Ngô Trí Thường Đại học thủy lợi

TT

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

Khoa học công nghệ

 

1

XÂY DỰNG BẢN ĐỒ NGẬP LỤT HẠ LƯU SÔNG BA THEO CÁC CẤP BÁO ĐỘNG

Th.s Đặng Thị Kim Nhung, Ks.Nguyễn Đức Hoàng, Th.s Đặng Vi Nghiêm - Viện Quy hoạch Thủy lợi, 162A Trần Quang Khải, Hà Nội

Tình hình ngập lụt hàng năm vùng hạ lưu sông Ba tỉnh Phú Yên diễn ra hết sức phức tạp, nghiên cứu này giới thiệu phương pháp và kết quả xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu sông Ba. Các bản đồ ngập lụt được xây dựng theo các cấp báo động từ các kết quả tính toán bằng mô hình thủy lực MIKE FLOOD kết nối mô hình thủy lực mạng sông 1 chiều và mô hình thủy lực 2 chiều vùng bãi tràn hạ lưu sông Ba. Mô hình 1 chiều được xây dựng cho mạng lưới sông Ba từ thượng nguồn đến hạ lưu bao gồm khoảng 1.400 nút tính toán, miền tính toán 2 chiều bao trùm toàn bộ vùng đồng bằng ngập lũ. Bộ mô hình kết nối 1-2 chiều được hiệu chỉnh và kiểm định với các trận lũ năm 2009 và trận lũ năm 2010. Bản đồ ngập lụt ứng với các mức độ ngập lũ tương ứng với các cấp báo động tại trạm thủy văn Phú Lâm được xây dựng với các yếu tố quy mô ngập, độ sâu ngập lụt lớn nhất và được thiết lập, phân tích theo ranh giới hành chính của 5 huyện và 1 thành phố nằm ở hạ lưu sông Ba, tỉnh Phú Yên. Kết quả của nghiên cứu là cơ sở khoa học để triển khai công tác phòng tránh lụt bão, giảm nhẹ thiên tai hàng năm vùng hạ lưu sông Ba ở cấp Trung ương và địa phương.

2

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG PHƯƠNG PHÁP TÍNH TOÁN THÀNH PHẦN CẤP PHỐI VẬT LIỆU HỖN HỢP ASPHALT CHÈN TRONG ĐÁ HỘC BẢO VỆ MÁI ĐÊ BIỂN TRONG ĐIỀU KIỆN VIỆT NAM

TS. Nguyễn Thanh Bằng - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Bài báo giới thiệu tóm tắt kết quả nghiên cứu xây dựng phương pháp tính toán thành phần cấp phối vật liệu hỗn hợp asphalt chèn trong đá hộc để bảo vệ mái đê trong điều kiện Việt Nam, kết quả nghiên cứu đã đưa ra được yêu cầu kỹ thuật đối với vật liệu đầu vào, trình tự các bước thiết kế thành phần cấp phối, yêu cầu kỹ thuật đối với các chỉ tiêu cơ lý cơ bản của vật liệu hỗn asphalt chèn trong đá hộc.

3

TÍNH TOÁN LẠI LŨ THIẾT KẾ HỒ CHỨA A VƯƠNG
CÓ XÉT ĐẾN TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

TS. Ngô Lê An, PGS.TS. Ngô Lê Long, Th.S Hoàng Thị Tâm, Th.S Lê Thị Hải Yến - Trường Đại học Thủy lợi

Biến đổi khí hậu dẫn đến sự thay đổi về tài nguyên nước, đặc biệt là các đặc trưng lũ như lưu lượng, đỉnh lũ, tần suất lũ… Vì vậy, các hồ chứa được thiết kế trước đây có nguy cơ đối mặt với những rủi ro do sự thay đổi về lũ gây ra. Bài báo đã đưa ra một cách tiếp cận để tính toán lũ thiết kế trong điều kiện biến đổi khí hậu cho hồ chứa A Vương theo các kịch bản phát triển RCP 4.5 và RCP 8.5 của mô hình HadGEM2-AO và HadGEM3-RA.Kết quả cho thấy lưu lượng đỉnh lũ thiết kế có xu thế tăng thêm từ 25-35% với cùng tần suất.Nghiên cứu sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho việc đề xuất tiêu chuẩn thiết kế lũ hồ chứa trong điều kiện biến đổi khí hậu như là một kết quả của đề tài cấp nhà nước, mã số:BĐKH 61.

4

XÁC ĐỊNH LƯU LƯỢNG THẤM QUA ĐẬP ĐÁ ĐỔ ĐANG THI CÔNG KHI XẢ LŨ THI CÔNG BẰNG THỰC NGHIỆM

Th.S Giang Thư - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Nhiều năm trở lại đây, các công trình thủy lợi thủy điện lớn, đập dâng đã và đang được xây dựng là loại đập đá đổ bê tông bản mặt. Trong thời kỳ thi công thường căn cứ vào yêu cầu kinh tế, kỹ thuật để lựa chọn sơ đồ, giải pháp dẫn dòng thi công hợp lý. Vì vậy việc thiết kế sơ đồ dẫn dòng thi công đối với các công trình này thường được lựa chọn là xả lũ thi công qua đập đá đổ đang thi công [đắp dở]. Phương pháp này rất hiệu quả và tiện lợi đặc biệt là khi xây dựng ở những nơi có địa hình chật hẹp, giảm đáng kể kinh phí và thời gian xây dựng công trình dẫn dòng và công trình chính. Tuy vậy, hiện nay chưa có nhiều tài liệu tham khảo, tính toán chính xác, thường áp dụng theo kinh nghiệm các công trình đã xây dựng. Bài viết này xin nêu kết quả nghiên cứu xác định lưu lượng thấm qua thân đập so với tổng lưu lượng xả qua đập bằng thực nghiệm khi dẫn dòng xả lũ thi công qua đập đá đổ bê tông bản mặt đang thi công [đắp dở].

5

KẾT QUẢ TÍNH TOÁN CÂN BẰNG NƯỚC LƯU VỰC VU GIA - THU BỒN

ThS. Nguyễn Thị Kim Dung - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

PSG.TS. NguyễnVăn Tỉnh - Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Thuỷ lợi

Hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn là hệ thống sông lớn ở vùng Duyên hải Trung Trung Bộ. Trên lưu vực hiện có 756 hồ chứa nước và đập dâng cung cấp nước tưới cho khoảng 40 ngàn ha đất canh tác. Cùng nhiều công trình khai thác tài nguyên nước phục vụ phát triển công nghiệp, cấp nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, những năm gần đây đã có nhiều công trình thủy điện lớn trên lưu vực được xây dựng  mới và đưa vào sử dụng. Việc kiểm toán nguồn nước của lưu vực, xem xét tác động của hệ thống công trình thủy lợi thủy điện đối với nhu cầu của các ngành dùng nước là hết sức quan trọng. Bài báo nhằm giới thiệu các kết quả tính toán cân bằng nước trên lưu vực cho giai đoạn hiện tại và dự báo đến năm 2020 để làm cơ sở cho việc xác định dòng chảy tối thiểu nhằm bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thuỷ sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các đối tượng sử dụng nước trên lưu vực.

6

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG TIẾP NHẬN NƯỚC THẢI CỦA SÔNG VU GIA - THU BỒN

TS. Lê Xuân Quang - Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường

PSG.TS. NguyễnVăn Tỉnh - Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Thuỷ lợi

Khả năng chịu tải của môi trường nước là khả năng tiếp nhận các loại chất thải tối đa mà vẫn đáp ứng các yêu cầu chất lượng cho những mục đích sử dụng được quy định tại khu vực nghiên cứu [duy trì cân bằng sinh thái, đảm bảo các mức chất lượng nước cho mục đích tưới tiêu, sinh họat]. Sông Vu  Gia–Thu Bồnlà một trong 10 lưu vực sông lớn nhất nước ta, cấp nước chính chotỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, thượng nguồn có nhiều hồ thủy điện lớn như thủy điện Đắk Mi 4; Thủy điện Sông Tranh 2; Thủy điện Sông Bung 3, 5, 6 ; Thủy điện A Vương, hoạt động của các hồ thủy điện này ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy hạ lưu. Mặt khác, tình hình xả thải của các nhà máy, khu công nghiệp, khu dân cư dọc sông đã gây ô nhiễm khu vực hạ lưu. Do vậy, xác định khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước sông Vu Gia - Thu Bồn có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Trong bài báo này, chúng tôi giới thiệu sơ lược kết quả xác định khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước sôngVu Gia – Thu Bồn.

7

NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG NƯỚC NHIỄM MẶN TƯỚI CHO CÂY NGÔ

ThS Lê Việt Hùng, PGS.TS Nguyễn Trọng Hà - Trường Đại học Thủy Lợi

Việt Nam là quốc gia nằm bên bờ biển Đông có chiều dài bờ biển khoảng 3350 km, dọc theo bờ biển là những vùng đồng bằng châu thổ, các vùng đồng bằng duyên hải miền Trung, nơi sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng với nền kinh tế của cả nước.

Đặc điểm tài nguyên nước của vùng ven biển là tiềm năng nước lợ [nước nhiễm mặn] rất phong phú. Vì vậy, nghiên cứu sử dụng nước nhiễm mặt để tưới trong thời kỳ khô hạn có thể tiết kiệm được nhiều nước ngọt, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Thực tiễn và kinh nghiệm ở nhiều nước khi áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt cho thấy kỹ thuật này có thể sử dụng nước tưới nhiễm mặn rất thành công trong nông nghiệp. Thậm chí, một số công trình nghiên cứu cho thấy chất lượng và năng suất của một số loại cây trồng cạn còn cao hơn so với sử dụng nước ngọt để tưới. 

Mục đích của nghiên cứu này là trình bày một số kết quả nghiên cứu ban đầu về nghiên cứu sử dụng nước nhiễm mặn bằng phương pháp tưới nhỏ giọt cho cây ngô, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nơi tài nguyên nước mặt và nước ngầm luôn chịu tác động của hiện tượng nhiễm mặn.

8

PHƯƠNG PHÁP TÍNH TOÁN HỆ SỐ CẤP NƯỚC CHO NUÔI TÔMVEN BIỂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

TS.Nguyễn Phú Quỳnh, ThS. Đỗ Đắc Hải - Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

PGS.TS Vũ Hoàng Hoa - Đại học Thủy lợi

Hệ số cấp nước cho nuôi trồng thủy sản là rất quan trọng, là căn cứ khoa học cho việc quy hoạch, tính toán thiết kế hệ thống công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản. Kết quả tính toán cho thấy hệ số cấp nước cho nuôi tôm ven biển có giá trị rất khác nhau cho mỗi vùng và lớn hơn nhiều lần so với cấp cho lúa [từ 2 đến trên 20 lần].

9

NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUI HOẠCH NGỌT HÓA Ở HUYỆN BÌNH ĐẠI – TỈNH BẾN TRE VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

TS. Trịnh Thị Long, ThS. Dương Công Chinh, ThS. Vũ Nguyễn Hoàng Giang, KS. Nguyễn Kim Duyệt - Trung tâm Khoa học Công nghệ Môi trường và Sinh thái - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam

Tôm thẻ chân trắng  từng được xem là động vật ngoại lai đã trở thành đối tượng nuôi nhiều nhất ở Huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre từ năm 2011, đặc biệt phát triển rộng khắp ngay cả trong vùng qui hoạch ngọt hóa  vùng được qui hoạch trồng lúa, dừa, mía, cây ăn trái, hoa màu và các loại thủy sản nước ngọt - người dân vẫn đốn dừa, phá ruộng lúa để đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Tình trạng phá vỡ qui hoạch vùng ngọt hóa là vấn đề bức xúc ở Bình Đại. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở 6 xã trong vùng ngọt hóa [Thạnh Trị, Phú Long, Lộc Thuận, Phú Vang, Thới Lai và Định Trung] đã lên đến 600 ha, có đến 1.686 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn là phong trào khoan giếng nước ngầm mặn để nuôi tôm trở nên rầm rộ. Hầu như hộ nuôi tôm nào cũng có ít nhất 1 giếng nước ngầm phục vụ nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2014, UBND Tỉnh có quyết định trám tất cả các giếng khoan lấy nước ngầm nuôi tôm. Qui hoạch ngọt hóa sẽ có hiệu lực trong thời gian gần nhất. Việc lựa chọn mô hình sản xuất hợp lý ở những ao sẽ được ngọt hóa này đang là vấn đề bức xúc của người dân và chính quyền địa phương. Nghiên cứu này đã đề xuất 2 mô hình nuôi có tính khả thi cho vùng ngọt hóa, đó là mô hình nuôi tôm càng xanh và mô hình nuôi cá trình. Các mô hình này đã và đang được những người dân địa phương ở ĐBSCL thực hiện với tính khả thi cao ở vùng ngọt hóa và có tính bền vững về hiệu quả kinh tế.

10

ẢNH HƯNG ÁP LỰC NƯỚC VA TỚI ĐỘ BỀN THÀNH ỐNG CẤP NƯỚC

ThS. KS Phạm Thị Minh Lành - Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM

TS. Lê Đình Hồng - Khoa Kỹ thuật Hạ tầng Đô thị, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM

Hiện tượng nước va xảy ra trên các đường ống dẫn do đóng mở van hoặc bơm bị mất điện đột ngột. Theo điều kiện thiết kế, ống cấp nước hoàn toàn có thể chịu được áp lực cao của sóng áp va, tuy nhiên, theo thời gian làm việc ống không thể tránh khỏi ăn mòn từ môi trường bên trong và ngoài nên sẽ xuất hiện các khiếm khuyết trên đường ống làm giảm độ bền ống. Khoanh vùng ảnh hưởng của sóng áp va do đóng van từ đó đánh giá khả năng chịu áp suất nước va lớn nhất của ống đã bị ăn mòn là công việc cần thiết trong quá trình vận hành để dự đoán các vị trí rò rỉ trên mạng lưới cấp nước.

11

MÔ HÌNH HÓA BIẾN ĐỘNG ĐƯỜNG BỜ VÀ XÂM THỰC BÃI BIỂN, ĐẢO PHÚ QUÝ, TỈNH BÌNH THUẬN

TS.Kiều Xuân Tuyển - Viện KHTL Miền Trung và Tây Nguyên

PGS.TS. Trần Thanh Tùng - Khoa Kỹ thuật Biển, Đại học Thủy lợi

ThS. Lê Đức Dũng - Viện Nghiên cứu biển và hải đảo

Dọc lãnh hải miền Trung nước ta có rất nhiều đảo lớn nhỏ, các đảo này đóng vai trò  hết sức quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng, chủ  quyền đất nước. Trong những năm gần đây, do áp lực dân số gia tăng, với các tác động ngày càng rõ rệt hơn của biến đổi khí hậu, thì các đảo này thường xuyên bị xói lở. Bài báo này trình bày kết quả tính toán các biến động đường bờ, xâm thực bãi biển khu vực đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận bằng mô mình LITPROF [thuộc bộ mô hình LITPACK] kết hợp với mô hình lan truyền sóng MIKE 21SW. Các kết quả nghiên cứu diễn biến đường bờ và xâm thực bãi biển sẽ phục vụ trực tiếp cho công tác quy hoạch, quản lý, khai thác và phát triển bền vững đảo Phú Quý trong tương lai.

12

NGHIÊN CỨU VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP CÔNG TRÌNH NHẰMGIẢM THIỂU ĐỘ ĐỤC CHO KHU VỰC BÃI TẮM ĐỒ SƠNTHÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

ThS. Hồ Việt Cường, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhẫn, ThS. Nguyễn Hồng Quang- Phòng TNTĐ Quốc gia về Động lực học Sông biển

Nước ở vùng biển Đồ Sơn bị đục bất kể mùa khô hay mùa mưa đang làm mất đi sức thu hút của các bãi biển đẹp trong khu vực, đặc biệt là các bãi tắm biển của khu du lịch Đồ Sơn – Hải Phòng. Bài báo này trình bày một số kết quả nghiên cứu trên mô hình toán MIKE 21/3 Coupled FM về các giải pháp công trình để điều chỉnh hướng lan truyền độ đục, vận chuyển bùn cát từ các cửa sông và vùng ven bờ chuyển vào khu vực bãi tắm Đồ Sơn. Từ đó kiến nghị và đề xuất giải pháp phù hợp nhằm làm giảm độ đục, giúp cải thiện chất lượng nước của các bãi tắm ở khu vực này.

II

Chuyển giao công nghệ

13

MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VỀ BƠM HTbx 2500-3
PHỤC VỤ TƯỚI TIÊU CHO ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

TS. Phạm Văn Thu, ThS. Nguyễn Hồng Long, ThS. Vũ Mạnh Tiến, ThS. Nghiêm Quang Hưng - Viện Bơm & Thiết bị Thủy lợi

Bài viết giới thiệu một số kết quả nghiên cứu bơm và trạm bơm lắp ghép phù hợp cho Đồng bằng sông Cửu Long. Việc áp dụng rộng rãi những mô hình trạm bơm này sẽ góp phần nâng cao năng suất cây trồng, ổn định và nâng cao đời sống người dân theo tiêu chí nông thôn mới.

Chủ Đề