Pháp đánh thuế nặng hàng hóa nhập vào việt nam năm 2024

Bài viết - Một số sắc thuế áp dụng tại Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc - TS Phan Thanh Hải

MỘT SỐ SẮC THUẾ ÁP DỤNG TẠI VIỆT NAM THỜI KỲ PHÁP THUỘC

Trong quá trình đô hộ tại nước ta thời kỳ từ năm từ 1858 đến 1945, Chính quyền thực dân Pháp đã thi hành chính sách bóc lột và vơ vét của cải các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam thông qua hệ thống các sắc thuế hết sức vô lý và tàn bạo. Nội dung bài viết này là để giới thiệu cho người đọc các sắc thuế có hiệu lực tại thời kỳ đó, bao gồm các loại thuế được thu và phân chia theo 2 loại ngân sách: Ngân sách Đông dương [chủ yếu là thuế quan, thuế rượu, thuốc phiện, muối...] và Ngân sách địa phương gồm các xứ [Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ] các tỉnh [chủ yếu là thuế thân, thuế ruộng đất, thuế lao dịch...]

1.Thuế chủ yếu thu cho ngân sách Đông Dương

1.1- Thuế quan:[còn được gọi là thuế đoan, thuế thương chính].

Theo chế độ "đồng hoá quan thuế" được thi hành cho đến năm 1940, trên nửa thế kỷ, nước Pháp và Việt nam, thuộc hai khu vực kinh tế có hai trình độ phát triển khác nhau, có nhu cầu và khả năng xuất nhập khẩu cũng khác nhau nhưng lại phải chung một chế độ thuế quan giống nhau, cùng một biểu thuế xuất nhập khẩu, căn cứ vào tình hình và điều kiện riêng của nước Pháp. Pháp bảo vệ thứ sản phẩm nào thì Việt nam cũng bảo vệ thứ sản phẩm đó, Pháp ưu đãi nước nào thì Việt nam cũng phải ưu đãi nước đó. Nhờ hàng rào thuế quan bảo hộ, tư bản Pháp tự do đưa hàng với giá đắt vào thị trường Việt nam, bóc lột tàn nhẫn nhân dân ta. Trong cuốn sách "Vấn đề dân cày", hai tác giả Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp đã viết: "họ vớ được một số lời cao hơn với số lời của họ thườngcó trên thị trường thế giới". Số lời cao đó, trong kinh tế chính trị học gọi là "thặng dư lợi nhuận thuộc địa".

1.2- Thuế gián thu [Công quản]

Thuế gián thu thường bảo đảm khoảng 70% tổng số thu của ngân sách Đông dương, chủ yếu là thuế muối, thuế rượu, thuế thuốc phiện, thông qua chế độ công quản, còn đượcgọi là chế độ độc quyền.

1.2.1- Thuế muối

Muối là sản phẩm không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày của mỗi người. Công quản muối là một hình thức độc quyền của thực dân Pháp với nguyến tắc là toàn bộ số muối mà dân sản xuất phải bán hết cho nhà nước với giá rẻ mạt, rồi Nhà nước bán lại cho dân [kể cả người trực tiếp sản xuất muối] với giá cao hơn, để hưởng lợi nhuận. Chế độ công quản muối không đơn thuần chỉ phục vụ mục tiêu kinh tế- tài chính của chính quyền thực dân mà còn mang ý nghĩa chính trị. Nhà nước có thể dùng muối làm áp lực với nhân dân khi cần.

Có thể nói thuế muối thông qua chế độ công quản, độc quyền là một trong những chính sách bóc lột thuộc địa có hiệu quả nhất của thực dân Pháp ở Đông dương, một loại thuế bất công, vô nhân đạo. Chế độ thuế này đã gây nên nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế của toàn bộ nhân dân Việt Nam, đặc biệt đối với cư dân vùng biển, nghề làm muối, nghề chài lưới, nghề làm mắm đều bị điêu đứng vì chính sách độc quyền muối của thực dân Pháp.

1.2.2- Thuế rượu

Công quản rượu là việc chính quyền thực dân Pháp trực tiếp quản lý bán rượu cho Công ty Phông-ten của tư bản Pháp gọi là "rượu ty", có rất nhiều cổ phần từ phủ toàn quyền đến cán bộ cao cấp khác của Pháp. Để loại rượu này bán được chạy, thu được nhiều lợi nhuận chia nhau, một mặt thực dân Pháp cấm đoán mọi việc nấu rượu của tư nhân Việt nam [kể cả việc tự nấu rượu để uống] đồng thời giao chỉ tiêu bán "rượu ty" cho chính quyền tổng, xã.

Chế độ độc quyền và thuế rượu đã không những trở thành một hình thức bóc lột vôcùng hà khắc mà còn gieo rắc cho nhân dân nhiều tai vạ.

1.2.3- Thuế thuốc phiện

Công quản và độc quyền thuốc phiện là nhà nước mua thuốc phiện sống về chế biến thuốc phiện chín khuyến khích dân tiêu thụ, mở tiệm hút để tạo được nguồn thulớn lao cho chính quyền thực dân.

Với chính sách tài chính thâm độc này, thực dân Pháp đã bòn rút đến tận xưởng tuỷ của nhân dân Việt nam. "Nói đến các món độc quyền, người ta có thể hình dung Đông dương như một con nai béo mập, bị trói chặt và đang hấp hối dưới những cái mỏ quặp của bầy diều hâu, rỉa mãi không thấy no"[Hồ Chí Minh toàn tập- Tập I- trang 339].

2- Thuế chủ yếu thu cho ngân sách các xứ [kỳ]

Nguồn thuế cho ngân sách các xứ chủ yếu gồm các thứ thuế cũ dưới thời phong kiến như thuế thân, thuế ruộng đất, thuế lao dịch và được sửa đổi bổ sung thường xuyên, theo hướng tăng mức thu ngày càng ác liệt hơn.

2.1- Thuế thân [thuế đinh]

Nhìn chung, thuế thân đánh vào dân đinh từ 18 đến 60 tuổi. Trước kia, thuế thân chỉ đánh vào nội đinh, tức là người có ít nhiều tài sản, có khả năng đóng thuế, đượcchia ruộng đất công, được tham gia một số danh vị, chức vụ và có tên trong sổ hộ tịch của làng. Việc thu thuế dựa vào sổ đinh của làng xã để thu.

Thuế thân đã tạo thêm cho nhà nước thực dân số thu rất lớn, nhưng đối với dân nghèo, mỗi khi đến vụ thuế [tháng 5 âm lịch] xóm làng lại xôn xao,nhiều người không chạy nổi mấy đồng nộp thuế đã bị kìm kẹp, gông cùm hoặc bỏ quê hương để trốn cảnh đau thương, khổ cực.

2.2 Thuế ruộng đất [thuế điền thổ]

Từ năm 1897, toàn quyền Đông Dương đã nhiều lần cho điều chỉnh lại theo 4 hạng điền, 6 hạng thổ [đất] phân biệt theo đất canh tác và đất ở, đất xây dựng, ở thành phố, thị xã hay nông thôn; trồng lúa, màu hay các cây công nghiệp khác nhau [thuốc lá, trầu, cau, dừa, mía, dâu, chè, bông, đay, gai, thầu dầu, ngô, vừng, khoai lang, khoai sọ, đỗ, cây ăn quả, cói, lạc; đất không trồng trọt; đất bùn, ao, hồ, đầm; ruộng muối; đất đối với người bản xứ, người châu á, châu Âu, ngoại kiều khác...; miễn thuế cho các loại đất dành cho nghĩa trang, đền thờ, chùa, nhà thờ, các công trình tôn giáo; miễn thuế 6 năm đầu cho đất trồng cà phê và 4 năm đầu cho đất trồng chè [Lịch sử Việt Nam- tập II- trang 104].

Việc phân định lại hạng ruộng đất nhằm phục vụ lợi ích của bọn thực dân và chính quyền phong kiến. Mức thuế chủ yếu là tăng lên, kèm với những khoản phụ thu, nhưng diện tích làm căn cứ tính mẫu, sào lại điều chỉnh giảm xuống. Ví dụ: Theo quy định từ thời Tự Đức [1847-1883], mỗi mẫu Việt nam là 4.970m2. Năm 1897, ở Bắc kỳ, mỗi mẫu chỉ có 3.600m2 [Lịch sử Việt Nam- tập II- trang 104]. Vì vậy dẫu mức thuế điều chỉnh lại bằng hay cao hơn cũ, thuế phải nộp thực tế tăng lên, có khi đến 2-3 lần.

2.3- Thuế lao dịch

Về nguyên tắc, thuế lao dịch đã chuyển thành tiền [gắn với thuế thân hoặc nộp ngân sách tỉnh, xã] để sử dụng vào việc xây dựng, tu bổ đường sá, đê điều... Nhưng trên thực tế, khi cần làm đường hoặc đắp đê, Chính phủ vẫn huy động nhân lực một cáchtuỳ tiện, kể cả trong những ngày mùa cày cấy, thu hoạch nông nghiệp.

----

Tài liệu tham khảo :

Tổng cục Thuế [2010], Thuế Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Tài liệu tham khảo dành cho những người làm công tác thuế

Chủ Đề