Ca sĩ tí hon thanh hà là ai?

Bài & ảnh:CÁT TƯỜNG

“Bonsai” chị và “Bonsai” em

Dù đều đã bước vào tuổi trưởng thành đã lâu song cô chị cũng hệt như cô em, chỉ cao chừng 1,25 m, nặng khoảng 25-26 kg, trông như trẻ mới qua tuổi lên mười. Tuy nhiên, nhìn họ, nhiều người lại liên tưởng đến những cây bonsai: nhỏ nhắn song tính tình chân chất với vẻ đẹp hồn nhiên. Tên thật của “cặp Bonsai” là Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1978, còn em là Nguyễn Thị Hà, sinh năm 1988. Nhưng mới nhìn thoáng qua trông Hằng, Hà giống như một cặp sinh đôi.

Hai chị em tuy vóc dáng bé nhỏ nhưng bù lại có tiếng hát trong sáng, truyền cảm. Khi hai cô cùng song ca bài “Bà tôi” [Nguyễn Vĩnh Tiến], “Để gió cuốn đi” [Trịnh Công Sơn], “Cô Tấm ngày nay” [Ngọc Châu] “Về quê” [Phó Đức Phương] hay “Em đi trên cỏ non” [Bắc Sơn]…, người nghe cảm nhận trong vần điệu luyến láy, ca từ êm dịu, mượt mà có cả một phần tâm hồn của đôi song ca!

Có thể là hồi ức về quê hương của hai cô ca sĩ đặc biệt này ở xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội, một miền quê có nhiều làn điệu dân ca đã “chảy” trong đời sống dân gian từ bao đời nay. Nơi ấy, là mái nhà bình dị với người cha là ông Nguyễn Đức Dục, một cựu chiến binh, từ năm 1969 đến năm 1975 đã tham gia giải phóng miền nam. Mọi người khi nghe Hằng, Hà hát đều nhận thấy, hai cô sở hữu giọng hát trong trẻo, dễ cảm. Cả hai đã từng “mất tự tin” bởi vóc dáng bé nhỏ, đi đâu cũng ngại ngùng. Nhưng chính “chân ngắn” sau này lại là một nét độc đáo không trộn lẫn với bất kỳ ai của Hằng và Hà. Cộng với đó trang phục cả đời thường và biểu diễn của hai cô luôn là tà áo dài nền nã.

Theo lời kể của cả Hằng và Hà, từ khi sinh ra cho đến năm 10 tuổi cả hai đều phát triển bình thường nhưng đến khi vào cấp 2 [trung học cơ sở] cơ thể “dừng” lại, do đó cả hai đều không phát triển thêm nữa cả về chiều cao và cân nặng. Hằng, Hà kể thêm: “Những lần đi biểu diễn, có nhiều cơ hội gặp các bác sĩ Việt Nam và nước ngoài. Các bác sĩ đều nói, có thể do hai chị em bị thiếu tuyến yên nên không phát triển được chiều cao. Trên thực tế hai chị em chưa từng được xét nghiệm hay khám để khẳng định như vậy”.

Đồng cảm với những mảnh đời cơ nhỡ

Cái duyên trở thành ca sĩ đứng trên sân khấu lớn với hai chị em Hằng, Hà hoàn toàn tình cờ. Khoảng 10 năm trước, cả hai vào thăm người thân ở Vũng Tàu, cùng lên hát tại một khu du lịch và được ủng hộ. Sau khi được nhận vào làm tại đây, Hằng, Hà vừa đi hát, vừa âm thầm học vi tính. Rồi hai cô đã gặp được vị ân nhân là nhà thơ Hàn Tấn Quang chủ biên Tạp chí Kiến thức ngày nay. Ông đã đưa chị em Hằng, Hà vào làm văn thư tại tòa soạn ở TP Hồ Chí Minh. Cả hai làm việc với tinh thần hăng say, thao tác nhuần nhuyễn trên máy vi tính trong nhập liệu và đồ họa. Cùng với lịch làm việc và biểu diễn, hai chị em Hằng, Hà sắp xếp thời gian theo học thanh nhạc với nghệ sĩ Thanh Trì [đã mất], cô Kim Tân [Nhạc viện TP Hồ Chí Minh], thầy Trọng Thủy [trung tâm Giai Điệu Việt] nhằm trau luyện giọng hát. Hằng và Hà kể “Người nghe và góp ý cho những ca khúc mà hai chị em thể hiện luôn luôn là nhà thơ Hàn Tấn Quang. Còn chị Thanh Bình là người chỉ dạy cho cả hai cách bè, cách nhả chữ nhấn nhá sao cho ca khúc nghe hay hơn”.

Đôi song ca bonsai khiến ai cũng phải nể phục trước sức làm việc của mình. Ngày làm văn thư, đồ họa. Tối đi hát hay đi học. Cả hai dường như quên đi sự thấp bé và cả khó khăn trong di chuyển, đi lại… Vì niềm vui được hát, bận rộn với công việc đã “cuốn” cả hai vào. Bên cạnh đó, chính sự tiếp sức của cộng đồng đã “truyền” cho đôi song ca nguồn lực sống mạnh mẽ. Họ nói đùa với nhau: “Một cây làm chẳng nên non. Hai cây chụm lại thành cặp song ca tí hon nhất Việt Nam”. Cả hai đã đưa đến công chúng đĩa DVD “Cô Tấm ngày nay” và các CD “Ngày xưa Hoàng Thị”, “Biết yêu khi nào”… Không chỉ hát, Thanh Hằng - Thanh Hà còn vào vai tuồng cổ trong vở “Mê Linh tụ nghĩa”. Nếu năm 2011, tiếng hát của đôi song ca “bonsai” đã “bay xa” nửa vòng trái đất đến với những cuộc đời kém may mắn tại Mỹ, thì giờ đây, hai giọng ca ấy còn đến với đất nước Pháp, Thái-lan…

Vào mỗi dịp Tết Trung thu, hai chị em Hằng, Hà tham gia các chương trình văn nghệ hướng đến những phận đời kém may mắn như hát cho các em tại Làng SOS Gò Vấp [TP Hồ Chí Minh], các chương trình dành cho các bạn học sinh nghèo, khuyết tật, cơ nhỡ, mồ côi như đêm nhạc “Vui hội trăng rằm - Trăng yêu thương” tại UBND huyện Củ Chi [TP Hồ Chí Minh], đêm nhạc “Cho đời chút ơn”… Bởi họ không chỉ sống cho mình mà còn cho những người cùng cảnh ngộ. Hai chị em nói: “Ca hát không chỉ là niềm say mê của chúng em, mà đó còn là đem niềm vui đến với mọi người. Và đỡ đần cha mẹ ở quê nhà”.

Hai chị em Thanh Hằng và Thanh Hà như hai chiếc bóng quấn lấy nhau không rời trên sân khấu cũng như ngoài đời. Thanh Hằng nói: “Một cây làm chẳng nên non. Hai cây chụm lại, thành cặp song ca bé nhất Việt Nam”.

  • Cặp song ca “trẻ mãi không già”

Chị cao 1m25, em cao 1m26

Thoạt nhìn, người ta tưởng Thanh Hằng – Thanh Hà là hai chị em sinh đôi và tuổi còn rất nhỏ. Nói chuyện rồi mới biết, chị năm nay 39 tuổi nhưng chỉ nặng 25kg, cao 1m25; còn cô em 29 tuổi, nặng 26kg, cao 1m26. Hai chị em từng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Đôi song ca chị em ruột có vóc dáng thấp nhỏ nhất Việt Nam” vào năm 2010.

Nói về thân hình “hạt tiêu” đặc biệt này, Thanh Hằng ví chị em cô giống như cây bonsai, “có lớn mà không có cao thêm”. Trước đây, cha của hai cô từng tham gia kháng chiến ở chiến trường miền Nam. Sau này về quê, ông lập gia đình với một người hoàn toàn mạnh khỏe. 

Thế nhưng 3 trong số 5 đứa con mà vợ chồng ông sinh ra, lúc đầu cũng giống như những đứa trẻ khác nhưng không hiểu tại sao càng ngày càng không thấy con phát triển về chiều cao. Khi đi khám, các bác sĩ chẩn đoán rằng, có khả năng họ bị đột biến gen bởi ảnh hưởng chất độc da cam.

Nhắc lại cơ duyên dẫn tới nghiệp cầm ca, hai chị em nói rằng, họ đã đi một chặng đường rất dài, trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, vất vả. Không chỉ hát trên sân khấu lớn, quyết định xa nhà vào Nam lập nghiệp, hai chị em còn dắt tay nhau đi qua một vòng Trái đất thực hiện đam mê của mình.

Hai chị em Thanh Hằng – Thanh Hà.

Truyền thống gia đình không có ai làm nghệ thuật. Có người mẹ biết hát nhưng cũng chỉ hát phụ họa cho người ta múa thôi. Thế nhưng chẳng hiểu sao hết cô chị, rồi đến cô em, lớn lên một chút lại mê ca hát. 

Hai chị em rủ nhau tham gia các chương trình văn nghệ của trường và địa phương rồi theo đoàn văn nghệ hát ở một số tỉnh phía Bắc cho tới khi bước chân vào con đường hoạt động chuyên nghiệp.

Trong một lần tình cờ vào Bà Rịa – Vũng Tàu chơi nhà người dì, hai chị em quyết định xin cha mẹ ở lại đây và chọn cách mưu sinh bằng việc đi hát ở các quán café. Thời gian đầu cũng nhiều mệt nhọc lắm, nhất là với vóc dáng không giống người khác như vậy. 

Nhưng sau đó cũng may mắn, Hằng và Hà xin được biểu diễn thường xuyên ở Khu Du lịch sinh thái Phú Mỹ Phương [Bà Rịa - Vũng Tàu], cũng đủ để hai chị em trang trải cuộc sống. 

Khoảng nửa năm sau đó, hai chị em được một người mời lên TP Hồ Chí Minh để ca hát và sinh sống. Hai chị em suy nghĩ và đồng ý chuyển lên sinh sống ở TP Hồ Chí Minh từ đó đến giờ.

Từ năm 2009 đến nay, nhất là sau khi được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận, Thanh Hằng – Thanh Hà nhanh chóng trở thành cặp song ca được nhiều khán giả biết đến. Với lối trình diễn đáng yêu trong tà áo dài truyền thống, cộng với chất giọng trong trẻo, mềm mượt khi hát những ca khúc mang âm hưởng dân ca, trữ tình, quê hương, hai chị em đã tạo được những ấn tượng đẹp với công chúng.

Năm 2011, anh Thành Lễ, một trong những người khởi xướng nhóm thiện nguyện “Ngọc trong tim” mời hai chị em đóng vai hai người cháu của bà trong video “Bà tôi” rồi được anh mời qua Mỹ biểu diễn. Lúc nhận được lời mời, hai chị em làm hồ sơ chuẩn bị,  nhưng cũng không tin lắm. Bởi trước đó đã có nhiều lời mời đi đây đi đó nhưng rốt cuộc họ hứa rồi để đó, lời hứa chỉ là lời hứa thôi. 

Năm 2012, Hằng lại bị tai nạn, gãy chân nên mọi thứ bị gián đoạn. Tuy nhiên, đến giữa năm 2014, lời hứa này cũng trở thành sự thực. Được sự bảo lãnh của nhóm “Ngọc trong tim”, hai chị em chính thức xuất ngoại lần đầu tiên.

Khi qua Mỹ, cảm giác đầu tiên là cái gì cũng to lớn, lạ lẫm, hai chị em thì quá bé nhỏ. Thanh Hà kể lại, ngay cả khi đang ngồi trên máy bay để qua Mỹ, hai chị em vẫn không tin được. Cả hai đâu có nghĩ sẽ có một ngày, mình có cơ hội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đâu. Trước đó, Hằng – Hà đi vào Bà Rịa – Vũng Tàu, rồi sau đó là TP Hồ Chí Minh đã xa lắm rồi. Giờ lại còn qua Mỹ, rõ ràng đó là một niềm hạnh phúc không tưởng đối với chị em cô.

Ngày sắp đi, mẹ bảo: “Sao 2 đứa mày bạo thế? 2 chị em bé tí xíu, không quen ai mà dám đi qua nửa vòng Trái đất”. Hai chị em bé thế, đi xa thế mà không sợ ư? 

Thanh Hằng bảo, lúc đó chị em cô cũng không hiểu mình lấy đâu ra sức mạnh đó. Nói dạn cũng đúng. Nói liều cũng chẳng sai. Nói hai chị em không có gì để mất cũng không hẳn, chỉ là mình đặt niềm tin vào họ quá lớn. Hơn nữa, trước hai chị em, chị Thủy Tiên, anh Thế Vinh [cũng là hai nghệ sỹ khuyết tật] dưới sự bảo lãnh của họ, đã từng đi và trở về nguyên vẹn. Nếu ngày xưa ở quê, hai chị em không dám mơ ước; nay có cơ hội, tại sao lại không mơ. Mơ có mất gì đâu?

Được đứng trên sân khấu để hát, giờ đây lại còn được đi đây đi đó biểu diễn. Thanh Hằng bảo, nhiều người bình thường hát hay, hát tốt còn chưa chắc có cơ hội đứng trên sân khấu lớn. Nhiều người chân dài còn không có show, nói gì chân ngắn như hai chị em cô. Vì vậy, hai chị em tự nhận mình là những người may mắn.

Dường như những thua thiệt trong cuộc đời này đã được bù đắp phần nào. Cả hai biến nỗi tổn thương thành sức mạnh, thành lợi thế để được làm điều mình muốn làm. Cô em Thanh Hà giãi bày, giọng hát chưa thể gọi là xuất sắc nhưng hai chị em hát truyền cảm. 

Hơn nữa, hình ảnh Thanh Hằng – Thanh Hà với tà áo dài hát nhạc quê hương, trữ tình trên sân khấu, người ta nhớ rất lâu. Chỉ cần gặp một lần là người ta nhớ mãi. Có lẽ vì người ta thương hai chị em có chút xíu mà tự mình bôn ba khắp nơi để thực hiện ước mơ của mình nên đi đến đâu, hai chị em cũng nhận được sự ủng hộ và động viên rất lớn.

Tôi hỏi, hiện tại, hai chị em sống được bằng nghề không? Thanh Hằng cho biết, một tháng 4-5 sô diễn, như vậy cũng đủ sống, cát-sê đủ trang trải phí sinh hoạt ở TP Hồ Chí Minh. Thậm chí, có tháng “có chút đỉnh” gửi về giúp bố mẹ.

Cặp song ca nhí vào vai hát tuồng cổ.

Biến thiệt thòi thành sức mạnh, theo đuổi đam mê

Dòng nhạc chính mà Thanh Hằng và Thanh Hà theo đuổi là dân ca, trữ tình – quê hương. Chị em cô cũng yêu chất nhạc đó vì trong đó có hình ảnh quê hương, cha mẹ, những người thân yêu của mình. Hai chị em hát đến đâu, có cảm tưởng quê hương mình ở đó, cha mẹ mình ở đó, bạn bè, người thân mình ở đó. Nó cũng hợp với tạng của cả hai bởi lẽ, Hằng - Hà sinh ra đã hát nhạc quê hương rồi.

Thỉnh thoảng, hai chị em cũng thử sức hát nhạc trẻ, quan họ, cải lương, vọng cổ… Năm ngoái, nhóm “Ngọc trong tim” làm chương trình liveshow thứ 6, 2 chị em còn thử sức với hát tuồng cổ, vào vai hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị hồi còn trẻ. So với hát nhạc trữ tình, hát tuồng là trải nghiệm vô cùng khó. Thế nhưng, hai chị em cảm và học rất nhanh. Trong một tuần đã học thuộc lời rồi. Tiết mục dài hơn 9 phút của hai chị em được khán giả nhiệt liệt hưởng ứng, khen ngợi.

Đến nay, cặp song ca “nhí” từng ra một album DVD tên là “Cô tấm ngày nay” gồm 8 ca khúc: Chuyến đò quê hương [Vy Nhật Tảo], Cô tấm ngày nay [Ngọc Châu], Lòng mẹ [Y Vân], Ngẫu hứng lý ngựa ô [Trần Tiến], Tình thắm duyên quê [Trúc Phương], Em đi trên cỏ non [Bắc Sơn], Về quê [Phó Đức Phương], Bà tôi [Nguyễn Vĩnh Tiến]. Ngoài ra, còn thực hiện một số CD như “Ngày xưa Hoàng Thị”, “Biết yêu khi nào?”, “Đóa sen trái tim”… Sắp tới, hai chị em đang dự định ra mắt một album bolero.

 
Hai chị em ở sân bay, chuẩn bị sang nước ngoài biểu diễn.

Ở thời buổi này, ngay cả những người nổi tiếng làm album còn lỗ. Vậy mà hai chị em chơi trội ư? “Bao nhiêu tiền nhận được từ việc đi hát, hai chị em dồn tất cả làm album. Ai cũng hỏi Hằng - Hà mua được mấy căn nhà rồi. Hỏi hai chị em làm được mấy cái album thì còn biết trả lời chứ hỏi vậy thì khó quá. Hiện tại, Hằng – Hà vẫn đang ở nhà thuê. 

Có người lại hỏi, sao không tập trung mua nhà? Tại sao lại phải mua nhà? Hai chị em nhỏ xíu, ở cũng chỉ hết có một góc nhà. Quần quật làm việc để mua nhà, cuối cùng được cái gì? 

Thay vào đó, tập trung làm album, giới thiệu tới khán giả. Nếu mình đam mê nghệ thuật, nên để lại một sản phẩm nào đó”. Thanh Hằng nói, chị em cô chỉ muốn để lại cho khán giả một sản phẩm nào đó, để lại cho chính mình một điều thú vị nào đó, để sau này già nua còn có thứ mà nhìn lại, để thấy những ngày này đáng sống và không có nuối tiếc.

Trong cuộc sống, ai cũng có lúc buồn lúc vui, nhưng từ lâu, hai chị em không còn tự ti về chính mình.  Ngày xưa, không dám nói tuổi thật, cảm thấy ngại khi người ta cứ nhìn vào mình. Nhưng từ khi vào Nam, quen nhiều bạn, được đi hát nhiều nên hai chị em cũng sống vô tư. Bây giờ nếu có ai đó hỏi tuổi, Hằng sẽ không ngại ngần khi nói chị 39 tuổi, Hà cũng sẽ tự tin mà bảo cô 29 tuổi.

Một người là chân phải, người kia sẽ là chân trái. Hai chị em như hai chiếc bóng quấn lấy nhau không rời. Cùng ăn, cùng ngủ, cùng đi chơi, cùng đi mua sắm, cùng hát trên sân khấu. Người ta nói nghệ sỹ có hai cuộc đời. Một cuộc đời trên sân khấu và một cuộc đời khi sân khấu khép màn. Tôi không biết Thanh Hằng có phải là định mệnh của Thanh Hà không, và ngược lại? Chỉ biết, cặp song ca tí hon này cất tiếng hát của mình lên, chúng ta thấy cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp để hướng tới và sống vì nó.

Cốc Vũ

Video liên quan

Chủ Đề