Phân tích điểm khác biệt giữa chương trình tiếp cận nội dung và chương trình tiếp cận năng lực

Tiếp cận nội dung là cách nêu ra một danh mục đề tài, chủ đề của một lĩnh vực/môn học nào đó. Tức là tập trung xác định và trả lời câu hỏi: Chúng ta muốn người học cần biết cái gì? Cách tiếp cận này chủ yếu dựa vào yêu cầu nội dung học vấn của một khoa học bộ môn nên thường mang tính "hàn lâm", nặng về lý thuyết và tính hệ thống, nhất là khi người thiết kế ít chú đến tiềm năng, các giai đoạn phát triển, nhu cầu, hứng thú và điều kiện của người học.

Tiếp cận năng lực đầu ra là cách tiếp cận nêu rõ kết quả - những khả năng hoặc kĩ năng mà người học mong muốn đạt được vào cuối mỗi giai đoạn học tập trong nhà trường ở một môn học cụ thể. Nói cách khác, cách tiếp cận này nhằm trả lời câu hỏi: Chúng ta muốn người học biết và có thể làm được những gì?

Phát triển chương trình theo hướng tiếp cận năng lực
Bước sang thế kỉ 21, do tốc độ phát triển của xã hội hết sức nhanh chóng với những biến đổi liên tục và sự tăng khối lượng tri thức một cách nhanh chóng, đặc biệt trong các lĩnh vực thông tin truyền thông, công nghệ vật liệu, điện/điện tử tự động hóa, phương pháp tiếp cận nội dung dần trở nên lạc hậu. Để chuẩn bị cho thế hệ trẻ đối mặt và đứng vững trước những thách thức của đời sống, vai trò của giáo dục ngày càng trở nên quan trọng. Thay đổi, sửa sang, cải tiến chương trình, thậm chí cải cách giáo dục đã được nhiều nước tiến hành. Có khá nhiều vấn đề đặt ra khi xem xét chỉnh sửa, đổi mới chương trình. Trước hết là việc xem xét, thiết kế lại cần theo cách tiếp cận nào? Bản chất của cách tiếp cận ấy là gì? Và tại sao lại theo hướng tiếp cận này? Xu thế thiết kế chương trình theo hướng tiếp cận năng lực được khá nhiều quốc gia quan tâm, vận dụng trong giai đoạn hiện nay. Tên gọi của cách tiếp cận này có khác nhau nhưng thuật ngữ được dùng khá phổ biến là Competency-based Curriculum (Chương trình dựa trên cơ sở năng lực - gọi tắt là tiếp cận năng lực).

Bản chất và lí do chuyển sang cách tiếp cận năng lực
Tiếp cận năng lực chủ trương giúp người học không chỉ biết học thuộc, ghi nhớ mà còn phải biết làm thông qua các hoạt động cụ thể, sử dụng những tri thức học được để giải quyết các tình huống do cuộc sống đặt ra. Nói cách khác phải gắn với thực tiễn đời sống. Nếu như tiếp cận nội dung chủ yếu yêu cầu người học trả lời câu hỏi: Biết cái gì, thì tiếp cận theo năng lực luôn đặt ra câu hỏi: Biết làm gì từ những điều đã biết. Nói cách khác, nói đến năng lực là phải nói đến khả năng thực hiện, là phải biết làm (know-how), chứ không chỉ biết và hiểu (know-what).

Năng lực của người học có thể chia thành hai loại chính: Đó là những năng lực chung và năng lực cụ thể, chuyên biệt:

Năng lực chung là năng lực cơ bản, thiết yếu để con người có thể sống và làm việc bình thường trong xã hội. Năng lực này được hình thành và phát triển do nhiều môn học, liên quan đến nhiều môn học. Đây là loại năng lực được hình thành xuyên chương trình. Một số nước có thể gọi dạng năng lực này với các tên khác nhau như: năng lực chính, năng lực nền tảng, năng lực chủ yếu, kĩ năng chính, kĩ năng cốt lõi, năng lực cơ sở, khả năng, phẩm chất chính, kĩ năng chuyển giao được..

Theo quan niệm này mỗi năng lực chung cần góp phần tạo nên kết quả có giá trị cho xã hội và cộng đồng, giúp cho các cá nhân đáp ứng được những đòi hỏi của một bối cảnh xã hội rộng lớn và phức tạp. Dạng năng lực chung này có thể không quan trọng với các chuyên gia, nhưng rất quan trọng với tất cả mọi người.

Năng lực cụ thể, chuyên biệt là năng lực riêng được hình thành và phát triển do một lĩnh vực/môn học nào đó. Đây là dạng năng lực chuyên sâu, góp phần giúp mọi người giải quyết các công việc chuyên môn trong lĩnh vực công tác hẹp của mình.

Xác định hệ thống năng lực chung
Rõ ràng năng lực chung là hết sức quan trọng, đó chính là kỹ năng tối thiểu mà một con người có thể sống hòa đồng và phát triển trong một cộng đồng. Để nhận diện năng lực chung, Hội đồng châu Âu đưa ra ba tiêu chí: Thứ nhất, là khả năng hữu ích của năng lực ấy đối với tất cả các thành viên cộng đồng. Chúng phải liên quan đến tất cả mọi người, bất chấp giới tính, giai cấp, nòi giống, văn hoá, ngôn ngữ và hoàn cảnh gia đình. Thứ hai nó phải tuân thủ (phù hợp) với các giá trị đạo đức, kinh tế văn hoá và các quy ước xã hội. Thứ ba, nhân tố quyết định là bối cảnh, trong đó các năng lực cơ bản sẽ được ứng dụng.

Các thống kê cho thấy có 8 năng lực sau đây được sử dụng và nhấn mạnh ở hầu hết các hệ thống giáo dục tại các nước tiên tiến:
- Tư duy phê phán, tư duy logic;

- Giao tiếp, làm chủ ngôn ngữ;

- Tính toán, ứng dụng số;

- Đọc-viết;

- Làm việc nhóm - quan hệ với người khác;

- Công nghệ thông tin- truyền thông (ICT);

- Sáng tạo, tự chủ;

- Giải quyết vấn đề.

Những năng lực này có thể nêu ngay trong mục tiêu của chương trình GD. Từ các năng lực này mới xác định các lĩnh vực/ môn học bắt buộc cần thiết có vai trò trong việc phát triển năng lực. Sau đó phải xác định được chuẩn năng lực cho mỗi giai đoạn/cấp/lớp. Tiếp đến là xác định những năng lực mà mỗi môn học bắt buộc có thể đảm nhận. Cuối cùng mỗi môn học, các năng lực nêu trên lại đựơc trình bày với ba nội dung:Đặc điểm của năng lực; Kết quả cần đạt về năng lực; Tiêu chí đánh giá năng lực này.

Thiết kế chương trình theo hướng tiếp cận năng lực

Thiết kế chương trình truyền thống thường bắt đầu từ mục tiêu giáo dục. Sau đó xác định các lĩnh vực/môn học, chuẩn kiến thức và kĩ năng, phương pháp dạy học và cuối cùng là đánh giá. Còn thiết kế chương trình theo năng lực trước hết cần xác định các năng lực chung cần trang bị và phát triển cho người học.

Từ những gì nêu ra ở trên, có thể khẳng định một số điều:- Xây dựng, thiết kế chương trình giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực người học là một xu thế tất yếu. Nó giúp người học có khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn ngay khi rời ghế nhà trường. Nói cách khác, đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội. Ngoài ra, với tiếp cận năng lực, người học sẽ được trang bị kỹ năng để có thể học cả đời. Đây là điều bắt buộc trong bối cảnh khối lượng tri thức tăng lên nhanh chóng như hiện nay.

- Cần phân biệt năng lực chung với các năng lực riêng của môn học cụ thể. Hai năng lực này có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng các năng lực chung rất được chú ý trong khi xem xét và đổi mới chương trình. Hai năng lực này chính là hai vế trong triết lý dạy chữ - dạy người của dân tộc ta, trong đó dạy người cần được đặc biệt chú trọng.

Nhiệm vụ xây dựng chương trình giáo dục tiếp cận năng lực và đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục

Nền giáo dục của nước ta từ trước tới nay chủ yếu vẫn theo tiếp cận nội dung. Điều này dẫn tới tình trạng phổ biến tri thức một chiều: thầy giảng, trò nghe; thầy đọc, trò ghi chép. Hệ lụy của hệ thống giáo dục này là người học không phát huy được tính sáng tạo do chỉ làm theo hướng dẫn của thầy, thiếu khả năng suy nghĩ độc lập và giải quyết các vấn đề thực tiễn, không có khả năng tự học và thói quen tự tìm tri thức để học, thiếu kỹ năng làm việc nhóm do học một cách thụ động.

Với triết lý giáo dục “lấy việc hình thành năng lực người học làm trung tâm, làm mục tiêu đào tạo thay cho truyền thụ kiến thức”, ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Như vậy, đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục chính là chuyển giáo dục sang hướng tiếp cận năng lực.

Vậy bắt đầu từ đâu? Đánh giá về tầm quan trọng của việc đổi mới trong chính đội ngũ giáo viên, PGS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng: “Hiện nay đội ngũ giáo viên của chúng ta khoảng hơn 1 triệu người. Nếu đội ngũ này không chuyển biến từ quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cho đến nhận thức, hiểu biết cần thiết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thì khó lòng đạt được các mục tiêu mong đợi”. Cũng theo PGS.TS Trần Kiều, một trong những lý do quan trọng nhất khiến chất lượng giáo viên chưa cao là “sức ì” trong tư duy theo thói quen. Thay đổi một thói quen không phải là dễ, có khi nhận thức thấy đúng nhưng thay đổi một thói quen lại thấy ngại. Việc học của chúng ta hiện nay là làm sao để vượt qua các kỳ thi thì việc dạy cũng làm sao để cho học sinh vượt qua các kỳ thi. Dạy để cùng thi thì làm sao tránh được tình trạng chỉ tập trung vào chữ nghĩa và bỏ qua các yêu cầu khác, nói gọn hơn là sức ép của thi cử, áp lực của việc học nặng về chữ nghĩa khó làm thay đổi phương pháp dạy học của giáo viên”.

Rõ ràng mọi sự đổi mới đều phải đối diện với thách thức từ cái cũ, đổi mới tư duy còn đối diện khó khăn hơn nhiều do sức ì của tư duy cũ. Nói đổi mới, vì vậy, không thể đổi được ngay, mà phải cần sự chuyển biến dần dần, có khi là cả một thế hệ. Tuy nhiên, một khi đã nhận thức mình chưa tốt và quyết tâm thay đổi, mỗi con người nói chung, hay mỗi con người làm việc, học tập trong môi trường giáo dục, nói riêng, chắc chắn cũng sẽ biết làm dù là những việc nhỏ nhất để làm cho việc dạy, việc học trong nhà trường trở nên tốt hơn. Nhiều viên gạch nhỏ sẽ góp thành những công trình lớn, để mai sau con cháu chúng ta có quyền tự hào và ngành giáo dục nước ta có thể tự hào sánh vai với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới.

(LVĐ - Tham khảo)