10 bà huyện thanh quan p ngọc trạo thanh hóa

Phạm Văn Hinh [1914 - 1941], người làng Cẩm Bào, tổng Cổ Tế, huyện Thạch Thành, phủ Quảng Hóa [làng Cẩm Bào nay thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc,] tỉnh Thanh Hóa. Ông có bí danh là Mây. Năm 20 tuổi, ông tham gia hoạt động cách mạng, 21 tuổi ông được kết nạp Đảng; 27 tuổi ông là Trưởng ban Đặc vụ chiến khu du kích Ngọc Trạo.

Chân dung đồng chí Phạm Văn Hinh

Cẩm Bào là một làng có truyền thống yêu nước và cách mạng. Nơi đây các phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ và đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển mạnh cả bề rộng lẫn bề sâu. Đặc biệt, khi Tỉnh uỷ Thanh Hóa thành lập chiến khu và đội du kích Ngọc Trạo, thì nhân dân làng Cẩm Bào đã góp phần không nhỏ trong công tác hậu cần và nhân lực cho chiến khu.

Năm 13 tuổi, Phạm Văn Hinh bắt đầu học tại trường Pháp Việt [phủ lỵ Quảng Hóa ,Vĩnh Lộc], 19 tuổi ông thi đỗ Prime tại Thanh Hóa, 20 tuổi ông tuổi về quê lập gia đình và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1935, ông được kết nạp Đảng tại chi bộ Vĩnh Thạch. Ông không chỉ hoạt động ở các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, mà ông còn được những người phụ trách phong trào Thanh Hóa lúc bấy giờ giao nhiệm vụ rải truyền đơn ở các huyện khác trong tỉnh như Cẩm Thuỷ, Yên Định…

Làng Cẩm Bào [xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc]

Nồi đồng của Hội mẹ chiến sĩ làng Cẩm Bào dùng để nấu cơm phục vụ các chiến sĩ du kích Ngọc Trạo

Năm 1939, Phạm Văn Hinh giữ chức Hương mục ở làng. Với chức Hương mục và có anh trai là Phó Tổng Cổ Tế, một cái vỏ bọc an toàn, nên ông lại càng có điều kiện tham gia tổ chức cho quần chúng mít tinh, đấu tranh chống đàn áp, khủng bố, đòi quyền tự do, dân chủ, đòi thả tù chính trị. Tháng 4/1940, tại Hội nghị thành lập Tỉnh uỷ lâm thời tổ chức ở nhà ông Bùi Văn Dưỡng [làng Phù Hưng, Yên Định] ông được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh uỷ lâm thời.

Tháng 10/1940, được tin Pháp nhường sân bay Gia Lâm, đường sắt Lạng Sơn và cảng Hải Phòng cho Nhật, Phạm Văn Hinh cùng với các đồng chí ở Yên Định tổ chức rải truyền đơn ở Hổ Bái phản đối những hoạt động đầu hàng, hèn nhát của thực dân Pháp, nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc, cổ vũ quần chúng vùng dậy đấu tranh, gây ảnh hưởng nhiều trong nhân dân. Sau cuộc rải truyền đơn này, nhiều Đảng viên và quần chúng cách mạng ở các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định bị bắt, bị tù đầy, Phạm Văn Hinh cũng bị bắt giữ và xử 9 tháng tù giam ở nhà lao Thanh Hóa.

Những tháng ngày Phạm Văn Hinh ở trong tù, phong trào cách mạng trong huyện có bước phát triển mạnh mẽ. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 [1939] và lần thứ 7[tháng 11/1940] của Trung ương Đảng về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược thành lập mặt trận phản đế thay cho mặt trận dân chủ, đầu năm 1941, ở các làng Cẩn Bào, Xuân Áng, Thổ Phụ, Đông Môn, Quang Biểu, Hữu Chấp, Ngọc Trạo… của hai huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành đã thành lập được các tiểu tổ du kích.

Tháng 2/1941, Tỉnh uỷ Thanh Hóa mở Hội nghị bàn biện pháp xúc tiến mạnh mẽ công tác xây dựng các đội tự vệ, chuẩn bị lực lượng tiến lên đấu tranh vũ trang; chuẩn bị các điều kiện để lập vành đai căn cứ cách mạng Đông – Bắc đến Tây – Nam Thanh Hóa. Tháng 3/1941, Ban cán sự vùng Bắc Thanh Hóa được thành lập, Tháng 6/1941, mãn hạn tù, Phạm Văn Hinh trở về và được Tỉnh uỷ tin tưởng, bổ sung vào Ban Cán sự vùng Bắc Thanh Hóa.

Ngày 19/9/1941, đội du kích Ngọc Trạo được thành lập tại Hang Treo [xã Hà Long, huyện Hà Trung], gồm 21 đồng chí, trong đó có Phạm Văn Hinh. Đội du kích Ngọc Trạo ra đời, đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng trong tỉnh, là lực lượng vũ trang thóat ly đầu tiên, lực lượng nòng cốt của phong trào đấu tranh vũ trang của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa. Là người rất giỏi võ, lại biết đấu kiếm, có nhiều kinh nghiệm hoạt động nên ông được bầu là Trưởng ban đặc vụ [trinh sát] ở chiến khu Ngọc Trạo.

Về phía địch: Sau nhiều tháng lùng sục, bọn mật thám và tay sai đã phát hiện ra chiến khu Ngọc Trạo. Chúng tập trung một lượng lớn binh lính và mật thám giỏi từ các nơi về phối hợp với binh lính ở Thanh Hóa, cùng đông đảo tuần phu ở các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Hà Trung kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường về Ngọc Trạo, hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang non trẻ của ta.

Sáng ngày 19/10/1941, tên Phờ-lơ-tô, Chánh mật thám Bắc Kỳ chỉ huy một lực lượng quân lớn, tấn công vào chiến khu Ngọc Trạo theo kế hoạch đã vạch sẵn. Với trách nhiệm của một trinh sát, nghe tiếng động Phạm Văn Hinh lẳng lặng đi làm nhiệm vụ. Giặc phát hiện, chúng tập trung hỏa lực bắn xối xả vào ông. Mặc dù ngực ông găm mấy viên đạn, toàn thân nhuốm đầy máu, song ông vẫn cố gắng hết sức mình lết qua ba mương sắn để thóat khỏi vòng vây của giặc.

Trận đấu kết thúc, anh em tìm mãi mới thấy ông. Tự thấy mình không thể sống được nữa, ông tha thiết yêu cầu đồng đội tiếp tục chiến đấu và không nên vì ông mà bỏ lỡ đại sự. Nén lại đau thương mất mát, đồng đội anh quyết tâm thực hiện lời khẩn cầu: “Đừng cứu chữa nữa, tôi không sống được đâu, anh em hãy lo đối phó với địch…” Mọi người chung quanh cúi đầu lặng im nghẹn ngào thương tiếc. Đồng chí Đặng Châu Tuệ ngậm ngùi phủ lá cờ đỏ sao vàng lên người đồng chí, đồng đội của mình và tất cả đưa anh đi mai táng. Ngay trưa hôm ấy, tại một địa điểm giữa khu rừng, lá cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ mang dòng chữ “Việt Nam hoàn toàn độc lập” được trưng lên, toàn đội du kích cùng với cán bộ, đại diện bà con làng Ngọc Trạo nghiêm trang tổ chức lễ truy điệu 3 chiến sỹ Ngọc Trạo hy sinh trong trận chiến ác liệt này: Phạm Văn Hinh, Hoàng Văn Môn và Đỗ Văn Tước.

Sau khi đội quân du kích chuyển đi khỏi làng Ngọc Trạo, quân địch đã đưa lính và tuần phu về càn quét, phá phách làng Ngọc Trạo. Có tới ba lần chúng quật thi hài đồng chí Phạm Văn Hinh lên chụp ảnh nhận diện và bắt đi hơn chục người ở làng Ngọc Trạo. Đau xót hơn, tàn ác hơn, chúng bắt chính cụ Hội Oanh [thân sinh Phạm Văn Hinh] và con cháu trong nhà phải chấp nhận đó là con cháu mình, do yêu cầu thời kỳ hoạt động bí mật, với tinh thần của một người yêu nước và luôn hướng về cách mạng, cụ và những người thân của Phạm Văn Hinh đã nén đau thương trong dạ khước từ. Mãi cho đến Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, cụ mới cho gia đình phát tang. Huyện ủy Thạch Thành đã tổ chức lễ truy điệu đồng chí rất trang nghiêm và trọng thể.

Thi thể Đ/c Phạm Văn Hinh bị thực dân Pháp khai quật

Cảm phục ông, người chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, Vũ Đình Thờn, một người đã từng được ông giác ngộ cách mạng lấy bút danh là Thanh Đàm đã viết nên bài thơ “Tên anh là ngọn lửa” viếng tặng ông:

Sáng thu ấy thất cơ đành ôm hận.

Mắc mưu thù sa lưới địch bổ vây.

Còn … Hinh ơi anh đã ngã trong rừng cây

Khi anh biết thân hình không thể sống

Lời trối trăng như đường kiếm bổ đôi

“Hãy mau thóat và bảo toàn lực lượng

Anh em ơi… mau kết liễu đời tôi”

Hăm bảy tuổi đời anh dâng đất nước

Vinh quang nhưng đau đớn quá anh ơi!

Giặc quật xác anh ba lần nhận mặt,

Chúng thù anh người cách mạng trọn đời…

Gương chiến đấu và anh dũng hy sinh của ông vì độc lập, tự do cho Tổ quốc luôn sáng mãi trong lòng nhân dân và Đảng bộ Thanh Hóa. Tháng 6/1959 Phạm Văn Hinh được truy tặng là liệt sĩ, được trao tặng Bằng Tổ quốc ghi công.

Hiện nay tên của ông đã được đặt cho một đường phố ở thành phố Thanh Hóa. Tại quê hương ông nay là xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc có một trường học mang tên trường Trung học cơ sở Phạm Văn Hinh.

Nguyễn Thị Thắm

[Phòng Trưng bày – Tuyên truyền]

Tài liệu tham khảo:

- Những chiến sĩ cách mạng trung kiên, Tập I, Nhà xuất bản Thanh Hóa.

- Huyện uỷ - HĐND - UBND huyện Thạch Thành, Địa chí Thạch Thành, nhà xuất bản Văn hóa -Thông tin, năm 2004.

Chủ Đề