Thanh lý hợp đồng dịch vụ trước thời hạn

Đến thời điểm này 2 bên đã hoàn thành xong nghĩa vụ thanh toán theo nội dung thỏa thuận trong đồng. Bên Mua muốn ký thanh lý hợp đồng, tuy nhiên về nghĩa vụ bảo hành thì phải 2 năm sau mới kết thúc.

Vậy theo Luật sư:

1. Bên mua có nên ký Thanh lý hợp đồng với bên Bán trong thời điểm này không ?

2. Nếu bên mua và bên bán ký thanh lý hợp đồng, thì có nên chỉ rõ ra 2 nội dung dưới đây không ?

- Nội dung 1: Nghĩa vụ thanh toán đã hoàn thành

- Nội dung 2: Bên bán chưa hoàn thành xong nghĩa vụ bảo hành chính hãng đối với các thiết bị đã bán cho bên mua nêu trong hợp đồng mua bán.

Xin Luật sư cho biết Trân trọng và cảm ơn.

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162

 

Luật sư tư vấn:

1. Khái niệm thanh lý hợp đồng:

Hiện nay thuật ngữ thanh lý hợp đồng tuy không được ghi nhận trong Bộ luật dân sự năm 2015 nhưng cũng đã được ghi nhận tại các văn bản chuyên ngành như Luật Xây dựng năm 2014, (Luật xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Dù trong các văn bản pháp luật dân sự, thương mại không ghi nhận nhưng trên thực tế hiện nay, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vẫn hay thường xuyên sử dụng chế định “thanh lý hợp đồng” trong các giao dịch dân sự và thực hiện hợp đồng của mình nhằm chấm dứt và giải phóng các quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh từ hợp đồng được giao kết.

Thanh lý hợp đồng là việc các bên ghi nhận những nội dung của hợp đồng đã được hoàn tất và những nội dung chưa được hoàn tất, đồng thời xác nhận lại khối lượng, chất lượng công việc cũng như các nghĩa vụ phát sinh sau quá trình hoàn thành công việc theo hợp đồng mà hai bên đã ký kết.

Như vây, việc thanh lý hợp đồng chỉ là việc các bên tham gia hợp đồng có xác nhận lại với nhau những nội dung đã hoàn tất hoặc chưa hoàn tất, xác nhận lại công việc, nghĩa vụ giữa các bên chứ không chỉ là văn bản để các bên chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng.

 

2. Các trường hợp thanh lý hợp đồng:

Bộ luật Dân sự 2015 không quy định về thanh lý hợp đồng cũng như các trường hợp thanh lý nhưng trên thực tế, việc thanh lý hợp đồng được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Khi các công việc theo hợp đồng được thực hiện xong;

- Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng kinh tế đã hết và không có sự thỏa thuận kéo dài thời hạn đó;

- Hợp đồng bị đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ theo sự thỏa thuận của hai bên hoặc do sự kiện bất khả kháng;

- Khi hợp đồng không thể tiếp tục thực hiện khi một bên ký kết hợp đồng là pháp nhân phải giải thể, phá sản hoặc là cá nhân đã chết;

 

3. Mục đích của thanh lý hợp đồng:

Tuy không được pháp luật quy định nhưng việc thanh lý hợp đồng trên thực tế giúp các bên tham gia hợp đồng có thể đảm bảo tốt hơn các quyền và lợi ích của mình như sau:

- Giúp các bên trong Hợp đồng xác định được các quyền và nghĩa vụ của các bên đã được thực hiện đến đâu, các trách nhiệm, nghĩa vụ nào còn chưa được thực hiện và hậu quả pháp lý của việc nghĩa vụ chưa được thực hiện là gì

- Những phần quyền và nghĩa vụ nào mà các bên trong hợp đồng đã thực hiện đầy đủ hoặc có thỏa thuận với nhau thì được xem như chấm dứt, đối với những phần quyền và nghĩa vụ còn chưa thực hiện đầy đủ thì vẫn tiếp tục còn hiệu lực.

- Các bên cũng sẽ xác định cụ thể các trách nhiệm tài sản, hậu quả pháp lý của các bên trong quan hệ hợp đồng do phải thanh lý trong trường hợp thanh lý chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

- Giải phóng các nghĩa vụ mà các bên có nghĩa vụ đã thực hiện đối với bên có quyền, tránh các tranh chấp về sau có thể xảy ra đối với các phần quyền và nghĩa vụ mà các bên đã thực hiện.

Theo như mô tả của bạn thì trong hợp đồng trên bên bạn (bên mua) đã thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán. Như vậy, chúng tôi cho rằng trong trường hợp này bên mua muốn đảm bảo nghĩa vụ thanh toán để tránh trường hợp sau này xảy ra tranh chấp thì bên bạn nên thực hiện việc thanh lý hợp đồng.

 

4. Việc thanh lý hợp đồng được thực hiện như thế nào ?

Nội dung trong thanh lý hợp đồng cần nêu rõ hai nội dung sau:

- Thứ nhất là về việc công ty bạn đã thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán, hai bên cam kết sau này không thể có tranh chấp xảy ra đối với nội dung này;

- Thứ hai, về nghĩa vụ bảo hành, hai bên thỏa thuận nghĩa cụ bảo hành của bên bán vẫn tiếp tục còn hiệu lực sau khi hai bên ký biên bản thanh lý hợp đồng và kéo dài cho đến hết thời hạn bảo hành theo thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng cung cấp hàng hóa. Nếu trong hợp đồng cung cấp hàng hóa chưa quy định chi tiết điều này, trong biên bản thanh lý phải làm rõ và hai bên phải cùng đồng ý với những nội dung này.

Như vậy, để đảm bảo việc mô tả đúng tiến độ của hợp đồng cũng như tránh tranh chấp xảy ra về sau, công ty bạn nên thanh lý hợp đồng và nêu rõ nghĩa vụ thanh toán của bên công ty mình đã thực hiện xong cũng như những nghĩa vụ mà công ty bên kia chưa thực hiện.

 

5. Nghĩa vụ bảo hành được quy định như thế nào ?

Nghĩa vụ bảo hành là một trong những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của bên mua trong hợp đồng mua bán hàng hóa và được ứng dụng rất nhiều trong thực tế. Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ bảo hành như sau:

Điều 446. Nghĩa vụ bảo hành

Bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Thời hạn bảo hành được tính kể từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật.

Như vậy, việc bảo hành phụ thuộc việc các bên có thỏa thuận trong hợp đồng hoặc pháp luật có quy định hay không. Trong trường hợp trên, việc bảo hành do các bên thỏa thuận với nhau và thời hạn bảo hành được tính từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật. trong thời gian bảo hành, nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của vật mua bán thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.

Điều 448. Sửa chữa vật trong thời hạn bảo hành

1. Bên bán phải sửa chữa vật và bảo đảm vật có đủ các tiêu chuẩn chất lượng hoặc có đủ các đặc tính đã cam kết.

2. Bên bán chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển vật đến nơi sửa chữa và từ nơi sửa chữa đến nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua.

3. Bên mua có quyền yêu cầu bên bán hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn do các bên thỏa thuận hoặc trong một thời gian hợp lý; nếu bên bán không thể sửa chữa được hoặc không thể hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn đó thì bên mua có quyền yêu cầu giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.

Thời hạn bảo hành đối với vật mua bán do các bên thỏa thuận với nhau và nó chỉ chấm dứt nếu các bên có thỏa thuận hoặc hết thời hạn bảo hành. Việc thanh lý hợp đồng như đã nói ở trên không làm các bên chấm dứt hoặc mất đi các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận với nhau trong hợp đồng mua bán nói chung và nghĩa vụ bảo hành nói riêng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận chấm dứt trước thời hạn của nghĩa vụ bảo hành. Trường hợp sau khi thanh lý hợp đồng mà thời hạn bảo hành chưa chấm dứt và có thiệt hại xảy ra thì các bên vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể tại Điều 449 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 449. Bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành

1. Ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành.

2. Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Bên bán được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.

Như vậy, nếu trong thời hạn bảo hành, nếu thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật mua bán gây ra thì bên bán phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo hành như sửa chữa, khắc phục hậu quả, giảm giá tiền,... và phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên mua về những thiệt hại do vật gây ra, bên bán có thể được giảm mức bồi thường nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép để hạn chế, ngăn chặn thiệt hại. Trường hợp thiệt hại do lỗi của bên mua thì bên bán không phải bồi thường. Mức bồi thường có thể do các bên thỏa thuận với nhau hoặc theo nội dung hợp đồng, trường hợp nội dung hợp đồng không có hoặc không thỏa thuận được thì mức bồi thường thiệt hại sẽ dựa trên mức độ thiệt hại trên thực tế.

Trên đây là tư vấn của Luật Minh Khuê, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!