Cách xưng hô thời phong kiến Việt Nam

Bàn về tính dân tộc trong tiểu thuyết và phim lịch sử [Nhân đọc Sắc đẹp khuynh thành - Trần Thị của Kiều Thanh Tùng].

Gần đây khi bàn về việc làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long [Thái tổ Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ], nhiều chuyên gia phát biểu trên các phương tiện truyền thông rằng: thời Lý-Trần không biết người ta ăn mặc thế nào? Xưng hô ra sao? Thành trì, cung điện hình dáng cụ thể thế nào? Một số người tranh luận về việc người Việt ngày ấy thường cưỡi thuyền hay ngồi xe ngựa?Rằng không có tư liệu để xác định chi tiết những thứ đó. Cách thường làm là các tác giả tra cứu tài liệu của người Trung Quốc hoặc người Việt thời Lê - Nguyễn rồi suy ra rằng người Việt thời Lý - Trần cũng na ná như thế. Theo tôi cách làm này không ổn vì nước Việt thời Lý - Trần khác xa với nước Việt thời Lê - Nguyễn: Thời Lê - Nguyễn, Nho giáo là thống trị nhưng thời Lý - Trần, Phật giáo là thống trị. Xã hội Nho giáo dĩ nhiên phải khác xã hội Phật giáo.



Tình cờ đọc tiểu thuyết lịch sử Sắc đẹp khuynh thành - Trần thị của Kiều Thanh Tùng, tôi thấy trong cuốn sách có nhiều đổi mới này, tác giả đã xử lý các vấn đề trên khá độc đáo và hợp lý. Cụ thể là:

Về giao thông: Kiều Thanh Tùng cho rằng người Việt ngày ấy chủ yếu dùng đường thủy. Quân đội Việt trong Sắc đẹp khuynh thành - Trần thị được mô tả là thủy quân lục chiến, cơ động bằng thuyền rồi đổ bộ chiến đấu. Người và ngựa đều xuống thuyền. Kiều Thanh Tùng còn tả cảnh võ sỹ cưỡi trâu chiến đấu, cũng độc đáo vì con trâu là biểu tượng của nước Việt ta. Lại có cảnh hai tướng cưỡi thuyền đơn đấu võ trên mặt sông, một tay lái thuyền một tay đánh kiếm, cũng lạ, có chất phương Nam, không thấy trong sách Tây sách Tàu.

Dùng giao thông thủy cũng hợp với quan điểm của nhiều sử gia ngày nay: Nước ta ở phương Nam, trồng lúa nước, sông ngòi chằng chịt nên đường thủy là nhanh và rẻ nhất. Có lẽ thế, cách đây 25 - 30 năm, ở Hà Nội, vùng quận Hai Bà hay vùng Láng Hạ, Định Công vẫn thấy hồ ao kênh rạch chi chít.
Về trang phục: Kiều Thanh Tùng lấy tranh Đông Hồ làm cơ sở. Anh nói: Thứ nhất, Việt phải khác Hán, dĩ nhiên. Ngày xưa chưa có truyền hình vệ tinh hay Internet nên bản sắc vùng miền rất đậm. Giữa hai tỉnh, thậm chí hai huyện ăn mặc, giọng nói đã khác nhau, huống chi tận nước Việt với nước Trung Quốc. Thứ hai, nước ta ở phương Nam nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, ăn mặc lòe xòe như người Hán vừa nóng bức khổ sở, vừa tốn vải vô ích: Ngày xưa chưa có sợi tổng hợp, chưa có máy dệt nên vải rất đắt. Mặc đồ ngắn mỏng vừa đỡ tốn kém, dễ giặt dễ phơi, vừa khoe được vẻ đẹp cơ thể. Kiều Thanh Tùng cho rằng bộ áo giáp của người Việt xưa có lẽ hơi giống với bộ giáp của người La Mã khi họ đi đánh phương Nam: Một phần đùi và cánh tay để trần cho đỡ nóng và dễ cử động, trông lại rất đẹp mắt.

Kiều Thanh Tùng là một người nghiên cứu tự do, anh nói anh nghiên cứu không hướng theo chuyên ngành, bằng cấp hay danh hiệu nào mà nghiên cứu theo sở thích. Sở thích của Tùng trải rộng từ phương Đông đến phương Tây, từ cổ đại đến hiện đại nên anh đã nghiên cứu nhiều thứ, từ đạo Phật đến đạo Chúa, từ thiền học đến võ thuật, từ tâm lý học đến tình dục học Nhưng tựu trung, anh thích nghiên cứu về con người: con người làm nên tất cả, có mặt trong tất cả: lịch sử, chính trị, quân sự, kỹ thuật, nghệ thuật, tình yêu

Về cách xưng hô, ngôn ngữ: Kiều Thanh Tùng lấy ca dao làm cơ sở. Khác với nhiều tiểu thuyết lịch sử khác, trong Sắc đẹp khuynh thành - Trần thị, nhân vật thường xưng hô với nhau bằng những từ thuần Việt: mày tao, anh tôi Thỉnh thoảng họ cũng xưng hô theo kiểu Hán: ta ngươi, thần trẫm Nam nữ yêu nhau thì xưng là anh em. Tùng dẫn chứng ca dao cổ:

Hôm qua tát nước đầu đình
Để quên cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin

Tùng nói theo sử chép thì thời Lý Thái Tông, các quan không nói với vua rằng Thưa bệ hạ! mà nói rằng Thưa triều đình!. Thời Lý Cao Tông người ta lại gọi vua là Thưa Phật!. Vua Lý Thánh Tông thì không tự xưng là trẫm mà xưng là vạn thặng Tùng nói không nên quá câu nệ về sự chính xác của xưng hô, câu chữ ngày xưa vì sẽ gây mệt mỏi cho người xem ngày nay.

Kiều Thanh Tùng nói ngôn ngữ hay áo quần, hay kiến trúc thay đổi theo thời gian, nó như những thứ mốt, bao giờ người ta thấy cũ, không gây được cảm hứng nữa thì người ta thay đổi nó. Quần áo thì chán kiểu rộng thụng lại đổi sang kiểu bó chẽn, chán kiểu dài thướt tha lại đổi sang kiểu ngắn cũn cỡn Mỗi kiểu mỗi vẻ đều đẹp cả, miễn là nó xuất hiện đúng lúc. Về câu chữ: người ta thường thích đổi mới ý nghĩa của từ ngữ, nhất là lớp thanh thiếu niên [chúng ta có thể thấy sự đổi mới trong ngôn ngữ hàng ngày của thanh thiếu niên hiện nay]. Từ ngữ thường đổi mới trong dân gian trước, đến khi giới trí thức cũng ưa dùng thì nó đi vào sách vở. Từ chính phủ xưa dùng để chỉ nhà của quan tể tướng. Nhà các quan đều gọi là phủ, nhà quan tể tướng to hơn, thường hội họp đông người nên gọi là chính phủ. Ngày nay chữ chính phủ đã mang ý nghĩa khác. Từ bác sỹ thời Lý dùng để chỉ những nhà Nho uyên bác, nay lại dùng để chỉ các thầy thuốc. Rất nhiều từ ngữ khác cũng đã biến đổi như thế. Kiều Thanh Tùng nói giả sử có tư liệu để xác định được chính xác ngôn ngữ của ngày xưa thì cũng không nên đưa tất cả vào tiểu thuyết hay phim ngày nay vì sẽ gây hiểu lầm. Ngày nay nếu chúng ta làm bộ phim trong đó nhân vật nào đó gọi Chu Văn An rằng Thưa bác sỹ thì hẳn nhiều người xem sẽ tưởng ông Chu Văn An là thầy thuốc!

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép năm Bính Ngọ [1006] vua Lê Ngọa Triều ban lệnh sửa đổi quan chế và triều phục của các quantheo đúng như người Tống, Kiều Thanh Tùng cho rằng nên hiểu câu này theo nghĩa là giống về phân cấp, về thứ bậc thôi [thí dụ mỗi phẩm cấp, mỗi ban ngành một màu áo, một kiểu đai thắt lưng khác nhau] chứ không phải là giống về hình dáng áo quần. Ai lại bắt chước như trẻ con thế! Vả lại khí hậu ta cũng không hợp với quần áo Tống. Mà ông vua Ngọa Triều này thường làm nhiều điều bậy bạ, lệnh của ông ta chắc chỉ có hiệu lực vài năm thôi vì Ngọa Triều chỉ làm vua có bốn năm. áo quần của vua quan có mục đích là tạo sự thán phục của dân, của cấp dưới. Nếu dân hâm mộ kiểu Hán thì vua quan sẽ mặc theo kiểu Hán. Nếu dân chê là bắt chước Tàu thì vua quan sẽ đổi kiểu khác. Cung điện cũng vậy, không nhất thiết phải giống Trung Quốc vì người xưa có thể học theo kiểu Chiêm Thành, kiểu Xiêm hay Tây vực [Ấn Độ, Tây Á], hoặc tạo kiểu riêng của mình.

Về thành trì, cung điện: Kiều Thanh Tùng cho rằng cung điện của Đại Việt nhỏ nhắn hơn nhưng lộng lẫy hơn cung điện Trung Quốc: Sử chép cung điện của Lê Đại Hành lấy bạc đúc thành những viên ngói, lấy vàng dát thành tấm ốp cho các cây cột, còn sừng tê giác, ngà voi lớn, kỳ nam, ngọc trai, đồi mồi thì khỏi nói, Đại Việt là xứ sở của những sản vật ấy. Hổ báo, hươu nai, voi gấu, chim trĩ chim công, chim ưng thì nhiều lắm. Người ta dùng những sản vật ấy hoặc dùng vàng ngọc đúc tượng chim ưng, chim công, hổ gấu trang trí cho các cung điện vừa sang đẹp, vừa có bản sắc Việt. Không nên đua tranh với các nước về độ to hay độ cao của thành trì, cung điện.

Đàn Xã Tắc: Sắc đẹp khuynh thành -Trần thị miêu tả Đàn Xã Tắc là nơi thờ trời đất và phối thờ cả mẫu Âu Cơ nữa. Thời Âu Cơ phụ nữ hay cởi trần nên khi làm lễ cầu mưa ở Đàn Xã Tắc có các cô gái cởi trần nhảy múa.

Sự nhảy múa: Trong tiểu thuyết SĐKT-TT, người Việt thường nhảy múa trong các buổi lễ hội, tiệc tùng. Kiều Thanh Tùng nói sử chép vua Trần thường cầm tay các quan múa hát trong các tiệc rượu.

Về tôn giáo: Đây là điều đáng nói nhất vì nó ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực khác. Trong SĐKT - TT, Phật giáo khi ấy là quốc đạo. Kiều Thanh Tùng nói sử chép rằng số phận các triều đại Đinh, Lý, Trần đã được các nhà sư tiên liệu trước. Ngày ấy các nhà sư rất giỏi. Đức Thái tổ Lý Công Uẩn là học trò của sư Vạn Hạnh. Vạn Hạnh đánh giá tình trạng nước Việt khi ấy, cho rằng Lý Công Uẩn có thể và cần phải lên ngôi vua thay họ Lê, từ đó Lý Công Uẩn có ý định làm vua. Các vua Lý, vua Trần xây không biết bao nhiêu chùa, đúc không biết bao nhiêu chuông và tượng Phật. Sử gia Lê Văn Hưu nói các vua Lý xây tháp cao ngất trời, điện thờ Phật, chùa cột đá lộng lẫy hơn cả cung vua, có khi quá nửa dân chúng đi làm sư sãi, hòa thượng quốc sư thì cùng xử kiện với quan tể tướng. Kiều Thanh Tùng nói thời Lý tội giết người có khi chỉ bị đánh 100 hoặc 80 trượng, tội định giết vua của tiến sỹ Nho học Lê Văn Thịnh không bị giết ba họ như Nguyễn Trãi thời Lê mà bản thân ông Thịnh cũng không bị giết, vì vua Lý theo Phật nên có sự từ bi, xã hội theo Phật nên khi ấy cũng ít tội ác. Lê Văn Hưu và Ngô Sỹ Liên cũng than thở có thể nói trong triều đình như là không có người [người Nho học] vậy, vì các vua Việt làm khác với Nho giáo, khác với người Trung Quốc nhiều quá: chẳng hạn tranh chấp ruộng đất mà đánh chết người thì phạt đánh 80 trượng [gậy], hoặc vua Lý Thái Tông lập bảy bà hoàng hậu! điều này Trung Quốc không có mà thế giới hình như cũng không có. Vua Lý Huệ Tông, vua Trần Thái Tông muốn đi tu vì nhiều lý do trong đó có lý do yêu Phật. Khi vua Trần Nhân Tông bỏ ngôi lên Yên Tử tu, hai trăm mỹ nữ của ông đã tự sát ở suối Giải Oan bây giờ, nhưng ông vẫn theo Phật. Bên Trung Quốc làm gì có những chuyện như thế? Nho giáo ngày ấy chỉ thấp thoáng trong xã hội Việt. Lê Văn Hưu và Ngô Sỹ Liên theo đạo Nho nên trách móc các vua Việt nhưng tôi lại cho rằng những cái khác đó là cái chất riêng của nước Việt ta. Trong bối cảnh ấy dĩ nhiên sự ăn nói, áo quần, nhà cửa phải mang nhiều tính Phật giáo chứ không giống bên Trung Quốc hay thời Lê - Nguyễn bên ta. Đại Việt khi ấy rất có bản sắc, đẹp và vui vẻ, lại phóng khoáng nữa.

Tiểu thuyết Sắc đẹp khuynh thành - Trần thị đã vẽ ra nước Đại Việt thời Lý - Trần khác hẳn với một số tiểu thuyết lịch sử khác, với những điểm độc đáo riêng biệt của xã hội Việt và tác giả tỏ ra cũng có cơ sở để làm như thế. Phải chăng đó là tính chân thực, tính dân tộc của tiểu thuyết lịch sử này?


Hà Nội ngày 21 - 4 - 2008
Ngọc Điệp
Mình có đọc được một đoạn phân tích cách xưng hô ngày xưa sau nhưng quên mất copy từ nguồn nào nên không dẫn ra được. Bạn Tẫn Tuyệt Tình Phi đọc xem thử nha.

Đời xưa, đặc biệt từ thế kỷ 17-18 trở về trước, người Việt Nam xưng hô với nhau như thế nào, hiện giờ còn là một vấn đề chưa được nghiên cứu, chưa được biết rõ. Có lẽ chính vì vậy mà trong các tiểu thuyết lịch sử, kịch lịch sử, phim lịch sử của chúng ta ngày nay... các nhân vật khi đối thoại với nhau, họ xưng hô rất tùy tiện theo ý chủ quan của nhà văn, nhà biên kịch với những ngôn ngữ không mang dấu ấn lịch sử, dấu ấn dân tộc.
Đã có không ít bạn bè bảo tôi thử tìm hiểu xem ông bà ta ba, bốn trăm năm trước, khi nói chuyện, trao đổi qua thư từ..., các cụ xưng hô với nhau như thế nào. Và tôi đã thử làm công việc này bằng cách đọc một số tác phẩm Nôm cổ thế kỷ 15, 16 và 17, 18, rồi nhặt ra những từ xưng hô ở các đoạn văn đối thoại trong những tác phẩm Nôm cổ đó. Kết quả hết sức thú vị, vì số lượng từ xưng hô của người xưa rất phong phú. Có những từ xưng hô thời xưa, nay đã mất hẳn trong ngôn ngữ giao tiếp hiện đại, nhưng cũng có những từ bây giờ vẫn dùng, song với ý nghĩa đã thay đổi. Phương pháp tôi làm để khôi phục những từ xưng hô thời cổ ở nước ta, rất đơn giản, và bảo đảm chính xác, bởi vì chữ Nôm là chữ để ghi tiếng: nói như thế nào, ghi lại đúng như thế. Những tác phẩm Nôm cổ tôi sử dụng ở đây, chủ yếu là các cuốn: "Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh [Nôm thế kỷ 15] do nhà nghiên cứu Hoàng Thị Ngọ giới thiệu, khảo cứu, phiên âm chú giải [Nxb Khoa học xã hội, 1999]. Cuốn Tân biên truyền kỳ mạn lục, Tác phẩm Nôm thế kỷ 16, của Nguyễn Thế Nghi, do nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hồng Cẩm phiên âm, chú thích [ Nxb Văn hóa Dân tộc, 2000]. Và một số văn bản Nôm thế kỷ 18 trong sách Đại Việt quốc thư, trong cuốn Gia phả họ Đỗ ở Đông Ngạc [Kẻ Vẽ], Từ Liêm, Hà Nội.
Dưới đây là những từ xưng hô phổ biến trong giao tiếp của người Việt Nam [vùng đồng bằng Bắc Bộ] ở các thế kỷ 15, 16, 17, 18. Cha gọi là áng, Bác [là chú, bác như ngôn ngữ hiện đại]. Mẹ [như ngôn ngữ hiện nay], nhưng mẹ còn gọi là nạ. Tôi, ta gọi là min, là mỗ, giáp. Nó, hắn gọi là nghĩ. Chúng bay gọi là phô bay. Chúng tôi, chúng ta gọi là phô min giáp. Tôi, tao, mày. Ta. Vợ. Bà phu nhân. Ngươi. Mi, chúng mi. Thiếp, chàng. Tiên sinh. Vua gọi là Đức hoàng thượng. Chúa gọi là Đức bề trên...
Qua những từ vừa thống kê trên chúng ta thấy đó là những từ xưng hô phổ biến của người Việt Nam thời cổ trong các tầng lớp xã hội từ vua, chúa, quý tộc đến dân thường, bao gồm các loại đại từ nhân xưng chỉ ngôi thứ nhất [số ít, số nhiều], ngôi thứ hai [số ít, số nhiều], ngôi thứ ba [số ít, số nhiều].Như ở phần trên chúng tôi có nói, nhiều từ xưng hô phổ biến ở thế kỷ 15-16, nhưng ngày nay chúng đã biến khỏi đời sống ngôn ngữ mà chỉ tồn tại trong các văn bản Nôm cổ, người đọc muốn hiểu nghĩa thì phải nhờ lời chú giải của các nhà khoa học chuyên về văn tự cổ. Thí dụ, người Việt Nam ở thế kỷ 15-16 nói: "Chẳng biết ơn áng nạ" [Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh]. Nhờ chú giải của các nhà khoa học, độc giả ngày nay biết áng nạ là cha mẹ. Và câu trên được diễn giải là "Chẳng biết ơn cha mẹ". Hoặc đại từ nhân xưng tôi, ta, người thế kỷ 15-16 gọi là min, mỗ, giáp. Ngày nay từ min, từ giáp đã chết. Từ mỗ vẫn còn gặp trong ngôn ngữ đời sống. [Chẳng hạn, đôi khi trong chúng ta vẫn có người nói "Mỗ không thích uống rượu..."]
Nếu thống kê những từ cổ xưng hô của người Việt Nam thế kỷ 15-18 rồi đối chiếu với những từ xưng hô trong giao tiếp ngày nay, chúng ta không thấy số từ người Việt Nam từng xưng hô với nhau ba, bốn thế kỷ trước vẫn đang có mặt trong đời sống ngôn ngữ hiện tại chiếm một tỷ lệ khá nhiều và các nhà văn, các tác giả phim truyện, kịch bản viết về lịch sử có thể khai thác, sử dụng một cách khá thoải mái. Thí dụ các từ xưng hô tao, mày, ta, ngươi, mi, chúng mi, thiếp, chàng, đứa kia, tiên sinh...
Tôi xin giới thiệu vài tư liệu cổ nói về cách xưng hô của một quan đại thần với vua Lê, chúa Trịnh thế kỷ 18 và cách xưng hô giữa Ngô Văn Sở với Ngô Thì Nhậm, hai nhân vật trụ cột của vua Quang Trung.
1. Trong cuốn Gia phả họ Đỗ ở Đông Ngạc có ghi lại một số bài khải viết bằng chữ Nôm của Đỗ Thế Giai [một đại thần] dâng lên vua Lê chúa Trịnh và Đặng Thị Huệ. Trong đó Đỗ Thế Giai xưng là tôi và gọi vua Lê chúa Trịnh làĐức bề trên gọi Đặng Thị Huệ là Đức chính phi.Mỗi lần vua Lê, hoặc chúa Trịnh hỏi Đỗ Thế Giai về việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy, về đạo trị dân... trong các tờ khải điều trần của mình, bao giờ Đỗ Thế Giai cũng mở đầu bằng câu: "Tôi cẩn khải vâng lậy Đức bề trên..."Khi Trịnh Sâm muốn cho Đặng Thị Huệ [được phong tuyên phi] tham dự chính sự thì Đỗ Thế Giai đã gửi tờ khải cho Đặng Thị Huệ để can ngăn. Mở đầu tờ khải, Đỗ Thế Giai viết: "Tôi cẩn khải vâng lậy Đức chính phi muôn muôn năm..."
2. Trong một bức thư Ngô Văn Sở gửi Ngô Thì Nhậm, viết bằng chữ Nôm, đoạn mở đầu:"Quan Đại đô đức tước Chấn quận công [Tức Ngô Văn Sở], kính gửi đến quan lại bộ Tả thị lang là tước hầu Tình phái [Tức Ngô Thì Nhậm] rõ: từ khi thiểm chức về triều vong hầu nhà vua, như việc sứ ở nội địa [Nội địa: chỉ Trung Quốc], nhiều giấy tờ đưa đi, đưa lại, hiền hầu đã tâu bẩm ngày trước, thời thiểm chức đã tâu về Đức hoàng thượng [Chỉ Quang Trung.] ngự lãm rồi...".
Rõ ràng qua những tư liệu như thế này, chúng ta biết chính xác cách xưng hô giữa vua, chúa, quan lại với nhau hồi thế kỷ 18. Đó là nguồn tài liệu quý giá để chúng ta khai thác, sử dụng, khôi phục hệ thống ngôn ngữ giao tiếp của người xưa - ít nhất là trong các tác phẩm về đề tài lịch sử trên sân khấu, điện ảnh...
Linhduahau nói:
Cám ơn bài viết của bạn nha, đọc xong cũng rút ra được rất nhiều ý hay.

Trước khi bắt tay vào viết truyện mình cũng tham khảo rất nhiều nguồn từ cách xưng hô, trang phục, đi lại và các miêu tả về cuộc sống, nhà cửa, thành quách thời đó nhưng nói thật nguồn tìm được rất ít, nhiều khi đọc được 1 phần mà liên tưởng đến 5 phần.

Dù sao mình cũng muốn truyện Việt thuần Việt và cũng hi vọng ngày càng có nhiều truyện dã sử Việt cũng như phim sử Việt chất lượng để mọi người thuộc sử Việt nhiều hơn là sử Hoa.

Tài liệu của mình thì có khá nhiều nhưng toàn lẻ tẻ, mỗi nơi chỉ lấy được 1 ít và hầu hết vào thời Lê trung hưng nên nếu bạn nào thích thì có thể hỏi mình chia sẻ cũng như thảo luận.
Click to expand...
Bạn ơi, mình cũng đang viết truyện về thời Lê [Lê sơ]. Nhưng hiểu biết của mình về văn hóa thời Lê, đặc biệt là dưới triều vua Lê Thánh Tông vẫn còn rất ít. Bạn giúp mình thêm được không?
Siente nói:
Có chút tư liệu hình ảnh, cũng xin góp vào cho các bạn đang viết sử Việt. Nhiều bạn hẳn đã biết về bộ tranh này, nhưng ở đây mình xin đưa link đến gallery của chính bạn tác giả Lilsuika luôn. Kèm theo mỗi tranh vẽ có cả phần diễn giải và tư liệu bạn ấy đã tham khảo để vẽ bộ tranh này, các bạn chịu khó lục lọi nhé.

-Link đến gallery: Historical Fashion

-Minh họa các kiểu quần áo phụ nữ thời Lê dựa trên thân phận địa vị: link

-Minh họa trang phục phụ nữ Việt Nam qua các thời đại: link

-Một vài trang phục Việt tiêu biểu trong giai đoạn 1000 năm qua: link

-Các kiểu tóc và mũ nón người Việt đã dùng từ thời đồ đồng tới những năm 1900: link

Ngoài ra trong gallery còn có vài mẫu minh họa cho trang phục và kiểu tóc của Trung Hoa và Nhật Bản thời xưa.
Click to expand...
Cám ơn bạn.
Chỉ mới xem qua nhưng có thể thấy bạn Lilsuika rất tỉ mỉ và hẳn là bỏ nhiều công sức vào đó.

Video liên quan

Chủ Đề