Cắt giảm điều kiện kinh doanh hóa chất

Ngày 15/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Ảnh minh họa

Tại Nghị quyết, trong những tháng còn lại của năm 2023, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, cơ quan và địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc chỉ đạo, thực hiện theo thẩm quyền, tham mưu, đề xuất kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắt và trong trung, dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế, tận dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Với 03 mục tiêu: [1] Tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất kết quả tăng trưởng kinh tế, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 đã đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; [2] Quyết liệt cải cách đồng bộ, hiệu quả, thực chất thủ tục hành chính; đạt và vượt các chỉ tiêu về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; xử lý cơ bản khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, dự án đầu tư, người dân, nhất là những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm; [3] Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của hệ thống hành chính, các cấp, các ngành, các địa phương, Chính phủ đã đề ra 04 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể. Trong đó, tại nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ yêu cầu:

Các bộ, cơ quan và địa phương: [1] Tập trung rà soát, chủ động cắt giảm, đơn giản hóa một cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao; trong quý III và năm 2023, tập trung ưu tiên cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về đầu tư, đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như xây dựng, bất động sản, thuế, hải quan, điện, năng lượng, sản xuất, chế biến nông sản, xuất nhập khẩu, giáo dục, đào tạo, y tế, lý lịch tư pháp... [2] Tuyệt đối không ban hành quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết, trái quy định cho doanh nghiệp, người dân. [3] Chủ động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với việc triển khai Đề án 06 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức tạo đồng thuận trong việc triển khai. [4] Giám sát chặt chẽ việc triển khai giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm đúng thời hạn xử lý theo quy định; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà.

Bộ Công Thương cho biết tính đến hết năm 2020, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện [chiếm 70%].

Cụ thể, trong năm 2017 và năm 2018, Bộ Công Thương đã cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện kinh doanh trên tổng số 1.216 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương [chiếm tỷ lệ 55,5%].

Năm 2019 và năm 2020, Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, tập trung vào cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu, hóa chất, điện lực, ô tô, kinh doanh khí, khoáng sản.

Sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng là 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện [chiếm trên 70%].

Trong số các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian vừa qua, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như trong lĩnh vực điện, ô tô, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas, an toàn thực phẩm …

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát và xây dựng kế hoạch lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ cho giai đoạn 2021 - 2025; hoàn thiện các chính sách, bảo đảm hệ thống thể chế đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà bộ, ngành công thương được phân công.

Hiện nay, số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương còn lại 553 điều kiện thuộc 25 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Việc cải cách thủ tục hành chính hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn xây dựng thể chế với ban hành chính sách, pháp luật; bảo đảm các quy định nên thủ tục hành chính được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước.

Cùng với việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai hàng loạt các các giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, tạo sự thay đổi rõ rệt trong xây dựng Chính phủ điện tử và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Cụ thể, đến thời điểm này, tất cả 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên.

Hiện nay, Cổng Dịch vụ công của Bộ đang cung cấp 220 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại địa chỉ //dichvucong.moit.gov.vn [trong đó có 159 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 61 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4]. Đến nay, đã có gần 36.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ.

Bộ Công Thương hiện đã kết nối 11 nhóm dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng số hồ sơ thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia trong cả năm 2020 là 256.708 hồ sơ.

Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính [Tổng cục Hải quan], kết nối thành công và đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Bruinei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines. Trong cả năm 2020, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 182.869 hồ sơ.

Bộ Công Thương cũng đã đưa tổng cộng 131 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương đã trao đổi 724.497 bộ hồ sơ điện tử với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Chủ Đề