Nội dung Hoàn Châu Cách Cách phần 3

Viết bài này vì tình yêu dành cho HCCC quay trở lại sau bao năm mòn mỏi kiếm bản đẹp + lồng tiếng tốt. Không có ý cạnh khóe và thật ra cũng chả muốn nhắc đến Tân HCCC. Nếu có nhắc đến thì cũng là ý trong bài phát triển lên đến điểm cần phải nhắc.
Tuy nhiên, Cổ Nguyệt cũng cực kì không thích Tân HCCC nên cũng đừng vào đây mà tung hô phiên bản đấy.
Bài viết mang tính tùy hứng rất cao, lúc nghiêm túc phân tích lúc tán rất bừa. Thông cảm, thông cảm!!
Có thể down bản vietsub ở đây [cám ơn subteam của y-heaven.net]: Phần 1 [Đã hoàn] Phần 2 [Đã hoàn]

Như đã nói ở 2 phần trước, phần 3 này mình sẽ viết về tổng quan toàn bộ HCCC II. Tổng quan, tức là về nội dung, diễn xuất và ngoại hình, mà có khi là bất cứ cái gì mình nghĩ về phim.

HCCC II dài đến tận 48 tập, gấp đôi so với phần 1. Tuy vậy, không 1 tập nào đem lại cảm giác lê thê và chán nản cho khán giả. Ngày xưa vào thời ấy phim dài hơn 40 tập là chuyện thường, chứ bây giờ mình xem phim truyền hình Nhật Bản khoảng 10 12 tập riết quen, thấy phim nào mà dài quá 15 tập là mình nản. Ấy vậy mà xem lại HCCC II 48 tập mà không thấy chán một chi tiết nào hết. Phần 1 do kịch bản thiên về màn Tử Vy Tiểu Yến Tử về đúng chỗ, nên có phần nào chưa nói rõ ràng, chưa miêu tả hết được về tính cách cũng như tình cảm của các nhân vật trong phim. Như mối tình Tiểu Yến Tử Vĩnh Kỳ chẳng hạn, các bạn ấy chỉ mới yêu đương được vài tập, tình qua ý lại được vài tập là phải vặn xoắn chuyện hoán đổi rồi. Nhưng sang đến phần 2 thì có giận dỗi, có yêu thương, có thay đổi vì người mình yêu rất rõ ràng. Mỗi tập, mỗi tình tiết của phần 2 ngày một khắc họa rõ nét hơn tính cách và tình cảm và tâm lí của các nhân vật [chính phụ đều có đất thể hiện mình]. Mỗi tập, mỗi tình tiết đều có mục đích riêng của nó và vì dàn nhân vật quá đông nên mới dài ra như vậy, chứ không phải là cố tình thiên vị hay cố tình kéo dài để câu khách, vì thế mà 48 tập của HCCC II mới thu hút được đông đảo người xem đến thế.

Một trong những điểm ngày trước mình cứ hay thắc mắc và nghĩ rằng nó vô lý chính là sự trở mặt trong phần 2 của Hoàng Hậu và Dung ma ma. Ở tập cuối của phần I, có vẻ như 2 người đó đã động lòng trước Tử Vy và đi đến một kết thúc vui-vẻ-cả-làng. Nhưng sang phần 2 họ trở mặt, trở lại làm nhân vật phản diện. Nhưng bây giờ, trải qua hơn 10 năm phát triển não [hề hề], suy xét lại mình lại thấy đây vẫn là một chuyện hợp lí hợp tình. Ở cuối phần I, bà đang trong thời khắc xúc động, suýt nữa thì cắt tóc đi tu nhưng lại được Tử Vy an ủi dịu dàng. Bất cứ ai trong tình trạng đấy cũng đều sẽ mềm lòng như thế. Nhưng sang phần II, bà cảm nhận rõ sự nguy hiểm của Tử Vy và Tiểu Yến Tử trong cuộc chiến tranh giành địa vị. Họ được yêu thương, được sủng ái tới như vậy, dĩ nhiên những người liên quan đến họ sẽ được hưởng phúc lây. Đã thế, lại thêm Lệnh Phi, phi tử đang được sủng ái nhất lúc đó, sinh được một tiểu A Ca. Hoàng Hậu vốn đã bị thất sủng, Vĩnh Cơ con bà lại chẳng mấy xuất sắc so với Vĩnh Kỳ, bà lo sợ là chuyện đương nhiên. Từ lo sợ, dẫn đến phải làm những việc khiến mình không còn lo sợ nữa, dẫn đến bị cuốn vào vòng xoáy của những ích kỉ đến ác độc Nhưng mình cho rằng điểm hay của mâu thuẫn Hoàng Hậu vs Tử Vy Tiểu Yến Tử chính là ở một nhân vật phụ, Dung ma ma. Mình không nhớ chuyện này có được đề cập trong phim hay không hay chỉ là mình tự suy đoán: Dung ma ma là nhũ nương, là người đã chăm sóc Hoàng Hậu từ nhỏ tới lớn. Vì vậy, dù có là một nô tài thì bà vẫn rất quan trọng và có sức ảnh hưởng rất lớn đối với Hoàng Hậu. Trong phim, rõ ràng có những lúc Hoàng Hậu trở nên mềm lòng và lo sợ, không dám tiếp tục, nhưng Dung ma ma chỉ nói vài câu là máu Hoàng Hậu lại bắn ngược lên tới não trở lại. Xem những đoạn như thế mình thật sự cảm thấy sợ. Tâm tính của con người có thể bị thay đổi như thế nào, thiên về cái thiện hay sa chân vào xoáy nước xấu xí chỉ vì sức ảnh hưởng của một người. Tập 46 Càn Long cho người tách Vĩnh Cơ khỏi mẹ cũng là có cái lý của nó. Bây giờ nó còn trong trắng ngây thơ, nhưng bắt chước là một hành vi căn bản của con người, nó nhìn mẹ nó ở ác như thế, làm sao lớn lên nó không thủ đoạn cho được?

Nhưng thế thì lại có chuyện để nói, khi Tử Vy và Tinh Nhi đến xin Hoàng Thượng để Vĩnh Cơ về với mẹ. Đúng thật như lời Càn Long nói, Vĩnh Cơ à, Tử Vy tỷ tỷ của con quả thật có sức thuyết phục ghê lắm. Lý do cơ bản nhất đã được Tử Vy giải thích triệt để: Trái tim Hoàng Hậu có bằng sắt thì cũng đã nóng chảy rồi [nhất là khi đụng tới con của bả nữa], tại sao không nhân cơ hội này mà triệt để thu phục trái tim của Hoàng Hậu? Ây da, thiệt là hợp lí hợp tình nha, nghe đến là bùi tai. Và thật vậy, Hoàng Hậu đã hoàn toàn bị thu phục. Phụ nữ mà, cứ đụng vào con họ thì tính cách của họ sẽ hoàn toàn khác với những gì bạn thường thấy họ biểu hiện bên ngoài. Con cái chính là điểm yếu nhất của một người đàn bà [mình dùng từ đàn bà, vì nó nghe rất bản năng, giống như bản năng sinh con của họ vậy]. Chứng kiến sự thay đổi của Hoàng Hậu vì Vĩnh Cơ, chỉ hai từ thôi: xúc động. Vì giống như khi mình nhìn Lệnh Phi quyết tâm cứu 2 đứa kia, mình thấy bóng dáng của mẫu thân đại nhân oanh oanh liệt liệt nhưng thương con đến mềm cả gan ruột của mình ở nhà trong hình ảnh của Hoàng Hậu.

Dung ma ma đang bơm đểu với Hoàng Hậu

[nói thêm một điểm thế này, mình cực kì thích câu đế thêm của Tử Vy với Hoàng Thượng trước khi dắt Vĩnh Cơ về với mẹ nhé: Hoàng A Mã, người không cần phải quá lo lắng cho tương lai của Thập Nhị A Ca. Hổ phụ đâu có sinh khuyển tử!!. Giời ạ, Tử Vy a, tỷ quả nhiên rất biết nịnh. Em thích tỷ quá đi *đập bàn, lăn lộn*]

Ở trong phần 2 mình quyết định không viết riêng về Kim Tỏa và Liễu Thanh, vì thật không có quá nhiều điểm đặc sắc để nói. Nhưng mình vẫn muốn nói một chút. Phải nói, từ thân phận, hoàn cảnh đến tính cách Quỳnh Dao xây dựng cho mỗi nhân vật đều hợp lí hợp tình. Kim Tỏa một đời theo Tử Vy, một đời chấp nhận thân phận nô tài. Như kiểu Lệnh Phi chấp nhận cái tư tưởng Đàn ông không cần phải chung thủy, Kim Tỏa chấp nhận một cuộc sống phụ thuộc vào hạnh phúc của người khác. Chúng ta không sống trong cái thời đại nô tỳ nên có lẽ, nhiều người nhìn Kim Tỏa mà cảm thấy bực mình vì cái không chính kiến của cô. Nhưng đặt mình vào cái thời đại phong kiến đó, sẽ đương nhiên hiểu được tâm tư của cô gái trẻ ấy mà thôi. Cô ấy trẻ, nhưng cũng là một đại diện cho tư tưởng xưa. Mình thấy thương cô ấy hơn là ghét cô ấy. Không phải là cô không có tính cách, mà cái không dám có hạnh phúc riêng, không dám rời xa chủ nhân chính là tính cách của cô đó. Nhưng rồi cô thay đổi, như Tinh Nhi, Tiêu Kiếm, Hoàng Hậu, Hoàng Thượng thay đổi. Cô mạnh dạn đi tìm một hạnh phúc trọn vẹn của riêng mình. Cô lấy Liễu Thanh không chỉ đơn giản là một kết thúc vui-vẻ-cả-làng ai nấy đều có đôi, mà còn là một tư tưởng Hãy thay đổi! mà Quỳnh Dao muốn gửi gắm qua hình tượng của Kim Tỏa.

Quả thật khi viết phần 3 này, mình rất rất rất muốn liệt kê ra hàng loạt các tình huống của HCCC II mà mình tâm đắc, nhưng thật sự là quá nhiều. Có khi lại kể hết cả phim ra không chừng. Tuy vậy, thay vào đó, mình lại muốn ghi lại một vài câu thoại. Những câu thoại đơn giản, trong những tình huống chẳng mấy đặc biệt, nhưng lại làm mình cảm thấy tâm đắc và đồng cảm. Thật sự, 20 tuổi rồi, hãy cứ coi như là đã có một độ trưởng thành nhất định rồi, ngồi xem lại mới thấy thoại của HCCC II thấm vào lòng người đến thế nào.

Đừng nghĩ rằng ta không tức giận. Con ra đi, trẫm chắc chắn là tức giận rồi. Nhưng trẫm lo cho con. Giữa lúc vừa tức giận vừa lo lắng, đương nhiên là lo lắng nhiều hơn rồi. Nghe nói con bị hai tên khốn đó hại cho toàn thân đều bị thương, trẫm nghĩ con cũng nhận được nhiều bài học rồi. Con xem, ở bên cạnh người thân, dù có lúc chịu thiệt thòi nhưng mọi người đều thương con. Mọi người đều có ý tốt, không ai muốn hại con cả. Nhưng những người con gặp ngoài kia thì khác. Hoàng Thượng [tập 20, nói với Tiểu Yến Tử lúc ẻm ngạc nhiên vì bỏ nhà đi mà không bị mắng].

Hoàng Thượng, người ta trong cơn phẫn nộ, tất cả những hành vi không nhất định phải xuất phát từ bản tính. Những việc người ta làm khi đang trong cơn nguy cấp cũng không hoàn toàn là do bản thân muốn vậy. Người trong lòng không muốn giết Cách Cách nhưng lại hạ lệnh giết Cách Cách. Vĩnh Kỳ và Nhĩ Khang không hề có ý phản lại người, nhưng bắt buộc vẫn phải chống đối Lệnh Phi [tập 30, lúc khuyên giải Hoàng Thượng].

Cuộc đời không có lịch sử thật là nhạt nhẽo. [] Trên thế giới này chỉ có 2 loại người. Một loại là sáng tạo nên câu chuyện, một loại là đọc câu chuyện Tiêu Kiếm [tập 29].

Khi nào núi không còn góc cạnh, trời đất hợp làm một mới dám chia tay chàng Tử Vy & Nhĩ Khang [câu kinh điển, xuất hiện trong rất nhiều tập].

Còn rất nhiều, rất nhiều nữa, nhưng thế thôi hén. Đây là những câu Nguyệt thích nhất.

Có lẽ do mình bị bias, nhưng quả thật nhìn vào dàn diễn viên của HCCC, mình không thể không thán phục người casting, đạo diễn đã chỉ đạo diễn xuất và các diễn viên của chúng ta. Từng khuôn mặt của từng người đều hợp với tính cách một cách kỳ lạ. Triệu Vy mặt vuông nam tính, đôi mắt to tròn lanh lợi, quá hợp với một Tiểu Yến Tử đại S, oanh oanh liệt liệt không khác gì nam nhi. Lâm Tâm Như mắt trái xoan, mắt to dịu dàng, phong thái quý phái khắc họa hoàn hảo một Tử Vy thông minh sắc sảo. Tuy vậy vẫn có những khoảnh khắc Lâm Tâm Như cứng rắn, ánh mắt kiên nghị, xuất sắc thể hiện một Tử Vy thừa hưởng tài hoa của Hạ Vũ Hà nhưng không yếu đuối như Hạ Vũ Hà, dám yêu dám theo đuổi hạnh phúc của bản thân. Châu Kiệt nam tính ngời ngời, tướng tá đô con, vai Ngự tiền thị vệ Nhĩ Khang còn ai hợp hơn. Nghiêm nghị là thế nhưng vẫn trào phúng, ánh mắt tràn đày tiếu ý trêu chọc cặp đôi trẻ con Vĩnh Kỳ Tiểu Yến Tử. Tô Hữu Bằng lùn, mặt tròn và trắng, môi hơi dẩu dẩu trông trẻ con mà đáng yêu chết được. Ngũ A Ca văn võ song toàn nhưng vẫn là A Ca trong cung, đôi khi áp đặt, cũng là lẽ thường tình. Trương Thiết Lâm oai phong vũ vũ, là một Hoàng A Mã đi vào lòng đại đa số khán giả; nụ cười với đôi mắt ngấn nước thương con ấy mình vẫn cứ ghi nhớ. Vương Diễm mắt tròn ngây thơ, nụ cười cũng ngây thơ, là một Tinh Nhi trong trắng như một tờ giấy. Nhưng đến khi Tinh Nhi thay đổi, ánh mắt của Vương Diễm cũng theo đó mà sắc sảo hơn, giọng nói cứng cỏi hơn. Chu Hoành Gia đậm người nhưng lại có lúm đồng tiền điển trai, Tiêu Kiếm oanh oành liệt liệt trợ giúp mọi người, dáng vẻ tạo nên sự tin tưởng. Đới Xuân Vinh mặt vuông, mắt sắc lạnh không khác gì bà Hoàng Hậu trong Snow White and the Seven Dwarfs ngày xưa. Cụ Lý Minh Hải kỳ cựu lần đầu đóng vai phản diện, ấy vậy mà mặt mày nanh ác, mắt híp đầy thủ đoạn; cái đó người ta gọi là đẳng cấp ngôi sao. Triệu Lệ Quyên quý phái, phúc hậu; chẳng phải là một Lệnh Phi hoàn hảo hay sao. Lưu Đan đẹp đằm thắm mà mãnh liệt, một Hàm Hương sắc nước hương trời kiên quyết vì một tình yêu như thế có ai sánh kịp. Một dàn diễn viên với ngoại hình diễn xuất quá hoàn hảo, muốn chấp nhận người mới, hình ảnh mới quả thật rất khó khăn.

Đẹp quá~~

Hoàn Châu Cách Cách đối với mình, đã thật sự khép lại vào tập 48, được chiếu năm 2000 ở Việt Nam. Một phần tuổi thơ cầm khăn vẫy vẫy, đội nón Hàm Hương theo đó tồn tại mãi mãi như một kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Một giấc mơ về một mối tình đẹp Chàng là gió, thiếp là cát. Gió bay đến Thiên Sơn, cát bay theo đến Thiên Sơn cũng sẽ tồn tại trong một góc nhỏ trong tim, dù cặp mắt nhìn đời đã đổi sang màu xám

Câu chuyện của Hoàn Châu Cách Cách đến đây là kết thúc

Hoàn.

Chia sẻ:

Print

Có liên quan

  • [Review] [Tiểu thuyết] Huyền thoại Porasitus
  • 17/10/2014
  • Trong "Phim truyền hình và một vài thứ khác"
  • [Review] Hoàn Châu Cách Cách II [p1]
  • 14/09/2011
  • Trong "Phim truyền hình và một vài thứ khác"
  • [Review ngắn] Dành cho tháng Sáu: Câu chuyện thất tình của một em trai Cự Giải, những pha đấu bóng rổ hổ báo và tất cả những gì có thể định nghĩa hai từ thuần khiết
  • 17/05/2012
  • Trong "Review"

Video liên quan

Chủ Đề