Đề tài trang trí trên gốm là hoa sen và hoa cúc cách điệu

Hoa văn trang trí được tạo bằng nét chìm và tô nâu; đó là đặc điểm nổi bật của bút pháp trang trí gốm hoa nâu thời Lý – Trần. Họa tiết được bố cục thành những mảng to trên nền thoáng: đó là phong cách trang trí tiêu biểu cho gốm hoa nâu. Những điều vừa nói, chúng ta càng thấy rõ khi đem so sánh với gốm hoa lam.

Để tìm hiểu nghệ thuật trang trí gốm hoa nâu, hãy đi vào các mặt cấu thành của nó: nội dung hoa văn, bố cục trang trí, cách sử dụng đường nét và xây dựng hình tượng, nghệ thuật màu sắc…

Nội dung hoa văn trên gốm hoa nâu

Trên đồ gốm đất nung trước Lý – Trần, phần lớn hoa văn là các hình hình học như răng lược, ô vuông, nan thúng, nan chiếu, tổ ong, quả trám, đường chỉ chìm hay nổi, làn sóng, xoắn ốc… Còn các phương pháp tạo hoa văn là: chải, rạch, đập, in, ấn, ghép… Cũng đã có một vài mẫu hoa văn lá, hết sức đơn giản, không chứa nội dung chủ đề rõ rệt.

Đến gốm hoa nâu Lý – Trần, nội dung hoa văn trở nên hết sức phong phú, gần gũi hiện thực, phần nào phản ánh được thiên nhiên và con người trong cuộc sống.

Gốm hoa nâu thường có hình ảnh hai con rồng ở mặt chiếc khiên của hai lực sĩ giao đấu, hầu như không có hình rồng, phượng, kỳ lân, rùa trên gốm hoa nâu, mặc dù những hình ảnh này lại rất phổ biến trên gốm hoa lam của các thế kỷ sau. Đây là một nét độc đáo của gốm hoa nâu.

Mô típ thông dụng nhất trên gốm hoa nâu là hình cây nhỏ mới nảy mầm. Hoa văn này thường giống nhau, tùy theo kích thước của sản phẩm mà hoa văn này được vẽ to hay nhỏ cho bố cục hòa hợp.

Cũng có hoa văn hình hoa sen, hoa súng, hoa thị hay hoa chanh, một vài tác phẩm có hình hoa uốn lượn trên sóng nước, những hoa văn này thường được trang trí hết sức giản dị trên bề mặt sản phẩm.

Đặc biệt trên các loại liễn, trên bề mặt liễn thường xuất hiện một kiểu hoa trông gần giống như bông huệ.

Đối với các hoa văn hình chim muông, thường gặp nhất trên gốm hoa nâu là các con vật lông vũ như cò, thước, công. Hoa văn sinh động, nét vẽ khái quát nhưng mô tả được tính cách của từng loài.

Đáng chú ý, các hoa văn hình chim bao giờ cũng được biểu hiện ở tư thế đang đi, hoặc đứng. Không tìm thấy họa tiết chim bay trên gốm hoa nâu và điều này hoàn toàn ngược lại với cách vẽ chim trên đồ gốm hoa lam. Điều này được lý giải do các nghệ nhân thời đó thường ưa chuộng hoa văn sinh động, dáng đi, đứng của chim sẽ cho hình ảnh sinh động hơn là bay.

Họa tiết hình cá thường thấy có cá chép, cá mương và tôm. Hoa văn vẽ cá thường là một đàn nối đuôi nhau bơi lội trong các ô trang trí

Một số sản phẩm gốm hoa nâu còn có những họa tiết như cảnh voi đuổi hổ, hổ vờn nhau, dựa theo các câu truyện dân gian từng vùng. Hay các họa tiết mô phỏng hoạt động, trò chơi dân gian như đấu giáo, đấu vật, hình người vận khố, đầu quấn khăn, nét vẽ mô tả cơ bắp gân guốc sinh động, nhưng còn có chút vụng về.

Nghệ thuật xây dựng hình tượng trên gốm hoa nâu

Các họa tiết trên gốm hoa nâu trả lại cho chúng ta những chủ đề thân thuộc với người Việt. Đây là hình ảnh của cuộc sống hàng ngày, mà người thợ gốm thời Lý – Trần đã thuộc lòng. Cho nên, khi vẽ lên mặt gốm, họ không hề sao chép vụng về những hình mẫu có sẵn, trái lại, cứ dựa trên những gì đã đọng lại trong ký ức và tâm khảm, lấy đà cảm hứng từ đất mà có bắt cái thần của sự vật bằng những nét điển hình, chọn lọc, hết sức tiết kiệm. Những lá, hoa, chim muông hiện lên, đầy sức sống, rất thực nhưng lại là những họa tiết hoàn chỉnh, vì đã được chắt lọc.

Đặc điểm 1: Hoa và động vật chủ yếu được nhìn dưới hai góc độ: nhìn nghiêng và nhìn chính diện từ trên xuống. Hai góc độ này giúp người nhìn lọc ra đặc điểm bao quát của đối thể, để rồi trình ra đặc điểm ấy dưới dạng đơn giản nhất, mà vẫn không bỏ qua các chi tiết có nghĩa, đồng thời bảo đảm được tính trang trí cao. Được vậy, là vì hai góc độ nói trên khai thác được hết khả năng trang trí của quy luật đối xứng qua trục, cũng như đối xứng quay, vốn đã được sử dụng một cách thành thục trên gốm đất nung và trên trống đồng.

Việc tạo hình dưới hai góc độ nghiêng và chính diện còn cho phép nâng hiệu quả các đặc điểm riêng của sự vật thông qua những nét rất tiết kiệm, mà cũng rất trang trí. Thế mạnh này là hết sức cần thiết trong trường hợp tạo hoa văn bằng nét.

Đặc điểm 2: các chi tiết thường được diễn tả một cách chân thật, giản dị, bằng những nét chọn lọc, hướng về điển hình hóa, nhằm vào đặc điểm của từng đối tượng, do đó ta dễ nhận ra từng loài hoa [sen, cúc…], từng loài vật [cò, thước, voi, hổ…], không hề lẫn, mặc dù đường nét hết sức cô đọng. Đặc điểm này, theo chúng tôi, nêu bật lên khả năng cảm thụ thiên nhiên của người trang trí gốm hoa nâu. Chính vì “cảm thụ” chứ không thuần “miêu tả”, mà dưới ngọn bút của họ, hình tượng thật sống động, tuy hiện lên dưới dạng cách điệu hóa, với tính trang trí cao. Nằm trong phong cách “cổ điển” của nghệ thuật Lý – Trần, hoa văn trên gốm hoa lam sau này, mà phong cách hướng về bay bướm, hoa mỹ, đến mức, có khi thật khó nhận cho ra “căn cước” của từng mô típ.

Đặc điểm 3: Trong bố cục, từng đồ án trang trí, do các họa tiết tạo thành, thiên về gợi ý hơn là sao chép. Muốn có một khoảng trời lồng lộng cho các lực sĩ đấu giáo, chỉ cần chừa lại bên trên một mảng rộng không trang trí. Muốn định vị bên hồ bầy chim đang kiếm ăn, chỉ cần một lá súng, một bông sen. Hổ đuổi voi trong khung cảnh nào? thì đây, một vài cành lá rủ xuống cũng đủ để gợi lên cảnh rừng.

Các họa tiết được trải ra trên một bình diện, không có lớp trước sau, mọi vật không bị thu nhỏ dần theo chiều sâu thấu thị, do đó mà các hình tượng được nêu bật, đồng thời tính trang trí càng được đề cao. Quả vậy, có trường hợp toàn bộ trang trí trên một sản phẩm là một bức tranh, nhưng bức tranh đó lại tuân thủ những quy tắc của một dải đồ án trang trí: voi đuổi hổ, chim tìm mồi…

Điều đáng lưu ý là họa tiết không bị lệ thuộc vào các tỷ lệ thực: bông hoa có thể to hơn con gà, chiếc lá bằng nửa con voi… tính trang trí chi phối bố cục, và các mảng được sắp xếp sao cho thuận mắt, chức không nhằm diễn tả kích thước của sự vật.

Đặc điểm 4: Trang trí trên gốm hoa nâu Lý – Trần tận dụng được khả năng ưu việt của đồ gốm nói chung: kết hợp được hình khối của điêu khắc với đường nét và màu sắc của hội họa, khai thác cả những thủ pháp của điêu khắc lẫn những thủ pháp của hội họa một cách nhuần nhuyễn. Điều vừa nói được thể hiện qua tương qan giữa nét chìm và màu sắc, ở đây là màu nâu và các độ đậm nhạt của màu nâu. Nếu chỉ có màu không thôi, thì các mảng mầu, dù mang những sắc độ khác nhau, cũng không thể nêu đầy đủ chi tiết của từng mô típ. Ngược lại, nếu chỉ có nét không thôi, dù là nét chìm, thì các mô típ, ít nhiều đã được cách điệu hóa, rất có khả năng trơ, cứng lại trên mặt gốm. Như vậy, nét chìm bổ sung cho màu nâu, và màu nâu tạo thêm sức sống cho nét chìm. Tác động tương hỗ giữa nét chìm và màu nâu là đặc điểm của gốm hoa nâu trên nền trắng. Nó cung cấp cho gốm hoa nâu một sắc thái riêng biệt, một chỗ đứng xứng đáng trong nghệ thuật gốm Việt Nam.

Đối chiếu với các loại gốm ra đời trước và sau gốm hoa nâu, ta thấy rằng cả gốm đất nung lẫn gốm hoa lam đều không gồm đủ hai yếu tố, hoặc thiếu màu, do đó quá thiên về điêu khắc, như trường hợp gốm đất nung, hoặc thiếu nét chìm, mà thiên về hội họa, như  trên gốm hoa lam.

Riêng về mặt tạo nét mà nói, người người làm gốm đất nung dùng dụng cụ để in, ấn, đạp hay vật cứng để vẽ rạch, khiến đường nét dù mạnh, vẫn thô, thì người thợ gốm hoa nâu lại có những dụng cụ riêng để vẽ lên xương đất những nét chìm vừa chủ động, vừa linh hoạt, phóng khoáng. Hãy so sánh kỹ hơn nữa nét chìm của gốm hoa nâu với nét chìm của gốm đất nung. Nếu nét chìm trên gốm đất nung thường mảnh, thành hai bên nét chìm đều nhau, thì trên gốm hoa nâu, nét có phần bè ra, nghĩa là rộng bề ngang, và thành một bên nét chìm hơi vuông cạnh, tức đứng thẳng, còn thành bên kia lại dốc thoai thoải, khiến nét chìm ăn nhập được với mặt ngoài của thân gốm. Các nét dài, càng về cuối, càng nhẹ dần, do đó cũng hòa vào thân gốm. Cần nói thêm rằng, độ sâu của từng nét không phải đồng đều từ đầu chí cuối, có chỗ sâu, chỗ nông, chỗ bỏ lửng, chỗ lẫn vào thân gốm, góp phần làm cho nét bút càng thêm tự do. Vì vậy, nét trên gốm hoa nâu có bè ra thật đấy nhưng lại mềm mại, biến hóa, sinh động. Thế là từ gốm đất nung đến gốm hoa nâu [và cả trên gốm men ngọc cùng thời], nét đã bước được một bước đáng kể, không giẫm chân tại chỗ, tuy vẫn là nét chìm, rất thích ứng với đồ gốm có men màu.

Các mảng tô nâu không hoàn toàn lệ thuộc vào nét, nghĩa là không nhất thiết tự hạn chế trong phạm vi đường khoanh của nét, đã thế lại chỗ dày, chỗ mỏng, chỗ đậm, chỗ nhạt, chỗ nhòe, chỗ bóng, khiến mô típ trang trí càng thêm sinh động, cứ thế mà ẩn hiện lung linh, có khi chính nhờ “lỗi nung” mà khoác thêm những vẻ đẹp bất ngờ. Có trường hợp họa tiết không được tô màu theo mảng mà theo nét chìm. Cũng có trường hợp người ta tô màu xong rồi mới tạo nét… Nói tóm lại, người ta trang trí gốm hoa nâu chủ động cả về nét lẫn màu.

Gốm hoa nâu và sự liên tưởng đến tranh dân gian

Ngắm đồ gốm hoa nâu thời Lý – Trần, chúng tôi không thể không liên tưởng tới tranh dân gian. Đồ gốm là khối tròn. Tranh là mặt phẳng. Hình trên khối tròn phụ thuộc vào những điều kiện khác với điều kiện của hình trên mặt phẳng. Ấy thế mà những mặt đồng nhất giữa đồ gốm hoa nâu và tranh dân gian là có thực. Hai hình thái nghệ thuật gặp nhau về hình tượng, cách dùng và phân bố mảng, và nhất là cách sử dụng nét để dựng hình.

Cả hai hình thái đều sử dụng lối bố cục thoáng, nhưng tập trung, để nêu bật chủ đề: hình tượng được quy thành những mảng lớn. Mảng và đường nét, trong cả hai trường hợp, khá đơn giản. Không gian được diễn tả không đi vào chiều sâu thực, mà hoàn toàn mang chất ước lệ. Chỉ cần một chi tiết để gợi, thế là đủ rồi.

Nếu như sân gạch và bình phong trên “đánh ghen” cũng đủ để nói lên sinh hoạt của một tầng lớp khá giả trong xã hội, thì trên gốm hoa nâu, một bông sen cũng gợi lên sông, nước, vài cành lá cũng gợi lên một khu rừng. Mảng và nét được đơn giản hóa đến cao độ; người vẽ tranh dân gian, cũng như người trang trí gốm hoa nâu, không tham chi tiết rườm rà.

Đặc biệt, cũng như tranh dân gian, đồ gốm hoa nâu lấy nét để xây dựng hình tượng. Nét to, khỏe, cứng cáp, đơn giản. Nét đơn viền những mảng màu lại để tạo nên hình dáng và tính cách của sự vật.

Gốm hoa nâu và tranh làng Hồ

Phải chăng giữa đồ gốm hoa nâu Lý – Trần và tranh dân gian làng Hồ, từng có ảnh hưởng qua lại? Phải chăng gốm hoa nâu vốn là tiền đề của tranh làng Hồ, hoặc đã cùng phát triển và từng tồn tại với tranh làng Hồ? Những câu nói này, dấy lên trong óc chúng tôi từ việc tìm hiểu gốm hoa nâu thời Lý – Trần, vô hình chung lại động đến một vấn đề đang được quan tâm: nơi và thời xuất hiện của tranh làng Hồ. Tất nhiên, đây chưa phải là lúc, và bài này cũng chưa phải là nơi để giải quyết vấn đề ấy. Dù sao, nêu lên những điểm giống nhau, về mặt bố cục cũng như hình họa, giữa nghệ thuật và kỹ thuật của gốm hoa nâu và tranh làng Hồ, cũng là góp vào hồ sơ của vấn đề trên những dữ kiện đáng cho ta suy nghĩ.

Gomsuu,

Video liên quan

Chủ Đề