Liên hệ thực tế phong cách lãnh đạo dân chủ

1. Tư tưởng và phong cách dân chủ của HCM:

Phong cách làm việc tập thể, dân chủ là một đặc trưng trong tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người, thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề. Người khẳng định Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều .

Thực tiễn chứng minh, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, là người đứng đầu Đảng cầm quyền, đứng đầu Nhà nước dân chủ, ở đỉnh cao của quyền lực, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên có phong cách làm việc tập thể và dân chủ. Gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể là phương châm chỉ đạo suy nghĩ và hành động của Người. Phong cách dân chủ của Hồ Chí Minh thể hiện qua một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, mọi cán bộ, đảng viên phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù là người lãnh đạo nhưng không bao giờ đặt mình cao hơn tổ chức, ở ngoài sự kiểm tra, giám sát của tổ chức, bác luôn đặt mình trong tổ chức, luôn tôn trọng tập thể. Thực tiễn trước khi dưa ra quyết sách lãnh đạo, Bác luôn luôn tranh thủ bàn bạc với tập thể Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội, thậm chí khi cần thiết, Bác triệu tập cả Hội nghị chính trị đặc biệt - một hình thức Diên Hồng của thời đại mới - để xin ý kiến các đại biểu quốc dân. Ví dụ: khi bàn về cách làm và xuất bản sách Người tốt, việc tốt với một số cán bộ, Người nói: "Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa

Thứ hai, là phải mở rộng dân chủ để phát huy sức mạnh của tập thể.

Theo Bác, người lãnh đạo phải biết khuyên cán bộ, đảng viên mạnh bạo, cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, phê bình. Đó là cách tốt nhất để người lãnh đạo biết rõ ưu điểm, khuyết điểm của mình và tỏ ra thật thà, dân chủ trong Đảng. Người lãnh đạo phải hiểu rằng, trong sinh hoạt mà cán bộ không nói năng, không đề xuất ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản.

Người thường nói: Đề ra công việc, đẻ ra nghị quyết, không khó, vấn đề là thực hiện nó. Ai thực hiện? - Tập thể, quần chúng. Vì vậy, có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng thông suốt, nhất trí, mới cùng quyết tâm thực hiện, tránh được "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Sở dĩ xảy ra mất đoàn kết vì người đứng đầu ở nơi đó còn chuyên quyền, độc đoán, áp đặt chủ quan, trong hội nghị thì mọi người miễn cưỡng đồng tình, sau hội nghị nếu đã không thông thì sẽ không quyết tâm thực hiện. Vì vậy, Người yêu cầu: "Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình". "Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến"; "thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn".

Người từng nói, một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một mặt hay nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người, nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó mới thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm. Như vậy có thể thấy sự thông minh của người lãnh đạo không phải ở chỗ tự mình làm việc, tự mình giải quyết mà nằm ở chỗ phát huy được tinh thần tập thế, huy động được trí tuệ của nhiều người.

Không chỉ bàn về dân chủ, bản thân Người còn là tấm gương mẫu mực về thực hành dân chủ. Trong công tác lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Người luôn có ý thức sử dụng sức mạnh tổng hợp của nhiều cơ quan, nhiều tổ chức, sức mạnh tập thể và sức mạnh tổng hợp của quần chúng, nhân dân. Trước khi quyết định một công việc hệ trọng, Người đều hỏi lại cẩn thận và chu đáo những người đã giúp mình. Tất cả những ai đã được Bác giao việc đều cảm nhận sâu sắc điều đó. Phong cách dân chủ Hồ Chí Minh được thể hiện từ việc lớn cho đến việc nhỏ: Chuẩn bị ra một nghị quyết hay dự thảo một văn kiện, viết một bài báo... Người đều đưa ra thảo luận trong tập thể Bộ Chính trị, tham khảo ý kiến những người xung quanh. Người tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết định: Mọi vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật... Người đều huy động sự tham gia của đội ngũ trí thức, chuyên gia trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, yêu cầu chuẩn bị kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều được cân nhắc kỹ, lựa chọn thận trọng, để sau khi ban hành, ít phải thay đổi, bổ sung.

Thứ ba, là nhận trách nhiệm cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Người giải thích: "Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách, tức là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung". Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên khi được Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm cho thành công. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải có gan phụ trách, dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất. Nêu cao tinh thần trách nhiệm là phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri; làm việc theo nhu cầu nội tâm cá nhân. Ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác. Nêu cao tinh thần trách nhiệm là mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định mình là công bộc của dân, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cá nhân phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ.

Như vậy qua nghiên cứu tìm hiểu về tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh chúng ta có thể thấy: vị lãnh tụ vĩ đại, nhưng Bác Hồ kính yêu luôn có phong cách làm việc rất dân chủ. Từ thực hành dân chủ cho nhân dân, đến thực hành dân chủ trong Đảng, trong cơ quan, tổ chức, phong cách dân chủ của Bác Hồ là sự thể hiện nhất quán của tư tưởng đạo đức vì dân, vì nước.

2. Vận dụng phong cách làm việc dân chủ của Hồ Chí Minh đối với cán bộ làm công tác tuyên giáo:

Thứ nhất, người cán bộ, chuyên viên Ban TGTU phải thấm nhuần tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách làm việc của Bác để vận dụng vào thực tiễn. Phải thường xuyên tự giác học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng: trung với nước, hiếu với dân, Cần, kiệm, liêm, chính - Chí công vô tư ; Phải tích cực tự giác học tập, rèn luyện nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thiện bản thân nhằm đáp ứng tốt mọi yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể. Phải đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tính kỷ luật, dân chủ trong tập thể, tinh thần đó phải luôn thể hiện với cấp dưới, với quần chúng nhân dân Đồng thời phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, nhiệt tình, hăng say, phát huy tinh thần vượt khó, không ngại gian khổ để phấn đấu hết mình vì lợi ích của nhân dân, sự phát triển của đất nước, tránh những cám dỗ vật chất, mặt trái của nền kinh tế thị trường Tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình

Thứ ba, phải mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt chuyên môn để phát huy được tinh thần, sức mạnh tập thế, huy động được trí tuệ của nhiều người, tạo sự đoàn kết thống nhất trong đảng, trong cơ quan đơn vị.

Tóm lại, Học tập và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên Ban TGTU phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ cương của xã hội. Mọi biểu hiện dân chủ hình thức, hay ngược lại, dân chủ quá trớn, lợi dụng dân chủ để "kéo bè, kéo cánh", để làm rối loạn kỷ cương, để cầu danh, trục lợi, hoặc chuyên quyền, độc đoán, đứng trên tập thể, đứng trên pháp luật, làm cho nhân dân bất bình, cần phải bị lên án và loại bỏ. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta dù ở bất cứ cương vị nào, phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân, đồng cam, cộng khổ với dân, để tập hợp nhân dân và phát huy sức mạnh của nhân dân, phát huy dân chủ để lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới xây dựng quê hương Nam Định ngày càng vững mạnh, giàu đẹp./.

Đinh Xuân Chung-Phòng Khoa giáo, BTGTU


Video liên quan

Chủ Đề