Cách móc đập Ukulele

Hẳn các bạn cũng biết, khi chơi ukulele, các bạn sẽ phải phối hợp cả 2 bàn tay trái và phải. Tay trái sẽ chịu trách nhiệm Bấm Phím, còn tay phải sẽ thực hiện Các Cú Gảy khiến cho dây đàn dao động tạo ra nốt.
Hầu hết những người mới bắt đầu đều quan tâm tới cách sử dụng tay trái trước, họ sẽ chú tâm vào việc làm sao bấm được hợp âm này, hợp âm kia, nốt đồ ở đâu, nốt rê ở chỗ nào Nhưng họ quên mất rằng tay phải mới là tay gảy cho dây đàn dao động tạo âm thanh, nếu không luyện tập tay phải thì dù bạn có bấm đúng nốt, đúng hợp âm, âm thanh phát ra cũng rất tệ, khiến người nghe cảm thấy khó chịu. Vậy nên hãy dành thời gian cùng mình luyện tập bàn tay phải thật tốt, ngay từ những bước đầu tiên nhé:

#1. Gảy Đàn Bằng Móng Tay Hay Bằng Thịt

Trước tiên mình sẽ dành chút thời gian giải đáp 1 thắc mắc mà nhiều người quan tâm đó là chúng ta nên gảy đàn bằng móng tay hay bằng thịt. Trước khi trả lời câu hỏi này thì mình sẽ chỉ cho bạn rõ âm thanh được gảy bằng móng và bằng thịt khác nhau như thế nào đã:
Gảy đàn bằng móng tay: âm thanh phát ra khỏe, tiếng đàn tươi sáng và sắc sảo.
Gảy đàn bằng thịt: âm thanh phát ra yếu, tiếng đàn hơi tối, nhưng bù lại thì rất ấm áp.
Tùy thuộc vào cảm nhận âm nhạc của mỗi người mà lựa chọn cho bản thân việc nuôi móng tay, hay không. Còn nếu bạn đang thắc mắc mình gảy đàn bằng móng hay bằng thịt, thì câu trả lời là mình thích kết hợp cả 2. Tức là mình sẽ nuôi chỉ một ít móng tay thôi, sao cho khi mình gảy, dây đàn sẽ trượt qua thịt sau đó trượt tới móng. Như vậy tiếng đàn sẽ rất êm, mà không bị yếu và tối quá.

Để móng hay không để móng tay khi gảy đàn ukulele

#2. Cách Gảy Dây Đàn

Bàn tay phải sẽ sử dụng 4 ngón tay để gảy dây và được ký hiệu như sau: ngón cái [p], ngón trỏ [i], ngón giữa [m] và ngón nhẫn [a], riêng ngón út không sử dụng để gảy dây. Khi gẩy dây các bạn nhớ chú ý đến 2 yếu tố chính giúp hình thành nên âm thanh của cây đàn đó làGócLực. Cách bạn kết hợp 2 yếu tố trên sẽ tạo ra đặc trưng riêng có trong tiếng đàn của bạn.

* Trước tiên chúng ta sẽ cùng nhau phân tích yếu tố Góc Đánh
Theo cấu tạo của bàn tay thì Góc Đánh của ngón cái và các ngón còn lại là khác nhau:

Ngón Cái: để gảy đàn bằng ngón cái, bạn hãy đặt ngón cái ở 1 góc nghiêng 45 độ so với dây đàn, sau đó thực hiện 1 cú đánh từ trên xuống. Góc nghiêng 45 độ này là góc đẹp nhất khiến cho dây đàn dao động theo phương thẳng đứng, giúp tạo ra âm thanh sạch sẽ và đầy đặn.
.Lưu ý:Khi mình quan sát các bạn mới bắt đầu gảy đàn, rất nhiều bạn không thực hiện cú đánh từ trên xuống dưới, mà lại dùng ngón cái để móc dây từ trong ra ngoài. Đây là điều tối kỵ khi gảy đàn bằng ngón cái, vì nó sẽ khiến dây đàn dao động theo phương vuông góc với mặt phím, dẫn đến đập vào phím đàn gây ra những âm thanh Bẹp Bẹp rất đau tai.

Bạn đặt ngón cái ở 1 góc nghiêng 45 độ so với dây đàn, sau đó thực hiện 1 cú đánh từ trên xuống

3 Ngón Còn Lại: không giống như ngón cái, để gảy được dây đàn với các ngón trỏ, giữa và nhẫn thì bạn phải sử dụng động tácMóc Dây. Lấy ví dụ với ngón trỏ thì bạn hãy hình dung Cú Móc Dây được thực hiện như sau: đầu tiên bạn Duỗi ngón trỏ thẳng ra, sau đó bạn Co ngón trỏ hướng vào lòng bàn tay phải. Trên quãng đường co ngón, ngón trỏ của bạn sẽ trượt qua dây đàn và khiến dây đàn dao động tạo thành tiếng. Và bạn cũng ghi nhớ là bạn phải điều chỉnh cổ tay sao cho khi ngón trỏ chạm vào dây đàn thì Góc Móc này cũng cũng phải nghiêng 45 độ so với dây đàn nhé. 45 độ là góc nghiêng giúp tạo ra tiếng đàn đẹp nhất. Có rất nhiều bạn xoay cổ tay quá nhiều khiến cho ngón trỏ gần như móc vuông góc với dây đàn, dẫn đến tiếng đàn bị mỏng dẹt rất xấu.

Tư thế Móc Dây Đàn ukulele của ngón trỏ, giữa và nhẫn

* Bây giờ chúng ta sẽ cùng bàn đến yếu tố Lực Gảy
Bạn gảy dây với lực mạnh hay nhẹ? Với mỗi cường độ lực khác nhau, âm thanh tạo ra là khác nhau, lực càng mạnh âm thanh càng to và dầy, và ngược lại. Khi tập gảy, bạn cố gắng chơi với lực mạnh nhất và lực nhẹ nhất có thể, sau đó tìm ra điểm âm thanh cân bằng khiến tai bạn cảm thấy dễ chịu. Ghi nhớ cảm giác âm thanh đó, để sau này não bộ có thể điều khiển ngón tay sử dụng một lực vừa đủ giúp tạo ra 1 tiếng đàn khiến tai bạn chấp nhận được.
Hãy ghi nhớ rằng khi bạn gảy dây, dây đàn sẽ dao động, nhưng với một lực tác động quá mạnh sẽ khiến cho dây đàn văng quá quỹ đạo dao động cho phép gây ra những âm thanh rè ồn khó chịu. Những âm thanh xấu này cũng xuất hiện khi mà bạn chọn Góc Gảy Đàn không chính xác.

#3. Bài Tập Gảy Dây

Ok, lý thuyết quá nhiều rồi, bây giờ phải thực hành thôi, bộ môn nhạc cụ này là không thể lý thuyết xuông mà thành tài được đâu. Mình sẽ đưa cho bạn 1 bài thực hành tay phải cơ bản nhất, giúp bạn nhanh chóng tạo được cảm giác gảy đàn tốt. Bài tập như sau:
Đầu tiên các bạn sẽ phân công nhiệm vụ cho các ngón tay: ngón cái gảy dây 4, ngón trỏ gảy dây 3, ngón giữa gảy dây 2 và ngón nhẫn gảy dây 1.
Tiếp đến các bạn gảy dây lần lượt theo thứ tự: ngón cái ngón trỏ ngón giữa ngón nhẫn sau đó tiếp tục lặp lại theo thứ tự đó. Mỗi lần tập các bạn tập liên tục trong khoảng 5 phút mới dừng lại nhé.
Ở những lần đầu tập luyện thì mắt bạn có thể nhìn vào tay phải để xác định được đúng dây phải gảy, tránh việc các ngón tay gảy nhầm dây. Nhưng khi đã quen rồi, tức là các ngón tay đã có thể ghi nhớ dây đàn được phân công của nó, thì các bạn hãy đừng nhìn vào tay phải nữa mà gảy dây theo cảm nhận của ngón tay thôi. Làm được điều này sẽ giúp bạn cảm thấy tự do hơn khi chơi đàn, tức là bạn có thể nhắm mắt và phiêu theo những giai điệu trong đầu, trong khi ngón tay của bạn vẫn thực hiện đúng những gì mà bạn yêu cầu, mà không phải nhìn chằm chằm vàotừng ngón.

Bài luyện tập tay phải để gảy đàn ukulele

* LỜI KẾT
Cuối cùng thì mình muốn nhắc lại rằng khi chơi đàn là bạn sẽ phải dùng cả 2 tay, nên đừng quá chú trọng vào tay trái mà bỏ quên luyện tập tay phải nhé. Với một nền tảng kỹ thuật tay phải tốt thì tiếng đàn bạn phát ra sẽ cực kỳ đẹp và thu hút người nghe đấy. Nhớ dành thời gian luyện tập tay phải thường xuyên để xây dựng 1 tiếng đàn đẹp

Video liên quan

Chủ Đề