Tại sao giá trị xuất khẩu tính theo giá FOB

Ông Việt đề xuất một giải pháp hoàn toàn mang tính nghiệp vụ: “Xuất khẩu giá CIF - Nhập khẩu giá FOB”, mà ông cho rằng nếu thực hiện tốt có thể góp phần làm thay đổi cán cân giữa xuất và nhập.

Theo Quy tắc chính thức của Phòng Thương mại quốc tế giải thích các điều kiện thương mại năm 2000 [gọi tắt là INCOTERMS 2000]: - Giao hàng theo điều kiện CIF [C-cost: Tiền hàng; I-insurance: Bảo hiểm; F-freight: Cước phí]. Theo điều kiện này, người bán phải giao hàng qua lan can tàu tại cảng gửi hàng, phải mua bảo hiểm cho hàng hoá và thuê tàu [hoặc container] vận chuyển hàng hoá đến cảng dỡ hàng.

- Giao hàng theo điều kiện FOB [Free On Board-Giao hàng lên tàu”. Theo điều kiện này người bán chỉ cần giao hàng lên tàu tại cảng bốc hàng.

 

Vietfood mới xuất khẩu 83.000 tấn gạo sang Indonesia

Theo ông Việt, qua các giao dịch trong thời gian vừa qua, phần lớn các doanh nghiệp trong nước chỉ thực hiện xuất khẩu theo điều kiện FOB, nhập khẩu theo điều kiện CIF. Có 2 nguyên nhân dẫn đến thói quen “lâu nay” của các doanh nghiệp Việt Nam:

- Thiếu thông tin về bảo hiểm và giá cước tàu hoặc container.

- Tâm lý cán bộ nghiệp vụ ngại chào hàng theo điều kiện CIF, vì phải tính toán tỷ lệ phí mua bảo hiểm và cước tàu [hoặc container], do đó các doanh nghiệp của ta chỉ chào hàng theo điều kiện FOB, vì giao hàng lên tàu là hết trách nhiệm. Nếu nhập khẩu, thường đề nghị khách nước ngoài chào hàng theo điều kiện CIF, hoặc CFR [giá hàng và cước phí].

Giao hàng theo điều kiện CIF đem lại lợi ích gì?

Ông Việt phân tích:

Lợi ích cho quốc gia : Nếu trong năm 2007, giả sử tất cả các doanh nghiệp trong cả nước đều xuất khẩu theo điều kiện CIF, chúng ta sẽ xuất khẩu được 50,86 tỷ USD, thay vì chỉ xuất khẩu được 47,54 tỷ USD theo điều kiện FOB, như kế hoạch của Bộ Thương mại. Phần ngoại tệ tăng thêm 3,32 tỷ USD cho quốc gia là do thu được tiền bảo hiểm và cước tàu.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp: Nếu xuất khẩu theo điều kiện CIF, sẽ thu được trị giá ngoại tệ cao hơn, so với việc xuất khẩu theo điều kiện FOB. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp thiếu vốn, có thể dùng thư tín dụng [L/C] thế chấp tại ngân hàng, sẽ vay được số tiền cao hơn. Doanh nghiệp rất chủ động trong việc giao hàng, không phải lệ thuộc vào việc điều tàu [hoặc container] do người nhập khẩu chỉ định. Đôi khi vì lệ thuộc vào khách nước ngoài, tàu đến chậm làm hư hỏng hàng hoá đã tập kết tại cảng hoặc trong kho, nhất là hàng nông sản.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm và tàu [hoặc container] của Việt Nam đang rất thiếu việc làm, nếu các nhà xuất khẩu liên hệ mua bảo hiểm hàng hoá và thuê tàu [container] trong nước, chắc chắn sẽ làm tăng doanh số cho các doanh nghiệp này, giải quyết thêm việc làm cho cộng đồng của chúng ta, hơn là để các công ty nước ngoài thu được phí bảo hiểm và cước tàu.

Đối với các cán bộ nghiệp vụ trong các doanh nghiệp xuất nhập khẩu: Theo thông lệ, các công ty bảo hiểm và hãng tàu, luôn luôn trích lại một tỷ lệ gọi là “tiền hoa hồng-commission” cho những người giao dịch trực tiếp với họ. Số tiền này không hề ảnh hưởng đến tiền hàng [cost] của doanh nghiệp. Thay vì phí bảo hiểm và cước tàu nước ngoài được hưởng, nếu các cán bộ nghiệp vụ trình Giám đốc phương án xuất khẩu theo điều kiện CIF, thì họ rất xứng đáng được nhận khoản hoa hồng trên, chúng ta không nên coi đó là tiền hối lộ, như lâu nay nhiều người thường quan niệm.  

BẢNG PHÂN TÍCH SỐ LIỆU XK THEO ĐIỀU KIỆN CIF – NK THEO ĐIỀU KIỆN FOB

Điều kiện F.O.B

 [Tỷ USD]

Bảo hiểm [I]

Cước vận tải [F]

[Tỷ USD]

Điều kiện CIF

[Tỷ USD]

Cán cân xuất siêu

dự kiến

[Tỷ USD]

Năm 2007

 - Xuất khẩu

 - Nhập khẩu

47,54

48,55

[ ] 3,32

[-] 3,65

50,86

52,20

[ ] 2,31

Ghi chú:
- Tỷ lệ phí bảo hiểm hàng hoá từ: 0,2% - 0,9% trên trị giá CIF, tuỳ theo loại hàng hoá. - Tỷ lệ cước tàu từ 5 – 10% trên trị giá CIF, tuỳ theo tỷ trọng của hàng hóa, địa điểm giao hàng, phương tiện vận chuyển [tàu hoặc container].

- Tỷ lệ bảo hiểm [I] và cước tàu [F]: Theo bảng tính trên lấy trung bình là 7%.

Nhập khẩu theo điều kiện FOB, đem lại lợi ích gì?

Ông Việt phân tích tiếp:

Theo nguyên lý trên, thay vì các doanh nghiệp nhập khẩu theo điều kiện CIF như hiện nay, chúng ta nên yêu cầu khách nước ngoài chào hàng theo điều kiện FOB.

Nếu tất cả các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu theo điều kiện FOB, kim ngạch nhập khẩu trong năm 2007 của cả nước chỉ là 48,55 tỷ USD, thay vì 52,20 tỷ USD nhập khẩu theo điều kiện CIF. Số ngoại tệ nhập khẩu giảm [-] 3,65 tỷ USD, do chúng ta tiết kiệm được tiền bảo hiểm và cước tàu phải trả cho nước ngoài.

Các doanh nghiệp trả tiền ký quỹ để mở L/C ít hơn nếu nhập khẩu theo điều kiện CIF. Nếu nhập khẩu theo điều kiện CIF, khi khách nước ngoài giao hàng, sau 3 ngày họ đã điện đòi tiền. Nếu nhập khẩu theo điều kiện FOB, khi hàng cập cảng, doanh nghiệp nhập khẩu mới phải trả tiền cước tàu, doanh nghiệp không bị tồn vốn, hoặc không phải trả lãi vay ngân hàng cho khoản tiền cước tàu, giảm được giá thành hàng nhập khẩu.

Lợi ích đối với cá nhân, cũng tương tự như trên.

Như vậy việc xuất khẩu theo điều kiện CIF, nhập khẩu theo điều kiện FOB, đã tạo ra lợi ích cho quốc gia, cho doanh nghiệp và cho cá nhân. Đối với quốc gia có thể làm thay đổi cán cân giữa xuất khẩu và nhập khẩu.

Kiến nghị của ông Việt

Việc xuất khẩu theo điều kiện CIF và nhập khẩu theo điều kiện FOB, không phải là quá mới đối với doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên do thiếu thông tin và do thói quen của các doanh nghiệp chúng ta, nên mọi người không chú ý, thậm chí khi xuất khẩu, chỉ cần xuất khẩu hàng hoá theo điều kiện FOB là được. Khi đọc được thông tin này, hy vọng Tổng Giám đốc/Giám đốc các doanh nghiệp hết sức SUY NGẪM & PHÂN TÍCH. Cán cân thương mại của quốc gia có nghiêng về phần xuất khẩu, chủ yếu là do sự chỉ đạo kiên quyết của các doanh nghiệp. Thay đổi tư duy của doanh nghiệp, dẫn đến thay đổi cán cân thương mại không thể thực hiện trong một năm, mà có thể kéo dài hàng chục năm, hoặc lâu hơn, tuỳ theo sự thực thi của cộng đồng doanh nghiệp cả nước.

Việc chỉ đạo tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Thương mại, mà rất cần sự chỉ đạo của các Sở Thương mại, các Hiệp hội ngành hàng, Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố, và cao hơn sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội nghị Thương mại toàn quốc năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trao giải thưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín đã nói: “Tôi chưa bao giờ trao giải thưởng cho đơn vị nào. Đây là lần đầu tiên tôi trao giải thưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín”. Điều đó khẳng định sự quan tâm của Chính phủ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín trong nước.

Tuy nhiên, để giải thưởng có ý nghĩa, góp phần khích lệ cộng đồng doanh nghiệp thay đổi tập quán xuất khẩu,theo chúng tôi Thủ tướng Chính phủ chỉ trực tiếp trao 3 giải xuất sắc nhất cho: một tỉnh [hoặc thành phố], một Hiệp hội ngành hàng, một doanh nghiệp có thành tích xuất khẩu với kim ngạch cao nhất, thoả mãn điều kiện xuất khẩu theo điều kiện CIF, nhập khẩu theo điều kiện FOB. Giải thưởng còn lại, Thủ tướng uỷ quyền cho Bộ Trưởng Bộ Thương mại trao cho các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín.

Về giá trị của giải thưởng, xin thông tin cho bạn đọc tham khảo: Một sinh viên Việt Nam [Nguyễn Nam Quân] tốt nghiệp Đại học thủ khoa Trường Đại học Santo Tomas tại Chi Lê, nhà trường đã tổ chức buổi lễ trao giải thưởng rất long trọng, có sự tham dự của Ngoại giao đoàn, toàn thể Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Chi Lê. Ngoài việc trao bằng tốt nghiệp thủ khoa và bằng khen cho học sinh xuất sắc nhất, Hiệu trưởng nhà trường đã trao 1.000 USD cho sinh viên đoạt giải [Báo Tuổi trẻ đăng tin và ảnh ngày 18/4/2007].

Để động viên cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng các tỉnh v à thành phố có thành tích trên, Chính phủ có thể trích quỹ khen thưởng với trị giá ít nhất bằng 10 lần trên, cho mỗi giải thưởng, hoặc theo cấp độ tăng từ cấp doanh nghiệp, Hiệp hội các tỉnh và thành phố. Việc trao giải thưởng này sẽ được duy trì mỗi năm một lần, cho đến khi chúng ta thay đổi cán cân thương mại trong xuất nhập khẩu, khi đó Chính phủ sẽ có một giải thưởng khác cho phù hợp với thực tế.

Doanh nghiệp tìm thông tin về bảo hiểm và các hãng tàu ở đâu? - Thông tin về dịch vụ bảo hiểm: Các doanh nghiệp có thể liên hệ với các chi nhánh của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam trên toàn quốc, hoặc các Công ty Bảo Minh, Công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện, Công ty bảo hiểm Bảo Long, Công ty cổ phần bảo hiểm xăng dầu [PJICO]...

Các doanh nghiệp có thể tham khảo tỷ lệ phí bảo hiểm do Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam [BẢO VIỆT] cung cấp.

- Thông tin về hãng tàu: Theo nguồn của Thương vụ Việt Nam tại Chi Lê: Hiện nay có 31 hãng tàu biển và đại lý tại Việt Nam [xem chi tiết trên www.baothuongmai.com.vn]. Các doanh nghiệp có thể dễ dàng liên hệ với bất kỳ hãng tàu nào, để yêu cầu họ cung cấp cước container, hoặc giá cước thuê tàu chở hàng.

Tất cả các công ty bảo hiểm và hãng tàu, sẽ đáp ứng ngay các yêu cầu của các khách hàng, khi có yêu cầu.

Thương vụ Việt Nam tại Chi Lê đã làm gì để góp phần tăng xuất khẩu và giảm nhập siêu?

Ngoài việc cung cấp các thông tin về chính sách của nước sở tại, tham mưu cho công tác điều hành của Bộ Thương mại, tìm các khách hàng nhập khẩu giới thiệu cho các doanh nghiệp trong nước, Thương vụ Việt nam tại Chi Lê đã cung cấp đầy đủ thông tin về ngân hàng, bảo hiểm và giá cước tàu cho các doanh nghiệp trong nước. Vận động các doanh nghiệp chào hàng theo điều kiện CIF và nhập khẩu nguyên liệu theo điều kiện FOB, để góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu. 

Về việc vận động các doanh nghiệp mua bảo hiểm tại Việt Nam:

Thương vụ Việt nam tại Chi Lê đã liên hệ với Tổng công ty Bảo Việt, cung cấp tỷ lệ phí bảo hiểm cho tất cả các loại hàng hoá xuất nhập khẩu [như Phụ lục I]. Ngoài ra, điều quan trọng nhất để thuyết phục các doanh nghiệp nước ngoài chấp nhận nhập khẩu theo điều kiện CIF, liên quan đến việc đền bù tổn thất hàng hoá là việc đòi tiền tổn thất ở đâu? BẢO VIỆT đã cung cấp 2 công ty giám định tổn thất tại Chi Lê và sẽ trả tiền tổn thất cho các doanh nghiệp nhập khẩu Chilê [nếu xảy ra] thông qua các Đại lý của Lloy’D tại Chilê là S.B Dawson y Cia., Ltda và Gibbs & Cia., S.A.C.

 Hoàng Tuấn Việt

Tham tán TM VN tại Chile


Video liên quan

Chủ Đề