ca dao, tục ngữ về tri thức kinh nghiệm

Nhân dân Việt Nam ta đã trải qua hàng nghìn năm lao động sản xuất và đã tích lũy được nhiều vốn tri thức quan trọng, đúc rút ra rất nhiều kinh nghiệm phong phú.

Nhân dân Việt Nam ta đã trải qua hàng nghìn năm lao động sản xuất và đã tích lũy được nhiều vốn tri thức quan trọng, đúc rút ra rất nhiều kinh nghiệm phong phú.

Vốn tri thức quý báu đó lại được đúc kết trong nhiều câu nói "ví von văn vẻ" theo lối nói của dân tộc, trong thơ ca dân gian của người Việt từ thuở các vua Hùng dựng nước. Có cả một kho tục ngữ, ca dao về trồng lúa, trồng cây, chăn nuôi, thả cá....

Người nông dân ghi nhớ những điều "dự tính, dự báo thời tiết" chung. Họ còn quan sát các hiện tượng thiên nhiên quanh mình để biết "việc trời", biết mưa, nắng ở địa phương. Thí dụ, nhìn về núi Ba Vì, những người nông dân ở huyện Tam Thanh [Phú Thọ] bên Sông Đà nhớ tới câu: "Lấp mũ mưa mai, lấp đai mưa chiều" [có nghĩa là: Nếu mây phủ kín đỉnh núi Tản thì sẽ mưa vào buổi sáng; mây phủ ngang lưng núi, ắt là sẽ mưa vào buổi chiều; nhà nông trông vào đó mà liệu việc cấy cày thu hoạch].

Nhân dân các huyện đồng bằng Vĩnh Yên [Vĩnh Phúc] thì trông lên núi Tam Đảo, có kinh nghiệm: "Tam Đảo đội mũ, nước lũ sẽ về". [Mây đen phủ kín các chỏm Tam Đảo vào mùa mưa, nước lũ ở núi sẽ đổ xuống...]. Ai có lúa sắp chín thì liệu mà gặt cho mau, nếu không sẽ bị nước ngập mất trắng.

Người ở huyện Lâm Thao cũ [nay thuộc Phong Châu, Phú Thọ] cũng có những câu tục ngữ về mưa: "Cơn mưa đằng ghềnh lấy trành hứng nước". "Đằng ghềnh" là chỉ ghềnh Bà Triệu. Mưa ở phía đó là mưa từ miền núi Thanh Sơn mưa ra, nước sẽ nhiều. "Trành" là một từ địa phương chỉ cái cong, cái vại để đựng nước.

"Cơn mưa đằng ngược chẳng có nước rửa chân". "Đằng ngược" là chỉ thượng lưu sông Thao [Thanh Hòa], các xã từ Ấm Thượng trở lên. Mưa từ hướng này đổ về xuôi ngày càng thưa, tới Lâm Thao chỉ còn một lượng mưa nhỏ và có khi chỉ đến thị xã Phú Thọ là đã tan hết cơn. Nhìn về ngược thấy có cơn mưa to cũng không đáng lo ngại.

Nông dân thuộc các vùng đồi rừng lại có chung một kinh nghiệm: "Mưa tháng Bảy gãy cành trám" [tháng Bảy là tháng mưa ngâu nhiều...]

Còn ở Thanh Sơn, Yên Lập, đồng bào Mường có câu:

"Mây lưỡi trai, ngập hai tháng

Dáng đằng Tây, không mưa dây cũng gió giật".

Nếu như người đồng bằng nhìn chim én bay, chuồn chuồn lượn để dự toán thời tiết, thì người ở miền núi thường theo dõi loài ong. Họ có câu:

"Ong về mần nhiều, liệu chiều kiếm củi

Ong vang làm thấp, bão sấp bão ngửa".

Về cây lúa, nhân dân vùng đất Tổ Hùng Vương có những câu nói về thời vụ, về kỹ thuật, canh tác... trong đó có những câu thoạt nghe thấy khó hiểu, như:

"Đục như bát nước hồ

Trong leo lẻo như tô tượng vàng

Xanh xanh như đám cỏ lan

Đỏ chói như thể thảm vàng trời cho".

Đó là nói về 4 khâu trong quy trình phát triển của canh tác lúa nước: Ruộng đục vì được cày bừa kỹ; lúc cấy thì màu đã lắng xuống lớp bùn làm cho nước lúc này trong veo; chân ruộng lúa con gái xanh tốt; lúa chín vào vụ gặt đẹp như một thảm vàng trải rộng.

Về thời vụ, cây sim cũng là một thứ "Nông lịch" cho người vùng đồi trung du: "Sim có nụ, lúa có đòng". Vào tháng Ba âm lịch, lúc sim có nụ là lúc lúa chiêm đứng cái, có đòng:

Sim ra hoa: Cày ngả

Sim ra quả: Cày cấy

Sim được lấy: Cấy xong

Sim ra hoa vào cuối tháng Ba là cày ngả, tháng Năm sim có quả là lúc cày cấy, tháng Sáu hết mùa sim là cấy xong. Nông dân ở đây thường hay nhìn hoa quả để dự đoán mùa màng:

"Sai sim được mùa lúa gié

Sai mé được mùa lúa chiêm"

"Được mùa quéo, héo mùa chiêm".

Tiếp theo thời vụ, làm đất kỹ là khâu thâm canh quan trọng hàng đầu:

"Cày nông béo trâu, cày sâu tốt lúa

Chiêm thối cỏ, mùa nỏ đất

Lượt ải bằng rải phân..."

Về kỹ thuật làm mạ, có câu: "Chiêm trà, mùa nhí", nghĩa là khi ủ thấy hạt giống lúa mùa mới nứt nanh nhú ra một tý mầm, đem gieo ngay thì tốt, còn hạt giống lúa chiêm phải đợi ra rễ mới được ném.

Thời xưa, người Việt gieo mạ mùa chính vụ vào khoảng đầu tháng Tư âm lịch là đúng nhất. Đến mùng Tám mà chưa được mưa đủ nước làm mạ thì đã lo trễ thời vụ rồi:

"Tháng Tư mồng Tám không mưa

Bỏ cày bỏ bừa mà đi cuốc mương".

Gieo mạ chiêm thì thường gieo vào tháng Chín:

"Lúa trỗ thì ngả mạ,

Vàng rạ thì mạ xuống được".

Thấy lúa mà trổ thì bắt đầu làm đất mạ chiêm; khi thấy rạ lúa mùa chuyển sang màu vàng thì gieo mạ. Tốt nhất là vào giữa tháng Chín: "Muốn ăn cơm trắng [gạo chiêm], ném rạ rằm tháng Chín". Gieo tháng Chín để cấy tháng Chạp là làm đúng thời vụ: "Lúa cấy tháng Chạp, đạp gốc mà gặt".

Lúa tốt chật đất đến nỗi khi gặt không có đất mà đứng, phải đứng lên gốc rạ! Mặc dù ngày xưa trình độ sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, đồng bào Mường ở vùng đất Tổ đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác thủy lợi. Đồng bào đào đắp mương phải đón nước cày bừa, ngâm thóc giống, luôn chăm sóc mạ... để có được thu hoạch tốt đẹp, đem lại ấm no cho bản mường. Tri thức về nông nghiệp của đồng bào còn được ghi lại trong các bài hát... và khúc hát không chỉ cho thấy tri thức sản xuất mà còn cho thấy tinh thần cần cù lao động của đồng bào...

Tuy nhiên, tri thức sản xuất nông nghiệp của người Việt xưa, bên cạnh cái hay, cái đúng, còn có những hạn chế lớn: Kinh nghiệm chủ nghĩa, thiếu cơ sở lý luận khoa học. Vì thế, tìm hiểu tri thức về lao động sản xuất nông nghiệp qua tục ngữ và thơ ca dân gian của người Việt xưa để chúng ta hiểu được sâu sắc hơn hoàn cảnh làm ăn, sinh sống, những kinh nghiệm quý báu của cha ông ta trong lao động sản xuất, dù rằng trong nguồn tri thức xa xưa ấy, đã có những điều không còn thích hợp với nền nông nghiệp hiện đại xã hội chủ nghĩa của chúng ta hôm nay.

[Báo Hà Tây]

Video liên quan

Chủ Đề