Bùi văn hùng soạn về anh em tây sơn năm 2024

Di tích Gò lăng thuộc địa phận thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách BTQT 2 km, theo hướng Tây - Bắc. Nơi đây, với dấu tích còn lại là khu vườn và nền nhà cũ, quê hương bà Nguyễn Thị Đồng mẹ của Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, những thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào nông dân Tây Sơn vào thế kỷ XVIII. Di tích được xếp hạng cấp Quốc gia 16/ 11/ 1988.

Di tích Gò Lăng có nhiều sự kiện liên quan đến Tây Sơn tam kiệt trong buổi đầu thu phục nhân tâm, xây dựng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, đó là những truyền thuyết, các câu chuyện truyền miệng mà người dân địa phương thường kể cho nhau nghe bao đời nay mặc cho sự trả thù của triều Nguyễn và chiến tranh tàn phá.

Câu chuyện "Nguyễn Nhạc Vi Vương".

Chuyện kể rằng: : "Vào một đêm khuya, nhân ngày giỗ tại nhà ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng ở Gò Lăng, lúc xong việc mọi người chào nhau ra về thì ai cũng sửng sốt khi nghe tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên từ phía Hòn Sưng, thâm nghiêm, bí ẩn mà điều này xưa nay chưa từng có. Mọi người dừng lại thì thấy ánh sáng kỳ diệu tỏa sáng một vùng trên núi. Họ khích lệ nhau lên tận nơi xem cho ra lẽ. Đến nơi phát sáng, trong lúc đang ngập ngừng ngần ngại chưa ai dám tiến lên, thì từ vầng sáng bỗng xuất hiện một ông lão mặt đỏ, râu dài trắng như cước, đầu đội mũ cánh chuồn bước ra nói lớn: trong các ngươi có ai là Nguyễn Nhạc không? Ta vâng mệnh Ngọc Hoàng hạ giới lần này để ban sắc lệnh cho Nguyễn Nhạc vi vương. Khi Nguyễn Nhạc tiến lên, mọi người cuối đầu kính cẩn thì ông lão biến mất".

Hay câu chuyện : anh em Tây Sơn mỗi lần về quê ngoại thường buộc ngựa tại cây bồ đề cao to cạnh nhà ông bà Hồ Phi Phúc, nên dân trong vùng có câu:

"Nhong nhong ngựa Ông lại về

Cắt cỏ bồ đề cho ngựa Ông ăn"

Sau khi nhà Tây Sơn mất, triều Nguyễn Gia Long thực hiện chính sách trả thù rất gay gắt, nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc tại di tích đã bị san bằng và trở thành mảnh đất trống không, chỉ còn vết tích nền nhà, đá tảng kê cột vuông vức có khắc hoa văn hình hoa thị với kích cỡ mỗi bề 0,4m và nhiều mảnh gốm sứ của bát đĩa vỡ ; trên mảnh vườn cũ còn có một số cây cổ thụ: Thị, Thiên tuế…

Dưới triều Nguyễn, nhân dân Phú Lạc luôn tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền hiền, những người anh hùng của quê hương, họ đã xây dựng miếu thờ Sơn Quân [Thần Núi] gọi là miếu Cây Thị, có người gọi miếu thờ ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng tại khuôn vườn cũ của Họ và bí mật thờ cúng ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng, Tây Sơn tam kiệt [Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ] vào ngày 14/11 ÂL hàng năm tại Đình làng Phú Lạc, gọi là ngày cúng Thường tân[ tết cơm mới] với hình thức tưởng niệm hương hoa và mật cáo.

Năm 1999 chính quyền địa phương xây Đền thờ trên nền nhà cũ của di tích để thờ ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thi Đồng và dòng họ nội, ngoại- những tiền hiền có công khai ấp lập làng, cùng tam kiệt Tây Sơn; hằng năm vào ngày 14 tháng 11 ÂL long trọng tổ chức lễ giỗ hiệp kỵ Tây Sơn với ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy giá trị di tích; Năm 2016, được sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh Bình Định, gia đình liệt sĩ Trần Đình Châu cùng các bằng hữu, công ty cổ phần tập đoàn An Phú, đã công đức xây dựng Đền thờ song thân Tây Sơn Tam kiệt điểm du lịch văn hóa tâm linh, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập, là điểm đến của mọi người với ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn. Đến với di tích, du khách thắp nén hương tưởng niệm, tri ân công đức những bậc sinh thành các thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào Tây Sơn ./. Qua lời kể dân gian, những câu chuyện như Nguyễn Nhạc được trời sắc phong làm vua, ban kiếm và ấn; hay Nguyễn Huệ nhấc đá trên trăm cân, thu phục đàn ngựa rừng, chém rắn lấy máu tế cờ, được rắn ban thanh đao… dần dần mang màu sắc thần thoại. Gắn với những di tích hiện có trên vùng đất này, người ta phần nào hình dung được một thời dựng nghiệp của nhà Tây Sơn.

Trời trao ấn, kiếm

Tương truyền rằng, sau khi chôn mộ cha trên núi Hoành Sơn [huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định] thì ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ vùng phát tướng. Mặt mày sáng rỡ, học hành thông thái cả võ lẫn văn.

Thầy giáo Hiến dạy ba anh em Nguyễn Nhạc vốn là người có biệt nhãn lại thông thạo về khoa tướng số, xem biết anh em Nguyễn Nhạc đã vượng thời nên ra khuyên về lo mưu đồ đại sự. Vâng lời thầy, ba anh em Nguyễn Nhạc về chiêu tập hào kiệt, dựng cờ khởi nghĩa.

Ngày ấy, vùng đất Tây Sơn rất rộng lớn nên phía đông gọi là Tây Sơn hạ đạo [huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định bây giờ], phía tây gọi là Tây Sơn thượng đạo [thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai bây giờ]. Thượng đạo và hạ đạo cách nhau bởi dãy núi trùng điệp, đó là đèo An Khê bây giờ.

Trong sách “Non nước Bình Định”, nhà thơ Quách Tấn kể rằng, vùng đất Tây Sơn xưa kia núi rừng rậm rạp, chuyện thần linh qủy dữ lan tràn khắp đó đây. Ðể quy tụ lòng dân, Nguyễn Nhạc bèn lợi dụng óc mê tín của quần chúng.

Hòn Trung Sơn ở Phú Lạc [thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn] tuy ở gần thôn xóm, nhưng ít ai dám lên vì sợ mộ mẹ chàng Lía và cọp. Thỉnh thoảng Nguyễn Nhạc cho người tâm phúc lên núi, nửa đêm nổi trống nổi chiêng.

Chung quanh vùng, người cho rằng hồn chàng Lía về cúng mẹ, người lại bảo đó là quỷ thần mở hội vui. Kẻ bàn người tán, không mấy lúc tiếng đồn một thành mười, mười thành trăm. Hòn Trung Sơn từ xưa đã có tiếng càng thêm nổi tiếng.

Một hôm, nhà Nguyễn Nhạc có giỗ, khách khứa đông đúc, cỗ bàn vừa ăn xong thì trời đã khuya. Những người ở xa đều phải nghỉ lại, còn người trong xóm thì lục tục ra về. Bỗng trên hòn Trung Sơn, tiếng trống chiêng vang dội, trong bóng cây trên đỉnh có ánh lửa lập loè. Ai nấy đều kinh dị. Thấy vậy, Nguyễn Nhạc rủ người lên xem thử nhưng phần đông đều e ngại, chỉ dăm bảy người khỏe mạnh xin theo.

Nai nịt gọn gàng, chân vũ hài, tay trường kiếm, đoàn người lần bước lên đỉnh hòn Trung Sơn. Khi gần đến đỉnh, trong ánh lửa mập mờ hiện ra một ông lão râu ba chòm bạc phếu, đầu đội mũ cánh chuồn, mình khoác áo đại bào, chân đi hia, ai nấy đều sợ hãi.

Bỗng ông lão cất tiếng: “Trong anh em có ai là Nguyễn Nhạc chăng? Nếu có thì hãy lại gần đây nghe lệnh, còn các người khác hãy đứng yên”.

Nguyễn Nhạc run sợ bước ra, đến quỳ trước mặt ông lão. Ông lão phất tay áo, lấy ra một tờ chiếu rồi đọc lớn: “Ngọc Hoàng sắc mạng Nguyễn Nhạc vi Quốc vương”. Trao tờ chiếu cho Nguyễn Nhạc xong, ông lão quay bước đi vào trong bóng tối.

Từ ấy tiếng đồn khắp nơi, và ngôi Quốc vương của Nguyễn Nhạc nằm vững trong tâm trí quần chúng. Trong đám sĩ phu, trừ cụ giáo Hiến, không mấy ai biết đó là kế của Nguyễn Nhạc.

Chưa lấy làm đủ, Nguyễn Nhạc còn tìm một thanh bảo kiếm và đúc một quả ấn vàng, rồi đem giấu trong vùng núi Trinh Tường [xã Bình Tường, huyện Tây Sơn]. Một hôm cùng bộ hạ ở An Khê về đến núi Hoành Sơn thì ngựa của Nguyễn Nhạc lồng lên, rồi thẳng cổ chạy nước đại. Nhưng không chạy ra hướng bắc để về nhà, mà lại chạy vào hướng đông nam.

Khi đến chân vùng núi Trinh Tường, cương ngựa bị đứt, Nguyễn Nhạc té nhào, trật chân không đứng dậy nổi. Ðám tùy tùng chạy đến xoa bóp hồi lâu mới đỡ. Khi đứng dậy để lên ngựa trở về, Nguyễn Nhạc chợt thấy chuôi kiếm ló ra nơi vách đá trên sườn núi. Sai người lên lấy thì là một thanh kiếm lưỡi sáng như nước. Ai nấy đều cho đó là của trời ban.

Về nhà, Nguyễn Nhạc nói cùng hai em và thuộc hạ: “Ngọc Hoàng đã sắc phong ta làm Quốc vương, lẽ tất nhiên là phải ban ấn kiếm. Nay kiếm đã có rồi, ta phải đi tìm ấn”. Sau đó, Nguyễn Nhạc cho tổ chức ngay lễ cầu đảo tại chân núi Hoành Sơn. Cầu đảo ba đêm ngày. Đêm làm lễ, ngày cho người đi tìm khắp nơi.

Miếu Xà ở thôn Thượng An

Ðã hai ngày liền, hàng trăm người chia nhau đi khắp các núi khe quanh núi Hoành Sơn mà không có kết qủa. Ðêm thứ ba, lúc nửa đêm chiêng trống hành lễ vừa dứt, một vòi lửa như pháo thăng thiên bay xẹt từ hòn Một đến hòn Giải thì rơi xuống. Tiếp đó một tiếng nổ nhỏ như tiếng pháo tre, rồi một tiếng nổ lớn có phần dữ dội làm chấn động cả vùng.

Sáng sớm hôm sau, Nguyễn Nhạc cùng tùy tùng đến hòn Giải xem thì thấy sườn phía nam có một vùng như bị sét đánh lở và nám đen. Trèo lên xem thì một quả ấn vàng nằm trong kẽ đá tại nơi bị lở. Tất cả mọi người đều tin là ấn trời ban.

Nhấc đá trên trăm cân, thu phục ngựa rừng

Tương truyền rằng, vùng Tây Sơn thượng đạo có đất đai phì nhiêu, nhiều lâm thổ sản quý, mỏ sắt, mỏ diêm tiêu, nhiều voi ngựa… nên ba anh em Nguyễn Nhạc từ Tây Sơn hạ đạo đến đây lập căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa.

Tại thôn An Lũy [phường Tây Sơn, thị xã An Khê] ngày nay có một con đường mang dấu tích được đắp cao, người dân gọi là lũy ông Nhạc. Đây chính là trung tâm, chỉ huy sở của nghĩa quân.

Căn cứ đồn lũy của nghĩa quân Tây Sơn nằm trong một vùng đất rộng khá bằng phẳng thành một lòng chảo bởi được 4 mặt che chắn. Phía bắc là quần sơn Ngọc Linh cao trên 3.000m; hai dãy núi chạy song song theo hướng bắc nam là đèo An Khê và đèo Mang Yang; phía đông và đông nam có dãy Trụ Lĩnh trùng điệp bao bọc với những dãy núi cao bình quân trên 400m so với mặt nước biển; kế bên đó, con sông Ba và suối Cái làm thành hai chiến hào thiên nhiên bao bọc lấy mặt tây và nam.

Toàn bộ khu vực này một lần nữa lại được bao bọc bởi một vành đai núi non án ngữ ở phía đông gồm dãy đèo An Khê nhiều ngọn núi cao dưới 1.000m, sườn đông dốc đứng cùng với 3 ngọn núi lớn là hòn Bình, hòn Nhược và hòn Tào tạo thành bức tường thành thiên nhiên vĩ đại.

Mặc dù được các bức tường thành thiên nhiên là núi non bao bọc tứ hướng, nhưng từ Tây Sơn thượng đạo theo nhiều con đường xuyên sơn khác có thể đi ra các tỉnh phía bắc bằng hướng sang Kon Tum xuống Quảng Nam, để ra Thừa Thiên - Huế; còn phía nam, sông Ba và các con đường mòn dọc theo các sông, suối tạo thành nhiều đường giao thông thủy bộ quan trọng, nối liền Tây Sơn thượng đạo với vựa lúa Phú Yên và các tỉnh Nam Trung bộ.

Chính địa hình đầy núi non xen kẽ sông ngòi này đã khiến vùng đất linh khí này trở thành mắt xích giữa đồng bằng và cao nguyên. Nghĩa quân có thể tiến công xuống đồng bằng và rút về phòng thủ nhanh chóng.

Để có được đội binh hùng tướng mạnh, ba anh em nhà Tây Sơn thời kỳ đầu đã có những cách thuyết phục người dân khá ngoạn mục. Chuyện rằng lúc mới lên Tây Sơn thương đạo, người nơi đây thấy ba anh em Nguyễn Nhạc còn trẻ tuổi nên không phục.

Trước mặt dân làng, Nguyễn Huệ thách ai nhấc nổi tảng đá trên trăm cân thì làm vua. Không ai nhấc nổi, chỉ có Nguyễn Huệ nhấc lên nhẹ nhàng. Sau đó, Nguyễn Huệ đã cho lấy mật, mỡ viết vào lá cây rừng chữ: “Nhạc làm vua, Huệ làm tướng, Lữ làm quan”. Loài kiến ăn theo đó thủng lá thành chữ. Nguyễn Huệ lại sai người cứ nửa đêm lên núi đốt lửa. Người dân lên xem, tin đó là lời của trời phán, từ đó nghe theo.

Một kỳ công khác là Nguyễn Huệ đã chinh phục đàn ngựa rừng và từ đó thu phục vị tù trưởng. Hồi đó trên núi có đàn ngựa rừng rất hung hãn, thường về phá rẫy nương của đồng bào. Nguyễn Huệ cho lựa trong bầy ngựa nhà một số ngựa cái thật sung sức, thả ra. Cứ đến chiều, ông lại ra gọi bầy ngựa cái chạy về và cho ăn cỏ.

Bầy ngựa rừng lâu ngày thành quen, nhập cuộc với bầy ngựa nhà và sau này, mỗi lần ông gọi cũng theo ngựa nhà chạy đến. Vị tù trưởng thấy Nguyễn Huệ gọi được bầy ngựa rừng, nghĩ rằng đây là người của trời. Từ đó, vị tù trưởng quy phục và ủng hộ lương thảo, binh lính cho nghĩa quân.

Chém rắn tế cờ, rắn ban thanh đao

Tại thôn Thượng An [xã Song An, thị xã An Khê] ngay trên trục quốc lộ 19 có một ngôi miếu nhỏ, người dân gọi là miếu Xà. Tương truyền rằng, năm 1773, khi ba anh em nhà Tây Sơn xuất quân tiến xuống đồng bằng. Khi đến khúc ngoẹo Cây Khế tại đèo An Khê, bất ngờ có một con rắn đen như gỗ mun, to như cột đình ra nằm chặn giữa đường.

Trong hàng ngũ tướng lĩnh và nghĩa quân có người cho rằng đây là điềm gở, đề nghị thâu quân. Nhưng Nguyễn Huệ đã tiến lên, rút kiếm chém đứt đôi con rắn, lấy máu tế cờ và hòa rượu cho binh sĩ uống. Sau đó, Nguyễn Huệ cho người trèo lên cây ké phất cờ và cây cầy gần đó nổi trống làm hiệu tiến binh.

Nguyễn Huệ sở hữu thanh đao huyền thoại nhưng đáng tiếc không có tài liệu mô tả cụ thể về binh khí này

Từ lần xuất quân đó, Nguyễn Nhạc đã lấy được thành Quy Nhơn. Sau khi thắng trận, Nguyễn Nhạc cho lập miếu thờ rắn thần tại ngoẹo Cây Khế, nhưng do thời gian và biến loạn nên người dân đưa miếu Xà về thôn Thượng An. Riêng cây ké và cây cầy, qua thời gian nên hiện không còn dấu tích.

Trong sách “Non nước Bình Định”, nhà thơ Quách Tấn lại kể rằng, một hôm Nguyễn Huệ vâng lệnh Nguyễn Nhạc chỉ huy một đạo tân binh từ Tây Sơn thượng đạo xuống Tây Sơn hạ đạo. Gần đến chân phía tây đèo An khê thì đạo binh vùng thoái lui. Bởi một cặp rắn mun cực kỳ to lớn nằm chặn giữa đường, cổ cất cao như cột nhà cháy và miệng hả to như hai chậu máu tươi.

Mọi người đều kinh hồn và cho là một điềm xấu. Nguyễn Huệ liền xuống ngựa, chắp tay khấn: “Nếu anh em chúng tôi có thể dựng được nghiệp lớn thì xin Xà Thần tránh đường cho quân đi. Bằng mạng số chúng tôi không ra gì thì chỉ xin cắn chết tôi mà tha cho quân lính được sống về cùng vợ cùng con”. Vừa khấn xong thì cặp rắn quay đầu xuống, song song đi trước dẫn đường cho đạo binh.

Khi đến thôn Thượng An thì cặp dừng lại. Một con vào bụi rậm ngậm ra một thanh long đao, cán đen như mun, lưỡi bén như nước. Rồi cả hai ngậm ngang thanh đao, song song bò đến dâng cho Nguyễn Huệ, sau đó biến mất. Thanh đao Nguyễn Huệ dùng đánh giặc là thanh đao của thần rắn dâng. Ðể tỏ lòng tri ân, Nguyễn Huệ lập miếu thờ thần rắn tại nơi dâng đao, người dân gọi là miếu Xà.

Chủ Đề