Hạt gạo làng ta ở đâu?

Chả hiểu tại sao những ngày “giới nghiêm” này trong tôi lại vang lên những câu hát “Hạt gạo làng ta” của thần đồng Trần Đăng Khoa.

Những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước Hạt gạo làng ta là món ăn tinh thần của lũ trẻ chúng tôi. Suốt từ lúc lẫm chẫm lớp một tới tận hết cấp hai, lời bài hát Hạt gạo làng ta lúc nào cũng vang lên rộn ràng. Vào lớp là lớp phó quản ca bắt nhịp “Hạt gạo làng ta… hai ba”, cả lớp lại đồng thanh “Hạt gạo làng ta/Có vị phù sa/Của sông Kinh Thầy/Có hương sen thơm/Trong hồ nước đầy/Có lời mẹ hát/Ngọt bùi đắng cay…”, thi thoảng cũng có xen những bài Qua miền Tây Bắc, Vùng lên, Đi ta đi lên… Nhưng “nghiện” nhất vẫn là Hạt gạo làng ta-Đã no cơm tẻ thì thôi mọi đường mà!
Nói thật với bác Khoa, bác hóm từ tấm bé đấy. Dân dĩ thực vi tiên (thiên), bác chọn hạt gạo làm thơ là nhất quả đất rồi!
Thú thực, hạt gạo ngày xưa của làng bác nếu còn đến giờ thì cũng nhất quả đất luôn. Làm gì còn ở đâu trên thế gian này hạt gạo lại được bẩm thụ từ bời bời phù sa, từ hương thơm tinh khôi của sen và lời hát đầy yêu thương, ngọt bùi của mẹ. Hạt gạo này cứu đói, bảo đảm an ninh lương thực và cả an ninh tinh thần nữa đấy!
Hạt gạo ấy là tinh túy, là ngọc trời được gieo cấy ở xứ sở thần tiên. Nơi ấy vạn vật đều có linh, đều hòa ái, trừu mến. Làng đó có cu cậu hái trầu cho bà buổi tối, sợ trầu giật mình còn biết đánh thức: “Đã dậy chưa hả trầu/Tao hái vài lá nhé/Cho bà và cho mẹ/Đừng lụi đi trầu ơi!”; Lại: “Trầu ơi hãy tỉnh lại/Mở mắt xanh ra nào/Lá nào muốn cho tao/Thì mày chìa ra nhé/Tay tao hái rất nhẹ/Không làm mày đau đâu…”.
Làng ấy có cu cậu hệt lão Hạc đều có nỗi xót xa chung với cậu vàng (chó): “Cơm phần mày để cửa/Sao không về hả chó/Tao nhớ mày lắm đó/Sao không về vàng ơi!”
Một thuở không xa, làng quê chúng ta từng thấm đẫm mạch nguồn tâm linh thuần phác, văn hóa cội nguồn nhân văn. Kinh tế thị trường, sự phát triển công nghệ tác động mạnh mẽ vào lối sống, phương thức sản xuất và quan hệ xã hội… Thế giới hiện đại, kinh tế bứt phá ngoạn mục, internet kết nối vạn vật với tốc độ cao, nhưng hệ lụy của những tham vọng đang đẩy con người vào những đại họa. Con người đang khai thác tài nguyên một cách hủy diệt. Môi trường sinh thái đang bị phá vỡ. Không khí, nước, đất ô nhiễm nặng nề… Tình trạng dịch bệnh, cháy rừng, lũ lụt, động đất… đang hiện hữu.
Thế hệ chúng tôi và “Lão Khoa” lớn lên cùng với những tiến bộ trên các lĩnh vực và cả những hệ lụy kinh hoàng.
Hạt gạo của Khoa cũng có thời gian khá dài lắng xuống, mãi đến cách đây vài năm khi “Giai điệu tự hào” vang lên Hạt gạo làng ta thì ký ức đẹp đẽ xưa lại dội về mãnh liệt.
Cậu bé Khoa hóm hỉnh trong trẻo, ngộ nghĩnh, rồi cũng lớn lên. Tôi vẫn dõi theo và rất thích Mưa trên đảo Sinh Tồn và tập Chân dung và đối thoại, nhưng thích hơn cả vẫn là “Góc sân và khoảng trời”.
Thế rồi một ngày đại dịch COVID-19 bao trùm 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 72 vạn người nhiễm bệnh, hơn 3,5 vạn người tử vong. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp khó lường. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm ngừng xuất khẩu gạo. Biện pháp “Tích cốc, phòng cơ” kịp thời, sáng suốt được muôn dân ủng hộ và kính trọng. Và hôm qua chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lại ban quyết định cách ly xã hội. Chúng ta được người Mỹ đánh giá là đất nước đứng đầu trong bốn dân tộc không dễ khuất phục. Chúng ta đã chiến thắng trận đầu trong trận chiến đại dịch. 15 ngày tiếp theo dân tộc ta lại phát huy cao độ tinh thần “Tướng sĩ một lòng phụ tử/Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.
Trở lại với tác giả của Hạt gạo làng ta, đôi khi trộm nghĩ nếu nhân loại được ăn những hạt gạo của Khoa thì có lẽ chả ai bị ung thư và khó có thể có đại dịch quái ác này được. Đêm qua nằm nghe mưa rơi, tiếng mưa gõ vào mái tôn như trống giục, bất giác tôi lại nhớ đến lão Khoa. Vài năm nay lão thưa viết hơn thì phải. Lão thích lượm lặt các bài thuốc tiên để trị những bệnh quỷ. Tôi nghĩ, thể nào lão Khoa cũng có bài thuốc hóa giải “cô vít”. Lướt toét mắt mà chả kiếm được gì về “cô vít” chỉ thấy bài viết của Lão Khoa tự diễu cợt mình. Lão kể về một cậu bé con bạn của lão rất xem thường thơ Khoa: Đại để thằng bé cho rằng bài thơ Con bướm vàng của Khoa giống thơ Con cóc. “Con cóc trong hang. Con cóc nhảy ra. Con cóc ngồi đấy. Con cóc nhảy đi” (Dân gian). Còn đây là bài thơ Con bướm vàng của Khoa: “Con bướm vàng. Con bướm vàng. Bay nhẹ nhàng. Trên bờ cỏ. Em thích quá. Em đuổi theo. Con bướm vàng. Nó vỗ cánh. Vút lên cao. Em nhìn theo. Con bướm vàng. Con bướm vàng”
Kết thúc bài viết của lão Khoa, lão bày tỏ không những yêu mến cậu bé mà còn kính trọng.
Chẳng biết có cậu bé ấy thật không nhưng bài viết hóm hỉnh này, riêng tôi càng yêu mến và kính trọng lão hơn. “Biết mình là người sáng”. Bài thơ Con bướm vàng có tuổi đời kém lão Khoa vài tuổi, mà Khoa được phong là thần đồng. Gần thế kỷ chả ai bảo gì mà lão lại “Vạch áo cho người xem lưng”. Người như lão là của hiếm!
Trong cơn đại dịch này lão đâu? Tìm bác Khoa lại ra bác Ngọc-Thầy Đỗ Đức Ngọc, người chuyên hướng dẫn Khí công y đạo: Theo thầy Ngọc dịch bệnh virus, vi khuẩn Đông y gọi là bệnh Thời khí. Danh y Lý Thời Trân đã chỉ ra phương pháp. Nấu một chảo dấm táo đun sôi cho hơi dấm xông lên đầy trong phòng để sát trùng virus trong không khí, dùng nước dấm đun sôi lau vật dụng nhà cửa để tiêu diệt vi khuẩn…
Còn cách trị bệnh cụ thể hơn nữa mọi người vào mạng nhé.
Tản mạn Hạt gạo làng ta trong những ngày dịch dã như tìm lại niềm vui trong trẻo. Như tìm lại những chân giá trị và cả những chia sẻ vu vơ dành cho những ai hữu tình!