Cô bé được Bác Hồ quàng khăn đỏ là ai

Đến bây giờ, dù ở tuổi 73, bà Nguyễn Bích Ngọc [sinh năm 1947, tại Hải Hậu, Nam Định] vẫn nhớ như in những kỷ niệm với Bác Hồ để có bức ảnh lịch sử này. Năm 1954, giải phóng thủ đô, bà theo cha mình về Hà Nội. Khi đang là học sinh tiểu học Trường Trưng Vương, may mắn đến với người đội viên nhỏ khi được chọn để biên chế vào đội thiếu nhi tặng hoa trực thuộc Cục Lễ tân [Bộ Ngoại giao]. Bà Nguyễn Bích Ngọc nhớ lại khoảnh khắc trước khi bức ảnh ra đời: “Hôm đó là lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh. Trước khi vào chụp ảnh, Bác Hồ xoa đầu tôi rồi quay sang Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hỏi: “Cháu Bích Ngọc là con ai?”. Thủ tướng đáp: “Thưa Bác, cháu Bích Ngọc là con gái đồng chí Nguyễn Văn Hoan, học trò khóa đầu tiên Bác huấn luyện tại Quảng Châu [Trung Quốc] đấy ạ”.

Bác Hồ quàng khăn đỏ cho Đội TNTP Hồ Chí Minh là bức ảnh tư liệu gốc có giá trị to lớn về lịch sử. Một bức ảnh hiếm hoi được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong hơn nửa thế kỷ qua nhưng ít người biết đến người đội viên trong ảnh là ai. Bức ảnh lại ra đời vào thời điểm kỷ niệm 20 năm thành lập Đội TNTP, nên càng vô cùng có ý nghĩa.

Ông Nguyễn Hạnh, Phó tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay

Cũng theo tiết lộ của bà Bích Ngọc, người chụp bức ảnh là một nhân viên Cục Lễ tân. “Thực ra, do bức ảnh đóng vai trò đại diện cho thiếu nhi cả nước với Bác Hồ, nên suốt một thời gian dài truyền thông không nhất thiết phải truy tìm danh tính người đội viên có được vinh dự may mắn này”, bà Bích Ngọc nói.

Với góc nhìn lịch sử, gia đình bà Nguyễn Bích Ngọc đã liên hệ nhà sử học Dương Trung Quốc, người hiểu rõ về gia đình cụ Nguyễn Văn Hoan [nguyên Viện trưởng Viện Công tố phúc thẩm 16 tỉnh miền Bắc, nguyên Phó ban Nghiên cứu lịch sử Đảng - Trưởng ban là đồng chí Trường Chinh] là thân sinh bà Nguyễn Bích Ngọc, để cung cấp các tư liệu gốc.

Xác nhận của Viện Bảo tàng Cách mạng VN ghi rõ thời điểm bức ảnh được chụp là “nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh”. Mặt sau có bút tích ký xác nhận của Viện Bảo tàng Cách mạng VN: “Kính biếu bác Nguyễn Văn Hoan tấm ảnh Bác Hồ quàng khăn đỏ cho cháu Bích Ngọc nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Hà Nội ngày 01-06-1961. K/t Viện trưởng: Đặng Xuân Thiều”.

Như vậy, từ 15.5.1941 - 15.5.1961, chính mốc sự kiện 20 năm và dịp 1.6.1961, nghĩa là chỉ 17 ngày sau khi ảnh được chụp thì lãnh đạo Viện bảo tàng đã ký tên, đóng dấu gửi đề tặng thân sinh bà Bích Ngọc và bức ảnh trở thành một báu vật vô giá của gia đình bà.

\n

Bút tích có chữ ký xác nhận của Viện Bảo tàng Cách mạng VN

Sau này, thấy bức hình Bác Hồ quàng khăn đỏ cho Đội TNTP Hồ Chí Minh xuất hiện dày đặc trên các ấn phẩm sách báo và giấy khen thưởng Cháu ngoan Bác Hồ của Đội TNTP, bà Bích Ngọc vô cùng cảm động. Bà thường kể cho con cháu nghe về những kỷ niệm với Bác Hồ. Anh Trần Quốc Dũng, con trai trưởng của bà Bích Ngọc, tâm sự: “Mẹ tôi thường hay hồi tưởng về thời niên thiếu, giai đoạn sinh hoạt trong đội thiếu nhi vào tặng hoa Phủ Chủ tịch, được ở gần bên Người - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc VN, với sự vinh dự và niềm tự hào vô cùng. Cảm động nhất, ít ai biết người thay mặt Viện Bảo tàng Cách mạng VN ký tặng bức ảnh này cho ông ngoại tôi là nhà thơ Đặng Xuân Thiều [1909 - 1965], khi ấy đang là phó viện trưởng [sau này là viện trưởng] - người bạn tù Côn Đảo kiên trung cùng ông”.

Cũng như bà Nguyễn Bích Ngọc, ngày còn đi học, cứ mỗi khi đến trường nhìn ảnh Bác Hồ quàng khăn đỏ cho Đội TNTP Hồ Chí Minh, anh Dũng như luôn thấy mẹ hiện diện trong suốt thời niên thiếu. “Không riêng gì tôi, tất cả con cháu trong đại gia đình cụ Nguyễn Văn Hoan luôn coi đây như vinh dự lớn, một động lực phấn đấu trong học tập và cuộc sống. Ngọn lửa ấy đã và vẫn sẽ mãi truyền sang các thế hệ nối tiếp”, anh Dũng chia sẻ.

Còn bà Nguyễn Bích Ngọc, sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội chuyên ngành hóa công nghiệp, về công tác tại Bộ Công nghiệp. Đến tháng 5.1975, cô đội viên nhỏ nhắn năm nào lên đường vào miền Nam tiếp quản Trường ĐH Cần Thơ. Năm 1985, bà chuyển công tác về Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, làm việc đến tuổi hưu. Bà có 2 người con trai và hiện đang sống yên bình tại TP.HCM.

Bức ảnh Bác Hồ quàng khăn đỏ cho Đội TNTP Hồ Chí Minh vẫn do ông Nguyễn Văn Hoan lưu giữ từ khi gia đình nhận từ Viện bảo tàng. Tháng 2.1991, sau khi cụ mất, gia đình và Ban Tổ chức T.Ư cùng soạn, hệ thống lại các tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ và tổ chức trao lại bức ảnh lịch sử cho bà Bích Ngọc. Theo đề nghị của nhà sử học Dương Trung Quốc, gia đình đang lựa chọn thời điểm thích hợp để trao tặng Viện Bảo tàng Cách mạng VN [nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN], nhằm góp phần giữ gìn và tôn vinh giá trị di sản của bức ảnh quý.

Tin liên quan

Diễn viên, liệt sĩ Võ Thị Phương Thảo sinh ngày 16/8/1943, là con út trong một gia đình yêu nước ở làng La Qua, phủ Điện Bàn [nay là xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, Quảng Nam]. Năm 11 tuổi chị theo gia đình tập kết ra Bắc rồi trở thành cô nữ sinh trường Trưng Vương, Hà Nội. Cô nữ sinh miền Nam dễ thương, học giỏi, hát hay và múa đẹp ấy đã tự tay quàng khăn quàng đỏ lên vai Bác Hồ trong một lần Bác bất ngờ đến thăm các em học sinh ở Câu lạc bộ Thống Nhất. 

Cựu chiến binh Võ Chân Thành – anh trai diễn viên, liệt sĩ Phương Thảo kể lại: “Vào một buổi chủ nhật, tôi cùng em Phương Thảo đến Câu lạc bộ Thống Nhất. Bất ngờ hôm đó Bác Hồ cũng đến Câu lạc bộ thăm các cháu học sinh miền Nam. Lúc đó Thảo đang đứng cùng với các bạn học sinh, sát cạnh Bác. Em tự lấy một khăn quàng đỏ của một bạn học sinh và mạnh dạn, vui tươi, không chút dè dặt, quàng khăn đỏ lên vai Bác. Lúc bấy giờ phóng viên nhiếp ảnh của báo Tổ Quốc đã kịp thời bấm máy bức ảnh em Thảo quàng khăn đỏ cho Bác Hồ. Đây là kỉ niệm vô cùng sâu sắc đối với Phương Thảo, đi đâu Phương Thảo cũng nhắc lại hình ảnh vô cùng quý giá, thật là vinh dự cho Thảo, vinh dự cho gia đình và vinh dự cho các cháu học sinh miền Nam tại Hà Nội…”.

Phương Thảo với đôi bím tóc dài đang cười tươi quàng khăn cho Bác Hồ [Ảnh tư liệu]

Với gương mặt khả ái, tâm hồn trong sáng và hồn nhiên cùng với khả năng múa hát bẩm sinh của mình, năm 16 tuổi, Phương Thảo trở thành diễn viên của đoàn Ca múa Trung Ương [Nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam], và chẳng mấy chốc Phương Thảo trở thành diễn viên múa xuất sắc. Chị luôn được đoàn tuyển chọn đi biểu diễn mừng các đoàn khách lớn của Đảng và Nhà nước tới Hà Nội, đồng thời đi biểu diễn ở Liên Xô, CHDC Đức [cũ], In-đô-nê-xi-a… Cuối năm 1965 - đầu 1966, giữa lúc tài năng đang nở rộ trên sàn diễn Hà Nội cũng là lúc đế quốc Mỹ vi phạm hiệp định Giơ-Ne-Vơ tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ xâm lược miền Nam, đó là giai đoạn vô cùng ác liệt, bà con miền Nam đang phải chịu thế kìm kẹp của chính quyền Mỹ. Nghe theo tiếng gọi của tiền tuyến, chị hăng hái khoác ba lô vượt trường Sơn, trở về miền Nam trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu chống Mỹ bằng tài sắc nghệ thuật của mình.

Nhà văn Hoài Hà đã viết về Phương Thảo: “… Chúng tôi cùng sống trong đoàn với Phương Thảo những ngày tháng gian khổ, ác liệt ở vùng căn cứ núi rừng phía Tây tỉnh Quảng Đà hiểm trở, trời đã phú cho Phương Thảo ngoại hình gần như tối ưu của một diễn viên múa. Những tháng ngày ác liệt, nắng lửa, mưa rừng, những bữa ăn hầu như chỉ có củ mì và rau tàu bay, những cơn sốt rét rừng… đều như bất lực trước làn da trắng hồng của cô diễn viên múa duyên dáng, lạc quan mơ mộng ấy.”

Phác họa chân dung liệt sĩ Võ Thị Phương Thảo [Ảnh chụp từ tài liệu]

Vào miền Nam chiến đấu, Thảo được phân công về chiến trường quân khu 5, cô gái đẹp như tiên giáng trần ấy mạnh mẽ giữa chiến trường khói lửa tưởng chừng chỉ là vị trí dành cho những người đàn ông cầm súng, khi là một cô du kích áo bà ba khăn rằn tay không bắt giặt, khi là nữ chiến sĩ giải phóng quân. Khi lại dịu dàng, e ấp đến mê hồn trong những câu ca điệu múa làm bật lên những tiếng cười vui yên bình và thanh thản giữa vùng đất đầy mùi thuốc súng, bom rơi.

Đêm ngày 6/4/1967, trên đường đi công tác cùng đạo diễn Khánh Cao và nhà thơ Hoài Hà, vừa đặt chân đến trạm giao liên [ thôn La Tháp, xã Duy Xuyên, huyện Duy Hòa ] một quả phảo từ căn cứ kiểm lâm gần đó bắn tới bất ngờ làm Phương Thảo ngã gục và kêu lên: “Em bị thương rồi!”. Chị đã hi sinh trong buổi tối định mệnh ấy khi vai còn đang khoác ba lô và sự hồn nhiên, vô tư một cách trong sáng vẫn chưa kịp tắt trên gương mặt người con gái ấy trong những phút cuối cùng.

Phương Thảo đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất quê hương mình. Cô em gái miền Nam nhỏ nhắn dạn dĩ quàng khăn quàng đỏ lên vai Bác Hồ, nữ dân công xinh đẹp của đoàn Ca múa nhạc Trung ương ngày ấy đã dũng cảm khoác ba lô lên vai mình từ thủ đô Hà Nội vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam chiến đấu, người con gái ấy mới chỉ 24 tuổi và hình ảnh chị đã mãi mãi sống trong lòng biết bao đồng bào thuộc vùng Giải phóng khu Trung Trung bộ.

NSƯT, liệt sĩ Võ Thị Phương Thảo sẽ mãi là biểu tượng cho hình ảnh đẹp đẽ, mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam giữa thời chiến tranh khốc liệt.

[*] Bài viết tổng hợp tư liệu do ông Nguyễn Bá Thâm - Nguyên chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng cũ sưu tầm cung cấp

Video liên quan

Chủ Đề