Kem chống nắng Altruist là vật lý hay hóa học

Như mọi người đã biết thì "chống nắng""hydrat hóa" da là "2 trụ cột bự" để duy trì thanh xuân. Khi mức độ hiểu biết của chúng ta về ảnh hưởng của tia UVA đến quá trình lão hóa tăng lên thì nhu cầu sử dụng kem chống nắng ngày càng lớn. Bôi kem chống nắng mọi lúc mọi nơi đương nhiên là tốt nhưng không phải ai cũng đủ "ngân sách", đặc biệt là những bạn sinh viên - đối tượng có mức lo sợ "già trước tuổi" rất cao. Lúc này, Altruist Dermatologist SPF 50 nổi lên như một sản phẩm "quốc dân" bởi các chỉ số chống nắng cao và giá cực hạt dẻ.

Kem chống nắng Altruist là vật lý hay hóa học
Dòng sản phẩm kem chống nắng Dermatologist của Altruist.

Nhưng liệu Altruist Dermatologist SPF 50 có chống nắng và chống lão hóa hiệu quả hay không? Cùng Nàng Tiên Tôm tìm hiểu qua bài viết này nhé!

1. Đôi chút về thương hiệu.

Khi nhắc tới Altruist, nhiều bạn sẽ mặc định luôn đó là kem chống nắng. Nhưng không phải vậy, Altruist là tên thương hiệu, họ còn bán cả kem dưỡng ẩm và kem phục hồi nữa.

Thương hiệu này được ra đời năm 2015 bởi bác sĩ da liễu Andrew Birnie với tuyên bố cao cả:

"Sứ mệnh của chúng tôi là giảm tỷ lệ ung thư da bằng cách tuyên truyền nâng cao hiểu biết và tăng cường sử dụng loại kem chống nắng chất lượng."

Cứ mỗi một tuýp bạn đã ủng hộ 10 cent cho các tổ chức từ thiện giúp đỡ trẻ em bạch tạng ở Châu Phi. Ngoài ra, họ cũng dành tặng rất nhiều kem chống nắng cho những người bị bệnh bạch tạng nơi đây. (Năm 2019 - số lượng kem chống nắng từ thiện trị giá 65.000 bảng Anh!!)

Kem chống nắng Altruist là vật lý hay hóa học
Tiến sĩ Andrew Birnie - Cha đẻ của Altruist.

Tiến sĩ Andrew Birnie là bác sĩ tư vấn da liễu tại Bệnh viện One Ashford - Vương Quốc Anh, chuyên gia về phẫu thuật vi mô Mohs. Ông từng có thời gian giảng dạy tại Nam Phi và tiếp xúc với rất nhiều case bệnh liên quan tới ung thư da. Vì vậy, mình tin rằng các chiến dịch của Altruist được tạo ra hoàn toàn trên tinh thần vì cộng đồng chứ không phải chiêu trò marketing và Altruist Dermatologist SPF 50 chắc chắn là một sản phẩm "có đạo đức".

2. Thành phần và tác dụng.

Kem chống nắng Altruist là vật lý hay hóa học
Bảng thành phần kem chống nắng Altruist Dermatologist SPF 50.

Thành phần:

Nước, C12-15 Alkyl Benzoate, Ethylhexyl Salicylate, Butyl Methoxydibenzoylmethane, Ethylhexyl Stearate, Octocrylene, Glycerin, Phenylbenzimidazole Sulfonic Acid, Cetearyl Alcohol, Glyceryl Stearate, Titanium Dioxide (Nano), Tris-Biphenyl Triazine (Nano), Trisazine / Nano )-30 Alkyl Acrylate Crosspolymer, Panthenol, Caprylyl Glycol, Butylene Glycol, Propylene Glycol, Decyl Glucoside, Xanthan Gum, Piroctone Olamine, Titanium Dioxide, Sodium Cetearyl Sulfate, Silica, Disodium Phosphate, Diethylhexyl Sodium Sulfosuccinate, Sodium Hydroxide, Silver Chloride.

Giá bán:

  • Altruist SPF 50: 187.000 VND/100 mL
  • Altruist SPF 30: 221.000 VND/200 mL

Mua sản phẩm tại Shopee

1. Nhóm chất dưỡng ẩm: Glycerin, propylene glycol, panthenol, Xanthan Gum, Phenoxyetanol.

Cả glycerin, propylene glycolpanthenol đều là những chất dưỡng ẩm kiểu Humectant tương tự như hyaluronic acid (tức là hút nước từ môi trường và hạ bì lên trên bề mặt da).

Khả năng hút ẩm mạnh hay yếu phụ thuộc vào số nhóm chức có thể liên kết với nước trong phân tử. Về khoản này thì hyaluronnic acid là "vô đối", trong khi propylene glycol sẽ yếu hơn glycerin một chút do có ít hơn 1 nhóm -OH.

Propylene glycol có độc không?

Mình khá ngạc nhiên khi có nhiều thông tin cho rằng propylene glycol (PG) là một chất độc hại. Thậm chí một số sản phẩm còn ghi trên trên nhãn "không propylene glycol" như một thông điệp marketing.

PG có vị ngọt nhẹ, là chất phụ gia và được FDA Hoa Kỳ đã công nhận là an toàn để sử dụng trong thực phẩm. Còn trong mỹ phẩm, nó cũng được Hội đồng đánh giá thành phần mỹ phẩm xác định "An toàn sử dụng trong mỹ phẩm khi được bào chế để không gây kích ứng". Nghĩa là các công ty chỉ cần thử nghiệm khả năng kích ứng trên da sao cho PG không gây kích ứng khi pha trộn với các thành phần khác là được.

Nỗi lo về tính an toàn của PG có lẽ đến từ việc cho rằng nó được hấp thụ vào máu và chuyển hóa thành acid lactic gây nên "rối loạn acid-bazơ". Thực tế thì acid lactic là một thành phần cơ thể tự sản sinh nên điều này không quá lo lắng. Hơn nữa mức độ PG thâm nhập qua da vào máu là rất rất nhỏ. Nó chỉ có vấn đề khi chúng ta bôi lên vết thương hở hoặc vùng da bị bỏng, trong trường hợp này đã ghi nhận thấy có sự tăng nhẹ nồng độ acid lactic trong huyết thanh. Nhưng yên tâm đi, sẽ chẳng có gì nguy hiểm khi bạn thoa lên một vùng da khỏe mạnh cả!!

Còn bạn nào muốn tránh nó thì Ok thôi, chỉ là có làm được không khi 99% các kem dưỡng ẩm đều chứa thành phần này bởi đây không chỉ là chất dưỡng ẩm mà còn giúp sản phẩm ổn định kết cấu nữa.

2. Butyl Methoxydibenzoylmethane (Avobenzone).

Avobenzone là thành phần chống nắng hóa học, nó hoạt động theo cách hấp thụ tia cực tím trước khi chúng có thể gây tổn thương cho các tế bào da bên dưới (trái ngược với cách hoạt động kiểu phản xạ tia UV như kem chống nắng vật lý).

Theo FDA Hoa Kỳ, đây là một thành phần an toàn nhưng sẽ bị giới hạn nồng độ ở mức 3% trong các công thức kem chống nắng.

Avobenzone rất không ổn định khi tiếp xúc với ánh sáng nên thường phải kết hợp với các thành phần chống nắng khác như meroxyl, ensulizole, kẽm oxit hoặc titanium dioxide...

Nhưng mà đợi đã!! Chất chống nắng nhưng lại sợ ánh sáng ư?? Đừng hiểu lầm!! Avobenzone có phổ chống nắng rất rộng (chống lại UVB, UVA2 và cả UVA1) nhưng bản thân nó khi đứng một mình nó sẽ mất đi 50-90% tác dụng trong 1 giờ khi tiếp xúc ánh sáng (Xem nghiên cứu tại đây). Do vậy, sự kết hợp để tăng tính ổn định là cần thiết.

Ở nhiều quốc gia, Avobenzone rất hay được kết hợp với kẽm oxit hoặc titanium dioxide. Nhưng tại Hoa Kỳ, sự kết hợp này bị nghiêm cấm.

3. Tris-Biphenyl Triazine (Tinosorb A2B)

Tinosorb A2B là thành phần chống nắng hóa học hấp thụ tia UVB và UVA2 hiệu quả nhất hiện nay. Khác với người anh em Tinosorb S (hấp thụ được cả tia UVB, UVA2 và UVA1), tinosorb A2B không có khả năng bảo vệ khỏi tia UVA1.

Ngoài vai trò là chất chống nằng hóa học, Tinosorb còn có tác dụng ổn định các thành phần khác trong công thức (chẳng hạn như avobenzone ở trên).

Là thành phần chống nắng lý tưởng với hiệu suất cao và rất ổn định, nhưng tinosorb vẫn chưa được FDA chấp thuận tại Mỹ. Bởi tại đây, kem chống nắng được xếp vào danh mục thuốc, điều này khiến việc phê duyệt trở nên chậm chạp và phức tạp hơn rất nhiều.

4. Octocrylene.

Octocrylene là chất chống nắng hóa học có phổ hấp thụ khá rộng từ 290 - 360 nm với đỉnh hấp thụ mạnh nhất ở 307 nm. Tức là nó có thể bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi tia UVB, UVA2 và một phần nhỏ UVA1.

Octocrylene nổi tiếng là cực kỳ an toàn, không gây kích ứng cho da nhạy cảm, độc tính với ánh sáng và dị ứng quang thấp (xem nghiên cứu). Nó có thể sử dụng kết hợp với các thành phần chống nắng khác để đạt được SPF cao hơn cũng như tăng độ ổn định.

5. Phenylbenzimidazole sulfonic acid (Ensulizole).

Ensulizole là thành phần chống nắng hóa học, có phổ bảo vệ từ 280 - 320 nm với mức bảo vệ cao nhất ở 306 nm. Có nghĩa là nó sẽ chống lại tất cả các tia UVB nhưng lại hoàn toàn vô dụng trước UVA.

Ưu điểm của lớn nhất Ensulizole là đặc tính tan trong nước nên rất được ưu tiên sử dụng để tạo ra các loại kem có kết cấu nhẹ và ít dầu hơn (chẳng hạn như các loại kem dưỡng ẩm hoặc kem chống nắng dành cho da nhờn).

Ngoài ra, Ensulizole cũng là một chất chống nắng ổn định, nên thường được kết hợp với các chất kém ổn định hơn như Avobenzone để tăng cường thời gian bảo vệ.

Ensulizole được FDA Hoa Kỳ chấp thuận sử dụng ở mức 4%. Châu Âu thì có vẻ "thoáng" hơn khi cho phép sử dụng với nồng độ lên đến 8%.

6. Titanium Dioxide và Titanium Dioxide (nano).

Titanium dioxide là 1 trong 2 thành phần chống nắng vật lý được FDA công nhận là an toàn, hiệu quả cao và không cần giám sát (cái còn lại là kẽm oxit).

Vì là thành phần chống nắng vật lý hoạt động theo kiểu phản xạ tia UV và khá trơ về mặt hóa học nên sẽ không bị giới hạn nồng độ tối đa trong các công thức.

Titanium dioxide có phổ chống nắng khá rộng (315-340 nm), tuy nhiên nó vẫn còn kém hơn so với kẽm oxit khi không thể chặn tia UVA1 (340-400 nm).

FDA đã chấp thuận sử dụng titanium dioxide cho trẻ em trên 6 tháng tuổi và các nghiên cứu đã cho thấy nó an toàn hơn các thành phần chống nắng khác khi bôi lên da. (Xem nghiên cứu tại đây)

Tại sao Altruist không sử dụng kẽm oxit?

Có thể thấy kẽm oxit có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với titanium dioxide, khả năng chống lão hóa sẽ tăng lên đáng kể nếu Altruist có chứa thành phần này!!

Kem chống nắng Altruist là vật lý hay hóa học
So với titanium dioxide, kẽm oxit có phổ chống nắng rộng hơn bao gồm cả UVA1 - tác nhân chính gây nên lão hóa.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy kẽm oxit là nguyên nhân gây hiện tượng "tẩy trắng rạn san hô" và tại các nước châu Âu, sản phẩm chứa kẽm oxit sẽ bị dán nhãn cảnh báo là: "không thân thiện môi trường, gây hại cho đời sống thủy sinh".

Đối với một sản phẩm được tạo ra với mục đích "nhân văn" như Altruist, việc thêm kẽm oxit vào kèm với nhãn dán cảnh báo sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu của họ.

Hơn nữa, chi phí của kẽm oxit cũng đắt hơn titanium dioxide. Do đó, dùng một nguyên liệu rẻ hơn mà lại được tiếng bảo vệ môi trường, tại sao không chứ!!!

3. Kết cấu, mùi hương và cảm nhận khi dùng.

Kem chống nắng Altruist Dermatologist SPF 50 có dạng tuýp nhựa màu xám nắp trắng. Nó không có vỏ hộp bên ngoài hay bất kỳ tờ giấy hướng dẫn sử dụng nào đi kèm, tất cả các thông tin sẽ được in trực tiếp trên ống này (có lẽ để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường). Nếu đặt hàng trực tiếp trên website của họ, bạn sẽ nhận được 1 lá thư cảm ơn như hình bên dưới (không biết bây giờ còn không nữa!!).

Kem chống nắng Altruist là vật lý hay hóa học
Khi đặt mua trên trang web chính thức của Altruist, bạn sẽ nhận được một lá thư cảm ơn chứa thông tin về các chiến dịch từ thiện mà Altruist đã thực hiện.

Đã từng có thời gian mình rất "ghiền" em này, phiên bản đầu tiên mà mình mua là loại SPF 50 thể tích 200ml, nó lớn hơn nhiều so với hầu hết các loại kem chống nắng khác. Ngoài ra, Altruist cũng có nhiều option khác để lựa chọn như SPF 50 100ml, chai dạng xịt hoặc "điên rồ" hơn là chai 1 lít SPF 30 =)))

Về kết cấu, Altruist SPF 50 có dạng kem đặc, màu trắng sữa, chất kem dày, không bị chảy. Cảm giác nó giống như những kem chống nắng thế hệ cũ của chục năm trước và không phải loại tốt.

Cách sử dụng tương tự như hầu hết các loại kem chống nắng khác, áp dụng "quy tắc 2 ngón tay" cho phần mặt và cổ - nghĩa là lượng kem sử dụng có chiều dài bằng ngón trỏ và ngón giữa, nếu bạn nào chưa rõ thì nhìn hình phía dưới nha!!

Kem chống nắng Altruist là vật lý hay hóa học
Quy tắc 2 ngón tay để lấy đủ lượng kem chống nắng cho phần mặt và cổ.

Khi thoa nó "đông" lại rất nhanh và rất khó tán đều, mình không biết tại sao nhiều bạn beauty blogger nói rằng nó "hấp thu nhanh" và "không dính"... Ok, ít nhất thì không đúng với làn da dầu của mình. Còn một điều nữa mà mình thấy rất ít ai nhắc đến đó là nó sẽ châm chích và làm cay khi thoa xung quanh mắt - đây thực sự là vấn đề bởi những vùng da này cũng cần phải được bảo vệ khỏi tia UV.

Kem chống nắng Altruist là vật lý hay hóa học
Chất kem dày của Altruist SPF 50 đông lại rất nhanh và khá khó để tán đều.

Finish của Altruist SPF 50 chỉ ở mức tạm ổn, vẫn có lớp phủ mờ chứ không thật sự trong suốt, những bạn da sẫm màu có thể sẽ khó thấy hơn. Tuy nhiên, một điểm trừ rất lớn là khi thoa lại, lớp finish cũ vón cục tạo thành những hạt nhỏ lăn trên da, đôi khi cảm giác như đang "kỳ ghét" vậy. Điều này không chỉ gây khó chịu mà còn khiến độ bảo vệ bị giảm đi sau nhiều lần thoa.

Kem chống nắng Altruist là vật lý hay hóa học
Lớp finish của Altruist SPF 50 bị vón cục khi bôi lại.

4. Khả năng bảo vệ của Altruist Dermatologist SPF 50.

Bảng thành phần chứa rất nhiều chất chống nắng vật lý và hóa học khiến Altruist dễ dàng đạt được chỉ số SPF 50. Nhưng bạn có thật sự hiểu con số này?

Một bài báo trên Vinmec giải thích rằng SPF 50 đồng nghĩa với khả năng bảo vệ 98% khỏi tia UVB trong 500 phút (bài viết đó đây). Whattttt!!! Thật đáng lo ngại khi những thông tin sai lệch kiểu như thế này tràn lan trên internet.

Chính xác thì SPF được tính theo công thức:

SPF = MED (có kem chống nắng) / MED (không kem chống nắng)

  • MED: Thời gian (phút) để da xuất hiện mẩn đỏ khi tiếp xúc UVB.
  • Liều lượng kem chống nắng áp dụng là 2mg/cm2.

Vì vậy SPF 50 có nghĩa là khi thoa kem chống nắng thì da sẽ "xử lý" được gấp 50 lần tia UVB so với bình thường. Ngoài ra nó không cho biết thời gian chúng ta có thể ở ngoài trời nắng bởi khả năng bảo vệ tự nhiên của mỗi người là khác nhau, hơn nữa SPF được tính toán bằng cách chiếu đèn UV trong phòng thí nghiệm, trên thực tế lượng tia cực tím thay đổi khá nhiều dựa vào thời tiết và thời gian trong ngày.

Do đó, nếu bôi Atruist SPF 50 và tự tin phơi nắng 500 phút thì khả năng cao bạn sẽ biến thành "tôm luộc" đấy =)))

Còn về phần chống lão hóa, Altruist SPF 50 cũng chứa rất nhiều thành phần lọc tia UVA nhưng phần lớn chúng chỉ có phổ bao gồm UVA2 (320-340 nm), duy nhất Avobenzone có thể chặn được UVA1 sóng dài (340-400 nm) và Octocrylene chặn được một phần - không biết mình có bỏ sót điều gì không??

Mặc dù vậy, Altruist SPF 50 vẫn có xếp hạng PPD 54 tương đương với PA++++, cao nhất trong tất cả các kem chống nắng ở Châu Âu. La Roche Posay Anthelios Invisible Fluid SPF 50+, có lẽ là kem chống nắng tốt nhất bán tại EU cũng chỉ có PPD 46. Wow!!!

Kem chống nắng Altruist là vật lý hay hóa học
Chỉ số chống tia UVA của Altruist được đánh giá 5 sao in trên vỏ hộp.

Chỉ số PPD này có bất thường? Có đáng tin cậy không?

Chỉ số PPD cũng được tính theo cách tương tự như SPF ở trên, con số này sẽ cho biết khi có kem chống nắng da sẽ chống lại UVA gấp bao nhiêu lần so với bình thường - trong trường hợp của Altruist là gấp 54 lần!! Nhưng mà khoan đã...

PPD được tính dựa trên thời gian xuất hiện các vết sạm trên da (gây ra bởi UVA2). Nhưng lại bỏ qua ảnh hưởng của UVA1 đến sự lão hóa - vì thực tế đây là một quá trình lâu dài và không thể đo được. Từ đây có thể thấy PPD không thể hiện đầy đủ mức độ chống lại UVA của một sản phẩm, chỉ số PPD cao hơn không đồng nghĩa chống lão hóa tốt hơn.

Với Altruist SPF 50, mặc dù PPD rất cao nhưng thành phần chỉ có Avobenzone là có phổ bao gồm cả UVA1, do đó theo mình em này chỉ thích hợp cho những buổi dã ngoại, tắm biển và hoạt động ngoài trời, còn nếu để bôi hằng ngày cho mục đích chống lão hóa thì vẫn còn đó những lựa chọn tốt hơn!!

Kem chống nắng Altruist là vật lý hay hóa học
Altruist thích hợp với các hoạt động ngoài trời, dã ngoại hơn là một loại kem bôi thường xuyên để chống lão hóa.

5. Nên chọn Altruist Dermatologist SPF 50 hay SPF 30.

Nhiều bạn nghĩ rằng Altruist SPF 50 là bản nâng cấp của Altruist SPF 30 với chỉ số chống nắng mạnh hơn cùng với mức giá cao hơn. Và nếu đặt cạnh nhau thì phần lớn mọi người sẽ chọn cái "tốt hơn" là SPF 50.

Giá bán:

  • Altruist SPF 50: 187.000 VND/100 mL
  • Altruist SPF 30: 221.000 VND/200 mL

Mua sản phẩm tại Shopee

Nhưng kì thực, ngoài chỉ số SPF ra thì 2 bản này khác nhau khá nhiều đấy. Về kết cấu, SPF 30 sẽ có chất kem nhẹ và ít nhờn hơn hẳn. Lớp finish trong suốt hơn so với SPF 50. Điểm đặc biệt nhất là nó không làm cay mắt cũng như không vón cục khi thoa lại.

Kem chống nắng Altruist là vật lý hay hóa học
Chất kem của Altruist SPF 30 nhẹ, ít nhờn hơn. Đặc biệt không làm cay mắt và không bị vón cục khi bôi lại.

Có thể thất phiên bản Altruist SPF 30 khắc phục được hầu hết nhược điểm của SPF 50 nhưng liệu có đáng để đánh đổi không?

Cần hiểu rằng SPF là chỉ số chống tia UVB. Kem chống nắng có SPF 30 giúp chặn 96,7% UVB, trong khi SPF 50 chặn khoảng 98%. Bất cứ thứ gì vượt quá SPF 50 cũng tạo ra rất ít sự khác biệt và tất nhiên không có loại kem chống nắng nào có khả năng bảo vệ 100% khỏi tia UVB cả. Bạn có thể gặp nhiều loại có SPF 70 hay thậm chí là 100 nhưng chúng thực chất chỉ tạo ra cho mục đích marketing.

Mình biết rằng tâm lý ai cũng muốn chọn sản phẩm có SPF cao nhất, nhưng kem chống nắng mà bạn có thể thoa lại nhiều lần và thoa đủ lượng còn quan trọng hơn nhiều một chút chênh lệch SPF.

Cách đây khá lâu mình đã có viết một bài nói về "SPF thay đổi như thế nào nếu thoa không đủ kem chống nắng". Tóm tắt lại cho ai lười đọc:

  • Công thức tính SPF thực tế như sau: SPF thực = SPF ^ ( lượng thoa / 2 ).
  • Từ SPF 30 trở lên, nếu chỉ thoa 3/4 lượng cần thiết, SPF thực tế bị giảm 1 nửa.
  • Nếu chỉ thoa 1/2 lượng cần thiết thì SPF thực tế không bao giờ vượt qua 10, kể cả đó là loại SPF 50 hay 70.
  • Hầu hết mọi người chỉ thoa 0,5mg/cm² (bằng 1/4 lượng cần thiết), tương đương với SPF 3 cho tất cả mọi sản phẩm =))
Kem chống nắng Altruist là vật lý hay hóa học
Biểu đồ cho thấy các mức SPF thực tế bạn nhận được khi thoa không đủ kem chống nắng.

Tóm lại, mình không nói rằng Altruist SPF 30 tốt hơn, nhưng thực tế là nó khắc phục được hầu hết nhược điểm của SPF 50 (Uhm!! Và nó cũng rẻ hơn nữa, có hẳn chai 1 lít luôn mà), rất đáng để cân nhắc lựa chọn đấy.

6. Kem chống nắng Altruist cho da sử dụng Treatment.

Bên cạnh tác dụng phụ làm khô da, gần như tất cả các Treatment trị mụn mạnh mẽ và phổ biến nhất đều làm mỏng bề mặt da, trong đó có thể kể đến như benzoyl peroxide, retinol, tretinoin, AHA và đặc biệt là Acid salicylic (BHA). 

Khi da bị mỏng sẽ tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, da dễ bị cháy nắng và tổn thương hơn, từ đó khiến quá trình điều trị mụn trở nên cực kỳ lâu. Ngoài ra, các tia UV còn làm tăng tổng hợp melanin dẫn tới nám da, tăng sắc tố sau viêm (PIH) hay xấu xí hơn là hình thành các sẹo mụn. Chính vì vậy, khi sử dụng treatment thì dưỡng ẩm và chống nắng luôn là điều bắt buộc.

Để lựa chọn kem chống nắng cho da treatment thì yêu cầu là SPF phải cao (trên 40) và thành phần có khả năng dưỡng ẩm, do đó Altruist SPF 50 sẽ hợp lý hơn phiên bản SPF 30.

Đã từng có thời gian Altruist là kem chống nắng mình yêu thích nhất và khuyến khích sử dụng cho da Treatment, nhưng từ đó đến nay quan điểm của mình đã thay đổi khá nhiều.

Kem chống nắng Altruist là vật lý hay hóa học
Altruist rất thích hợp bảo vệ da đang sử dụng Treatment, tuy nhiên nó không phải là tối ưu cho mọi tình trạng darường hợp.

Nói chung Altruist vẫn tốt, tuy nhiên nó không phải tối ưu nhất cho mọi trường hợp. Đối với những bạn có da quá khô thì nên chọn loại có dưỡng ẩm mạnh hơn hoặc đang điều trị tăng sắc tố thì những kem chống nắng chứa niacinamide như EltaMD UV SPF 46 sẽ tốt hơn để giảm đáng kể thời gian điều trị. Ngoài ra, những bạn da nhạy cảm dễ kích ứng hoặc thường xuyên sử dụng BHA thì kem chống nắng tốt nhất phải là những loại 100% khoáng chất (kẽm oxit hoặc titanium dioxide) để tránh bị kích ứng thêm.

7. Tổng kết.

Altruist SPF 50 tuy không phải là kem chống nắng hoàn hảo và xuất sắc nhất nhưng cái nào em nó cũng làm được ở mức khá.

Chỉ số SPF tuy rất cao nhưng không có nhiều thành phần lọc tia UVA1 nên Altruist thích hợp cho những buổi dã ngoại, hoạt động ngoài trời và tắm biển hơn là một loại kem bôi thường xuyên để chống lão hóa.

Ngoài ra, khả năng làm cay mắt cũng như bị vón cục khi bôi lại cũng là cực hình với một số bạn, các nhược điểm này có thể được khắc phục với phiên bản SPF 30 của nó.

Đây đã từng là "cạ cứng" của mình trong những năm tháng sử dụng Treatment bởi chỉ số chống nắng cao, dưỡng ẩm tốt và giá thành rẻ. Cho đến nay nó vẫn là một trong những sự lựa chọn tốt nhất nhưng không phải tối ưu cho tất cả trường hợp.

Trên đây là những chia sẻ của mình về kem chống nắng Altruist Dermatologist SPF 50, hy vọng các bạn sẽ thích nó.