Nguyên nhân giờ dây thun

Cập nhật ngày: 16/12/2016 06:42:44

ĐTO - Do đặc thù công việc, tôi thường tham gia các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và chứng kiến “giờ dây thun”. Không biết sau những buổi họp như thế, từ người tổ chức, đại biểu cho đến lãnh đạo có tự “rút kinh nghiệm”?


Ảnh Internet

Trường hợp họp trễ: Giấy mời ghi buổi họp “Tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động năm” bắt đầu lúc 7 giờ 30 phút. 8 giờ hội trường vẫn còn trống, chờ mãi đến hơn 8 giờ hội trường mới đông đủ, người dẫn chương trình mới ra tuyên bố buổi lễ bắt đầu. Vậy là buổi họp trễ hơn nửa tiếng đồng hồ, trong khi có đến vài chục đại biểu, khách mời tham dự. Hay cách đây hơn 1 tháng, tôi dự lễ khai giảng năm học mới và trao bằng thạc sĩ ở một đơn vị nọ, thư mời ghi 8 giờ bắt đầu, nhưng đến gần 9 giờ vẫn chưa thấy gì. Tôi đến gặp người trong Ban tổ chức thì được trả lời “học viên mới, nộp hồ sơ chưa xong, lãnh đạo chưa tới”. Và, mãi tận 9 giờ 15 phút, buổi lễ mới được tuyên bố bắt đầu.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân trễ của các cuộc hội, họp ban đầu là do nhiều đại biểu, khách mời vì những lý do khác nhau: xe hư, trời mưa, việc đột xuất,... đến muộn, Ban tổ chức phải chờ. Từ thực trạng đó, khi tổ chức các cuộc hội, họp người tổ chức đã tự trừ hao ít nhất 15 phút so với thời gian ghi trên thư mời. Lâu dần, nhiều người có thói quen đi dự họp, dự hội nghị, sự kiện,... trễ hơn thời gian trong thư mời từ vài phút đến vài chục phút.

Căn bệnh “giờ dây thun” dường như đã lan rộng trong khi ai cũng biết việc lãng phí thời gian là điều không nên. Trong tác phẩm “Bác Hồ, con người và phong cách” của tác giả Song Thành [Nhà xuất bản Lao Động], có mẫu chuyện ngắn kể về Bác Hồ với tựa đề “Thời gian quý báu lắm” có chi tiết: Một lần, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:

- Chú đến chậm mấy phút?

- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

Nếu để ý theo dõi qua các tác phẩm viết về hoạt động và sinh hoạt đời thường, có thể thấy rõ cái mà Chủ tịch Hồ Chí Minh “ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm” là các thói quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí tiền bạc và thời gian của nhân dân. Và điều thấy rõ nhất là Bác rất khó chịu khi thấy cán bộ làm việc không đúng giờ.

Chúng ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và chúng ta đã học tập và làm tốt ở nhiều phương diện, tuy nhiên, việc thực hành tiết kiệm mà nhất là tiết kiệm thời gian theo gương Bác thì không ít người chưa thật sự làm tốt. Hơn nữa, việc đúng hẹn là một tiêu chí để đánh giá người có văn hóa, biết tôn trọng người khác. Hãy đặt mình vào vị trí của người đang chờ đợi để ứng xử cho phù hợp.

 BÍCH LIỄU

LTS: Mỗi ngày, mỗi người trong chúng ta đều gặp phải những ứng xử bực mình từ sản phẩm của thói xấu thị dân. Có thể liệt kê ra hàng loạt thói xấu đó như trễ giờ, giành giật, tùy tiện, ồn ào… Loạt bài là để mỗi người tự nhắc mình, chúng ta tự nhắc nhau loại bỏ dần những thói xấu có hại cho sự phát triển của đất nước.

Mới đây, nghệ sĩ Việt Hương đã bức xúc đến mức phải live-stream trên Facebook tố một đàn em trễ hẹn giờ quay chương trình, báo hại cả êkíp đợi hơn hai tiếng đồng hồ. Nam diễn viên Huỳnh Anh sau đó đã nhận lỗi vì lý do cá nhân. Những câu chuyện tương tự vầy không xa lạ với chúng ta.

Nói tới thói xấu người đô thị có lẽ cố tật trễ giờ, giờ dây thun sẽ được nhắc đến đầu tiên.

Người đi trễ nghĩ gì?

Trong các cuộc phỏng vấn quan trọng, một cửa hàng khai trương có quà tặng, cuộc hẹn để ký kết hợp đồng hay xếp hàng nộp hồ sơ xin học cho con… thì người Việt còn đến sớm hơn cả giờ hẹn, thậm chí có mặt từ đêm hôm trước để chờ. Như vậy, nếu liên quan tới quyền lợi thiết thân thì người Việt chắc chắn không chậm chân.

Lý do gì mà trễ giờ trở thành cố tật của số đông? Cần chia ra hai dạng cố ý và vô ý coi cái đồng hồ như vô hình.

Trường hợp cố ý thường do nguyên nhân nội tại là thói quen sống, sinh hoạt của một số người thiếu trách nhiệm hoặc quá ư thiếu nghiêm túc ngay cả khi làm việc. Họ coi việc trễ giờ không có gì to tát và mặc kệ người đúng giờ chờ mình. Còn trường hợp vô ý có thể do tính toán sai giờ giấc di chuyển, gặp sự cố bất ngờ, chủ quan v.v… Nếu là vô ý thì chỉ thỉnh thoảng mắc phải, còn cố ý sẽ là bệnh nan y.

Một lớp học dành cho các cán bộ tương lai, qua giờ vào lớp đến 30 phút, thậm chí một tiếng đồng hồ vẫn có người tà tà đi vào. Đoàn du lịch hẹn 1 giờ để lên đường thì 1 giờ 30 tới vẫn là sớm. Bạn bè hẹn hò, đối tác hẹn bàn công việc tới giờ hẹn còn chưa xuất phát tại nhà là chuyện quá bình thường. Như vậy người đến trễ họ nghĩ gì? Thực tế họ chẳng nghĩ gì cả vì nếu nghĩ thì đã không đi trễ, làm phiền người khác, làm mất mặt mình và có thể dẫn tới nhiều hậu quả xấu.


Quá bức xúc vì thái độ trễ giờ của diễn viên Huỳnh Anh, nghệ sĩ Việt Hương lên Facebook bày tỏ thái độ không chấp nhận. Ảnh: PD

Cắt bệnh không khó

Trễ giờ không bao giờ có trong từ điển của một người làm việc có kế hoạch, nghiêm túc và cẩn trọng. Do đó, trễ giờ không phải là một tật xấu độc lập mà nó là mắt xích đầu tiên cho một chuỗi hành vi tai hại tiếp theo. Từ việc nhỏ là trễ giờ sẽ dẫn tới việc trễ nải, chây ỳ trong nhiều việc khác. Thói quen tới đâu hay tới đó và vì thế mọi công việc, dự tính, các mối quan hệ cũng là hên xui, được chăng hay chớ, hoàn toàn không thể làm chủ.

Cách trị căn bệnh mạn tính trễ giờ chỉ có thể là phản ứng của người đúng giờ khi gặp người đi trễ: Không chấp nhận, không bỏ qua, không chờ đợi, thậm chí là có hình phạt. Một khi nhận thấy quyền lợi bị ảnh hưởng, có thể mất mát thì tự thân người đi trễ mới có động lực để thay đổi.

Một giảng viên khác của lớp học trên đã đóng cửa lớp học ngay khi chuông reo vào lớp, học viên nào có mặt sẽ được học, được điểm danh. Học viên tới sau ông mời ra về. Có buổi học chỉ có 10/102 học viên trong lớp nhưng vị giảng viên không hề nao núng. Ông nói: “Thà ít mà tốt”.

Một công ty có máy quẹt thẻ, quét vân tay tính giờ vào làm thì chắc chắn nhân viên đi làm sẽ đúng giờ như đồng hồ. Công ty dù không có máy quẹt thẻ nhưng áp dụng phạt tiền nhân viên đi trễ thì trong tháng hầu như chẳng phạt được ai. Một hướng dẫn viên du lịch khi thả đoàn khách xuống khu mua sắm Ginza sầm uất ở Nhật Bản đã căn dặn: “Tài xế [người Nhật] hẹn 10 giờ xe khởi hành về khách sạn. Quý khách thoải mái mua sắm, nếu quá giờ trên thì tự đón taxi về”. Kết quả, 9 giờ 50 tất cả đã có mặt tại xe.

Trong thời đại này, một người duy trì thói quen trễ giờ sẽ không thể thành công và chắc chắn không được tôn trọng. Lưu ý rằng khi làm việc với đối tác nước ngoài, thói xấu này còn khiến bạn mất đi cơ hội công việc và tiền bạc. Đối với người Nhật Bản, người Mỹ… đến đúng giờ hẹn là đến trễ vì họ luôn luôn đến sớm hơn 5-10 phút để sẵn sàng. Trong khi đó, câu cửa miệng của người Việt lại là “đến đúng giờ là đến quá sớm”. Vậy bạn nghĩ người ta sẽ chọn bạn hay “sợ” bạn đến mức không dám hẹn đi chơi chứ đừng nói là cộng tác công việc? Trâu chậm uống nước đục, đó là lời đúng đắn nhất cho những kẻ luôn đến sau người khác.

Cách để tự nhắc đúng giờ

• Hẹn đồng hồ nhắc nhở những công việc quan trọng và luôn hẹn sớm hơn 10-15 phút.

• Ghi rõ lịch công việc ở nơi dễ nhìn thấy, tô đậm phần thời gian.

• Sắp xếp công việc khoa học theo trình tự, cắt bỏ việc không cần thiết.

• Tuân thủ theo kế hoạch, không để chuyện phát sinh ảnh hưởng nhiều.

• Tối nay hãy sắp đặt công việc cho sáng hôm sau.

Chủ Đề