Tên viết tắt của chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, ở việt nam là gì?

LTS: Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về PAPI - Một chỉ số quan trọng đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, cũng như các giải pháp của tỉnh trong việc cải thiện chỉ số này thời gian tới. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với bà Cầm Thúy Vân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ về các nội dung liên quan. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Tên viết tắt của chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, ở việt nam là gì?

Người dân giao dịch thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa xã Mường Chanh (Mai Sơn).

P.V: Xin bà cho biết PAPI là gì? Mục đích, ý nghĩa của PAPI?

Bà Cầm Thúy Vân: (PAPI) được viết tắt theo tên tiếng Anh được hiểu là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.

Việc ra đời của chỉ số PAPI với mục đích xuất phát chính từ yêu cầu trả lời những vấn đề đặt ra trong quá trình cải cách hành chính, như: Cơ chế nào để người dân tham gia tích cực và hữu hiệu vào công tác giám sát và phản biện xã hội? Làm thế nào để những tâm tư, nguyện vọng của người dân phản ánh được các cấp, các ngành lắng nghe, nhằm hoàn thiện các chính sách và hành động trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”? Làm thế nào để tạo ra một môi trường tương tác thân thiện hơn giữa người dân và bộ máy hành chính nhà nước?

PAPI có ý nghĩa hết sức quan trọng, không những thu thập thông tin kịp thời những gì đang diễn ra trong công tác quản trị, hành chính công nói chung, mà còn quan tâm tới những gì người dân đang trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ của nền hành chính Nhà nước. Với ý nghĩa là hỗ trợ quá trình cải cách về quản trị, hành chính công, cung ứng dịch vụ công, góp phần thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. 

P.V: Công tác tổ chức thực hiện nâng cao chỉ số PAPI ở tỉnh ta đang triển khai thực hiện như thế nào, thưa bà?

Bà Cầm Thúy Vân: Đối với tỉnh Sơn La, công tác tổ chức thực hiện nâng cao Chỉ số PAPI đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, từ tham mưu ban hành kế hoạch để xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác điều hành, quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng hình ảnh cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh thân thiện, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 21/01/2021 về nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2021 xác định tổng số 57 nhiệm vụ cụ thể của 8 nội dung theo Bộ chỉ số PAPI.

P.V: Xin bà cho biết kết quả khảo sát PAPI năm qua của tỉnh Sơn La và những tồn tại hạn chế?

Bà Cầm Thúy Vân: Hiện nay chưa có kết quả chỉ số PAPI năm 2020. Kết quả năm 2018, Sơn La xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2019 Sơn La được 45,11 điểm, tăng 1,33 điểm so với năm 2018, thuộc nhóm 16 tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất và đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, vẫn còn tồn tại, hạn chế; trong đó chủ yếu là việc triển khai pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và quy chế dân chủ ở cơ sở có nơi chưa đầy đủ, hiệu quả còn thấp; chưa có biện pháp, giải pháp giúp người dân tháo gỡ những vấn đề còn bức xúc, chưa tập trung giải quyết có hiệu quả các kiến nghị của người dân; công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PAPI có lúc, có nơi chưa hiệu quả.

Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ đối với nhiều vị trí công tác chưa được minh bạch, rõ ràng, cụ thể, nhất là ở những khâu, quy trình thủ tục liên quan tới công việc của người dân, doanh nghiệp. Việc cập nhật, niêm yết công khai thủ tục hành chính ở một số UBND cấp xã chưa kịp thời. Vẫn còn tình trạng hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trễ hẹn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn hạn chế, nhất là đối với đội ngũ công chức xã trong việc thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua phần mềm một cửa hiện đại.

P.V: Để nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2021, xin bà cho biết giải pháp trong thời gian tới của tỉnh ta như thế nào?

Bà Cầm Thúy Vân: Nhiệm vụ thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục tập trung thực hiện 5 giải pháp. Đó là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân hiểu đầy đủ và thực hiện tốt pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên thực hiện công tác rà soát, công bố, công khai các TTHC, kiến nghị cắt giảm các TTHC rườm rà, không cần thiết; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC cho người dân và tổ chức; phổ biến đến người dân biết và sử dụng cổng thông tin điện tử của tỉnh trong việc khai thác tìm hiểu những chính sách của tỉnh đối với quyền lợi, nghĩa vụ của người dân và các dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn.

Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2021; tập trung cải thiện rõ rệt các lĩnh vực nằm trong nhóm đạt điểm thấp; nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, khiếu nại, tố cáo...

Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến PAPI, đặc biệt là việc công khai, minh bạch của cấp chính quyền cơ sở; việc giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân; hiệu quả phục vụ nhân dân của các dịch vụ công; chấn chỉnh, xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp theo quy định thực hiện tốt việc đối thoại với người dân, doanh nghiệp, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân.

P.V: Trân trọng cảm ơn bà!

Đình Thành (Thực hiện)

Tìm hiểu về PCI và PAPI VÀ PAR INDEX 

Ông Trần Khởi Nghiệp ở Đồng Hới: Hỏi Khi xem Ti vi hay đọc báo, tôi thường nghe, thấy nói đến chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX. Tuy nhiên tôi không hiểu rõ những chỉ số này biểu thị điều gì và có  ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

PCI là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền cấp tỉnh về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân soanh. PCI được xem là một công cụ chính sách, hướng tới thay đổi thực tiễn. Có tất cả 10 chỉ số thành phần  111 chỉ tiêu, với thang điểm 100) nhằm đánh giá và xếp hạng các tỉnh về chất lượng điều hành cấp tỉnh. Những chỉ số đó là: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động của lãnh đạo tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý; Cải cách hành chính ( bổ sung từ năm 2012). Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; lãnh đạo năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt và  thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.

PAPI là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh,là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân. PAPI đo lường trải nghiệm của người dân với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền địa phương ở sáu nội dung chính:

- Tham gia của người dân ở cơ sở: Tập trung tìm hiểu mức độ hiệu quả của  chính quyền địa phương trong việc huy động sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, qua đó đánh giá các cơ chế tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các quy trình quản trị và hành chính công. Các vấn đề chính được đề cập ở đây là hiểu biết của người dân về cơ hội tham gia của mình, kinh nghiệm trong bầu trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và mức độ hài lòng với chất lượng bầu cử vị trí trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và huy động đóng góp tự nguyện của người dân cho các dự án công trình công cộng của xã/phường.

- Công khai, minh bạch: Đánh giá mức độ công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin của chính quyền địa phương tới người dân. Đặc biệt, trục nội dung này tập trung vào vấn đề nhận thức của người dân từ kết quả cung cấp thông tin của chính quyền cũng như mức độ công khai thông tin về các chính sách xã hội cho người nghèo, về các quy định pháp luật ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người dân, về thu chi ngân sách cấp xã/phường và về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù đất bị thu hồi.

Trách nhiệm giải trình với người dân: Về trách nhiệm giải trình với người dân tập trung đánh giá hiệu quả giải trình của cán bộ chính quyền về các hoạt động tại địa phương với cấp cơ sở. Nội dung này xem xét mức độ và hiệu quả tiếp xúc của người dân với các cá nhân và cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các vấn đề cá nhân, gia đình, hàng xóm, hoặc liên quan tới chính quyền địa phương; về khiếu nại, tố cáo của người dân; chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước các chương trình và dự án triển khai ở cấp xã/phường (như Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng).

Kiểm soát tham nhũng: Đánh giá mức độ tham nhũng, vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện, phản ánh các hành vi tham nhũng. Nhận thức của người dân về quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng và hiệu quả của những nỗ lực chống tham nhũng của các cơ quan nhà nước.

Thủ tục hành chính công: Đánh giá một số dịch vụ và thủ tục hành chính công được lựa chọn. Nội dung này xem xét việc thực hiện và hiệu quả của việc cung ứng dịch vụ và xử lý thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính địa phương dựa trên trải nghiệm thực tế của người dân khi đi làm các thủ tục hành chính và mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công.

Cung ứng dịch vụ công: Đề cập tới các dịch vụ công được coi là đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện điều kiện sống của người dân như y tế, giáo dục, nước sạch và tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn khu dân cư.

 PAR Index là chỉ số cải cách hành chính, là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC) được Bộ Nội vụ ban hành tại Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 03/12/2012 về phê duyệt Đề án "Xác định chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" với mục tiêu: Xác định Chỉ số CCHC để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khác quan, công bằng kết quả CCHC hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020.

PAR Index gồm đánh giá bên trong của cơ quan (có thẩm định của Hội đồng Thẩm định Trung ương) và đánh giá bên ngoài của người dân. Nội dung của Chỉ số được xác định trên 8 lĩnh vực, gồm: Công tác chỉ đạo điều hành CCHC;Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan HC và đơn vị sự nghiệp công lập; Hiện đại hóa nền hành chính; Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Tổng điểm của PAR Index là 100 điểm với phương pháp đánh giá như sau: thông qua kết quả tự chấm điểm của địa phương (đánh giá bên trong) với số điểm tối đa là 62/100 điểm và kết quả điều tra xã hội học (đánh giá bên ngoài) với số điểm tối đa là 38/100 điểm.