Chiến dịch bảo vệ môi trường 2022

Thứ Sáu, 23/09/2022 | 15:42

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (gọi tắt là Chiến dịch) được Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc phát động trên phạm vi toàn cầu vào tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm. Mục đích của Chiến dịch nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường (BVMT).

Chiến dịch bảo vệ môi trường 2022

Huyện đoàn Phước Long ra quân hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2022. Ảnh: T.A

LAN TỎA CỘNG ĐỒNG

Năm 2022, Chiến dịch tiếp tục với chủ đề: “Cùng hành động để thay đổi thế giới”. Qua đó, kêu gọi các cá nhân, tập thể, cộng đồng cùng chung tay và có những hành động thiết thực để giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Chiến dịch là dịp lan tỏa cộng đồng các hoạt động vì môi trường. Theo đó, thời gian qua, công tác phối hợp, tổ chức triển khai các nội dung, chiến dịch, hưởng ứng các phong trào từ Trung ương tới địa phương với sự tham gia của đông đảo người dân trong hoạt động BVMT đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN-MT: “Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên đang là những vấn đề mang tính toàn cầu, là thách thức lớn nhất với nhân loại trong thế kỷ 21. Theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới, khối lượng chất thải rắn toàn cầu đang gia tăng nhanh, từ hơn 3,5 triệu tấn/ngày trong năm 2010, dự báo lên tới hơn 6 triệu tấn/ngày vào năm 2025. Mỗi một hành động dù nhỏ nhưng có ý nghĩa sẽ mang lại đóng góp tích cực để cùng chung tay xây dựng tương lai của ngôi nhà chung - Trái đất, tạo môi trường trong lành, giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững của nhân loại”. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ TN-MT mong muốn: “Thông qua Chiến dịch sẽ triển khai có hiệu quả và tuyên truyền hướng dẫn để đưa Luật BVMT 2020 vào thực tế cuộc sống, trong đó, tập trung vào việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải; lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải phù hợp, ít phát thải ra môi trường, ưu tiên công nghệ xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng; thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững...”.

CHUNG TAY HÀNH ĐỘNG

Tích cực hưởng ứng Chiến dịch năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo và giao Sở TN-MT chủ động phối hợp với Sở VH-TT-TT&DL, Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu, cùng các ngành chức năng có liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền về các hoạt động có liên quan đến BVMT, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Cùng với đó là huy động nguồn lực trên tinh thần “chung tay hành động” trong BVMT xanh - sạch - đẹp và phát triển bền vững.

Theo đó, tập trung vào việc thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý các loại chất thải phát sinh theo đúng quy định, tuyên truyền việc từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các hoạt động vì môi trường. Tuyên truyền và tổ chức thực hiện các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật. Phát động phong trào cộng đồng ra quân làm vệ sinh môi trường; cải thiện, phục hồi môi trường tại các khu đô thị, khu dân cư, nhất là sông, kênh, rạch…

Riêng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo phải tập trung tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên tại cơ quan, đơn vị không vứt rác bừa bãi, tự phân loại rác thải để tái sử dụng, tái chế chất thải, từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nhằm tích cực hưởng ứng Chiến dịch năm 2022. Tổ chức quét dọn, thu gom chất thải tại cơ quan, đơn vị góp phần BVMT.

Đặc biệt, UBND các huyện, TX. Giá Rai và TP. Bạc Liêu tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch hưởng ứng Chiến dịch năm 2022, trọng tâm là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn. Tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác, tiêu diệt các loài ngoại lai xâm hại; tổ chức khơi thông cống, rãnh, kênh, rạch… tạo dòng chảy thông thoáng. Phát động phong trào huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý các bao gói hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT đối với các cơ sở sản xuất - kinh, dịch vụ theo thẩm quyền. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ đô thị các huyện, thị xã, thành phố thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh theo đúng quy định. Tăng cường thời lượng tuyên truyền trên sóng phát thanh của huyện về các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Song song đó, các cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ phải có trách nhiệm thực hiện các giải pháp BVMT, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục các sự cố môi trường, xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường trước khi thải ra môi trường xung quanh. Tuyên truyền cho đội ngũ công nhân viên và người lao động tại đơn vị tham gia các hoạt động BVMT như: làm vệ sinh, thu gom rác, trồng cây xanh, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nylon, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nylon, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng. Tăng cường nâng cao nhận thức về thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo hướng sản xuất các sản phẩm tiết kiệm nguyên liệu, giảm sử dụng các loại nguyên liệu độc hại, khó tái chế, tối ưu hóa thiết kế thuận tiện cho việc thu gom, phân loại và tái chế…

Nguyễn Trọng

(bài viết có sử dụng tài liệu của ngành TN-MT)

Từ năm 2020, Luật BVMT chính thức có hiệu lực, thúc đẩy triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế bền vững gắn với BVMT, cân bằng hệ sinh thái, cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao hiệu quả thu gom, phân loại, xử lý lượng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, hướng tới tiêu dùng bền vững, cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện tốt hơn cơ chế, chính sách BVMT cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, ngày 12/9/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Công văn số 5352/BTNMT-TTTT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quán triệt, phổ biến nội dung Công văn số 5352/BTNMT-TTTT đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật; khuyến khích, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tăng cường thay thế, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bộ trưởng giao Tạp chí Tổ chức Nhà nước, Trung tâm Thông tin và Trang thông tin của các đơn vị đưa tin, bài, phóng sự tuyên truyền về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các hoạt động vì môi trường.

Giao Văn phòng Bộ thực hiện treo băng rôn, khẩu hiệu với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới” tại trụ sở Bộ Nội vụ.

Chiến dịch bảo vệ môi trường 2022

Lễ phát động Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022. Ảnh: HNM


Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 (tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm) và đã phát triển quy mô sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia của hàng trăm quốc gia, hàng triệu lượt người trên toàn cầu thông qua các hoạt động trọng tâm về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn từ năm 1994 bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.

Tiếp nối chủ đề đã được phát động tại Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2021 (Cùng hành động để thay đổi thế giới) và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022. Cụ thể như sau:

Các đơn vị, địa phương phát động các phong trào như ra quân làm vệ sinh môi trường; trồng cây; cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch...

Quan tâm giải quyết những vấn đề môi trường tại địa phương, đơn vị như thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh theo đúng quy định, các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế người dân.

Tuyên truyền và tổ chức thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào các quy định mới. Lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan.

Đồng thời, kiểm soát, giám sát chặt chẽ khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, điểm nóng về ô nhiễm môi trường...; kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường không khí.

Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao nhận thức về thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo hướng sản xuất các sản phẩm tiết kiệm nguyên liệu, giảm sử dụng các loại nguyên liệu độc hại, khó tái chế, tối ưu hóa thiết kế thuận tiện cho việc thu gom, phân loại và tái chế (thiết kế vì môi trường).

Nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với các siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm, hàng hóa, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người dân... trong các hoạt động mua sắm, tiêu dùng để giảm thiểu, hạn chế tối đa sử dụng túi nilông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường thay thế, sử dụng bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thu hồi các sản phẩm thải bỏ, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải, góp phần tạo nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn…

Thanh Tuấn