Xã Bình Hòa hiện nay được chia làm bao nhiêu áp?

Xã Bình Giang, thuộc vùng Đông huyện Thăng Bình, có chiều dài gần 12 km dọc bờ Tây sông Trường Giang, cách huyện lỵ Thăng Bình 12km; phía Bắc giáp xã Duy Thành [Duy Xuyên]; phía Tây giáp xã Hương An [Quế Sơn] và Bình Phục; phía Nam giáp xã Bình Triều; phía Đông giáp sông Trường Giang và xã Bình Dương.

     Xã Bình Giang có diện tích tự nhiên 1.717 ha, trong đó đất nông lâm nghiệp thủy sản là 748,02 ha. Dân số trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 8.100 người; năm 1975 có 5.300 người; dân số toàn xã hiện nay có 9445 người.
     Trải qua các thời kỳ lịch sử, xã Bình Giang đã qua nhiều lần thay đổi tên gọi khác nhau. Từ năm 1950 xã có tên là Thăng Triều; trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Giang chia làm 2 xã: Bình Hòa và Bình Giang; sau ngày giải phóng quê hương [26.3.1975] 2 xã nhập lại lấy tên là xã Bình Giang.
     Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bình Giang từng là mảnh đất có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ với Hội ái hữu, tổ chức Thanh niên phản đế…Cuộc mít tinh giữa năm 1943 diễn ra tại Gò Chói thu hút hơn 2.000 người tham gia buộc tên tri phủ Thăng Bình phải chấp nhận các yêu sách của thanh niên, đã gây tiếng vang lớn và có ý nghĩa chính trị quan trọng tại địa phương.
     Cuối năm 1944, lợi dụng tình hình Nhật - Pháp bắn nhau, phong trào cách mạng của nhân dân Bình Giang có điều kiện củng cố vững mạnh; hàng trăm người dân hưởng ứng tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 tại phủ Thăng Bình, giành thắng lợi vào ngày 18.8.1945 và thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân.
     Với tinh thần “Tất cả cho kháng chiến”, suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xã Bình Giang là vùng tự do của cách mạng và là tiền tiêu ranh giới giáp với vùng tạm chiếm của giặc Pháp [Duy Xuyên, Hội An], nên bọn giặc thường hay càn quét, lấn chiếm, tàn sát dân lành. Nhân dân Bình Giang đã kiên cường bám trụ, vượt qua nhiều gian khổ hy sinh, đóng góp nhân tài, vật lực cho kháng chiến, xây dựng cơ sở cách mạng vững mạnh tại địa phương, động viên hàng trăm con em hăng hái lên đường tham gia bộ đội…
     Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, cùng với cả nước, nhân dân xã Bình Giang lại đương đầu với các thế lực mới, cùng với những chính sách tàn bạo, khốc liệt của bọn Mỹ - ngụy, chúng đã tập trung một lực lượng ngụy quân, ngụy quyền tương đối lớn, dựng lên một bộ máy kèm kẹp, lập ấp chiến lược, trại tập trung và thi hành các chính sách tàn bạo nhằm đánh phá phong trào cách mạng nơi đây. Nhưng với truyền thống cách mạng kiên cường, anh dũng, nhân dân Bình Giang đã một lòng theo Đảng, kiên trì đấu tranh với địch.
     Cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân Bình Giang được đánh dấu bằng sự kiện tham gia cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được. Sau vụ đàn áp đẫm máu ấy, kẻ địch tiến hành khủng bố, truy lùng gắt gao cán bộ, đảng viên và những người cốt cán của phong trào cách mạng tại địa phương; chúng đàn áp những người kháng chiến cũ nhằm dập tắt phong trào đấu tranh của quần chúng.
     Ngày 05.5.1964, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với khí thế sục sôi căm hờn, quân và dân xã Bình Giang đã tiến hành vũ trang cướp chính quyền, trừng trị những tên ác ôn khét tiếng, khiến cho toàn bộ bọn dân vệ địa phương hoang mang lo sợ và đầu hàng, bọn tề ngụy thôn xã bị tóm gọn, thu toàn bộ vũ khí, nhân dân nổi dậy cướp chính quyền, tổ chức mit tinh với hơn 4.000 người dân tham dự, tuyên bố thành lập và ra mắt chính quyền tự quản đầu tiên ở xã Bình Giang.
     Sau sự kiện này, địch phản ứng khủng bố mạnh và lập lại bộ máy chính quyền tay sai Mỹ ở Bình Giang, nhưng cơ sở cách mạng vẫn được giữ vững và tiếp tục phát triển. Đến ngày 5.9.1964, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bình Giang đã cùng với nhân dân các xã vùng Đông tiến hành “Đồng khởi”, cướp chính quyền về tay nhân dân, vùng giải phóng Đông Thăng Bình được mở ra. Trước thắng lợi làm nức lòng người, Đảng bộ xã Bình Giang nhanh chóng lập chính quyền thôn xã, xây dựng lực lượng vũ trang, vừa rào làng chiến đấu, vừa tiếp tục sản xuất ổn định cuộc sống và tham gia kháng chiến.
     Giữa tháng 10.1964, địch dùng phi pháo yểm trợ, chúng sử dụng 01 tiểu đoàn chủ lực và tề ngụy trở lại Bình Giang. Qua 2 ngày đêm ròng rã, đơn vị du kích với 32 tay súng kiên trì bám trụ, chiến đấu dũng cảm, diệt và bắn bị thương nhiều tên, đẩy lùi trận càn quét của địch có quân số đông gấp 10 lần quân du kích. Tiếp đến, lực lượng du kích tăng lên hơn 100 người, phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và du kích các xã Phú Phong [Quế Sơn], Duy Thành [Duy Xuyên] và Bình Triều…đánh địch, giải phóng vùng Đông Thăng Bình. Thời gian này, cùng với phong trào mở rộng vùng giải phóng, lực lượng vũ trang xã Bình Giang không ngừng lớn mạnh về số lượng và phương tiện kỹ thuật chiến đấu, liên tiếp phối hợp với các lực lượng tham gia đánh gần 40 trận, phá tan 3 cứ điểm, diệt 562 tên địch, thu 300 súng, bắn rơi 7 máy bay các loại, bắt sống gần 100 tên địch.
     Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ bị đánh bại, Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ“, quân Mỹ ồ ạt nhảy vào tham chiến, đẩy cuộc chiến tranh lên mức độ quy mô ác liệt hơn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, quân và dân xã Bình Giang tăng cường đoàn kết, không ngại gian khổ, hy sinh, quyết tâm đánh Mỹ, diệt ngụy để giữ gìn quê hương.
     Trong cuộc chiến đấu với kẻ thù, quân và dân Bình Giang có những trận đánh tiêu biểu: Tháng 5.1966 địch tập trung lực lượng càn quét xã Bình Giang, nhưng lực lượng du kích xã Bình Giang đã chặn đánh, tiêu diệt 48 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, bẽ gãy cuộc càn quét của địch. Tháng 4.1967, 02 trung đội du kích xã đã đánh và tiêu diệt đại đội địch gồm 81 tên, bắn cháy 3 xe tăng, thu 25 súng.
     Cùng với đấu tranh vũ trang, công tác đấu tranh chính trị với địch cũng được cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo có hiệu quả. Vào ngày 16.2.1965 được sự phân công của Đảng, chị Bùi Thị Huỳnh dẫn đầu đoàn biểu tình hơn 2000 người tiến vào quận lỵ Thăng Bình đấu tranh đòi giặc không được càn quét, bắn phá vào làng, chống bắt lính,…Trước sức mạnh của đoàn biểu tình, bọn giặc thẳng tay đàn áp dã man, nhiều người đã hy sinh anh dũng. Qua công tác binh vận, kiên trì bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, có hàng trăm binh lính địch bỏ ngũ quay về tham gia cùng bà con đánh địch. Điển hình nhất là chiến công của đồng chí Trương Thị Xáng, là nữ du kích và an ninh mật của huyện đã mưu trí, dũng cảm giải thoát 300 cán bộ, bộ đội, du kích, an ninh vũ trang thoát khỏi hầm địa đạo trong vườn nhà bị địch phát hiện bao vây và chị đã anh dũng hy sinh. Hành động anh dũng đó mãi còn vang vọng đến hôm nay.
     Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân - 1968, có hàng trăm quần chúng, nhân dân xã Bình Giang cùng tham gia, xuống đường đấu tranh chính trị trực diện với kẻ thù tại nhiều nơi như: thị xã Hội An, quận lỵ Thăng Bình… Trong những năm 1969 - 1970, mảnh đất Bình Giang lại ngập chìm trong khói lửa, hàng ngàn tấn bom đạn giặc điên cuồng trút xuống, hàng chục chi đoàn xe bọc thép, hàng loạt máy bay các loại ngày đêm quầng lượn tìm kiếm, bắn giết dã man, nhằm thực hiện âm mưu“bình định” nông thôn. Song với tinh thần mưu trí, dũng cảm, quân và dân Bình Giang kiên cường bám trụ, đánh và tiêu diệt nhiều tên địch; nhưng khi rút quân, địch đã hèn hạ bắt đi nhiều người dân vô tội. Sau nhiều ngày đánh đập, tra khảo, bọn chúng đã sát hại 17 người dân vô tội. Căm hờn trước hành động dã man của địch, quyết tâm trả thù cho những người đã ngã xuống, với tinh thần “nợ máu phải trả bằng máu”. Trong trận đánh xáp lá cà với tiểu đoàn 21 ngụy vào cuối năm 1970 tại đồng Ba Cù Hạ, đã tiêu diệt 01 đại đội địch. Bằng loại vũ khí tự chế, quả bom bay nặng 500 kg, du kích xã Bình Giang đã diệt gọn 01 đại đội địch, thuộc tiểu đoàn 37 biệt động quân và hàng trăm trận đánh khác gây thiệt hại nặng nề về sinh lực địch, làm hoang mang tinh thần binh lính và bộ máy ngụy quyền tay sai.
     Với ý chí cách mạng kiên cường, quân và dân Bình Giang luôn sát cánh bên nhau, liên tục tiến công địch, bảo vệ thành quả cách mạng. Ngày 25.3.1975, xã Bình Giang được giải phóng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
     Trong 21 năm chống Mỹ, lực lượng du kích và nhân dân xã Bình Giang đã đánh 2.108 trận lớn nhỏ; tiêu diệt 5.862 tên, bắt sống 100 tên địch, diệt gọn 2 đại đội, 3 trung đội, 9 tiểu đội, bắn cháy và phá hủy 73 xe [có 44 xe tăng], bắn rơi và bị thương 17 máy bay, bắn chìm 1 hải thuyền. Ta thu được trên 1915 súng các loại, hàng ngàn tấn đạn dược, quân trang, quân dụng và phương tiện phục vụ chiến đấu; sản xuất được 8.608 quả mìn, lựu đạn, cải tiến 1 quả bom 500 kg, 2 cối 60. Kết hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự, trên mặt trận đấu tranh chính trị và binh vận cũng được phát triển mạnh mẽ thu nhiều thắng lợi. Đảng bộ xã lãnh đạo, tổ chức 92 lần đấu tranh tập thể và cá nhân, có 40.000 lượt người tham gia cướp trên tay địch 51 khẩu súng. Đấu tranh binh vận 27 lần, vận động được 146 binh lính ngụy trở về với nhân dân.
     Qua 2 cuộc kháng chiến, quân và dân xã Bình Giang đã được tặng thưởng 3.304 Huân chương, Huy chương các loại, các hạng, trong đó có 56 Huân chương giải phóng, 12 Huân chương chiến công, 42 Huân chương quyết thắng, 2.090 Huân chương kháng chiến, 71 Huân chương độc lập; 1.033 Huy chương; 01 cờ quyết chiến - quyết thắng giặc Mỹ xâm lược; 368 Bằng khen; 420 Bảng vàng gia đình danh dự; 560 Bảng gia đình vẻ vang… Để có được thành tích trên, xã Bình Giang có trên 3000 người dân ngã xuống, trong đó được công nhận 1.750 liệt sĩ, 122 thương bệnh binh và 132 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
     Sau ngày quê hương Thăng Bình được hoàn toàn giải phóng [26.3.1975], Đảng bộ và nhân dân xã Bình Giang bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, phá gỡ bom mìn, khôi phục kinh tế, san lấp hàng ngàn hố bom, cải tạo vùng đất hoang hóa do hậu quả chiến tranh để lại. Nhân dân Bình Giang cũng đã tích cực tham gia hàng vạn ngày công đào đắp kênh mương thủy lợi dẫn nước tưới cho hàng trăm ha đất lúa, đất màu. Bình quân lương thực đầu người năm 1994 đã tăng lên gần 300kg/người/năm. Với hơn diện tích đất bãi bồi ven sông, xã đã khuyến khích nông dân tận dụng nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ là phương hướng chủ đạo của việc phát triển sản xuất nông nghiệp địa phương.
     Ngày 20.12.1994, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Bình Giang được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích xuất sắc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
     Tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng mà Đảng bộ và nhân dân xã Bình Giang đã giành được trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; từ sau ngày được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân [1994], Đảng bộ xã Bình Giang đã lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tạo nên những chuyển biến tích cực: Cơ cấu kinh tế hợp lý, đẩy nhanh tốc độ khôi phục và phát triển kinh tế, năng suất cây trồng, con vật nuôi năm sau tăng hơn năm trước. Đến nay bình quân lương thực đạt trên 400 kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm còn 9,84%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Kết cấu hạ tầng được chú trọng đầu tư phát triển, 19/19 km đường ĐH đi qua địa bàn xã đã nhựa hóa và bê tông hóa; 20,76/26,6 km đường liên thôn, liên xã, liên xóm đã được bê tông hóa, đạt tỷ lệ 78,8% giao thông nội đồng được 11,4/16,2 km, đạt tỷ lệ 70,3%; bê tông hóa kênh mương nội đồng được 9,17/13 km, đạt tỷ lệ 70,5%. Mạng lưới điện được phủ khắp toàn xã, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay rõ nét.
     Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai thực hiện tốt, có ý nghĩa tích cực trong xây dựng cộng đồng dân cư. Phong trào xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ được toàn thể nhân dân hưởng ứng thực hiện. Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bình Giang là một trong 6 xã đầu tiên phát động thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đã đạt được 15/19 tiêu chí, phấn đấu trong năm 2015 sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại để đạt chuẩn xã nông thôn mới; hệ thống trường lớp được quan tâm đầu tư xây dựng, trẻ em trong độ tuổi ra lớp 100%, chất lượng dạy và học không ngừng tăng lên; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn chú trọng. Chế độ, chính sách đối với người có công với nước thực hiện chu đáo, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Quốc phòng - an ninh giữ vững; tình hình trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng thể hiện rõ vai trò của Đảng lãnh đạo toàn diện, nhiều năm liền Đảng bộ đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh; bộ máy chính quyền từng bước củng cố, xây dựng vững mạnh, làm tròn vai trò quản lý Nhà nước trên địa bàn xã; Mặt trận và các đoàn thể chính trị có sự vươn lên thực hiện chức năng, nhiệm vụ; từng bước đổi mới phương thức hoạt động, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của của xã.
     Từ khi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân [1994] đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà không ngừng phấn đấu vươn lên và được Đảng, Nhà nước, các cấp tặng nhiều phần thưởng cao quý như: 3 cờ của UBND tỉnh và huyện; 32 bằng khen của tỉnh; 56 giấy khen của huyện; 3 cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân1, 151 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng [hiện nay có 23 mẹ còn sống], Đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu nhiều 4 năm liền [2011 - 2014], tập thể lao động xuất sắc, đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua cụm cánh đông Thăng Bình năm 2012 và năm 2014, có 100 Bằng khen, giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện cho nhân dân và cán bộ xã Bình Giang trong phong trào thi đua yêu nước.

 

1 Võ Đông [Võ Tá], Trương Thị Xáng, Bùi Thị Huỳnh

Chủ Đề