Ý nghĩa của việc học trung cấp chính trị

Bài 1 - Thực trạng cán bộ, đảng viên trong tỉnh đi học trung cấp lý luận chính trị ngoài tỉnh

[HBĐT] - Hơn 230 cán bộ, đảng viên trong tỉnh thuộc 11/11 Đảng bộ huyện, thành phố và Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh đã ồ ạt đi học trung cấp lý luận chính trị [TCLLCT] tại Trường Chính trị tỉnh Hà Nam, Ninh Bình. Đây là con số thống kê chưa đầy đủ về tình hình cán bộ, đảng viên trong tỉnh đi học TCLLCT tại các tỉnh khác từ năm 2016 đến nay. Ngoài ra, có cán bộ học TCLLCT tại các trường của bộ, ngành T.Ư.

Cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Lạc Thủy rà soát cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ huyện quản lý đi học trung cấp lý luận chính trị. 

"Rủ" nhau đi học trung cấp lý luận chính trị

Từ năm 2016 đến nay, nhiều cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã truyền tai nhau về việc đi học TCLLCT ở ngoài tỉnh như Trường Chính trị tỉnh Hà Nam và một số trường của bộ, ngành T.Ư. Có cán bộ, đảng viên báo cáo, xin Đảng ủy cơ sở, có người tự liên hệ nên BTV các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh không biết.

Một hiệu trưởng trường THCS ở huyện Kim Bôi cho biết: Tôi đã được bổ nhiệm hiệu trưởng, nhưng chưa có bằng TCLLCT. Thấy bạn bè mách, rủ đi học TCLLCT do Trường Chính trị tỉnh Hà Nam mở, tôi cũng đi học và chỉ báo cáo, xin Đảng ủy xã. Có đồng chí học xong vừa đúng dịp bổ nhiệm lại.

Còn theo một giáo viên THPT ở huyện Đà Bắc, chi phí cho việc học TCLLCT tại tỉnh Hà Nam cả khóa khoảng 17 triệu đồng. Đi học theo hình thức không đăng ký qua trường, qua Sở GD&ĐT hồ sơ đơn giản hơn, chỉ báo báo trực tiếp với nhà trường, chi bộ và thời gian học thực tế nửa năm. Mặc dù kinh phí tự học viên phải bỏ ra, nhưng thuận tiện vì chỉ phải học vào thứ bảy, chủ nhật. 

Qua tìm hiểu, huyện Lạc Sơn có trên 40 cán bộ, đảng viên, chủ yếu ngành GD&ĐT đi học TCLLCT tại Trường Chính trị tỉnh Hà Nam nhưng không phải do Huyện ủy cử đi học. Theo Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bùi Văn Lịnh, huyện chỉ cử cán bộ thuộc Đảng bộ huyện quản lý đi học TCLLCT khi có kế hoạch, chỉ tiêu, thông báo mở lớp của Trường Chính trị tỉnh gửi về. Huyện Lương Sơn cũng có 12 cán bộ đi học TCLLCT tại Trường Chính trị tỉnh Hà Nam khóa 2017 - 2018 và 2018 - 2019. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Lương Sơn Cao Xuân Hùng cho biết: Huyện không cử số cán bộ đó đi học nên không nắm được. Sau khi biết thông tin, huyện đã rà soát, trong đó có cán bộ tự đi, có cán bộ xin ngành dọc như ngành BHXH.

Cũng như vậy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Đoàn Văn Thu không ký quyết định cử 10 cán bộ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Sở Y tế đi học TCLLCT tại Trường Chính trị tỉnh Hà Nam và không nắm được danh sách.

Ồ ạt cán bộ học lý luận chính trị ngoài tỉnh

Theo thống kê của riêng Trường Chính trị tỉnh Hà Nam, từ năm 2016 đến nay có trên 230 cán bộ, đảng viên của tỉnh Hòa Bình thuộc 11/11 Đảng bộ huyện, thành phố, Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh học TCLLCT tại trường. Trong đó, 9 đồng chí đang học lớp TCLLCT – hành chính khóa 2019 – 2020, còn các học viên khác đã được cấp bằng. Cán bộ theo học từ nhiều cơ quan, đơn vị, từ cấp xã, huyện, đến cấp tỉnh. Đối với Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình hiện có 1 cán bộ thuộc Đảng bộ huyện Yên Thủy đang học lớp TCLLCT - hành chính K23A6, học thứ bảy, chủ nhật. Ngoài ra, theo khảo sát của Trường Chính trị tỉnh Hòa Bình, nhiều cán bộ của tỉnh học TCLLCT tại các trường của bộ, ngành T.Ư.

Lạc Thủy là huyện có đông cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ huyện quản lý đi học TCLLCT tại Trường Chính trị tỉnh Hà Nam với trên 60 người từ nhiều cơ quan, đơn vị, xã. Trong đó có đồng chí cấp trưởng, phó phòng huyện và Huyện ủy có công văn cử đi học. Năm 2017 - 2018, huyện đã nỗ lực mở 2 lớp TCLLCT tại huyện cho 137 cán bộ, đảng viên, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.

Lý giải vấn đề này, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Lạc Thủy Phạm Văn Đức cho biết: Nhiệm kỳ trước, huyện mở được ít lớp TCLLCT. Khi sắp bổ nhiệm lại có cán bộ chưa có bằng TCLLCT nên huyện tạo điều kiện cho một số cán bộ diện Huyện ủy quản lý đi học tại Trường Chính trị tỉnh Hà Nam. Huyện đã có văn bản cử đi học TCLLCT đối với 11 đồng chí. Tuy nhiên, sau đó, nhiều cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện cũng đi học TCLLCT tại Trường Chính trị tỉnh Hà Nam. Huyện không nắm được cụ thể vì số cán bộ này đi học không báo cáo BTV Huyện ủy mà tự liên hệ hoặc chỉ xin Đảng ủy cơ sở.

Trước tình hình trên, ngày 7/6/2019, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Thủy Bùi Văn Trường đã ký ban hành Công văn số 594-CV/HU. Trong đó nêu: Trong khi chờ BTV Tỉnh ủy ban hành quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, BTV Huyện ủy đề nghị các chi, Đảng bộ trực thuộc dừng việc cử cán bộ đi đào tạo TCLLCT - hành chính tại Trường Chính trị tỉnh Hà Nam; thông báo đến cán bộ, đảng viên biết để không ảnh hưởng đến quyền lợi sau này.

Thực tế, có những cán bộ, đảng viên nhà tại TP Hòa Bình gần Trường Chính trị tỉnh hay công tác tại các xã vùng cao của huyện Đà Bắc, Mai Châu... cũng về tỉnh Hà Nam, đi quãng đường xa, tự bỏ tiền để học TCLLCT. Đáng chú ý, có những môn Trường Chính trị tỉnh Hà Nam lại tổ chức học tại thị trấn Xuân Mai [Hà Nội].

Có đúng quy định?

Trong khi có ý kiến cho rằng chưa có quy định nào nói về việc cán bộ, đảng viên không được tự đi học LLCT, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Văn Vân khẳng định: Việc cán bộ, đảng viên trong tỉnh đi học TCLLCT tại các trường của tỉnh khác và một số trường của bộ, ngành T.Ư là không đúng quy định của T.Ư và của tỉnh Hòa Bình. Điều này thể hiện ở một loạt các văn bản cụ thể. Trong đó, các văn bản của T.Ư nêu: Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo thực hiện nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức [CB, CC, VC]. Ở cấp tỉnh chỉ có 1 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC là Trường Chính trị. Các trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể T.Ư tuyệt đối không được về các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chiêu sinh đối tượng do Trường Chính trị cấp tỉnh đảm nhận... Các văn bản của tỉnh Hòa Bình nêu: Tỉnh ủy quyết định mở các lớp đào tạo TCLLCT. Tổ chức học tập LLCT phải được tiến hành có nề nếp, thực hiện đúng về phân công, phân cấp quản lý đào tạo, bồi dưỡng. Việc đề xuất, chọn cử cán bộ, đảng viên tham dự các chương trình đào tạo, bồi dưỡng LLCT, nhất là các chương trình TCLLCT phải được xét duyệt chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, quy định... 

Từ trước đến nay, danh sách cán bộ học TCLLCT đều được Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt. Mặt khác, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Vân nêu: Quy định cấp bằng TCLLCT, học viên phải học và thi phần VI [tình hình nhiệm vụ của địa phương] là 1 trong 6 phần học bắt buộc trong khung chương trình. Xuất phát từ những quy định của T.Ư, tỉnh, trường đề xuất bằng TCLLCT của cán bộ học ngoài tỉnh không có giá trị sử dụng ở tỉnh Hòa Bình. Đó là chưa kể có ý kiến phản ánh và dư luận về tình trạng học LLCT ở ngoài tỉnh theo kiểu "đánh trống ghi tên”. Nhiều học viên học tại Trường Chính trị tỉnh so bì về tính nghiêm túc của việc học tại trường và học ở một số trường ngoài tỉnh.

Phòng Tổ chức - cán bộ [Ban Tổ chức Tỉnh ủy] ngoài nêu quy định về phân cấp tổ chức và cán bộ đã dẫn chứng Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG, ngày 2/5/2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về ban hành Quy chế quản lý, đào tạo của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Trong đó có Quy chế đào tạo TCLLCT - hành chính. Quy chế nêu: Đối tượng dự tuyển là: CB, CC, VC các cơ quan, đơn vị, LLVT, doanh nghiệp trên địa bàn địa phương. Hồ sơ dự tuyển nêu: "Cấp ủy cơ sở có công văn gửi cấp ủy cấp huyện hoặc tương đương, cấp ủy cấp huyện hoặc tương đương duyệt và ban hành công văn cử dự tuyển đối với trường hợp đủ điều kiện”.

Như vậy, việc cán bộ, đảng viên trong tỉnh học TCLLCT ở ngoài tỉnh là một thực tế đang đặt ra nhiều câu hỏi cần giải đáp và giải quyết.

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Văn Vân nêu các văn bản liên quan đến học LLCT: Quy định số 09-QĐ/TW, ngày 13/11/2018 của BCH T.Ư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Quyết định số 33-QĐ/TU ngày 28/12/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh Hòa Bình về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quyết định số 705/QĐ-TTg, ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CC, VC thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030. Văn bản số 425/HVCTQG-TCT, ngày 26/4/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về việc yêu cầu thực hiện đúng quy định về đào tạo TCLLCT-hành chính. Quyết định số 567/QĐ/TU, ngày 30/8/2017 của BTV Tỉnh ủy ban hành Quy định về chế độ học tập của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh. Hướng dẫn số 35-HD/BTGTU, ngày 20/12/2018 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về thực hiện Quyết định số 567/QĐ/TU...

                                                                                                [Còn nữa]

                                                                                                           Minh Châu

Học tập lý luận chính trị không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là nghĩa vụ của cán bộ trẻ

[ĐCSVN] - Để việc học tập lý luận chính trị trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ trẻ, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân mỗi cán bộ, cần sự quan tâm, triển khai từ nhiều phía trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Học tập lý luận chính trị: Nâng cao năng lực, đạo đức, phẩm chất cán bộ trẻ

Bí thư Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan Trung ương Trần Hữu nhấn mạnh: học tập lý luận chính trị là một việc làm cần thiết, có vai trò quan trọng trong việc phát triển tư duy lý luận của con người. Học tập lý luận chính trị không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là nghĩa vụ và là biện pháp nhằm nâng cao năng lực, đạo đức, phẩm chất cán bộ nói chung và cán bộ trẻ nói riêng. V.I.Lênin từng nói: “Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng”. Bác Hồ cũng chỉ ra rằng: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế...

Đồng chí Trần Hữu cho biết: Thời gian qua, công tác giáo dục lý luận chính trị của cán bộ trẻ trong các cơ sở đoàn trực thuộc Đoàn Khối đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của cán bộ, đoàn viên thanh niên về ý nghĩa, vai trò và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được nâng lên. Ðội ngũ cán bộ trẻ có bước phát triển về nhận thức, trình độ, bản lĩnh chính trị và năng lực tư duy, từ đó vận dụng vào thực tiễn cuộc sống và công việc, để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc công việc được giao, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch…

Tại hội thảo khoa học do Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổ chức mới đây tại Hà Nội,các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng việc học tập lý luận chính trị cho cán bộ trẻ.

Thạc sỹ Đinh Trung Sơn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Đối với các cán bộ trẻ còn trong tuổi đoàn thì cần phải học tập và nghiên cứu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc; các chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đoàn; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn; nghị quyết đại hội đại biểu đoàn các cấp [đối với cán bộ đoàn cấp tỉnh, huyện, cơ sở và tương đương]; nghị quyết, kết luận chuyên đề của Đoàn cấp tỉnh.

Nhận thức rõ vai trò của học tập lý luận chính trị và nhằm đáp ứng yêu cầu trong quá trình lãnh đạo và quản lý đất nước, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đầu tư, chú trọng công tác học tập lý luận chính trị của các cán bộ, đảng viên. Đối với đội ngũ cán bộ trẻ, công tác này càng được chú trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của chủ trương trẻ hóa cán bộ của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở thực hiện các nghị quyết của Đảng, công tác học tập lý luận chính trị của cán bộ trẻ ngày càng thu được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, tăng cường sự thống nhất nhận thức, ổn định tư tưởng chính trị trong Đảng.

Tuy nhiên theo đồng chí Trần Hữu, chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa cao; nhiều cán bộ trẻ đã nhận thức chưa đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị, có những biểu hiện ít quan tâm, xem nhẹ, lười học tập lý luận chính trị. Bên cạnh đó, chương trình học tập chậm đổi mới, những hạn chế của chủ nghĩa xã hội hiện thực nói chung, của quá trình đổi mới và phát triển đất nước nói riêng, ảnh hưởng của các tư tưởng phản động, thù địch, lối sống vật chất, văn hóa không lành mạnh cũng ít nhiều tác động tiêu cực đến nhận thức và tâm lý của một bộ phận cán bộ trẻ.

Các đại biểu cho rằng, tình trạng coi nhẹ học tập lý luận, coi nhẹ chính trị, chỉ chăm lo chuyên môn, nghiệp vụ đơn thuần, chạy theo bằng cấp để đạt tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức diễn ra khá phổ biến.

Học tập lý luận chính trị cho cán bộ trẻ là nghĩa vụ và quyền lợi

Theo Thạc sỹ Đinh Văn Bắc đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương, để nâng cao chất lượng việc học tập lý luận chính trị của cán bộ trẻ thì bản thân mỗi người cần tự học tập, tự nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận chính trị. Mỗi cán bộ trẻ phải coi việc học tập lý luận chính trị không chỉ là một nhu cầu, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình mà còn là một phương pháp quan trọng nhằm bổ sung, hiểu biết thêm về những kiến thức lý luận chính trị, năng lực và kinh nghiệm công tác, đáp ứng với sự vận động, phát triển của cách mạng trong giai đoạn mới.

Thạc sĩ Đinh Văn Bắc cho rằng: Bản thân mỗi cán bộ trẻ phải ý thức rõ nhất về vai tròcủa việc học tập lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp, trước hết là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ; đồng thời, tăng cường cơ chế phối hợp giữa cơ quan, đơn vị với cơ sở đào tạo trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng, xem việc lấy kết quả học tập lý luận chính trị làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên trẻ; Tiếp tục đổi mới nội dung giáo trình theo hướng giảng dạy, truyền thụ đầy đủ những nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cập nhật những học thuyết đương đại, vận dụng sáng tạo, tăng cường liên hệ thực tiễn. Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, ứng dụng các phương pháp hiện đại, hấp dẫn người học, tạo hứng thú tìm tòi, nghiên cứu…

Ở góc độ khác, theo đoàn viên Phạm Thị Hường, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thì hình thức học tập lý luận chính trị góp phần quan trọng tạo hứng thú cho người học.

Chị Hường cho rằng: Ngày nay nhờ sự phát triển của không gian mạng đã làm thay đổi phương pháp học đối với bộ môn lý luận chính trị. Từ chỗ tưởng chừng bó hẹp trong môi trường học tập truyền thống, hàn lâm thì nay những nội dung, bài giảng lý luận chính trị được đăng tải rộng rãi trên các trang mạng chính thống của các tổ chức, cơ quan có chức năng và nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ trẻ. Một mặt, không gian mạng trở thành một phương tiện truyền thông của các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị hành chính trong hệ thống chính trị. Mặt khác, chính không gian mạng cũng tạo ra một môi trường học tập mở, giải phóng sức sáng tạo, tính chủ động của người học.

Với việc học lý luận chính trị, không gian mạng có thể số hóa thư viện tư liệu, sách, những tài liệu phong phú có liên quan mà người học có thể tìm kiếm và sử dụng khi cần. Với việc vận dụng, thực hành, không gian mạng cũng có thể cung cấp những luận cứ [đã được tổng hợp từ thực tiễn] để minh họa và làm dẫn chứng.

Tuy nhiên theo chị Phạm Thị Hường, cũng giống như thế giới thực, luôn có những cạm bẫy, mối nguy hại rình rập. Thế giới ảo cũng vậy, chính phủ không thể kiểm soát và ngăn chặn hết được những thông tin độc hại, sai lệch do đó khi tham gia vào không gian mạng, mỗi cá nhân cần chuẩn bị và tự trang bị cho mình một vốn tri thức nhất định về chính trị. Vì vậy, mỗi cán bộ cần thường xuyên học hỏi, trau dồi các tri thức về chính trị, đặc biệt là cập nhật các nội dung chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khai thác không gian mạng như một công cụ hữu ích giúp cho việc học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị…

Chị Phạm Thị Hường cho rằng: Việc tận dụng không gian mạng

là một trong những phương phápgiúp việc học tập lý luận chính trị trong cán bộ trẻ đạt hiệu quả.

Thạc sỹ Lưu Văn Thắng đến từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Để công tác giáo dục lý tưởng, tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trở thành việc làm thường xuyên trong từng suy nghĩ, từng nhịp thở của mỗi đoàn viên, mỗi Thanh niên, mỗi người cán bộ trẻ không chỉ cần sự nỗ lực của mỗi thanh niên, mà cần sự quan tâm, triển khai từ nhiều phía trong toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó, tổ chức Đoàn giữ vai trò nòng cốt.

Như vậy, mỗi tổ chức Đoàn cần tăng cường giáo dục chính trị cho thế hệ cán bộ trẻ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, với sự tham gia, phối hợp có trách nhiệm của đoàn thể và toàn xã hội. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với thế hệ cán bộ trẻ, kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong thanh niên, nhất là ở các thành phố lớn và địa bàn nhạy cảm.

Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên cần phải tham mưu, đề xuất với các cấp ủy đảng kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc của cán bộ trẻ, tạo ra cầu nối giữa tổ chức và cán bộ trẻ. Hơn nữa, cần phải tăng cường công tác giáo dục xã hội thông qua các đoàn thể nhân dân, các tổ chức nhà nước với thể chế chính trị, pháp luật, văn hoá, đạo đức... góp phần thúc đẩy hoặc kìm hãm quá trình phát triển nhân cách toàn diện của cán bộ.../.

Nguyễn Thị Sánh - Khoa Nội vụ, Trường Cao đẳng Sơn La

TIN LIÊN QUAN

  • Dự án giao thông phải có tầm nhìn lên tới hàng trăm năm
  • Thông cáo báo chí số 11, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV
  • Khai trừ ra khỏi Đảng đồng chí Chu Ngọc Anh và đồng chí Nguyễn Thanh Long
  • Điện mừng Quốc khánh Vương quốc Thụy Điển
  • Câu chuyện của những người hiện thực hóa giấc mơ về 60 ngôi nhà nhân ái “Thank you, Vietnam!”
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Chủ tịch Đảng Mặt trận Giải phóng, Tổng thống Mozambique
  • Khai trừ ra khỏi Đảng đồng chí Chu Ngọc Anh và đồng chí Nguyễn Thanh Long

Video liên quan

Chủ Đề