Học Ngoại thương có áp lực không

Tính đến thời điểm hiện tại mình cũng đã ra khỏi FTU được một năm và đi làm rồi, cũng lâu không còn để ý lắm chuyện thi Đại học. Đợt này thấy nhà bác hàng xóm có em gái năm nay đi thi, mà cũng nâng lên nhấc xuống khi chọn trường, nên tự dưng lại nhớ đến thời sinh viên. Bài sẽ dài, hi vọng là hữu ích cho các em năm nay có ý định chọn Ngoại thương để học. 

#1 80% những đứa thi Ngoại thương không biết mình thích Kinh tế hay không. 

Trước khi thi vào Ngoại thương thì mình cũng là kiểu học sinh gà gô trường chuyên lớp chọn, lúc chọn trường cứ nghĩ Ngoại thương là Havard Việt Nam rồi nên đăng ký thôi. 80% là con số rút ra từ mẫu số nhỏ là bạn bè và các mối quan hệ trong trường, nhưng phải nhìn nhận thẳng thắn là nhiều đứa chỉ thi vào Ngoại thương vì nghĩ rằng đây là một môi trường tốt, hết. 

Khoa đông đảo nhất và cũng có lịch sử lâu nhất ở FTU là Kinh tế, trong đó nổi bật nhât là chuyên ngành Kinh tế đối ngoại với các môn chuyên sâu là Vận tải, Bảo hiểm, Logistic… Ngoài ra mỗi khoa lại có một đặc thù riêng, Quản trị khác, Tài chính khác, Ngôn ngữ lại khác. 

Sự thật là nhiều đứa đến khi ra trường rồi cũng chưa biết mình thích gì đâu, nên là các em ạ, khi vừa vào trường thì hãy bắt đầu suy nghĩ luôn là mình muốn làm gì sau này đi kẻo muộn. 

#2 Câu lạc bộ/hội nhóm là một đặc sản mà cần "nếm thử" đúng cách 

Mình đi học được 1 kỳ thì cả nhà gặp phải một cú shock. Shock là vì cấp 3 mình rất ít khi ra ngoài, thế mà lên Đại học tham gia Câu lạc bộ hầu như ngày nào cũng ở trường đến 9 - 10h tối. Nhà xa, bố mẹ lo con gái đi về muộn nhỡ có chuyện gì. Bố mẹ và mình thậm chí có hàng tuần chiến tranh lạnh không nói với nhau câu nào. Nhiều hôm vừa đi trên đường vừa khóc, nghĩ chả ai hiểu mình. 

Ngoại thương có tới 40 CLB. Có cái to, có cái nhỏ. Dù chỉ là CLB sinh viên nhưng hầu hết đều có tuyển chọn đầu vào đầy đủ, có CLB còn mở tới 4-5 vòng và phỏng vấn như các công ty lớn. Mỗi CLB ở FTU hàng năm lại tổ chức ra một vài hoạt động lớn nhỏ, nên quanh năm cái sân trường bé tí lúc nào cũng nhộn nhịp đủ các kiểu truyền thông. Nhiều CLB ở FTU có phương châm hướng tới sự chuyên nghiệp, một số khác thì chú trọng tình cảm… nên các em hãy tìm hiểu kỹ chứ đừng vội lao vào “CLB lớn”. Vì thực sự là bên cạnh những điểm được, thì không ít hoạt động CLB còn mang tính hình thức. 

Mình đã học được rất nhiều điều ở CLB, từ việc viết một cái email đúng chuẩn đến việc lập một bản kế hoạch, đi nói chuyện với đối tác… và điều lớn nhất là gặp được rất nhiều người bạn tốt ở đó. 

Đặc sản không có nghĩa là ngon. Nó chỉ có nghĩa là độc đáo, khác biệt mà thôi. Nên nếu thấy mình không phù hợp thì cũng đừng cố ăn làm gì. Còn một khi đã ăn, phải ăn đúng kiểu. 

#3 Ở FTU không phải giảng viên nào cũng như mình kỳ vọng 

Mình khá may mắn vì hầu hết thầy cô đã từng học đều là những người rất tốt. Nhưng cũng từng có lần gặp một giảng viên môn chuyên ngành, nhưng không nắm chắc kiến thức cơ bản và thường “câu giờ” khi lên lớp. Một trong những điểm trừ nữa đối với mình là khả năng ngoại ngữ của nhiều thầy cô không tốt, thậm chí ngay cả những thầy cô dạy Tiếng Anh. Và chuyện “đi thầy cô” ở trường là có. 

Lời khuyên với các em là khi gặp những tình huống như thế này thì hãy cứ cố hết sức mình. Nếu em có năng lực thật thì chẳng ai bắt nạt được em cả. Dù thế nào thì Ngoại thương cũng là một trong những môi trường lành mạnh nhất ở Việt Nam rồi. 

#4 Những dịp đáng nhớ nhất: học thể dục, tập quân sự ở Xuân Hoà & đi tình nguyện 

Thể dục: Chẳng đâu mà môn thể dục lại… nữ tính như ở FTU. Aerobics, dancesport, bơi hoặc cầu lông. Học thể dục sẽ rất vui nếu có một nhóm bạn thân. 

Xuân Hoà: nơi mà rất nhiều điều có thể bắt đầu, từ tình bạn, tình yêu, và đủ thứ tình cảm khác [dĩ nhiên là trong sáng]. Mình vẫn nhớ những đêm trốn ngủ, trong phòng tắt điện tối thui và nấu mì ăn, mùi thơm ngào ngạt cả cái phòng bé tí. Xuân Hoà là nơi những đứa thành phố có thể rời xa bố mẹ bước vào cuộc sống tự lập, những đứa đã tự lập quen thì khám quá nhiều hơn về con người của chính mình. 

Chuyện đi tình nguyện: Dù gần đây câu chuyện tình nguyện buồn liên quan tới 3 em nữ sinh tử vong khi đi tình nguyện ở Quảng Ninh khiến cho nhiều bậc phụ huynh dậy sóng, nhưng mình sẽ không thay đổi quan điểm rằng đi tình nguyện là một trong những kỷ niệm đẹp nhất thời sinh viên của mình. Ở đó các bạn sẽ hiểu rằng mình còn vô cùng may mắn so với những người khác, sẽ được nhìn thấy quê hương mình còn nhiều vẻ đẹp và nhận ra việc sống “ăn lông ở lỗ” trong một khoảng thời gian sẽ vui như thế nào. Hàng chục năm qua Ngoại thương đã làm rất tốt công việc tình nguyện, và nếu được, mình vẫn sẽ khuyên các em nên đi. 

#5 Cơ hội và sự lựa chọn có rất nhiều, nhưng có đạt được điều gì hay không chủ yếu là do mình 

Một trong những áp lực lớn nhất của FTUers là câu nói “học Ngoại thương thì phải thế này thế nọ thế kia…” Ngoại thương có đủ hoa khôi, đầu bếp, model, ca sĩ, MC truyền hình… Nhưng Ngoại thương cũng có rất nhiều người đi làm công ăn lương bình thường. Ở Ngoại thương cũng rất nhiều người rẽ trái để theo đuổi đam mê. Cuộc thi, sự kiện, hội thảo tuyển dụng, học bổng… ở Ngoại thương chưa bao giờ ít cả. Lựa chọn nào là ở các em.

Có những người may mắn tìm làm công việc yêu thích đúng theo ngành học. Nhiều người nghĩ rằng học Ngoại thương là may mắn, cứ cầm bằng giỏi, khá Ngoại thương ra ngoài thì kiểu gì chẳng xin việc. Xin thưa đó là một nhận định sai lầm. Sinh viên Ngoại thương ngày càng gặp nhiều áp lực hơn vì chính cái danh hiệu đó. Và tất cả những người giỏi đi ra từ Ngoại thương mà mình từng gặp, họ đều là những người vô cùng chủ động. 

Cuối cùng là tổng hợp một số nguồn mình nghĩ là hữu ích cho các bạn mới vào trường:

Website của Phòng quản lý đào tạo Ngoại thương, luôn cập nhật những thông tin học – thi – học phí quan trọng: //qldt.ftu.edu.vn/ 

Một số group liên quan đến trường: //docs.google.com/spreadsheets/d/1C7F9PQckp7M_7amUNg3bZV_yK4qPgep9slHE0zG7894/edit#gid=0

Ngoài ra trên facebook thì nhớ follow thầy Lộc – chuyên viên phòng Quản lý đào tạo, người mà sau này các em không thể không biết tên: //www.facebook.com/profile.php?id=100000073772449&fref=ts 

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Năm 2022, Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu tuyển sinh chương trình đào tạo 3 ngành mới gồm Marketing số, Chương trình kinh doanh số thuộc ngành Kinh doanh quốc tế [tuyển sinh tại trụ sở chính Hà Nội] và Truyền thông marketing tích hợp [tuyển sinh tại Cơ sở II Thành phố Hồ Chí Minh]. Trường Đại học Ngoại thương tiếp tục giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh.

Trường Đại học Ngoại thương được biết đến là một trong những trường "top" đầu, với điểm chuẩn đầu vào khá cao. Tuy nhiên, thí sinh cũng có những băn khoăn về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương có chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Ngoại thương. [Ảnh: VNN]

Chương trình đào tạo của nhà trường có 3 chương trình [tiêu chuẩn, tiên tiến, chất lượng cao và định hướng nghề nghiệp quốc tế]. Trong đó, chương trình tiên tiến và chất lượng cao có nhiều điểm được đánh giá khá giống nhau, Tiến sĩ có thể chia sẻ rõ thêm để các thí sinh hiểu rõ?

Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Hiền: Chương trình tiên tiến là phương thức tổ chức mà nhà trường hợp tác với đối tác nước ngoài để chuyển giao chương trình vào Việt Nam, và có sự hỗ trợ của đối tác trong việc giảng dạy.

Sinh viên khi học chương trình này có điều kiện và cơ hội được cấp 2 bằng là bằng của Trường Đại học Ngoại thương và bằng của đối tác [nếu như sinh viên có thời gian ra nước ngoài học thời gian tối thiểu].

Ví dụ nếu sinh viên muốn lấy thêm bằng của Hoa Kỳ thì phải sẽ sang đó học một năm, còn nếu không chỉ được nhận chứng chỉ cho những học phần tích lũy.

Trong khi đó, đối với chương trình Chất lượng cao thì nhà trường cũng tiệm cận với chương trình tiên tiến [dạy bằng ngoại ngữ], nhưng chỉ được cấp bằng của Trường Đại học Ngoại thương.

Chương trình chất lượng cao được xây dựng trên nền chương trình tiêu chuẩn, và có đầu ra cao hơn cũng như về tính quốc tế hóa. Nó được thể hiện ở một số điểm đặc trưng, như ngôn ngữ giảng dạy trong chương trình chất lượng cao phần lớn theo Thông tư 23, có tỷ lệ các môn được giảng dạy bằng ngoại ngữ.

Đối với chương trình trên được hợp tác với những đối tác quốc tế và lồng ghép chuẩn đầu ra, đảm bảo cho sinh viên có thể làm việc được trong môi trường quốc tế.

Có một số đánh giá cho rằng, ngành Kinh tế đối ngoại, ngành Logictics và Quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế có tỷ lệ xin việc được việc cao sau khi ra trường Tiến sĩ có thể chia sẻ thêm gì về đánh giá này?

Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Hiền: Hai ngành trên là ngành có điểm đầu vào cao so với những ngành khác. Đối với ngành Logictics thì thuộc nhóm định hướng nghề nghiệp quốc tế, bởi gắn nó với chứng chỉ quốc tế. Đây là chương trình gắn nội dung chương trình và chuẩn đầu ra hướng về nghề nghiệp cụ thể, và tạo điều kiện cho sinh viên làm việc trong môi trường quốc tế.

Vì vậy khi xây dựng chương trình, nhà trường đã lồng ghép những khối kiến thức nghề nghiệp chuẩn quốc tế vào trong đó. Khi sinh viên tốt nghiệp thì có thể lấy được chứng chỉ quốc tế.

Nếu nói về khả năng tìm kiếm công việc thì hầu hết các ngành ở Ngoại thương đều có thể xin việc làm rất nhanh. Bởi lẽ nhà trường cũng đã dựa trên sự logic khi xây dựng chương trình cũng như đào tạo cho sinh viên.

Khả năng xin việc làm không chỉ đáp ứng được kiến thức một ngành nghề nào đó, mà còn có những yêu cầu khác như khả năng thực chiến [ra trường làm việc luôn] và những kĩ năng nghề nghiệp đòi hỏi, thì Trường Đại học Ngoại thương cũng rèn luyện cho sinh viên trong quá trình học tập tại trường.

Nếu nói Trường Đại học Ngoại thương có điểm đầu vào cao, thì so với các trường khác cũng không phải quá cao, bởi có những trường khác cao hơn.

Điểm quan trọng đối với sinh viên là quá trình học tập 4 năm tại nhà trường, sẽ quyết định xuất phát điểm giống nhau nhưng chuẩn đầu ra, cũng như khả năng tìm kiếm công việc, khả năng khởi nghiệp lại khác nhau.

Theo Tiến sĩ, yếu tố quyết định của trường Đại học Ngoại thương là đào tạo thực chiến cho sinh viên. Đây có phải là điểm khác biệt so với các trường khác?

Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Hiền: Chuẩn đầu ra được phân định thành 3 nhóm rất là rõ gồm kiến thức, kĩ năng và tự chủ, trách nhiệm. Trong nhiều năm trước đây, chúng ta thường rất chú trọng đến kiến thức, mảng kĩ năng, tự chủ và trách nhiệm cũng được quan tâm nhưng chưa được sát, phù hợp với bối cảnh quốc tế nên hạn chế khả năng tìm kiếm việc làm cũng như khởi nghiệp.

Việc làm không có nghĩa phải đi xin việc, mà còn là tự tạo việc làm cho mình và cho người khác, nó bao gồm cả khả năng tự khởi nghiệp.

Sinh viên Việt Nam khi ra trường thường yếu hơn so với sinh viên nhiều nước phát triển, do vậy mà Trường Đại học Ngoại thương nhận thấy khoảng trống đó nên đã chú trọng nhiều đến kĩ năng, và thái độ chính là tự chủ và trách nhiệm. Nhà trường xây dựng tâm thế vững cho sinh viên khi ra trường, nên khả năng khởi nghiệp của sinh viên rất mạnh.

Từ xưa đến nay, mọi người đều có tư tưởng tốt nghiệp ra trường thành công là đi xin việc, hay doanh nghiệp phải đi tìm mình, tìm người giỏi, điều này đã tạo ra tâm thế không tốt.

Chúng tôi quan điểm là sinh viên khi ra trường không phải là đi xin việc, mà sẵn sàng tham gia vào thị trường nhân lực, và tính chủ động nữa là tự tạo việc làm cho mình với người khác.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Mạnh Đoàn

Video liên quan

Chủ Đề