ cùng bà, nhà bà cách xa đường phố, ở một khu dân cư nghèo gần đồi nương. Những đêm sáng trăng, bà và tôi ngồi hóng gió ngoài hiên nhà, ngửi hương hoa ngọc lan thơm ngào ngạt và chỉ cho tôi thấy những vì sao lấp lánh trên bầu trời. Khi đọc đến đoạn này của “Hai đứa trẻ”, Thạch lam thực sự đã cho tôi sống lại những kí ức tươi đẹp đó.

Thạch Lam cứ nhẹ nhàng và dịu dàng như thế nên chẳng có gì khó hiểu khi người đọc lại dâng trào những cảm xúc bâng khuâng đến vậy. Ngay cái cách Thạch Lam đi vào vấn đề cũng rất nhẹ nhàng, nó như một bàn tay ấm áp khẽ nắm lấy một bàn tay khác đang run lên vì quá lạnh. “Trời đã bắt đầ đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng gió mát”. Câu văn thật chậm, dường như mọi thứ đã dừng lại trong con mắt của Liên. Cách tả của Thạch Lam cũng thật gợi cảm: “một đêm mùa hạ êm như nhung”, có cái gì đó rất êm đềm và quá đỗi yên bình. Hiện lên trước mắt người đọc một bức tranh với gam màu tối sẫm, đường phố và những con ngõ nhỏ bị bao trùm bởi một bức màn đen huyền bí. Ở con phố nhỏ hẹp ấy, các nhà đã đóng cửa im ỉm hết trừ một vài nhà hàng còn thức, buồn và thật ảm đạm. Cả thế giới thu lại trong con mắt ngây thơ của hai chị em Liên và An, trong ánh mắt ấy hiện lên hình ảnh của những kiếp người lầm lũi đang đi về trong đêm tối, từ từ, chầm chậm, hiện lên hình ảnh những đứa trẻ con họp nhau ở ngoài thềm, cười nói vui vẻ và một nền tối sẫm phủ lên vạn vật nơi phố huyện.

Trên cái chõng tre ọp ẹp ấy, chị em Liên đã thu vào tầm mắt một không gian lấp lánh đầy sao lung linh trên bầu trời. Người đọc tưởng tượng ra một bức tranh thật đẹp với hai đứa trẻ đang ngước đầu và chỉ tay lên bầu trời đầy sao. Hai đứa trẻ lặng im nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông. Có gì đó thật ngây thơ và trong sáng. Thạch Lam làm dậy lên trong ta những kí ức tuổi thơ thật sống động và đẹp đẽ. Chị em Liên ngồi trên chõng tre mà nhìn ngắm vũ trụ bao la, rộng lớn kia. Vũ trụ ấy thăm thẳm, bao la và đầy bí ẩn còn lòng trẻ thơ thì non nớt, khờ dại. Chúng nhìn bầu trời và nghĩ điều gì đó mông lung lắm, không rõ là gì nữa và người đọc bất giác cũng bâng khuâng, bồi hồi theo dòng cảm xúc mơ hồ ấy. Bầu trời ấy tối đen thăm thẳm làm “mọi ý nghĩ” của chúng cũng như tương lai phía trước thật mờ mịt và vô định khiến cả hai chị em không muốn nghĩ đến nữa. Hết ngắm nhìn bầu trời, Liên và An cúi nhìn về mặt đất, ngừng lại những mơ tưởng xa xăm. Liên và An trở lại với thực tại buồn tẻ với “quầng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí”. Có chút gì thoáng buồn nhưng cái buồn đó không dữ dội, không rõ ràng , nó chỉ thoang thoảng, cảm xúc cũng rất mơ hồ. Trong một khoảng không gian xung quanh chiếc chõng tre nhỏ ấy, cùng một khoảng thời gian trôi chầm chậm ấy, dường như mọi thứ đã ngưng đọng lại, không một âm thanh, tiếng động, không gian hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ có những khoảng sáng tối đan xen nhau.

Thạch Lam không tạo nên những xung đột dữ dội mà ông tạo điểm nhấn cho tác phẩm của mình bằng những đoạn văn có chiều sâu lắng đọng trong lòng người đọc như thế. Cả thiên truyện, ồn ào nhất có lẽ là cảnh đoàn tàu chạy qua phố huyện cũng là đoạn nhiều âm thanh, ánh sáng nhất nhưng lại chỉ xảy ra thoáng chốc, vụt đến rồi lại vụt đi. Trước đó, không gian được tác giả đưa ra chỉ xoay quanh gian hàng nước bé nhỏ của chị Tí, manh chiếu của gia đình bác Xẩm và ngọn đèn của Liên. Chừng ấy kiếp người lầm lũi trong bóng tối của đem và nghèo đói, lạc hậu. Còn hai chị em Liên và An thì ngồi lặng im trên chõng không chỉ để cảm nhận mọi biến chuyển của vạn vật trong không gian mà còn mơ tưởng về những hồi ức tươi đẹp trước kia. Thạch Lam đã dành một đoạn văn để viết về những suy nghĩ của Liên , những lắng đọng trong tâm hồn Liên trước cảnh đêm tối buồn tẻ ở phố huyện. Người đọc như cũng bị cuốn theo những koaif niệm mông lung ấy, những cảm xúc đầy tiếc nuối và mơ hồ. Trước cảnh sống nghào khổ, thiếu thốn, tù túng, Liên nhớ về những tháng ngày vàng son sung túc khi ở Hà Nội, được hưởng những “thức quà ngon lạ”, “được đi chơi bờ hồ”, “uống những cốc nước lạnh xanh đỏ”. Trong tâm trí cô bé hiện lên hình ảnh Hà Nội sầm uất và nhiều đèn sáng lấp lánh. Người đọc cảm thấy lòng trùng xuống, buồn và tiếc nuối khi đặt mình vào dòng suy tưởng của Liên bấy giờ. Không gian nhỏ hẹp, thời gian cứ trôi mà chẳng xác định được là mấy giờ vì bóng tối vẫn cứ bao phủ như thế. Cảnh sống tù đọng, Thạch lam đã tạo nên từng chút buồn, từng chút lưu luyến, từng chút tiếc nuối giữa sự ngưng đọng đó như vòi nước bị gỉ cư từng giọt, từng giọt và chẳng mấy chốc đã ứ đầy.

Theo dòng hồi tưởng của Liên, người đọc tiếp tục lắng lòng với sự im lặng của cô bé khi đoàn tàu đã đi qua phố huyện. Thạch Lam tiếp tục vẽ nên một bức tranh nữa mà trong bức tranh đó nổi lên hình ảnh hai đứa trẻ nắm tay nhau trong màn đêm tối tăm đang nhìn về phía một đốm sáng dần khuất sau lũy tre làng. Có gì đó thật sự lắng lại! Liên đã không đáp lại câu hỏi ngô nghê của em: “Tàu hôm nay không đông chị nhỉ?” mà lặng im “theo mơ tưởng”. Cô đang nghĩ về Hà Nội xa xăm “Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”. Không chỉ Liên mà người đọc cũng cảm nhận được rằng chuyến tàu đi qua mang một thế giới hoàn toàn khác với âm thanh, ánh sáng khác hẳn với thực tại nơi phố huyện. Rõ ràng đây là nỗi buồn, là sự tiếc nuối và có phần chán nản thực tại khi Liên lại quay về với đêm tối của đất quê “và ngoài kia đồng ruộng mênh mang và yên lặng”. Liên vẫn lắng tai nhưng không nghe thấy tiếng vang động của tàu hỏa nữa. Sao trên trời vẫn sáng lấp lánh, đêm đã khuya, gió “đã thoáng lạnh và đom đóm không còn nữa”. Kết thúc truyện vẫn là sự im lặng và bóng tối ngập đầy.

“Hai đứa trẻ” là truyện ngắn thẫm đẫm chất thơ, chất trữ tình. Thạch lam cứ thủ thỉ, cứ tâm tình khiến cho lòng ta hoài xao xuyến, bồi hồi và cho đến khi tác phẩm đã kết thúc, người đọc vẫn không thể thoát khỏi trạng thái bâng khuâng, mơ hồ. tạo điểm nhấn cho tác phẩm của mình bằng việc xây dựng những chi tiết, những đoạn văn đầy cảm xúc và suy tư, chẳng có gì khó hiểu khi nói rằng “Cả thế giới ngưng đọng trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam” cả.

Có một điều không thể phủ nhận rằng lần nào đọc “Hai đứa trẻ” tôi đều cảm thấy buồn, tiếc nuối và trộn lẫn những cảm xúc hết sức khó tả. Không những cả không gian và thời gian trong truyện ngưng đọng mà ngay khi tôi thưởng thức truyện ngắn này, tôi cũng cảm thấy mọi thứ cũng ngưng đọng lại. Chính vì điều này mà “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam xứng đáng trở thành tác phẩm tạo nhiều cảm xúc và ấn tượng nhất trong lòng người đọc.