Thư viện đánh giá mô hình trương lớp

Để giúp học sinh thu thập kiến thức cho việc học tập hoặc giải trí trong những giờ giải lao, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh [huyện Buôn Đôn] đã xây dựng mô hình thư viện lớp học tại mỗi lớp. Dù đây là mô hình khá mới nhưng bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Hiện nay, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh có 24 thư viện lớp học. Mỗi thư viện lớp học gồm một tủ hoặc một giá sách chứa nhiều loại sách như sách tham khảo, sách nâng cao, từ điển, truyện cười, truyện tranh thiếu nhi, truyện cổ tích cùng một số đầu báo như báo Thiếu niên tiền phong, Nhi đồng, Măng non, Học trò cười… Số sách này vừa do Thư viện của trường cung cấp, một số là do các em học sinh sưu tầm và mang đến lớp. Chị Bùi Thị Lệ, cán bộ thư viện Trường Tiểu học Lương Thế Vinh cho hay: “Khi cho các thư viện lớp học mượn sách, nhà trường rất chú trọng đến việc lựa chọn sách sao cho phù hợp với học sinh. Trong đó, các loại sách phục vụ cho việc học tập như sách nâng cao, từ điển… được đặt lên hàng đầu”.

Thư viện xanh trong sân Trường Tiểu học Lương Thế Vinh.

Để thư viện lớp học đạt hiệu quả, ngoài việc lựa chọn đầu sách, nhà trường còn chú trọng đến việc bố trí thời gian đọc sách cho học sinh. Trong mỗi buổi học, nhà trường đều dành 15 phút đầu giờ cho việc đọc sách. Ngoài ra, các em học sinh còn có thể đọc sách trong giờ ra chơi, nghỉ giải lao. Hằng tháng, thư viện trường sẽ cung cấp thêm các đầu sách, đầu báo mới cho các thư viện lớp học nhằm làm mới sách của thư viện từng lớp. Bên cạnh đó, Liên đội Trường Tiểu học Lương Thế Vinh còn xây dựng các chương trình phát thanh măng non giới thiệu các đầu sách mới xuất bản; tổ chức “Ngày hội đọc sách” nhằm khẳng định giá trị, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội.

Nhờ duy trì mô hình thư viện lớp học, nhiều học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh đã hình thành thói quen đọc sách; các em xem các giờ đọc sách là một phần không thể thiếu trong mỗi giờ học và ngày càng có nhiều em sử dụng sách từ thư viện lớp học để phục vụ cho việc học tập và giải trí. Ngoài thư viện lớp học, nhà trường còn xây dựng 4 thư viện xanh đặt ở 4 góc trên sân trường nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy và giải trí cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong trường.

Có thể nói, thư viện lớp học của Trường Tiểu học Lương Thế Vinh là một mô hình thiết thực và mang lại hiệu quả nhằm thỏa mãn đam mê đọc sách của các học sinh, giúp học sinh hình thành thói quen và văn hóa đọc sách. Hy vọng mô hình thư viện lớp học sẽ được nhân rộng triển khai thực hiện tại các trường học khác.

Cô giáo Đinh Thị Lâm Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Bình Minh [huyện Kim Sơn, Ninh Bình] cho biết: Mô hình Thư viện thân thiện lấy học sinh làm trung tâm nhằm hình thành thói quen đọc sách cho các em ngay từ những ngày đầu đến trường. Đến giờ ra chơi, học sinh đã chủ động tìm đến thư viện để lựa chọn những quyển sách theo sở thích. Sau khi đọc sách tại thư viện, các em có những hoạt động mở rộng như trao đổi, cảm thụ xoay quanh chủ đề vừa đọc. Học sinh còn được mượn sách về nhà đọc.

Trưởng phòng Giáo dục mầm non-tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp Ngô Thúy Anh cho biết: Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 255 cơ sở giáo dục tiểu học với gần 135 nghìn học sinh. Trong đó, 73 trường tiểu học tham gia mô hình Thư viện thân thiện. Sách được trưng bày trên kệ, được phân loại theo chiều cao, trình độ của học sinh và được dán theo từng mã màu nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện, cuốn hút.

Ngoài ra, thư viện được bố trí các góc hoạt động khác nhau, như góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, góc tra cứu, góc sáng tạo..., khuyến khích học sinh đọc nhiều loại sách và phát huy tính sáng tạo của các em. Mặc dù là tỉnh khó khăn nhưng ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp đã phát huy những ưu điểm của mô hình Thư viện thân thiện, phối hợp hoạt động thư viện với hoạt động chuyên môn để học sinh đạt được những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết: Trong quá trình xây dựng, tổ chức hoạt động thư viện thân thiện tại các trường tiểu học, trách nhiệm không chỉ thuộc về nhân viên thư viện mà còn là cơ hội để các giáo viên tổ chức tiết học thư viện hiệu quả, đầu tư về giáo án, thiết kế các hoạt động phù hợp với học sinh nhất. Đó cũng là cách bồi dưỡng, học hỏi, rút kinh nghiệm để triển khai phương pháp dạy học trong thực tế, mang lại những tiết học hiệu quả.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong giai đoạn 2020-2023, mô hình Thư viện thân thiện trường tiểu học ở 10 tỉnh, thành phố như Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Phú Yên, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cà Mau đã hoạt động hiệu quả; gần 300 nghìn quyển sách được tuyển chọn, phân loại theo trình độ đọc và cấp về các trường; gần ba nghìn giáo viên và nhân viên thư viện đã được tập huấn để triển khai hoạt động thư viện tích cực, bài bản và hơn 1,1 triệu học sinh được tiếp cận với thư viện, hoạt động tại thư viện một cách vui vẻ, thoải mái.

Đánh giá kết quả đạt được, Phó Vụ trưởng Giáo dục tiểu học [Bộ Giáo dục và Đào tạo] Trịnh Hoài Thu cho biết: Thư viện trường học cần được chú trọng ngay từ bậc tiểu học. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với việc xây dựng thư viện trường tiểu học. Bộ đã xây dựng và ban hành thông tư quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, để các địa phương có cơ sở pháp lý xây dựng và tổ chức hoạt động thư viện trường tiểu học.

Nhiều mô hình thư viện do các địa phương và các tổ chức xã hội chủ động hỗ trợ triển khai cũng phát triển mạnh mẽ. Những mô hình thư viện xanh, thư viện cộng đồng, tủ sách phụ huynh, thư viện thân thiện... đang được triển khai rộng rãi và có tác động tích cực đến việc đọc sách, phát triển ngôn ngữ và văn hóa đọc cho học sinh tiểu học. Trong đó, Thư viện thân thiện với nhiều sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ thông tin, tổ chức nhiều hoạt động tập huấn thiết thực... có tác dụng to lớn trong việc kích thích niềm đam mê đọc sách, phát triển ngôn ngữ, văn hóa đọc cho học sinh tiểu học.

Chủ Đề