Từ cấp huyện trở lên bằng tiếng anh là gì năm 2024

Tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng của nhiều quốc gia và được sử dụng chủ yếu trong quan hệ hợp tác quốc tế. Vì vậy, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh đối với công chức hành chính nhà nước vừa là mục tiêu, yêu cầu, vừa là nhiệm vụ cấp thiết để xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Lễ khai giảng trực tuyến Lớp Bồi dưỡng tiếng Anh hành chính – công vụ dành cho công chức, viên chức Bộ Nội vụ, ngày 19/11/2021.

Thực trạng năng lực sử dụng tiếng Anh của công chức hành chính nhà nước ở Việt Nam

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị và sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, quy chế về công tác cán bộ để tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đặt mục tiêu phải xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Chương trình Quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030”, với mục tiêu chung là: “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định...”, và “đến năm 2025, 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định...”.

Thực tế hiện nay cho thấy, một bộ phận công chức hành chính nhà nước có năng lực tiếng Anh chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: vốn kiến thức về từ vựng và ngữ pháp tiếng Anh chưa sâu, kỹ năng giao tiếp còn thấp; ý thức trong việc học tập, sử dụng tiếng Anh chưa cao; yêu cầu tiếng Anh trong tuyển dụng công chức còn mang tính hình thức, khả năng ứng dụng thực tiễn không cao...

Theo kết quả khảo sát nâng cao năng lực ngoại ngữ trong thực thi công vụ cho công chức lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương thuộc Đề tài khoa học “Nâng cao năng lực ngoại ngữ trong thực thi công vụ cho công chức lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương”[1] cho thấy: có 81% công chức lãnh đạo, quản lý và công chức được quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý được khảo sát cho rằng, ngoại ngữ cần thiết để thực thi công việc và trên thực tế, 59% số công chức được khảo sát sử dụng ngoại ngữ trong công việc. Tuy nhiên, yêu cầu cụ thể về năng lực ngoại ngữ gắn với thực thi công việc của các vị trí lãnh đạo, quản lý không được mô tả rõ ràng. Do đó, số công chức được khảo sát có chứng chỉ/chứng nhận năng lực ngoại ngữ bậc 3 trở lên nhưng chỉ có 9% cho rằng bản tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm có mô tả cụ thể yêu cầu về năng lực ngoại ngữ.

Kết quả khảo sát tại một số địa phương [Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế] về năng lực sử dụng tiếng Anh của công chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện cho thấy, phần lớn sử dụng tiếng Anh để tìm kiếm, tra cứu thông tin trên các trang website quốc tế; đọc báo, tài liệu chuyên môn bằng tiếng Anh [chiếm đến 57,52% công chức được khảo sát]; chỉ có 12,36% công chức có thể giao tiếp tiếng Anh với tổ chức, cá nhân nước ngoài khi thi hành công vụ; 30,12% công chức cảm thấy khó khăn trong việc sử dụng tiếng Anh để tìm kiếm, tổng hợp thông tin và tham gia hội họp trong thực thi công vụ.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ công chức có bằng chuyên ngành tiếng Anh chiếm tỷ lệ thấp [chỉ khoảng 5,01%]; trong đó, tỷ lệ sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc gia trình độ A, B, C chiếm khoảng 36,07%; tỷ lệ sử dụng chứng chỉ tiếng Anh trình bộ B và chứng chỉ tiếng Anh trình độ B1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam chiếm tỷ lệ lần lượt là 26,41% và 22,14%.

Qua kết quả khảo sát, mức độ sử dụng tiếng Anh của công chức ở môi trường làm việc khác nhau sẽ khác nhau, cụ thể: ở những vị trí công việc làm việc trong điều kiện có yếu tố nước ngoài, công chức thường xuyên sử dụng tiếng Anh để giải quyết công việc [như Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ], mức độ sử dụng tiếng Anh cao, chiếm hơn 60%; ngược lại ở những vị trí công việc ít có điều kiện tiếp xúc, sử dụng tiếng Anh để giải quyết công việc thì mức độ sử dụng tiếng Anh cũng hạn chế như Sở Nội vụ, Sở Giao thông vận tải chỉ đạt tỷ lệ từ 20 - 25%. Ở những vị trí [như lễ tân, ngoại giao, tiếp công dân], do thường xuyên sử dụng tiếng Anh trong giải quyết công việc nên mức độ thành thạo cao hơn. Ngược lại, đối với những vị trí như tổ chức hành chính, phục vụ... ít có điều kiện sử dụng tiếng Anh nên phần lớn công chức công tác ở những vị trí này chưa thành thạo hoặc không quan tâm đến việc rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Anh.

Thực tiễn cho thấy, trình độ tiếng Anh của công chức hành chính nhà nước đều đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện về yêu cầu ngoại ngữ theo quy định của pháp luật; ở những vị trí việc làm đòi hỏi trình độ tiếng Anh cao, thường xuyên làm việc có liên quan đến các yếu tố nước ngoài thì trình độ tiếng Anh đều đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, đối với nhiều vị trí khác, các văn bằng, chứng chỉ tiếng Anh chỉ đóng vai trò là tiêu chuẩn, điều kiện để tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí, còn việc sử dụng tiếng Anh trong giải quyết công việc còn hạn chế..

Nhìn chung, năng lực sử dụng tiếng Anh của công chức hành chính nhà nước hiện nay chỉ ở việc vận dụng trong điều kiện cụ thể, đơn giản, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội đang đặt ra. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện và môi trường làm việc, đối với những vị trí công việc thường xuyên tiếp xúc, làm việc trong môi trường quốc tế thì mức độ thành thạo các kỹ năng cao hơn; đối với những vị trí công việc mang tính chất hành chính, sự vụ, ít liên quan đến yếu tố nước ngoài thì mức độ sử dụng các kỹ năng còn hạn chế.

Giải pháp nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của công chức hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Để đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, đội ngũ công chức hành chính nhà nước cần thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ, phải sử dụng thành thạo được ít nhất 01 ngoại ngữ thông dụng là tiếng Anh, có khả năng tự giao dịch, tự nghiên cứu tài liệu bằng tiếng nước ngoài ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Do đó, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, nâng cao ý thức của công chức trong việc đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh trong thực thi công vụ.

Mỗi công chức phải tự xác định việc hoàn thiện, nâng cao năng lực tiếng Anh là một nhiệm vụ thường xuyên, cần thiết bởi họ chính là chủ thể của nền hành chính nhà nước, là người trực tiếp thực hiện các công việc của cơ quan. Một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, kiến tạo phát triển phải có những con người chuyên nghiệp, hiện đại. Bên cạnh đó, công chức cần thường xuyên nghiên cứu, tiếp cận các nguồn tài liệu như đọc sách, báo viết bằng tiếng Anh… để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, mặt khác là để tiếp xúc, trau dồi kỹ năng tiếng Anh. Mỗi công chức cần xây dựng thói quen cho bản thân trong việc học tập tiếng Anh hàng ngày; chủ động tham gia các lớp học chuyên ngành tiếng Anh để có cơ hội rèn luyện, thực tập các kỹ năng tiếng Anh nhiều hơn.

Hai là, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định về tiêu chuẩn ngoại ngữ đối với công chức.

Cần đổi mới công tác đánh giá công chức theo hướng xem xét đưa việc đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của công chức trong thực thi công vụ thành một tiêu chí đánh giá công chức hàng năm. Đồng thời, đổi mới nội dung tuyển dụng công chức, trong đó xây dựng và bổ sung một số quy định tiếng Anh là môn điều kiện bắt buộc trong tuyển dụng; đổi mới nội dung thi tuyển theo hướng chú trọng thực chất, bám sát thực tiễn, đánh giá toàn diện, chính xác năng lực của người tuyển dụng thông qua sát hạch khả năng sử dụng tiếng Anh của công chức.

Ba là, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để công chức học tập, rèn luyện năng lực sử dụng tiếng Anh.

Cần xây dựng các quy định cụ thể tạo môi truờng pháp lý và môi trường học tập thực tiễn có tính ứng dụng để công chức nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh có hiệu quả. Xây dựng đề án nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của công chức gắn với từng giai đoạn, vị trí việc làm cụ thể; có lộ trình hợp lý để tạo môi trường cho công chức cải thiện năng lực sử dụng tiếng Anh đáp ứng yêu cầu công việc. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường đại học uy tín để đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho đội ngũ công chức; đầu tư, hợp tác, chuyển giao công nghệ ứng dụng hiện đại. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh ở trong nước và ngoài nước; đồng thời cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ với nâng cao năng lực và kỹ năng sử dụng tiếng Anh, để đảm bảo tỷ lệ công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế./.

------

Ghi chú:

[1] Nguyễn Thị Thu Cúc, Nâng cao năng lực ngoại ngữ trong thực thi công vụ cho công chức lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, mã số 08/2021/ĐTCS-HCQG.

Chủ Đề