Thực trạng văn hóa chính trị nước ta hiện nay

Trong xây dựng văn hóa chính trị, cần phát huy tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên đối với quần chúng, nhân dân. Trong ảnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi người dân xã Ayun, huyện Chư Sê, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai, ngày 13/4/2017. [Ảnh minh họa: Congan.com.vn]

[Stxdd.thanhuytphcm.vn] - Văn hóa chính trị thường được hiểu là tổng thể những giá trị được hình thành trong thực tiễn chính trị, thể hiện nhận thức, lý tưởng - niềm tin chính trị và cách thức tham gia vào đời sống chính trị của các chủ thể, hướng tới các giá trị phù hợp cho từng điều kiện thực tiễn nhất định, trên cơ sở bảo đảm tiêu chí chân, thiện, mỹ. Từ cách hiểu đó, có thể nói rằng, văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên ở nước ta, nhất là cán bộ lãnh đạo, là sự kết tinh toàn bộ các giá trị phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực, nhân cách chính trị, biểu hiện ở các chuẩn mực xã hội, ở trình độ và năng lực nhận thức chính trị trên từng cương vị, trong từng lĩnh vực công tác mà họ được phân công phụ trách.

Văn hóa chính trị đương nhiên ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ lãnh đạo chủ chốt, thể hiện rõ nét và mang tính đặc trưng của văn hóa chính trị ở nước ta, nhưng ở các chủ thể khác cũng có vai trò quan trọng. Bởi không thể chỉ có cán bộ lãnh đạo mới cần thể hiện văn hóa chính trị mà tất cả các cán bộ, đảng viên, dù có giữ cương vị lãnh đạo hay không, cũng đều cần khẳng định các giá trị riêng của mình.

Theo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, được trình bày tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, việc xây dựng văn hóa trong chính trị ở nước ta được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trung ương đã ban hành một số văn bản nhằm cụ thể hóa, hiện thực hóa quan điểm, chủ trương xây dựng văn hóa trong chính trị, tăng cường kỷ luật của Đảng. Chính phủ chủ động xây dựng chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động phục vụ nhân dân. Tiếp tục xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ, quy chế văn hóa công sở, cải cách thủ tục hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước. Đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu với quan điểm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu…

Tuy nhiên, Trung ương cũng nhìn nhận, kết quả việc xây dựng văn hóa trong chính trị còn chưa tương xứng. Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cấp cao, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, mất dân chủ, thu vén lợi ích cá nhân, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, học hàm, học vị, lợi ích nhóm... còn xảy ra ở khá nhiều nơi. Không ít cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp chưa thực sự nêu gương trong học tập, công tác và sinh hoạt; không ít người vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống. Nhiều nơi chưa coi trọng xây dựng văn hóa trong đảng, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; không thực hiện nghiêm nếp sống văn minh, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp...

Những hiện tượng này không chỉ xảy ra ở các cơ quan, đơn vị cấp Trung ương mà còn ở cơ sở.

Thực tế đó cho thấy, việc xây dựng văn hóa chính trị còn nhiều thử thách; nếu coi văn hóa chính trị thuộc nhóm “thượng tầng” để dẫn dắt, định hướng cho xây dựng văn hóa nói chung thì Đảng phải có sự quyết liệt hơn nữa trong việc ban hành các quy định, đồng thời thực hiện việc kiểm tra cũng như xử lý, loại bỏ các yếu tố, các phần tử không phù hợp, suy thoái ra khỏi hệ thống.

Bên cạnh đó, cần thiết quan tâm xây dựng văn hóa chính trị ở các chủ thể khác chứ không phải chỉ tập trung vào nhóm “thượng tầng” hoặc các cán bộ lãnh đạo. Chẳng hạn, với đoàn viên, hội viên…, những người là nòng cốt trong các tổ chức quần chúng, trong đó, có nhiều người sẽ trở thành đảng viên, cần chú ý xây dựng động cơ phấn đấu rõ ràng, có ý thức chính trị trong các hoạt động, có lối sống chuẩn mực, có tâm thế rèn luyện liên tục về tư cách, đạo đức… Cần xem trọng chất lượng “đầu vào” của đội ngũ đảng viên để nguồn kết nạp đảng phải thực sự được chọn lọc và thử thách phù hợp, qua đó, xây dựng dần văn hóa chính trị cho lực lượng này.

Hay đối với cán bộ, đảng viên ở cơ sở, công tác giáo dục đạo đức cách mạng gắn với việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần được thực hiện thường xuyên. Phải thực sự chú trọng ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Từng cấp ủy, tổ chức đảng phải khơi gợi và làm lan tỏa tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, tâm thế “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”… Thực sự phát huy tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên đối với quần chúng trong cơ quan, đơn vị và với nhân dân nơi cư trú; phải phát huy đồng thời trách nhiệm công dân và trách nhiệm đảng viên trong các vấn đề của địa phương. Cần chấn chỉnh, uốn nắn các biểu hiện lệch lạc trong ứng xử, trong sinh hoạt, lối sống, thái độ của cán bộ, đảng viên, nhất là đặt trong mối liên hệ với nhân dân, về mức sống, cách sống…, nhằm tránh tạo ra sự cách biệt lớn giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng, nhân dân.

Ở từng chi bộ, trong sinh hoạt định kỳ, cần chú trọng vấn đề văn hóa chính trị với các biểu hiện cụ thể của chi bộ, của từng đảng viên, như về lý tưởng cách mạng, nhận thức về một số vấn đề trong Đảng, về tình hình thời sự trong nước và thế giới, về thông tin, quan điểm sai trái liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, về các biểu hiện tâm trạng, dư luận… Bên cạnh đó, cần quan tâm về thái độ của đảng viên đối với các chủ trương, nghị quyết của Đảng, về việc học tập lý luận chính trị, về phản ứng trước các hiện tượng thiếu lành mạnh ở một số tổ chức đảng, về thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, về thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn… Đặc biệt, chi bộ phải nắm chắc diễn biến tư tưởng, tâm trạng, các biểu hiện về đạo đức, lối sống, các ứng xử với nhân dân trong thực tiễn công tác và ở nơi cư trú… Quá trình nắm bắt đó, cấp ủy phải kịp thời xác định những biểu hiện cần chấn chỉnh, những trạng thái cần lan tỏa và có các hình thức ứng xử phù hợp để phát huy điểm tích cực, hạn chế điểm tiêu cực ở chính đảng viên đó trong tập thể chi bộ cũng như toàn đơn vị. Đồng thời, người đứng đầu, cấp ủy viên phải luôn gương mẫu trong các hoạt động, nhất là tuân thủ các nguyên tắc, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và đạo đức lối sống.

Hiện nay, Đảng ta đã thể hiện rõ quan điểm chống các biểu hiện thiếu lành mạnh hay thực hiện việc gương mẫu theo phương thức “từ trên xuống dưới”, “từ trong ra ngoài”, tức là cán bộ có chức càng cao thì càng phải thực hiện nghiêm, làm lan tỏa từ trong tổ chức ra ngoài tổ chức, từ trong Đảng ra ngoài Đảng… Tuy nhiên, trong việc xây dựng văn hóa chính trị cũng như nhiều hoạt động khác, vai trò chủ động và tác động hiệu quả khi thực hiện từ cơ sở, trong chi bộ và tất cả các đảng viên, cũng có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện sự chuyển biến tích cực trong nội bộ Đảng. Điều đó có nghĩa rằng, để một tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, không chỉ cần sự trong sạch, nêu gương và năng lực của người đứng đầu cấp ủy, cấp ủy viên mà còn của tất cả các đảng viên!

Chủ Đề