Nguyên nhân bội chi ngân sách nhà nước năm 2015

  • Kinh doanh
  • Vĩ mô

Thứ hai, 19/6/2017, 15:29 (GMT+7)

Chi ngân sách Nhà nước năm 2015 đã vượt hơn 7.100 tỷ đồng so với kế hoạch được Quốc hội giao và tương đương 6,28% GDP.

Với 454 đại biểu có mặt thông qua (tương đương 92,46%), chiều 19/6, Quốc hội đã đồng ý quyết toán tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 1,29 triệu tỷ đồng, gồm cả số thu chuyển nguồn năm 2014 chuyển sang 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách...

Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước trên 1,5 triệu tỷ đồng, gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016.

Như vậy, số thâm hụt ngân sách này là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP, vượt 7.135 tỷ đồng so với mức Quốc hội thông qua là 256.000 tỷ đồng (5,71% GDP kế hoạch và bằng 6,1% GDP thực tế).

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách từ vay trong nước 195.900 tỷ đồng và vay nước ngoài 67.235 tỷ.

ngan-sach-2015-boi-chi-6-28-gdp

Mức bội chi ngân sách 2015 được "quyết" 6,28% GDP. Ảnh minh hoạ

Ngoài biểu quyết thông qua mức bội chi năm 2015, Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước.

Thay mặt Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu Nghị quyết ngân sách 2015, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho biết, tại quyết toán ngân sách năm 2014, Chính phủ cũng chưa báo cáo rõ về kết quả xử lý với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, điều hành ngân sách.

Do đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm tổng hợp để báo cáo cụ thể với Quốc hội tại kỳ họp thứ năm vào tháng 5/2018 về danh sách, mức độ xử lý sai phạm đối với từng tổ chức, cá nhân sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách 2 năm 2014-2015. 

Giải trình lo ngại của các đại biểu Quốc hội về bội chi ngân sách tăng, ảnh hưởng nợ công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tính toán GDP sát thực tế và trong điều hành cần bám sát dự toán, tăng thu, tiết kiệm chi, ưu tiên giảm bội chi ngân sách Nhà nước, bảo đảm mức bội chi trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định (cả số tuyệt đối và tỷ lệ % GDP), để không vượt trần nợ công, nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Riêng với khoản chi chuyển nguồn năm 2015 khoảng 236.564 tỷ đồng, chiếm 18,69% chi cân đối ngân sách Nhà nước và tiếp tục tăng so với năm trước (tăng 1.058 tỷ đồng), Uỷ ban thường vụ Quốc hội "phê bình" Chính phủ. Số tiền chi chuyển nguồn lớn, theo cơ quan này, là sự lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực ngân sách.

Anh Minh

Dự thảo Nghị quyết về dự toán Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 trình Quốc hội thông qua nêu rõ, tổng số thu cân đối NSNN là 911,1 nghìn tỷ đồng; nếu tính cả 10 nghìn tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 thì tổng số thu cân đối NSNN là 921,1 nghìn tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSNN là 1.147,1 nghìn tỷ. Mức bội chi NSNN là 226 nghìn tỷ đồng tương đương 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Quốc hội giao Chính phủ thực hiện 10 nhiệm vụ.

Trong đó, đáng chú ý là cần thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; phân bổ chi NSNN tập trung, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát; quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách. Hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán NSNN đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, các khoản thu, chi NSNN phải được dự toán và do luật định.

Ngoài ra, đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; thu hồi kịp thời các khoản thu được phát hiện qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; giảm nợ đọng thuế. Không đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế.

Tiếp tục thu vào NSNN đối với cổ tức được chia năm 2015 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

Thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Thời điểm thực hiện từ ngày 1-1-2015.

Rà soát mục tiêu của 16 chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung bố trí vốn ngân sách cho các mục tiêu quan trọng, cấp bách, hoàn thành dứt điểm trong năm 2015. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã triển khai giai đoạn 2011-2015; tiến hành rà soát tổng thể để cắt giảm, lồng ghép, thu gọn các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2016-2020; báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ mười.

Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN; trong điều hành NSNN có biện pháp tích cực để giảm bội chi và tăng chi trả nợ. Sử dụng nguồn tăng thu NSNN năm 2014 chủ yếu để ưu tiên trả nợ của các cấp ngân sách, thực hiện một số khoản chi theo quy định của Luật NSNN.

Tính đúng, tính đủ nợ công, không để vượt mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội (65%GDP), quản lý chặt chẽ nợ công, đặc biệt là các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ, các khoản vay về cho vay lại. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, quản lý chặt chẽ quỹ tích lũy trả nợ. Tiếp tục các biện pháp cơ cấu lại các khoản vay. Từ năm 2015, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ năm năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi NSNN, giảm mức vay đảo nợ.

Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện NSNN của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ mức bội chi NSNN năm 2014 ở mức 5,3% GDP để có thêm nguồn lực thanh toán các khoản nợ của NSNN và một phần chuyển nguồn sang năm 2015 để thực hiện tăng lương.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị bổ sung nội dung “Thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Thời điểm thực hiện từ ngày 1-1-2015”. Việc điều chỉnh này một mặt giúp cải thiện thu nhập cho khoảng 6,3 triệu người, trong đó đối tượng do NSNN bảo đảm là gần năm triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ NSNN; mặt khác bảo đảm mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp. Nguồn kinh phí thực hiện khoảng 11.100 tỷ đồng, kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn tăng thu NSTƯ năm 2014 sang năm 2015 là 10 nghìn tỷ đồng, số còn lại 1.100 tỷ đồng được bảo đảm từ nguồn của NSĐP dành để cải cách tiền lương.

Dự toán NSNN năm 2015 đã bố trí 1.700 tỷ đồng thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ cho khoảng 550 nghìn đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là người nghèo, người sống trong cơ sở bảo trợ xã hội.