Tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng 2022

Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết, năm 2021, Vietcombank hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu huy động vốn theo đúng định hướng. Huy động vốn thị trường I đạt 1.154.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn bình quân đạt 32,2%, tăng 3,3 điểm % so với năm 2020. Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ đầu năm; chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả; kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng.

Dư nợ tín dụng đạt khoảng 963.670 tỷ đồng, tăng 14,99% so với cuối năm 2020, góp phần cung ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đồng thời tuân thủ giới hạn tăng trưởng tín dụng theo quy định của NHNN. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng: Tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%; Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,63%. Trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03 – sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của NHNN. Tỷ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng. Các chỉ tiêu doanh số và phát triển khách hàng đạt kết quả khả quan. Doanh số thanh toán và sử dụng thẻ tăng 19,2% so với 2020. Chỉ số ROAA và ROAE tăng cao so với 2020, đạt mức 1,55% và 20,83%.

Đ/c Phạm Quang Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank phát biểu khai mạc Hội nghị

Trong năm 2021, Vietcombank tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình chịu tác động của dịch COVID-19 thông qua các gói hỗ trợ lãi suất, giảm phí và giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu dư nợ hiện hữu. Tổng dư nợ được hỗ trợ miễn giảm lãi suất cho vay tại thời điểm 31/12/2021 đạt ~ 680.000 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất năm 2021 đạt ~ 7.100 tỷ đồng [tăng hơn 2 lần so với hỗ trợ trong năm 2020]. Tổng dư nợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là ~10.540 tỷ đồng [dư nợ gốc ~9.410 tỷ đồng và dư nợ lãi ~1.130 tỷ đồng]. Tổng số tiền lãi lũy kế hỗ trợ khách hàng năm 2020-2021 là 10.800 tỷ đồng.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt là các chương trình an sinh xã hội phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Vietcombank cam kết thực hiện các chương trình an sinh xã hội với tổng số tiền ~723 tỷ đồng, trong đó 246 tỷ đồng được đóng góp trực tiếp từ người lao động và quỹ phúc lợi; ủng hộ phòng chống dịch bệnh COVID-19 số tiền 381 tỷ đồng. Trong năm 2021, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí đầu ngành về nộp ngân sách nhà nước với số tiền ~11.000 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2021, cùng cả hệ thống chính trị, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát ở mức thấp [1,84%], ổn định kinh tế vĩ mô và tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh, duy trì được mức tăng trưởng 2,58%, tạo tiền đề vững chắc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong các năm tiếp theo.

Phó Thống đốc cũng quán triệt đến toàn thể Hội nghị một số nội dung chính sau: Về điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối: Trong năm 2021, NHNN đã chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác; tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp và chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống từ 12 lên 14%, tạo điều kiện và hiệu ứng cho các TCTD đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh với lãi suất thấp...

Trong năm 2022, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, định hướng tín dụng tăng khoảng 14% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Về điều hành tín dụng, trong năm 2021, ngành Ngân hàng đã đồng hành, giúp doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh bằng chính nguồn lực của mình, với nhiều giải pháp quan trọng. Sang năm 2022, NHNN tiếp tục điều hành chủ động các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tăng trưởng tín dụng hợp lý; Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các chương trình tín dụng ưu đãi, tín dụng chính sách… Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro [đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp] nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Theo Phó Thống đốc, trong năm 2021, các TCTD đã nỗ lực kiểm soát, ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh và tích cực xử lý nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm... nên mặc dù khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm mạnh nhưng tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD vẫn được kiểm soát ở mức dưới 2%. Trong năm 2022, NHNN và các TCTD sẽ cần tiếp tục chủ động và tập trung cao độ cho việc xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng TCTD để phê duyệt và triển khai ngay sau khi Đề án chung được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong năm 2021, công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. Trong năm 2022, NHNN tiếp tục xác định đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành Ngân hàng với một số nội dung trọng yếu, như: Luật phòng chống rửa tiền, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng, các quy định về chuyển đổi số, xếp hạng TCTD, giám sát TCTD...

Phó Thống đốc đánh giá, năm 2021, ngành Ngân hàng đã có bước phát triển mạnh mẽ trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại, thanh toán không dùng tiền mặt, đơn giản hoá quy trình, thủ tục giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp và giảm bớt thời gian giao dịch, phù hợp với xu thế phát triển chung và thích ứng với điều kiện dịch bệnh. Năm 2022, đây sẽ tiếp tục là một trong các nội dung trọng tâm của ngành Ngân hàng trên cơ sở Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, với vai trò là NHTM Nhà nước có hiệu quả hoạt động dẫn đầu toàn hệ thống và luôn tiên phong, đi đầu dẫn dắt thị trường trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của Ngành, Vietcombank đã có những đóng góp rất tích cực vào kết quả chung của ngành trong năm 2021.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú ghi nhận và chúc mừng những nỗ lực và thành tích mà Vietcombank đã đạt được trên một số mặt hoạt động trong năm 2021. Tiếp tục phát huy vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng với quy mô tín dụng đứng thứ 4, tổng dư nợ chiếm 9,33% toàn hệ thống, tập trung vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, NHNN và giảm dần dư nợ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2021, tiếp tục củng cố năng lực, hiệu quả hoạt động của Vietcombank, tiếp tục tạo nền tảng vững chắc để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Vietcombank đã tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với quy mô dư nợ miễn, giảm lãi, hạ lãi suất đứng đầu toàn hệ thống, hoàn thành sớm cam kết giảm mạnh lãi suất với lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân thấp nhất toàn hệ thống. Đồng thời, kiểm soát hiệu quả và xử lý nợ xấu đạt kết quả tốt với tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 0,83%; Trích lập đủ 100% dự phòng rủi ro cho dư nợ cơ cấu lại; Thu hồi nợ ngoại bảng tăng 19,3% so với năm 2020; Tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động...

Mặt khác, Vietcombank cũng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực trong kiện toàn, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành, kiểm soát nội bộ, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tích cực tham gia công tác an sinh xã hội.

Tiếp tục phát huy vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng

Trong bối cảnh nền kinh tế 2022 còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động không nhỏ đến hoạt động của hệ thống ngân hàng nói chung và Vietcombank nói riêng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghịHội đồng quản trị, Ban điều hành và toàn thể cán bộ, nhân viên Vietcombank cần nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cùng với toàn Ngành triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng.

Cơ bản nhất trí với định hướng kinh doanh năm 2022 của Vietcombank, Phó Thống đốc lưu ý thêm một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường và đi đầu trong thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của Ngành; Tích cực triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, đặc biệt là triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong giai đoạn 2022-2023 và các giải pháp hỗ trợ khác của ngành Ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thứ hai, tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng nhưng không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro [như: bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...]. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá việc sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của khách hàng, nhất là khách hàng thuộc lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 01, Thông tư 03 nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh. Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tín dụng đen. Chú trọng cho vay các đối tượng ưu tiên, các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước theo đúng quy định về lãi suất ưu tiên.

Thứ ba, chủ động chuẩn bị xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn mới để sớm triển khai sau khi Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, có các giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực tài chính, tạo điều kiện thực hiện tốt vai trò chủ đạo của NHTM Nhà nước hàng đầu Việt Nam của Vietcombank.

Thứ tư, thực hiện tốt các giải pháp, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, phấn đấu trở thành NHTM đi đầu trong chuyển đổi số tại Việt Nam.

Thứ năm, Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietcombank thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quyền, trách nhiệm của Người đại diện theo quy định và Quyết định 1500/QĐ-NHNN ngày 20/9/2021 của NHNN. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ…

Thứ sáu, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN Trung ương và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trong công tác quốc hội, truyền thông, an sinh xã hội và kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, gắn kết toàn hệ thống trong việc xử lý, giải quyết những vấn đề chung của Ngành.

Phó Thống đốc tin tưởng, với kết quả đạt được trong thời gian qua và nỗ lực, quyết tâm của Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Vietcombank sẽ tiếp tục hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022, lộ trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, góp phần quan trọng vào kết quả chung của Ngành, xứng đáng với vai trò, vị thế là NHTM Nhà nước chủ đạo, hoạt động hiệu quả hàng đầu trong hệ thống TCTD Việt Nam.

Nhân dịp này, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2021 thuộc hệ thống Vietcombank đã vinh dự được Phó Thống đốc trao tặng các danh hiệu thi đua của ngành Ngân hàng.

Hà My – Mai Anh

Ảnh: ĐK

Video liên quan

Chủ Đề