Hướng dẫn dạy học theo dự án ở tiểu học

Dạy học theo dự án là một phương pháp dạy học trong đó học sinh thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực tiễn, thực hành. Nhiệm vụ này được học sinh thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập. Làm việc nhóm là hình thức cơ bản của dạy học dự án. Dạy học theo dự án là hoạt động học tập tạo cơ hội cho học sinh tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực áp dụng một cách sáng tạo vào cuộc sống.

Thực hiện kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn của nhà trường năm học 2022-2023. Ngày 3/2/2023, Tổ 4 lên chuyên đề Dạy học theo dự án trong môn Khoa học 4 qua tiết học minh hoạ: “Một số cách làm sạch nước” do cô giáo Phạm Thanh Huyền lên lớp.

Tiết học mang lại hiệu quả cao đồng thời học sinh phát huy khả năng làm việc độc lập, khả năng làm việc nhóm khi được yêu cầu.

Làm thế nào để gắn nội dung học tập với thực tiễn, học đi đôi với hành? Có phương pháp nào để kích thích động cơ, hứng thú cho người học, để người học tự kiến tạo kiến thức cho bản thân?

Con đường nào để có thể học tập liên môn, liên ngành giúp người học hình thành kỹ năng nhận biết và giải quyết vấn đề, giao tiếp, làm việc nhóm,…?

Dạy học dự án [Project Based Learning – PBL] sẽ là câu trả lời cho những câu hỏi ở trên. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu về phương pháp học tập của thế kỷ 21 này nhé!

Khái niệm

Dạy học dự án là một hình thức, phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm. Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, tham vấn, tạo môi trường, tạo tình huống có vấn đề, còn người học tích cực, chủ động lĩnh hội tri thức, kỹ năng thông qua các dự án gắn nội dung học tập với các vấn đề có thật trong thực tiễn trong cuộc sống. Từ đó tạo ra sản phẩm để báo cáo, trình bày.

Mục tiêu

Mục tiêu chính của dạy học dự án là quá trình, hiệu quả học tập chứ không phải bản thân sản phẩm.

Giải quyết các vấn đề có thật trong thực tiễn gắn với nội dung học tập, tránh hàn lâm, kinh viện.

Phát triển và rèn luyện cho người học kỹ năng thế kỷ 21 như kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, giao tiếp, làm việc nhóm,…

Khuyến khích tinh thần tự chủ, tự học của người học. Người học chủ động chiếm lĩnh trí thức, rèn kỹ năng và tạo ra sản phẩm có ích cho cộng động, xã hội.

Khích lệ sử dụng công nghệ thông tin vào quá trình học tập.

Đặc điểm

Tính thực tiễn: Trong dạy học dự án các nhiệm vụ thường mang tính chất phức hợp, được gắn nội dung học tập với các vấn đề có thực trong đời sống thực tiễn [nghề nghiệp, xã hội, đời sống].

Học qua hành: Thay vì cách học khô khan, giáo điều. Người học được trực tiếp thực hành, sáng tạo sản phẩm.

Kích thích động cơ, hứng thú người học: Người học được trực tiếp tham gia và lựa chọn đề tài phù hợp với năng lực, sở thích và hứng thú cá nhân.

Tính phức hợp, liên môn, liên ngành: Nhiệm vụ dự án thường mang tính chất phức hợp, vì thế người học cần vận dụng, kết hợp tri thức của nhiều lĩnh vực khác nhau của từng môn hoặc nhiều môn học để giải quyết vấn đề.

Người học là chủ thể tích cực: Tính tích cực thể hiện ở tính trách nhiệm, tự lực, khả năng sáng tạo trong quá trình thực hiện dự án.

Làm việc nhóm: Dạy học dự án thường được thực hiện theo nhóm. Vì thế, việc phối hợp làm việc nhóm, phân công công việc giữa các thành viên mang tính quyết định đến hiệu quả của dự án.

Định hướng sản phẩm: Các sản phẩm được tạo ra không chỉ giới hạn trong những thu hoạch lí thuyết, mà trong đa số trường hợp các dự án học tập tạo ra những sản phẩm vật chất của hoạt động thực tiễn, thực hành. Những sản phẩm này có thể sử dụng, công bố, giới thiệu.

Phân loại

Dạy học dự án có thể được phân loại theo nhiều hình thức khác nhau, tùy và cách tiếp cận và quá trình thực hiện dự án:

  • Phân loại theo chuyên môn:
  • Dự án trong một môn học: Phạm vi trong một môn học.
  • Dự án liên môn: Có sự kết nối của nhiều môn học.
  • Dự án ngoài chuyên môn: Không nằm trong phạm vi môn học, là các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp,…
  • Phân loại theo sự tham gia của người học: Dự án cá nhân, dự án nhóm, dự án toàn trường, dự án dành cho một khối lớp, dự án cho một lớp học.
  • Phân loại theo sự tham gia của giáo viên: Dự án dưới sự hướng dẫn của một giáo viên, dự án với sự cộng tác hướng dẫn của nhiều giáo viên.
  • Phân loại theo quỹ thời gian: Dự án nhỏ: thực hiện trong một số giờ học, có thể từ 2-6 giờ học. Dự án trung bình: dự án trong một hoặc một số ngày [“Ngày dự án”], nhưng giới hạn là một tuần hoặc 40 giờ học. Dự án lớn: dự án thực hiện với quỹ thời gian lớn, tối thiểu là một tuần [hay 40 giờ học], có thể kéo dài nhiều tuần [“Tuần dự án”].

Tiến trình tổ chức dạy học theo dự án

Chuẩn bị:

  • Xây dựng ý tưởng: Tìm hiểu, phát hiện vấn đề thực tiễn cần giải quyết.
  • Lựa chọn chủ đề, tiểu chủ đề: Lựa chọn một trong những vấn đề đã phát hiện để làm dự án.
  • Lập kế hoạch các nhiệm vụ học tập: Trong việc xây dựng kế hoạch cần xác định những công việc cần làm, thời gian dự kiến, vật liệu, kinh phí, phương pháp tiến hành và phân công công việc trong nhóm.

Thực hiện dự án:

  • Thu thập thông tin: Thu thập thông tin và xử lý thông tin thu được.
  • Thực hiện điều tra: Kiến thức lý thuyết, các phương án giải quyết vấn đề được thử nghiệm qua thực tiễn.

Kết thúc dự án:

  • Xây dựng sản phẩm và trình bày kết quả: Sản phẩm dự án có thể là những bài thu hoạch, báo cáo hay sản phẩm vật chất, thậm chí là những sản phẩm tinh thần như: Hát, kịch,…
  • Đánh giá dự án: Đánh giá sản phẩm của nhóm theo tiêu chí đã đưa ra.

Ưu điểm

  • Gắn lý thuyết với thực hành, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội.
  • Kích thích động cơ, hứng thú học tập của người học: từ phụ thuộc giáo viên sang hoạt động nhóm, giúp người học từ thụ động ghi nhớ sang khám phá tích hợp và trình bày.
  • Giúp người học từ hình thức học thụ động sang hình thức học chủ động có định hướng.
  • Phát huy tính tự lực, tính trách nhiệm.
  • Phát triển khả năng sáng tạo.
  • Rèn luyện năng lực giải quyết những vấn đề phức hợp.
  • Rèn kỹ năng làm việc nhóm.
  • Phát triển năng lực đánh giá.

Nhược điểm

  • Không phù hợp trong việc truyền thụ tri thức lí thuyết mang tính trừu tượng, hệ thống cũng như rèn luyện hệ thống kĩ năng cơ bản. Phải đòi hỏi nhiều thời gian. Vì vậy không thay thế cho phương pháp thuyết trình và luyện tập, mà là hình thức dạy học bổ sung cần thiết cho các phương pháp dạy học truyền thống.

Chủ Đề