Vời vợi là gì

Biên phòng - Đọc thơ Nguyễn Văn Hiếu, dù anh viết về đất nước, quê hương, về chiến tranh, người lính, về thế sự hay tình yêu... tôi đều cảm nhận được rất rõ cái tình, cái tâm của người sáng tác. Thơ anh chứa đựng nguồn xúc cảm đầy đặn, chân thật với cuộc sống, con người, thiên nhiên. Nguyễn Văn Hiếu đã khơi mở cho riêng mình một dòng thơ vời vợi niềm thương...

Minh họa: Minh Khuê
Chiếm không ít trong tuyển chọn của Nguyễn Văn Hiếu là những bài thơ viết về quê hương. Có lẽ phần đậm đà, sâu lắng nhất trong thơ anh là tình thương quê hương. Đấy là tình cảm có thật, rất cụ thể, gắn với thiên nhiên, con người xứ Thanh, với xóm mạc, gia đình của anh. Tứ thơ, hình ảnh thơ cứ như tự nó bước ra từ hồi ức, hoài niệm rưng rưng nước mắt và mồ hôi trong quá khứ của anh. Vì thế, nó vô cùng gần gũi, vô cùng yêu dấu; cả niềm vui hay nỗi buồn cũng đều vậy cả, gần gũi và yêu dấu!

Đời lính buộc anh phải xa quê đằng đẵng. Khi có dịp trở về quê nhà, anh thổn thức thốt lên: Mấy mươi năm trở lại/ Xa xưa còn nhớ chăng/ Con đò trôi xa mãi / Bỏ bên trời vầng trăng... [Bên trời vầng trăng].

Trở về nơi ta sinh ra và lớn lên là dịp sống lại những năm tháng cũ xưa. Xa xưa lắm rồi mà, mờ tỏ, hiện khuất bao hình ảnh đã qua, biết chọn cái gì để đưa vào thơ đây. Anh chọn dòng sông [như dòng thời gian], chọn con đò [như một kiếp người] và vầng trăng [tình yêu vĩnh hằng] để diễn đạt cảm xúc suy ngẫm của mình về quê hương, cuộc đời. Dẫu đượm chút ngậm ngùi, buồn bã nhưng khổ thơ vẫn đẹp, vẫn trong, ẩn bao điều sâu lắng về tình yêu thương.

Ai đó đã từng nói, tình yêu quê hương đất nước bắt đầu từ những cái cụ thể bé nhỏ nhất. Nguyễn Văn Hiếu minh chứng điều ấy bằng thơ: Dấu chân trâu vẹt mép đồng/ Núi kia đem nắng về hong cuối trời... [Núi kia]. Không gian thơ đã được mở ra từ bé đến lớn, từ hẹp đến rộng, từ thấp lên cao, từ gần đến xa. Ngỡ chỉ là nét chấm phá mà tầm thơ đạt tới độ bao quát, thật đáng khen.

Tôi đọc được nhiều nỗi thương cảm dĩ vãng qua những vần thơ viết về người thân đã khuất của Nguyễn Văn Hiếu. Tôi tin những câu thơ này anh đã chắt ra từ nước mắt của mình: Vời vợi niềm mẹ cha, nén nhang trầm tôi thắp/ Tóc bạc ly hương mỗi độ xuân về... [Xuân]; Thương mẹ tảo tần lưng gập đất/ Xót đời cha nắng xạm vai trần... [Mái rạ]; Một mình với gió mồ côi/ Một ô đất trống một trời ngắt xanh... [Lối về]; Có bao nhiêu nước mắt/ Vắt mòn tuổi chín mươi!/ Có bao nhiêu tiếng nấc/ Xếp trên gương mặt người... [Cô tôi].

Bức chân dung của một người cô cụ thể trở thành hình ảnh tượng trưng cho rất nhiều người mẹ, người vợ Việt Nam chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh trong chiến tranh. Nước mắt, tiếng nấc khắc tạc nên thân phận của người phụ nữ sau cuộc chiến, khúc khải hoàn rộn rã không phủ lấp được nỗi đau của họ.

Nỗi đau này sâu lắm, xót lắm chứ không nông cạn, hời hợt. Nỗi đau đeo bám suốt cuộc đời những người mẹ, người vợ bởi chồng con họ ra đi không bao giờ trở về nữa. Thơ Nguyễn Văn Hiếu chạm được vào chiều sâu của tâm can con người, bám trụ được trong lòng người đọc với những sẻ chia, đồng cảm lớn lao và vững bền.

Viết về thân phận con người là thế mạnh của thơ Nguyễn Văn Hiếu. Tôi thực sự rung động với không ít câu thơ mang nỗi buồn nhân thế ấn tượng của anh như: Ngõ quê vài dáng lưng thon/ Sông quê tần tảo vài con đò gầy... [Hồn quê]; Mây trắng tóc tang chiều bặt gió/ Côi cút nấm mồ, con cút côi... [Bái tiễn mẹ]; Ngồi buồn chợt nhớ làng quê/ Lại như ăn phải bùa mê phố phường... [Chợt].

Những năm chiến tranh còn để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn, ký ức của Nguyễn Văn Hiếu. Tình thương yêu đồng đội cứ trở đi trở lại nhiều lần trong thơ anh. Tôi nghĩ rằng, hình như cuộc chiến tranh chống Mỹ chưa chấm dứt trong những người cựu binh. Còn đây những âm sắc chiến trận, những mất mát hy sinh. Hay nói cách khác, thơ Nguyễn Văn Hiếu mang một phần Trường Sơn, một phần chiến tranh mà anh đã đi qua với tư cách người lính.

Thơ ấy, khi bâng khuâng, xao xuyến: Vẫn là lính với lính/ Mà xôn xao đời thường/ Mặt trận giáp mặt trận/ Bịn rịn tình quê hương... [Hẹn]. Khi tươi trẻ, trong mát: Em mang màu áo màu cây/ Sớm mai dòng suối xanh đầy bóng em[Màu xanh]. Khi mơ mộng, lãng mạn: Có một người lính trận/ Mơ một chiều yên lành/ Cùng người yêu đắm đuối/ Nơi trăng vàng cỏ xanh[Giấc mơ rừng].

Nhưng phần lớn, cũng là phần ám ảnh, nhức nhối nhất khi anh viết về sự hy sinh của đồng đội ở Trường Sơn. Những câu thơ đọc lên cứ như giông bão xoáy vào lòng người, đầm đìa nỗi tiếc thương vô hạn: Em nằm lại bìa rừng sau cơn sốt/ Đồng đội đắp lên nắm đất quê nhà/ Rừng gọi tên em một mùa lá rụng/ Vầng trăng nghiêng xuống một vòng hoa... [Trăng rừng]...

Nỗi đau đồng đội điệp điệp trùng trùng trong lòng những người lính còn sống sót sau chiến tranh, trước hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn, anh đã nức nở: Ra đi từ thuở tóc xanh/ Dấu lưu trong cỏ đan thành xa xăm... [Nghĩa trang Trường Sơn]; Nhang trầm nghi ngút đêm sâu/ Núi quỳ trước mộ bạc đầu trăng nghiêng... [Đêm Nghĩa trang Trường Sơn].

Với Nguyễn Văn Hiếu, đời lính, đời thường đã cho anh những từng trải, chiêm nghiệm để có cái nhìn, cái cảm đa chiều về cuộc sống và sự tri ngộ sâu sắc với nhân tình thế thái. Giữa trong đục của dòng đời, anh vẫn níu giữ cho mình sự yên tĩnh của tâm tính để được tự tại, thong dong: Thu sớm đê làng thả gót chơi/ Bãi dâu tơ mướt giọt mai ngời/ Cành cao chim ngói cuồng si gáy/ Bè nứa dòng xuôi lững thững trôi... [Dạo trên đê làng].

Xưa nay, xã hội vẫn là sự trà trộn giữa tốt và xấu, hay và dở, thiện và ác... Muôn đời đều vậy, muốn làm người tử tế, vẫn phải khơi trong gạn đục thôi. Nguyễn Văn Hiếu ngẫm ra: Có khi tháng ngắn, ngày dài/ Những ai tẻ nhạt, những ai bạn hiền/ Chén đặt xuống, chén nâng lên/ Chuyện đời quên nhớ, nhớ quên thôi mà

Sự chân thành, hồn nhiên trong cảm xúc làm cho thơ Nguyễn Văn Hiếu có cái tươi trẻ mộc mạc rất đáng yêu. Thơ tình của anh cũng vậy, đắm đuối bao nhiêu, si mê bao nhiêu thì càng chân thật, lắng đọng bấy nhiêu. Anh có khá nhiều câu thơ viết về tình yêu rất có duyên: Ta sợ đêm đi mất/ Cầm trăng mà đợi chờ... [Giấc mơ]; Đốt đi năm tháng dư thừa/ Mong tìm lại chút nhọ xưa lỡ làng... [Em còn nhớ]; Tôi lầm lỗi để em thành cổ tích/ Em hóa rằm vằng vặc một miền tôi... [Miền tôi].

Mấy chấm phá về thơ Nguyễn Văn Hiếu, cái hay tôi đã điểm, còn những điều dở thì sao? Tạng tôi, khi bình thơ vẫn nghiêng hẳn về cái hay, cái đẹp như một cách tôn vinh giá trị thơ đích thực. Tuy nhiên, không khó lắm để chỉ ra những cái chưa được trong thơ anh, như còn có bài sơ lược trong cấu tứ, cũ trong hình ảnh, mòn sáo trong ngôn từ. Nhưng, điều này thì ai cũng rõ, cả đời thơ được một câu thơ, bài thơ hay để bạn đọc, bạn viết nhớ tới, nhắc tới là quá hạnh phúc rồi. Nguyễn Văn Hiếu đã có những bài thơ và câu thơ hay để bạn viết, bạn đọc nhớ anh. Nhớ một dòng thơ mang tên Nguyễn Văn Hiếu vời vợi niềm thương...

Trước khi trở thành nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Văn Hiếu là người lính Trường Sơn thời chống Mỹ, cứu nước khốc liệt. Sau chặng đường sáng tác, Nguyễn Văn Hiếu đã có 6 tập thơ khá chững chạc trình làng gồm: Mưa hội mùa, Miền tôi, Tiếng gõ giao mùa, Cánh buồm heo may, Giấc mơ rừng và Tứ tuyệt. Nhà thơ quê xứ Thanh này cũng đã nhận được một số giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Người Hà Nội... Ngần ấy kết quả tạm đủ cho ta nhận ra sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của một nhà thơ từng mang áo lính.
Nguyễn Hữu Quý

Video liên quan

Chủ Đề