Khủng hoảng nợ công hy lạp 2012 nguyên nhân

Vệt dầu nợ công loang rộng

Bắt nguồn từ Hy Lạp cuối năm 2009, cuộc khủng hoảng nợ công không những không bị ngăn chặn mà còn tiếp tục lan rộng ở châu Âu. Nguyên nhân rơi vào tình trạng này được Hy Lạp đưa ra là do nước này lạm chi cho công tác tổ chức Ô-lim-pích A-ten 2004 hoành tráng và tốn kém nhất trong lịch sử, cũng như các hợp đồng mua vũ khí và trang thiết bị quốc phòng. Trên thực tế, vay nợ để chi tiêu [cũng là tình trạng chung của nhiều quốc gia châu Âu] là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới cuộc khủng hoảng nợ công. Bất chấp việc bộ ba chủ nợ, gồm EU, Quỹ Tiền tệ quốc tế [IMF] và Ngân hàng trung ương châu Âu [ECB], nhất trí về gói cứu trợ tài chính thứ hai trị giá 130 tỷ USD và các chủ nợ tư nhân miễn giảm 50% số nợ, nền kinh tế Hy Lạp ngày càng "ốm yếu" và có nguy cơ vỡ nợ bất cứ lúc nào. Năm 2012 là năm thứ năm liên tiếp GDP của Hy Lạp giảm, dự kiến ở mức âm 4,7%. Nợ công của đất nước "xứ sở thần thoại" hiện lên tới 160% GDP; tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục 22,5%, so mức 7,5% năm 2008.

Từ Hy Lạp, căn bệnh nợ công đã lan sang nhiều nước EU, bất kể đó là các nền kinh tế lớn [Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha], các nền kinh tế tương đối ổn định [Ai-len, Hà Lan] hay các nền kinh tế nhỏ ở Ðông Âu [Bun-ga-ri, Ru-ma-ni]. "Núi" nợ công cũng đang đè nặng các nền kinh tế hàng đầu khu vực, điển hình là I-ta-li-a với 1.995 tỷ ơ-rô, Pháp 1.700 tỷ ơ-rô và Anh hơn 1.000 tỷ bảng. Tình trạng "bong bóng" bất động sản và khoản nợ tư nhân lớn đối với hệ thống ngân hàng đã khiến Tây Ban Nha trở thành "mắt xích" yếu thứ hai trong EU. I-ta-li-a, nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone, có nguy cơ trở thành "cơn ác mộng" của EU, với mức nợ công lớn chỉ sau Hy Lạp và sự sụt giảm mạnh của tốc độ tăng trưởng kinh tế, dự kiến ở mức âm 1,4% năm 2012. Nếu I-ta-li-a vỡ nợ, hậu quả của nó sẽ lớn gấp nhiều lần Hy Lạp, bởi quy mô nền kinh tế và số vốn khổng lồ nước ngoài đầu tư vào đất nước "hình chiếc ủng". Ðức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng rơi vào tình trạng khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công. Bộ Kinh tế Ðức dự báo, tăng trưởng của nền kinh tế nước này sẽ trì trệ trong quý IV-2012 và tiếp tục ảm đạm suốt quý I-2013. Kim ngạch xuất khẩu, trụ cột chính của nền kinh tế Ðức, đã sụt giảm 3,4% trong tháng 9-2012. Doanh số các ngành sản xuất ô-tô, máy móc, thiết bị công nghiệp cũng giảm mạnh. Chủ các doanh nghiệp đã bắt đầu sa thải hàng loạt nhân viên để tiết kiệm chi phí, do kinh doanh khó khăn. Nền kinh tế lớn thứ hai EU là Pháp cũng bên bờ vực suy thoái, với dự báo tăng trưởng quý IV-2012 tiếp tục giảm 0,1%, tương tự mức giảm của quý III. Ba trong số bốn nước Bắc Âu, vốn luôn tự hào có nền kinh tế ổn định, đã không thể miễn nhiễm "vi-rút" nợ công. Thụy Ðiển phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế xuống 0,9% năm 2012 và 1,1% năm 2013, so các mức dự báo trước là 1,6% và 2,7%. Tỷ lệ thất nghiệp của Thụy Ðiển năm 2013 dự kiến tăng lên 8,2%. Ðan Mạch cũng phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế xuống mức 0,4% năm 2012 và 1,2% năm 2013, so các mức dự báo trước là 0,9% và 1,7%. Nền kinh tế Phần Lan đã chính thức rơi vào suy thoái, với ba quý liên tiếp tăng trưởng âm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 8%. Hen-xin-ki phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2013 xuống mức 0,5%. Các nước châu Âu đang nổi [gồm sáu nước EU là Ba Lan, Ru-ma-ni, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Lít-va, Lát-vi-a và ba nước ngoài EU là Thổ Nhĩ Kỳ, Xéc-bi-a và Crô-a-ti-a] đang đứng trước nguy cơ bị "lây nhiễm" từ cuộc khủng hoảng nợ công. Theo dự báo của IMF, các nước này chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế 2% năm 2012 và 2,6% năm 2013, do hoạt động thương mại với Eurozone giảm mạnh.

Nền kinh tế khu vực Eurozone gồm 17 thành viên đã giảm 0,1% trong quý III-2012, so mức sụt giảm 0,2% của quý II, đồng thời dự báo tiếp tục xấu hơn trong quý IV. Như vậy, theo định nghĩa kinh tế Eurozone đã chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật khi hai quý liên tiếp suy giảm. So cùng kỳ năm 2011, GDP của Eurozone giảm 0,6% và toàn EU giảm 0,4%. Chủ tịch ECB M.Ðra-ghi nhận định, nền kinh tế Eurozone sẽ tiếp tục suy giảm năm 2013, với mức tăng trưởng "khiêm tốn" 0,3%, tỷ lệ thất nghiệp cao 11,6% và lạm phát 2,5%. Trong đó, bức tranh kinh tế của các đầu tàu EU cũng không mấy sáng sủa. Ðức chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 0,2% trong quý III-2012, so với 0,3% của quý II và 0,5% của quý I. Pháp,  Tây Ban Nha và I-ta-li-a phải chật vật mới đạt các mức tăng trưởng lần lượt là 0,2%, 0,3% và 0,2%. Eurozone nói chung và nhiều nước thành viên nói riêng liên tiếp bị các hãng xếp hạng tín dụng quốc tế hạ tín nhiệm tín dụng do những nguy cơ rủi ro và thiếu ổn định của nền kinh tế, trong đó có các nền kinh tế lớn như Pháp, I-ta-li-a và Tây Ban Nha. Việc hạ tín nhiệm càng khiến các nước khó tiếp cận nguồn vốn vay, qua đó phải chấp nhận huy động vốn với lãi suất cao. Cuộc khủng hoảng nợ công cũng là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn tới sự sụp đổ chính phủ ở nhiều nước châu Âu như Ai-len, Hy Lạp, Hà Lan...

Nỗ lực đối phó khủng hoảng

Trên bình diện vĩ mô, EU đã huy động mọi nguồn lực và khả năng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan rộng, tiến hành bảy hội nghị cấp cao năm 2012, với tần suất chưa đến hai tháng một cuộc họp, nhằm tìm phương thuốc chữa bệnh nợ công. Với phương châm trị bệnh từ gốc, EU đã thông qua hàng loạt biện pháp như thiết lập "bức tường lửa" tài chính trị giá 800 tỷ ơ-rô, kết hợp Cơ chế ổn định châu Âu [ESM] trị giá 500 tỷ ơ-rô và Quỹ bình ổn tài chính châu Âu [EFSF] trị giá 440 tỷ ơ-rô nhằm tăng nguồn lực cứu trợ các nước thành viên gặp khó khăn. EU đã nhất trí thành lập Cơ chế giám sát chung [SSM] từ tháng 3-2014, nhằm tăng cường giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng khu vực và khắc phục vòng luẩn quẩn giữa nợ xấu ngân hàng và nợ công. EU công bố kế hoạch cải cách tổng thể cơ cấu Eurozone và thành lập liên minh kinh tế-tiền tệ sâu rộng, cho phép 17 nước thành viên Eurozone hội nhập sâu rộng và với tốc độ nhanh hơn các nước còn lại trong EU để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ. Việc duy trì "EU hai tốc độ" sẽ giúp tạo ra một khu vực đồng tiền chung mạnh và ổn định hơn, đồng thời giảm khoảng cách giàu nghèo trong EU.

Với "tâm bão" Hy Lạp, EU, IMF và ECB đã thông qua khoản tài chính 43,7 tỷ ơ-rô trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ ơ-rô, nhằm cứu A-ten tránh nguy cơ vỡ nợ công cuối năm 2012. Cùng với các biện pháp "thắt lưng, buộc bụng", Chính phủ Hy Lạp đã đàm phán thành công với các chủ nợ tư nhân về việc miễn giảm 50% số nợ do họ nắm giữ. Ðồng thời, A-ten đã thực hiện hai quyết định quan trọng là phát hành trái phiếu mới nhằm thanh toán những khoản nợ đáo hạn và mua lại trái phiếu chính phủ từ các chủ nợ tư nhân. Với quyết định thứ nhất, Cơ quan quản lý nợ thu được 4,387 tỷ ơ-rô thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn một tháng với lãi suất 3,99% và trái phiếu kỳ hạn sáu tháng với lãi suất 4,38%. Quyết định thứ hai là mua lượng trái phiếu trị giá 30 tỷ ơ-rô của hệ thống ngân hàng Hy Lạp. EU đánh giá cao các nỗ lực trên của Hy Lạp, dự báo việc mua lại nợ sẽ giảm mức nợ công của A-ten từ 165,3% GDP [tương đương 355,6 tỷ ơ-rô] hiện nay xuống 145,5% GDP vào đầu năm 2013. Tình trạng thâm hụt ngân sách của Hy Lạp cũng có những tín hiệu tích cực. Theo báo cáo của Cục Thống kê Hy Lạp [ELSTAT], thâm hụt ngân sách của nước này hiện giảm xuống 9,1% GDP so mức 15,6% GDP năm 2009 và nhiều khả năng xuống mức 7% cuối năm 2012. Dù vẫn cao gấp ba lần mức trần 3% theo quy định của EU, nhưng việc cắt giảm thâm hụt ngân sách đã chứng tỏ hiệu quả bước đầu của các chính sách "thắt lưng, buộc bụng" của A-ten. EU đã gia hạn cho Hy Lạp thời gian thực hiện giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 3% vào năm 2016, thay vì năm 2014 như thỏa thuận trước đó, nhằm bảo đảm đà phục hồi của nền kinh tế và sức chịu đựng của thị trường tài chính Hy Lạp. Có được tín hiệu tích cực đó là nhờ các biện pháp "thắt lưng, buộc bụng" của Chính phủ Hy Lạp, bất chấp làn sóng biểu tình phản đối dâng cao ở nước này. Các chủ nợ đã cam kết mua lại lượng trái phiếu trị giá 31,9 tỷ ơ-rô. Ngoài ra, A-ten mới thông qua kế hoạch kinh tế "khắc khổ" trị giá 18,5 tỷ ơ-rô, cùng với kế hoạch cắt giảm chi tiêu trị giá 11,5 tỷ ơ-rô giai đoạn 2013-2014 được phê duyệt trước đó, nhằm đáp ứng các điều kiện khắt khe của gói cứu trợ quốc tế. Trong đó, có các quy định gây tranh cãi như nâng tuổi về hưu từ 65 lên 67 tuổi, hủy chế độ lương tháng thứ 13 và 14 đối với viên chức, giảm lương từ 5% đến 15% đối với những người có thu nhập hơn 1.000 ơ-rô/tháng; xóa bỏ chế độ tiền thưởng và giảm lương đối với những người làm việc tại các trường đại học, bệnh viện, cơ quan tư pháp địa phương, lực lượng cứu hỏa hoặc vũ trang; giảm 50% lương của thị trưởng và ủy viên hội đồng địa phương; hạn chế lương tối thiểu không quá 580 ơ-rô/tháng và 511 ơ-rô đối với lao động dưới 25 tuổi. Hy Lạp dự kiến tiết kiệm được 1,1 tỷ ơ-rô từ cắt giảm lương và 3,8 tỷ ơ-rô từ cắt giảm trợ cấp hưu trí. Ðây là một phần trong kế hoạch cắt giảm chi tiêu 11,5 tỷ ơ-rô [tương đương 14,8 tỷ USD] trong giai đoạn 2013-2014 và tăng tổng thu thêm hai tỷ ơ-rô trong hai năm tới thông qua cải cách thuế cũng như thu thuế. Tuy nhiên, gam mầu tối vẫn ngự trị bức tranh kinh tế của Hy Lạp năm 2013, với dự báo mức suy giảm 3,8%, đánh dấu năm thứ sáu liên tiếp suy thoái, cùng với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 24,7% và nợ công tăng lên 179,3% GDP.

Giống như Hy Lạp, một loạt nước EU như Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Síp, Hung-ga-ri... đã phải đề nghị các khoản cứu trợ quốc tế. Trong đó, gói cứu trợ tài chính dành cho Ma-đrít lên tới 100 tỷ ơ-rô, chỉ kém "tâm bão" nợ công Hy Lạp. Trong đó, Eurozone đã giải ngân 39,5 tỷ ơ-rô từ quỹ ESM để tái cấp vốn cho các ngân hàng Tây Ban Nha gặp khó khăn và thua lỗ. Bồ Ðào Nha đã nhận được 80% trong gói cứu trợ trị giá 78 tỷ ơ-rô, nhằm tiến hành cải cách cơ cấu để tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Hung-ga-ri và Síp cũng đề nghị các gói cứu trợ có quy mô khác nhau để đối phó vấn đề nợ công.

EU trước sự chia rẽ

Trải qua hơn ba năm khủng hoảng nợ công, từ một liên minh đoàn kết và vững chắc nhất thế giới trên phương diện chính trị, kinh tế và xã hội, EU đã bộc lộ những mâu thuẫn và rạn nứt trong nội bộ khối. Nhiều nước thành viên chỉ muốn giữ quyền lợi riêng của mình thay vì đóng góp cho lợi ích chung toàn khối. Hai nước đầu tàu EU là Ðức và Pháp đã không đi cùng hướng trong một số vấn đề quan trọng, nhất là từ khi Pháp được lãnh đạo bởi Tổng thống P.Ô-lăng-đơ tháng 4-2012. Trong khi Thủ tướng Ðức A.Méc-ken kiên quyết đối phó khủng hoảng nợ công bằng các biện pháp "thắt lưng, buộc bụng", thắt chặt chi tiêu, thì ông Ô-lăng-đơ lại khuyến khích tăng đầu tư và chi tiêu để kích thích tăng trưởng kinh tế, coi đây là chìa khóa giải quyết vấn đề nợ công. Tổng thống Ô-lăng-đơ cho rằng, các biện pháp kinh tế "khắc khổ" không giải quyết triệt để vấn đề nợ công, ngược lại còn là rào cản đối với tăng trưởng kinh tế. Béc-lin từ chối đảm nhận các khoản nợ của các nước gặp khó khăn trong EU, nhấn mạnh các nước này cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp khắc khổ dưới sự giám sát của EU. Trong khi Pa-ri muốn thực thi ngay các biện pháp phối hợp để tái cấu trúc ngân hàng và hạ lãi suất trái phiếu của các nước đang mắc nợ, bác bỏ sự kiểm soát của EU đối với ngân sách các nước thành viên. Hai nước này cũng bất đồng về kế hoạch "EU hai tốc độ" quy định việc hỗ trợ duy trì hai tốc độ phát triển kinh tế giữa các nước Eurozone và các nước EU không phải thành viên liên minh tiền tệ này.

Thủ tướng Anh Ð.Ca-mê-rôn từng tuyên bố về khả năng Luân Ðôn rời bỏ EU, để tránh những tác động xấu của cuộc khủng hoảng nợ công đối với nền kinh tế nước này. Anh dự định tiến hành hai cuộc trưng cầu ý dân về quan hệ với EU, trong đó một cuộc diễn ra năm 2015. Chính phủ Anh cũng đề nghị cử tri bỏ phiếu về việc Luân Ðôn rút hoàn toàn khỏi EU. Nếu khả năng Anh rời "mái nhà chung" EU xảy ra, sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền và gây hậu quả nghiêm trọng đối với mục tiêu hướng tới một đại quốc gia EU. Kế hoạch "thắt lưng, buộc bụng", cắt giảm lương và các chế độ trợ cấp cũng gây mâu thuẫn giữa chính phủ và người dân, thể hiện qua làn sóng biểu tình và bãi công lan rộng ở phần lớn các nước thành viên EU. Việc EU chưa thể thông qua ngân sách giai đoạn 2014-2020 do những tranh cãi về phần đóng góp và phân chia lợi ích giữa các nước thành viên, đã cho thấy dấu hiệu rạn nứt trong khối.

Về việc chung tay cứu trợ hay bỏ mặc Hy Lạp vỡ nợ cũng gây ra tranh cãi sâu sắc trong EU. Trong khi Ðức và Pháp chủ trương nỗ lực cứu trợ Hy Lạp và kiên quyết giữ A-ten ở lại Eurozone, thì một số nước khác lại muốn để con tàu nợ công Hy Lạp đắm chìm và bị "trục xuất" khỏi liên minh tiền tệ chung. Tuy nhiên, đến thời điểm này, quan điểm cứu trợ Hy Lạp đã chứng minh sự đúng đắn của nó, để tránh gây hiệu ứng vỡ nợ dây chuyền cũng như hậu quả cực kỳ to lớn đối với EU và Eurozone nói riêng và thế giới nói chung. Các chuyên gia dự báo rằng, nếu Hy Lạp vỡ nợ sẽ kéo theo các "mắt xích yếu" như Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha và I-ta-li-a. Trường hợp Hy Lạp rời khỏi Eurozone, người dân nước này sẽ chịu thiệt hại khoảng 164 tỷ ơ-rô vào năm 2020, trong khi các nền kinh tế khác cũng mất đi 674 tỷ ơ-rô. GDP của Pháp, Bồ Ðào Nha và Bun-ga-ri sẽ giảm 8% và Ðức là 3%. Nếu Bồ Ðào Nha từ bỏ Eurozone, Ðức sẽ thiệt hại khoảng 225 tỷ ơ-rô đến năm 2020, thế giới mất 2.400 tỷ ơ-rô, trong đó Mỹ mất 365 tỷ ơ-rô và Trung Quốc mất khoảng 275 tỷ ơ-rô. Còn nếu Tây Ban Nha ngừng sử dụng đồng ơ-rô, các nền kinh tế lớn sẽ thiệt hại hàng nghìn tỷ ơ-rô. Nếu I-ta-li-a rơi vào tình huống này, hậu quả sẽ không thể lường trước, đồng thời châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Theo giới phân tích kinh tế, các biện pháp quyết liệt của EU và chính phủ các nước thành viên đã bắt đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm, trong đó nền kinh tế Mỹ khó khăn, công cuộc đối phó nợ công và khôi phục đà tăng trưởng kinh tế của EU là nhiệm vụ lâu dài, không thể tiến hành dứt điểm trong năm 2013 hoặc một vài năm tới. EU cần nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cũng như kiên trì thực thi các chính sách phù hợp để từng bước thoát khỏi khủng hoảng, tìm lại vị thế chính trị và kinh tế của khu vực.

Chủ Đề