Báo cáo công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên

Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên

[ĐCSVN] - Nhiều năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn bám sát các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trao Cờ thi đua của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho các tập thể có thành tích 5 năm xây dựng chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh. Ảnh: Trường Khanh.

Từ xác định đúng vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng...

Từ nhận thức “tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với dân, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Các cấp ủy đảng phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở, nhất là những địa bàn, lĩnh vực trọng yếu… Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên… ”[1].

Các kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đều xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Những năm gần đây, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành hàng chục văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, trong đó có nội dung về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực. Cấp ủy các cấp lấy hiệu quả hoạt động, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ Tỉnh ủy đến huyện ủy và cấp ủy các cơ sở cũng xác định những nhiệm vụ trọng tâm và các chỉ tiêu cụ thể của công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng cho từng giai đoạn, từng năm, hàng quý. Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quan tâm nâng cao chất lượng cấp ủy viên, Bí thư cấp ủy cơ sở. Thực hiện đúng và kịp thời chế độ, chính sách, quan tâm thu hút cán bộ trẻ có trình độ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và cấp ủy cơ sở. Thường xuyên coi trọng bồi dưỡng quần chúng ưu tú để phát triển đảng viên, giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên, nâng cao chất lượng đảng viên và kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên.

Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xác định nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một giải pháp quan trọng để củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Tại Hướng dẫn số 13-HD/TU, ngày 16/11/2018 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lượng hóa biểu chấm điểm và đánh giá chất lượng mỗi buổi sinh hoạt cho từng loại hình chi bộ. Cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã thành lập các tổ dự sinh hoạt các chi bộ, xếp lịch dự các buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ và sinh hoạt chuyên đề, đảm bảo tất cả các chi bộ mỗi năm đều có cán bộ cấp trên về dự ít nhất 1 lần. Thông qua việc dự sinh hoạt, cán bộ được phân công có điều kiện và cơ hội sâu sát cơ sở hơn; ý kiến, nguyện vọng của đảng viên và quần chúng từ các chi bộ được phản ánh đến cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều nội dung được chỉ đạo giải quyết ngay sau khi dự sinh hoạt.

.... nhiều kết quả tích cực

Với những nỗ lực của cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên, số đông các tổ chức cơ sở đảng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng; lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể cơ sở thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Các tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ đảng viên góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.

Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc trong 25 năm kể từ khi tái lập tỉnh luôn ở mức cao. Quy mô kinh tế đến năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng [tăng gấp 69,6 lần so với năm 1997]. Văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển, an sinh xã hội đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 chỉ còn 0,44% [theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020]. Có 91% gia đình, 93,5% thôn, làng, 89% cơ quan, đơn vị văn hóa. Cuối năm 2021, đã có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 36 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có nhiều mô hình tiêu biểu được xây dựng, phát hiện và nhân rộng từ các tổ chức cơ sở đảng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19, nhưng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn có sự hồi phục nhanh chóng. Từ tăng trưởng GRDP của Vĩnh Phúc âm 0,05% trong 6 tháng đầu năm 2020, đến năm 2021 đã nhanh chóng phục hồi và đạt mức tăng 8,02%. Hay trong phòng, chống dịch COVID-19, Vĩnh Phúc là tỉnh xuất hiện ca bệnh đầu tiên năm 2020 và cũng là tỉnh có ca bệnh đầu tiên trong làn sóng thứ tư dịch COVID-19 năm 2021, các tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên đã góp phần kịp thời ngăn chặn nguy cơ, nguồn lây xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh. Nhiều đảng viên tham gia Ban chỉ đạo, tổ công tác, thành viên các chốt để kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời nguồn lây bên trong, tổ chức nhanh chóng điều tra, truy vết các nguồn lây và tách F0 ra khỏi cộng đồng, nhanh chóng khôi phục trạng thái xanh cho cộng đồng để thiết lập và duy trình Vĩnh Phúc là ‘‘vùng xanh”.

Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 95,1%; bình quân kết nạp 2.389 đảng viên/năm; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 88,7%. Đặc biệt, sau một năm thí điểm giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, năm 2021 tỉnh Vĩnh Phúc kết nạp 2.124 đảng viên, thành lập mới 24 tổ chức đảng trong doanh nghiệp, vượt 5 tổ chức đảng so với cả nhiệm kỳ 2016-2020. Năm 2021 có 125/598 [chiếm 20,9%] chi, đảng bộ cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 403/598 [chiếm 67,4%] chi, đảng bộ cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ; có 9.379/62.680 [chiếm 14,96%] đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 47.755/62.680 [chiếm 76,24%] đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở Vĩnh Phúc còn một số hạn chế, yếu kém: Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn yếu, chưa đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở. Khả năng vận dụng, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế. Sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hình thức, chất lượng không cao, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu; đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên ở một số nơi còn hình thức, chưa thực chất. Việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa được quan tâm, chất lượng, hiệu quả thấp. ...

Một số giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cấp ủy các cấp, người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về vị trí, vai trò; chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng, của đội ngũ đảng viên.

Thực hiện thành nền nếp việc phân công cấp ủy viên theo dõi, phụ trách cơ sở theo phương châm: “Cấp ủy cấp tỉnh nắm đến tổ chức cơ sở đảng; cấp ủy cấp huyện nắm đến chi bộ; đảng viên ở cơ sở nắm đến hộ gia đình”[2]. Tâp trung củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên. Cấp ủy các cơ sở xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc. Đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của tổ chức cơ sở đảng. Đổi Nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác; tập trung lãnh đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngay từ cơ sở. Nắm bắt tư tưởng, định hướng dư luận kịp thời....

Thường xuyên quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, Bí thư chi bộ. Thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cấp ủy, bí thư, phó bí thư cơ sở. Nâng dần tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong cấp ủy cơ sở. Thực hiện bí thư cấp ủy cơ sở đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Chú trọng phát triển đảng viên, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Thực hiện tốt việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên. Quản lý chặt chẽ đội ngũ đảng viên. Thường xuyên rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng theo tinh thần Chỉ thị 28-CT/TW của Ban Bí thư khóa XII.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ. Thực hiện đầy đủ, đúng quy trình và đảm bảo chất lượng các bước sinh hoạt chi bộ theo hướng dẫn số 12-HD/TW của Ban Tổ chức Trung ương Đảng và Hướng dẫn số 13-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, có nền nếp việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở đảm bảo thực chất.

Cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Thực hiện Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là Quy định về nêu gương, quy định về kiểm soát quyền lực, Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú,..

Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, góp phần tích cực xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Mỗi tổ chức đảng, cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần phải thường xuyên quan tâm.

[1] Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 14/6/2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc….

[2] Kết luận số 38-KL/TW, ngày 13/11/2018 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện NQ22-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương khoá X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên,

Lê Thị Điều
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề