Giải pháp chống rủi ro gia cho nông sản Việt Nam được mùa mất giá được giá mất mùa

Để giải quyết căn bản tình trạng rau quả được mùa, mất giá, theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, trước hết, đối với người nông dân cần phải có kiến thức về thị trường. Trước khi tiến hành trồng loại cây gì cần tìm hiểu kỹ về thông tin thị trường cũng như vấn đề quy hoạch của nó. Nông dân cần xem xét cây trồng của mình đã có nhiều vùng trồng chưa, tránh tính trạng sản xuất ồ ạt. Mặt khác, vai trò định hướng, tư vấn của ngành nông nghiệp và các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương cũng rất quan trọng. Các tổ chức đơn vị này cần thông tin tuyên truyền định hướng cho người dân về công tác quy hoạch, quản lý vùng trồng và vận động người dân thực hiện đúng quy hoạch, đồng thời đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về mặt thị trường cũng như các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nông dân cần phải hình thành ngay thói quen tìm thị trường hoặc tìm các hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi sản xuất.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội chiều ngày 7/6.

Cần sự vào cuộc của địa phương, nông dân và doanh nghiệp

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Hoa Ry [Bạc Liêu] về tình trạng vật tư nông nghiệp tăng vào mùa vụ sản xuất, điệp khúc được mùa mất giá đến bao giờ hết, người dân còn loay hoay trong việc tìm kiếm cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ ông "sợ nhất" câu hỏi "đến bao giờ" được nêu tại Quốc hội, song khẳng định, Bộ trưởng không thoái thác trách nhiệm. Với tư cách là Tư lệnh ngành nông nghiệp, Bộ trưởng sẽ làm hết sức mình để giải quyết vấn đề trên.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong bối cảnh điều hành nền kinh tế thị trường, chiến lược từ trên xuống dưới mà tổ chức thực hiện từ dưới lên trên, nếu có sự vào cuộc, sự năng động của chính quyền địa phương, sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm.

Dẫn câu chuyện nông sản của một số địa phương như cà rốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, quả vải ở Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, khi các địa phương, lãnh đạo địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại, hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu của nông sản địa phương, mang một lời hiệu triệu cho các doanh nghiệp về để kết nối với nông sản của mình.

Nhắc lại câu nói của một lãnh đạo Hải Dương"đất đai Hải Dương manh mún nhưng dứt khoát tư duy của người nông dân Hải Dương không được manh mún", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để hóa giải tình trạng manh mún trong nông nghiệp, cần tạo ra những ngành hàng nông nghiệp dưới sự liên kết, hợp tác.

Nêu rõ bản chất nông nghiệp là rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, thị trường khó định lượng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, vấn đề là ngành nông nghiệp và các địa phương dũng cảm, kiên trì cùng nhau đi và từ câu chuyện của Hải Dương hay của địa phương khác bắt đầu kích hoạt các địa phương còn lại.

Về câu hỏi đại biểu Nguyễn Văn Thi [Bắc Giang] liên quan đến chế biến nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thực tế tỷ lệ qua chế biến của một số ngành nông sản gần như đạt 100%, thậm chí không đủ nguyên liệu trong nước để chế biến như ngành thủy sản, chế biến gỗ, cao su. Lĩnh vực khó khăn nhất và rủi ro nhất trong chế biến nông sản là trái cây.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tham gia và thành công. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thăm và khởi động nhà máy chế biến nông sản ở Sơn La, Gia Lai và một số địa phương.

Từ đây, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh đến tính liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, Bộ trưởng cho rằng, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, các địa phương cần chủ động liên kết thu hút doanh nghiệp, tạo sự an tâm khi đảm bảo có đủ nguyên liệu sản xuất bởi doanh nghiệp rất lo ngại đầu tư nhà máy chế biến nhưng nông dân không bán nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương cần phải sâu sát ngồi với hai bên gồm nông dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin thị trường trước.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Huệ [Sóc Trăng] về việc nông sản Việt bán ở nước ngoài giá cao, song doanh nghiệp thu mua của nông dân lại giá thấp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để đưa một mặt hàng nông sản đến kệ hàng của siêu thị tại nước ngoài, chi phí logistics và chi phí thị trường chiếm tỉ trọng cao.

Chuyển mạnh sang nền nông nghiệp hàng hóa

Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham gia trả lời, làm rõ thêm các chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Thi đặt câu hỏi chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nhiều năm qua, công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được triển khai rất hiệu quả. Hai ngành đã xây dựng một chương trình phối hợp toàn khóa, kế hoạch hàng năm, chế độ giao ban định kỳ hàng quý và có cơ chế xử lý sự cố đột xuất, góp phần giải quyết nhiều vấn đề bức xúc.

Tuy nhiên, theo tư lệnh ngành Công Thương, để chuyển từ một nền nông nghiệp truyền thống chuyển sang nền nông nghiệp hàng hóa sản xuất với tư duy kinh tế thị trường là cả một câu chuyện lớn đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao. Đây là hướng đi tất yếu song "những gì mà chúng ta đã làm được trong thời gian vừa qua chưa thấm tháp gì", Bộ trưởng bộc bạch.

Theo ông Diên, nền nông nghiệp Việt Nam tuy đã có chuyển động theo hướng kinh tế thị trường nhưng vẫn mang tính tự cung, tự túc, tự cấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều sản phẩm chất lượng chưa đạt được tiêu chuẩn của thị trường, kể cả thị trường trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề nông sản của Việt Nam có thể trở thành hàng hóa bán ra thế giới được không và nếu bán thì phải làm thế nào?

Từ góc độ của ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, nông sản của Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa bán ra thị trường thế giới. Việt Nam hiện là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ và người tiêu dùng lên tới khoảng gần 7 tỷ người.

"Nếu nói về nguyên tắc, thị trường chúng ta rất rộng mở. Sản phẩm nông sản của chúng ta đã từng vào được thị trường rất khó tính như Mỹ, Nhật Bản và các nước phát triển. Người sản xuất, vùng trồng, vùng nuôi đã quán triệt tinh thần là bán ra cái mà thị trường cần chứ không phải bán cái mà mình có. Như vậy, tiêu chí sản xuất này đã đáp ứng được nhu cầu theo tín hiệu thị trường", Bộ trưởng cho biết.

Thời gian tới, để hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn ra thế giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như các ngành chức năng liên quan để làm tốt việc thông tin thị trường, qua đó định hướng sản xuất; đẩy mạnh đàm phán để đưa các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường các nước, khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.

Bộ Công Thương đề nghị tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung, tức là phải tích tụ đất đai, liên kết sản xuất để chúng ta có quy mô sản phẩm lớn, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu; gắn sản xuất với tín hiệu của thị trường.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, triển khai thực hiện đề án xuất khẩu theo đường chính ngạch mà Bộ Công Thương được giao chủ trì, đến nay, Bộ đã hoàn tất việc xây dựng dự thảo đề án và xin ý kiến của một số bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, ông Diên cũng đề nghị các địa phương thực hiện tốt việc quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất đạt chuẩn và theo tín hiệu thị trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại đồng bộ

Theo Bộ Công Thương, thực trạng phát triển nền nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sản phẩm nông nghiệp của từng vùng, miền trên cả nước. Vấn đề nông sản được mùa, rớt giá vẫn diễn ra thường xuyên. Do đó, việc phát triển hệ thống hạ tầng thương mại đồng bộ [chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho logistics...] là một trong những giải pháp quan trọng trong việc đảm bảo tiêu thụ các loại nông sản hàng hóa, tạo điều kiện để khu vực kinh tế nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa phát triển, nâng cao thu nhập của người dân.

Để phát triển hệ thống thương mại đồng bộ cho nông sản, Bộ Công Thương xác định, trước hết cần tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan [Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải…] và các địa phương triển khai phát triển hạ tầng thương mại theo các quy hoạch về phát triển hạ tầng thương mại đã được phê duyệt, trong đó chú trọng tới các hạ tầng chợ, trung tâm logistics. Đồng thời tiến hành rà soát các quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội chung;

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại; phối hợp với các bộ ngành liên quan [đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…] hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại;

Thứ ba, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng một số loại hình hạ tầng thương mại có tính chất trọng tâm, trong điểm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản như: các chợ đầu mối cấp vùng tại 3 miền bắc trung nam nhằm tăng khả năng tiếp cận giữa người bán và người mua, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản với giá hợp lý đảm bảo lợi ích cho các chủ thể tham gia giao dịch; các trung tâm logistics, nhằm hỗ trợ tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa nông sản;

Thứ tư, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia gồm xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại miền núi, biên giới và hải đảo như: Tập trung xúc tiến thương mại với những mặt hàng nông sản có sự tăng trưởng, có sự đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường trọng điểm có kim ngạch nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU… xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam; đối với xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp về nghiên cứu thị trường, phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản, tổ chức hội chợ hàng nông sản cấp vùng và cấp miền, các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá hàng nông sản Việt Nam trên các phương tiện truyền thông…

Thứ năm, tiếp tục đổi mới cơ chế gắn kết giữa các nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thông qua việc tiếp tục xây dựng và triển khai thí điểm mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 6/q/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020” nhằm hình thành và phát triển theo hướng bền vững các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, vùng sản xuất hàng nông sản chất lượng cao, nhằm phát huy thế mạnh của các địa phương; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã với người sản xuất, lợi ích của các chủ thể tham gia mô hình thí điểm được bảo đảm, giúp người nông dân mua vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản với giá ổn định.

Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư

Để đảm bảo việc thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, góp phần hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản, trong đó có sản phẩm nông sản của các doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn, Bộ Công Thương kiến nghị  các Bộ, ngành Trung ương tiến hành rà soát điều chỉnh các quy hoạch liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại, tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung cho phù hợp với nhu cầu phát triển của vùng, của địa phương.

Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại cho đồng bộ, cụ thể: Bổ sung vào Danh mục ưu đãi đầu tư tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP đối với hình thức đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ tại địa bàn thành thị. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các loại hình bán lẻ khác có triển vọng phát triển [cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa tổng hợp…] vào Danh mục nêu trên.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/ 2015 của Thủ tướng Chính phủ về định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 theo hướng không quy định cứng các chợ được đầu tư từ ngân sách nhà nước để tạo điều kiện cho công tác đầu tư phát triển chợ, tạo sự đồng bộ trong việc triển khai các văn bản có liên quan.

Tiếp tục quan tâm hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng chợ. Lồng ghép việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ đối với hệ thống chợ tại các vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân ở vùng nông thôn miền núi của nhiều địa phương còn nghèo, thu nhập và sức mua không cao nên khó huy động vốn đầu tư cũng như xã hội hóa đầu tư để phát triển hạ tầng thương mại. Đối với các chợ đầu mối nông, lâm, thủy sản và nguyên phụ liệu tại những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cần tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách nhà nước [Trung ương và địa phương] để đầu tư phát triển cho tương xứng.

Nhanh chóng hoàn thiện và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ưu tiên phân bổ ngân sách

Đối với các địa phương, trên cơ sở các cơ chế, chính sách hiện hành do Trung ương ban hành, UBND các tỉnh cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt là các tỉnh thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; nhất là trên địa bàn nông thôn.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, cần xem xét ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí ngân sách hàng năm cho việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại, đặc biệt là hạ tầng chợ truyền thống nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tiếp tục củng cố, nâng cấp, phát triển chợ truyền thống, kết hợp với từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của chợ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

Tập trung rà soát và có kế hoạch đầu tư, hoàn thiện các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo lộ trình đã đặt ra.

Đồng thời, phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, trong đó chú trọng phát triển chợ nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quy định tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 8/12/2016 về việc hướng dẫn thực hiện và xét công nhận tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020./.


Video liên quan

Chủ Đề