Lên đại học có học chủ nghĩa các mac

[VNTB] Đến hẹn lại lên, cứ vào tháng Bảy hàng năm, trong không khí oi bức của mùa hè và bầu trời có thể kéo mây và trút mưa ào ạt bất cứ lúc nào, sĩ tử và phụ huynh khắp mọi miền vẫn lũ lượt kéo nhau đến các điểm thi trên cả nước để lại bước vào một mùa tuyển sinh Đại Học – Cao Đẳng. Âu đó cũng là truyền thống quý cái chữ đáng trân trọng của dân tộc Việt, một truyền thống cao đẹp vẫn còn sót lại giữa thời buổi đầy nhiễu nhương trong cái xã hội này.

Những em may mắn vì đã đỗ đại học – cao đẳng, ngoài việc được học những kiến thức chuyên ngành, còn được “trải nghiệm” những năm tháng thanh xuân của mình cùng bộ “Ngũ Kinh” thời hiện đại: Triết Học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học, Lịch Sử Đảng, Tư Tưởng Hồ Chí Minh [sau đây sẽ gọi chung là các môn Mác – Lê]

Chưa cho vô tủ những cái cũ

Vâng, các em sẽ tiếp tục “trải nghiệm” như hàng chục triệu sinh viên, những ai “may mắn” đã và đang học dưới những trường đại học ở đất nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa này. Mà nếu có ai hỏi họ “Bạn nghĩ gì về các môn học Mác – Lê?”, thì câu trả lời chỉ cần cô đọng trong ba chữ “Chán và Ngán”.

Có lẽ không cần bàn luận đến cái cách dạy một chiều từ phần lớn các giảng viên của những môn học này, chỉ cần thấy việc họ được đông đảo sinh viên đặt những cái tên vô cùng “khả kính” như “giáo sư gây mê”, “tiến sĩ ru ngủ”, cũng đã phản ánh thực trạng của vấn đề. Còn nội dung chương trình học thì năm này qua năm khác cũng chẳng thay đổi gì mấy, vẫn những cuốn sách ken đặc các con chữ, và nếu sinh viên đọc xong, dám chắc họ không hiểu mình vừa đọc cái gì và kèm theo câu hỏi vô cùng xác đáng “Học các môn này để làm gì?”.

Đúng, học để làm gì? Bởi trong nền kinh tế thị trường này, cái doanh nghiệp cần là những người có chuyên môn, làm được việc và cái xã hội cần là những công dân biết lao động chân chính, có đạo đức nghề nghiệp. Không ai cần những khối kiến thức khổng lồ vốn dĩ chẳng áp dụng được vào việc gì thực tế.

Ta dễ dàng lý giải vì sao có không ít sinh viên yêu thích và chăm chỉ học các môn chuyên ngành nhưng còn với các môn “khó nuốt” này họ chỉ cố thuộc làu như những con vẹt, rồi vào phòng thi chữ được chữ mất, cầu mong sao cho có điểm 5 để “trả nợ quỷ thần”. Việc tiêu tốn thời gian, sức lực vào các môn học đó làm họ mất đi những thời gian quý báu dành cho các môn học khác trang bị cho họ những kỹ năng mềm, bản lĩnh để vào đời.

Những cái cần thì rất gần

Trong kỷ nguyên số ngày nay khoảng cách con người ngày càng thu hẹp, sinh viên ra trường không chỉ phải cạnh tranh với các bạn đồng môn của họ mà còn phải cạnh tranh với cả bạn bè quốc tế trên đường tìm kiếm công việc. Khả năng canh tranh trong thị trường lao động ngoài những kỹ năng, kiến thức chuyên môn còn có thái độ làm việc, cách giao tiếp, ứng xử nơi công sở và đạo đức nghề nghiệp.

Đã đến lúc những giáo điều cũ kỹ, những câu hỏi về phép biện chứng “siêu phàm” cần được thay thế bởi những câu hỏi thực tiễn đầy tính gợi mở như “Theo bạn trong công việc, kinh nghiệm hay tài năng, cái nào quan trọng hơn?”, hay những tình huống rất thực tế “Nếu bạn là một trưởng nhóm. Trong lúc làm việc, đồng nghiệp trong nhóm bạn quản lý không thể tiếp tục công việc [bất ngờ đau ốm hay có việc gấp phải về nhà]. Bạn phải làm sao để đảm bảo tiến độ công việc?” và ngay cả những câu mang đầy tính thời sự “Bạn có dự định gì nếu sau khi tốt nghiệp và đi xin việc đã nửa năm mà bạn vẫn thất nghiệp?”

Tất nhiên sẽ có ý kiến cho rằng “Khó có sự thay đổi do Bộ Giáo Dục cần giữ các môn học đó vì lợi ích cảu các giảng viên dạy các môn này”. Thưa rằng, lợi ích mà họ thu được là rất nhỏ so với tổng hao phí mà xã hội phải gánh chịu khi tiếp tục duy trì những môn học này. Hơn nữa, với kinh nghiệm đứng lớp của họ, ta hoàn toàn có thể thiết lập những chương trình để tái đào tạo, trang bị lại kiến thức, giúp các giảng viên đó có thể chuyến đổi sang dạy các môn học về kỹ năng mềm cho sinh viên.

Một câu hỏi cũng không kém phần xác đáng: “Với thể chế hiện nay việc giảng dạy các môn học Mác – Lê là để phục vụ cho mục đích chính trị, tuyên truyền trong học đường, nên dại gì mà họ bỏ?”. Thưa rằng, như những dẫn chứng ở trên ta hãy nhìn thẳng vào thực tế, việc không bỏ những môn đó mới là dại. Hơn nữa sinh viên đều là người đã trưởng thành, nhất là trong thời buổi thông tin ngày nay họ thừa hiểu cái gì cần cho họ, cái gì là thừa thãi. Nếu cứ cố nhồi nhét thì từ không thích sẽ chuyển sang ghét, đặt giả dụ một sinh viên nào không lấy được bằng tốt nghiệp thì vì còn nợ những môn Mác – Lê đó, họ sẽ chuyển sang từ ghét sang thù. Thử hỏi cái sự tai hại sẽ đến chừng nào?

Vì vậy hãy để những giá trị mà có người đã tán tụng là cao đẹp và một thời từng là lý tưởng đó cho các sinh viên thực sự yêu thích chuyên ngành Triết Học. Các anh, các chị sẽ tự phân tích, tranh luận với nhau để tìm hiểu những giá trị lịch sử của chúng trong chuyên ngành của họ. Còn với các sinh viên chuyên ngành khác, vui lòng để cho đầu óc họ vốn đã nhiều lo toan về những khó khăn trong đời sống sinh viên, được tập trung vào những môn học thực tế, thu nhặt những kiến thức thực sự bổ ích cho công việc và tương lai của họ.

Đừng tiêu tốn thời gian, sức lực của nhau vào những thứ không cần thiết nữa. Cả thế giới này đang cạnh tranh với nhau trong từng giây từng phút, sinh viên cần những kiến thức thiết thực để bước vào sân chơi lớn, để có thể làm việc và tự tạo việc làm. Có như vậy thì mới mong quốc gia có ngày được “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Còn nếu tự buộc chân mình bằng những thứ vô bổ thì ngàn kiếp cũng chưa ngang tầm các nước tiến bộ trong khu vực.

Nguyễn Minh

------------------
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

Chủ Đề