Cách viết giờ tiếng Việt

Trong số các danh từ chỉ thời gian, chúng ta có ba từ giờ, phút, giây dùng để chỉ các chiết đoạn thời gian chính xác trong ngày. Vấn đề được đặt ra là: Phải chăng các từ: giờ, phút, giây trong cách nói giờ của người Việt thoả mãn đầy đủ mô hình cấu trúc nêu trên về cả hai phương diện ngữ pháp ngữ nghĩa?

1. Nhìn chung, cách định lượng thời gian trong tiếng Việt là x + D, trong đó x là các từ chỉ số lượng; ví dụ như:

[1] a. Ba giờ, sáu phút; năm ngày; sáu tháng; hai năm

b. Những năm đói kém; mấy tháng học tập

và cách định vị là D + y, trong đó y là các từ chỉ định [này, nọ, kia, ấy], số từ [một, hai, ba] hoặc cả các từ chỉ can chi [tí, sửu, dần, mão...; canh, tân, nhâm, quý, ví dụ như:

[2] a. Giờ này; ngày nọ; tháng kia

b. Ngày 5; tháng 6; năm 2006.

c. Giờ ngọ; ngày thìn; năm bính tuất

xem xét khả năng kết hợp với x hoặc y của ba danh từ giờ, phút, giây có thể nhận thấy rằng:

- Về định lượng, cả ba danh từ này đều có khả năng kết hợp với các từ chỉ số lượng như bao danh từ chỉ thời gian khác.

- Về định vị, cả ba danh từ này cũng đều có khả năng kết hợp với các từ chỉ định. Riêng định vị bằng các từ chỉ can chi trong ba từ giờ, phút, giây, chỉ thấy từ giờ mới có khả năng đó [Ví dụ: giờ ngọ; giờ nhâm thìn].

Tuy nhiên, khi định vị bằng số từ thì trật tự D + y không còn hiệu lực nữa.

Người ta nói:

[3] a. [Chớ đi] ngày bảy, [chớ về] ngày ba.

b. [Thanh minh trong tiết] tháng ba

c. Vào tháng 11 năm 2006, Việt Nam sẽ gia nhập tổ chức WTO.

Và nói: d. [Xe chạy lúc] bảy giờ.

Chứ không nói: e. [xe chạy lúc] giờ bảy.

So sánh với cấu trúc định lượng x + D [Anh ấy làm việc tại nhà máy 7 giờ một ngày] thì các nói bảy giờ 3 d trên đây là một hiện tượng chập cấu trúc, trong đó x và y có cùng vị trí xuất hiện [x/y + D]. Bởi vì 7 giờ có thể hiểu là thời lượng [trong bảy giờ đồng hồ] hoặc thời điểm vào lúc bảy giờ tuỳ thuộc từng ngữ cảnh. Như vậy, khi định vị hoặc định lượng bằng số từ thì các từ đang bàn đã đánh mất đi sự đối lập của x và y trong cấu trúc của danh ngữ chỉ thời gian. Nếu cần làm rõ ý nghĩa định vị của số từ đứng trước D, người ta có thể thêm vào trước cấu trúc này một trong các từ ngữ như lúc, hồi, vào lúc, vào hồi; và nếu cần làm rõ ý nghĩa định lượng, người ta có thể thêm vào trước cấu trúc này một trong các từ ngữ như trong, suốt, trong suốt

2. Tại sao trong tiếng Việt có hiện tượng chập cấu trúc này? Phải chăng trong quá trình phát triển, tiếng Việt đã chịu ảnh hưởng và tiếp nhận cách nói giờ của một ngôn ngữ nào khác? Đối chiếu với các ngôn ngữ có quan hệ tiếp xúc lâu dài với tiếng Việt như tiếng Hán, tiếng Pháp, ta thấy cách nói giờ của các ngôn ngữ này có tình hình như sau:

Ở tiếng Hán, định vị và định lượng thời gian đều theo cách nói thống nhất là: số từ bao giờ cũng đứng trước danh từ chỉ đơn vị thời gian và tuỳ theo ngữ cảnh mà hiểu số từ ấy có chức năng định lượng hay định vị.

Ví dụ:

[4] a. Nhất nhật bất kiến như tam thu hề.

[Một ngày không được gặp nhau dài như ba mùa thu vậy]

b. Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu [Lý Bạch]

[Vào tháng ba hoa nở, xuôi về Dương Châu]

c. Bính tuất niên, bát nguyệt, tam thập nhật, Nhâm tí thời.

[Năm Bính tuất, tháng tám, ngày 30, giờ Nhâm tý].

d. Kim thiên 2006 niên 11 nguyệt 2 nhật

[Hôm nay ngày 2 tháng 11 năm 2006]

e. Hiện tại 7 điểm 5 phân.

[Bây giờ là 7 giờ 5 phút]

Ở 4a, số từ [nhất, tam] có chức năng định lượng; còn ở 4b, 4c, 4d và 4e, số từ [tam, bát, tam thập...] và các từ chỉ can chi [bính tuất, nhâm tý] có chức năng định vị. Các ví dụ trên cho thấy tiếng Việt và tiếng Han tuy có quan hệ với nhau lâu đời nhưng cách định vị và định lượng thời gian trong hai ngôn ngữ này có khác nhau: Trong tiếng Hán, yếu tố định vị luôn luôn đứng trước D; còn trong tiếng Việt, yếu tố ấy đứng sau D, ngoại trừ ba từ giờ, phút và giây khi chúng được định vị bằng số từ.

Ở tiếng Pháp, định vị và định lượng bằng số từ cũng có nét tương đồng với tiếng Hán: Số từ luôn đặt trước D. Nhưng do là ngôn ngữ thuộc loại hình hoà kết, tiếng Pháp phân biệt định vị và định lượng thông qua sự biến đổi hình thái của từ:

[5] a. Elle travaille six jours par la semaine.

[Cô ấy làm việc 6 ngày mỗi tuần]

b. C est au sixième jour qu elle habite cette maison.

[Đấy là ngày thứ sáu cô ấy ở nhà này]

c. Jeudi est le quatrième jours de la semaine.

[Thứ năm là ngày thứ tư trong tuần]

Tuy nhiên, khi định vị thời gian bằng các từ heure [giờ], minute [phút], seconde [giây], ở tiếng Pháp lại có tình hình giống tiếng Việt: hiện tượng chập cấu trúc. Tiếng Pháp dùng số từ chỉ số đếm [numéraux cardinaux] để định lượng hoặc định vị thời gian tuỳ ngữ cảnh.

[6] a. Il est 7 heures [Bây giờ là bảy giờ]

b. Chaque jour comprend 24 heures [Mỗi ngày có 24 giờ]

Qua các cứ liệu phân tích ở 2.2.1, chúng tôi suy nghĩ và xin đưa ra mấy nhận định như sau:

- Trong quá trình phát triển và tiếp xúc lâu dài với tiếng Hán, tiếng Việt đã chịu ảnh hưởng và tiếp thu khá nhiều các yếu tố ngoại lai từ ngôn ngữ này. Tuy nhiên, có thể nói rằng tiếng Việt đã không tiếp thu cách nói giờ của người Hán. Bởi lẽ, đã gần hai ngàn năm trôi qua, kể từ những năm tháng đầu tiên tiếp xúc với người Hán, người Việt nói chung, đã cứ vẫn định vị thời gian theo cách riêng của mình: D + y. Chẳng hạn: Năm Bính Tuất; ngày 7; tháng ba; giờ Dần

- Từ khi tiếp xúc với người châu Âu, với chiếc đồng hồ du nhập từ phương Tây, người Việt đã thay đổi cách nói giờ: Định vị giờ phút theo cấu trúc y + D. Chẳng hạn: Bây giờ là 9 giờ 10 phút 5 giây.

3. Tóm lại, cách thưc định lượng và định vị thời gian trong tiếng Việt nói chung từ lâu đã đi theo con đường phân định rạch ròi có sự đối lập nhau về vị trí trong cấu trúc của ngữ danh từ: x + D + y [trong đó x = từ định lượng; y = từ định vị]. Thế nhưng, cách nói với giờ, phút, giây hiện nay của tiếng Việt lại là một hiện tượng chập cấu trúc: x/y + D; sự đối lập vị trí của x và y đã bị xóa bỏ một cách đáng tiếc. Phải chăng đó là kết quả tiếng Việt đã chịu ảnh hưởng lai tạp cách nói giờ của tiếng Pháp [hoặc các ngôn ngữ phương Tây khác] khi người Việt có sự giao lưu tiếp xúc với người phương Tây, đặc biệt qua gần một trăm năm Pháp thuộc?

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Xuân Giao, Văn phạm Anh văn. Nxb Thái Dương, Sài gòn, 1964.

2. Học viện ngôn ngữ Bắc Kinh, 301 câu đàm thoại tiếng Hoa, tập 1, 2 và 3 [biên dịch: Đạt Sĩ]. Nxb Thanh niên, 2004.

3. Nguyễn Quốc Dũng, Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục, 1998.

4. Nguyễn Quốc Dũng, Đặc điểm ngữ pháp ngữ nghĩa của các danh ngữ chỉ thời gian trong tiếng Việt. Thông báo khoa học, Trường ĐHSP Huế, số 1/ 2003, tr 5.

5. Nguyễn Văn Tạo, Văn phạm tiếng Pháp giản yếu. Nxb Tuấn Tú, Sài Gòn, 1964.

6. L. M. Pulkina, A short Russian reference grammar. Russian Language publishers, 1978.

Video liên quan

Chủ Đề