Luật giám định tư pháp và văn bản hướng dẫn

Ngày 29/6/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2022/TT-BTC quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Thông tư này thay thế Thông tư số 138/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2022 và có một số nội dung chính sau đây:

Về lĩnh vực giám định, Thông tư số 40/2022/TT-BTC quy định 08 lĩnh vực tài chính, bao gồm: Giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán; Giám định tư pháp về giá; Giám định tư pháp về chứng khoán; Giám định tư pháp về thuế; Giám định tư pháp về hải quan; Giám định tư pháp về tài sản công; Giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp và Giám định tư pháp về các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, so với quy định hiện hành, Thông tư đã bổ sung thêm 02 lĩnh vực là Giám định tư pháp về tài sản công và Giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về giám định trong các lĩnh vực này.

Về điều kiện cơ sở vật chất của Văn phòng giám định tư pháp, Thông tư quy định Văn phòng giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính phải có trụ sở riêng thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tối thiểu là 03 [ba] năm kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp; Có phòng làm việc cho giám định viên tư pháp và nhân viên; có tủ hoặc kho hoặc khu vực riêng lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp.

Về việc tiếp nhận đối tượng giám định, khi giao, nhận, mở niêm phong đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật liên quan [nếu có] phải lập thành biên bản giao, nhận, mở niêm phong [nếu có niêm phong] theo mẫu tại Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp giao, nhận trực tiếp thì phải được tiến hành tại trụ sở cơ quan của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, cán bộ, công chức được cử thực hiện giám định, hoặc trụ sở của người trưng cầu giám định. Trường hợp đối tượng giám định có niêm phong được gửi qua đường bưu chính thì trước khi mở phải kiểm tra kỹ niêm phong. Trường hợp phát hiện niêm phong bị rách hoặc có dấu hiệu bị thay đổi, người được trưng cầu hoặc tổ chức được trưng cầu thực hiện giám định tư pháp có quyền từ chối nhận và ghi vào biên bản mở niêm phong. Trường hợp việc trưng cầu giám định không kèm theo đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật liên quan nhưng hồ sơ thể hiện có đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật có liên quan thì người thực hiện giám định có văn bản yêu cầu người trưng cầu giám định và các bên có liên quan bổ sung hoặc tạo điều kiện tiếp cận đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan [nếu có] để phục vụ thực hiện giám định.

Về việc áp dụng quy chuẩn chuyên môn, Thông tư quy định quy chuẩn chuyên môn được áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp là các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán; tiêu chuẩn về thẩm định giá, phương pháp định giá và các chuẩn mực, tiêu chuẩn khác được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính. Đối với lĩnh vực không có quy chuẩn thì việc giám định được căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực cần giám định. Việc giám định tư phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện theo nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về trình tự thực hiện giám định tư pháp, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc triển khai thực hiện giám định như sau: Thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung được trưng cầu giám định; thực hiện giám định; Báo cáo kết quả hoặc đưa ra kết luận giám định; lập đề cương giám định tư pháp trong trường hợp cử từ hai giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trở lên. Trong quá trình thực hiện, người thực hiện giám định phải lập văn bản ghi nhận quá trình và kết quả thực hiện giám định. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc khi thực hiện giám định có quyền sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác có đủ điều kiện, năng lực phù hợp theo quy định tại Thông tư này thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định. Việc phối hợp trong khi thực hiện công tác giám định được thực hiện theo văn bản của cấp có thẩm quyền quy định về công tác phối hợp và trách nhiệm trong hoạt động trưng cầu giám định tư pháp.

Về thời hạn giám định, trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trưng cầu giám định, cơ quan, đơn vị được trưng cầu giám định phải lựa chọn, cử giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc để thực hiện giám định tư pháp. Thời hạn giám định tối đa không quá 03 tháng; trường hợp vụ việc giám định có từ 02 nội dung giám định khác nhau trong lĩnh vực tài chính trở lên hoặc có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc phụ thuộc vào kết quả giám định của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì thời hạn giám định tối đa không quá 04 tháng. Thời hạn được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật cần thiết cho việc giám định./.

Chủ Đề