Công cụ đánh giá trẻ tự kỷ

Ai được phép đánh giá hay chẩn đoán tự kỷ

Thông tin sau đây để trả lời cho các bạn có thắc mắc là ai có thẩm quyền sàng lọc/đánh giá/chẩn đoán cho trẻ Tự Kỷ. Tiện thể tôi cũng sẽ trình bày thêm một số thông tin để các bạn quan tâm đến việc đánh giá tại HK và tương lại của ngành Tâm lý Học Đường tại VN được biết.

Theo thông tin trên trang CDC của Hoa Kỳ thì ba nhóm chuyên gia sau có thể thực hiện việc đánh giá hay chẩn đoán Tự Kỷ: [1] Bác sĩ chuyên khoa về Phát triển của Trẻ em, [2] Bác sĩ Thẩn kinh Trẻ em, và [3] Chuyên viên Tâm lý Trẻ em hay Bác sĩ Tâm thần Trẻ em.

Một chuyên viên Tâm lý Trẻ em trong loại [3] có thể được đào tạo từ nhiều ngành tuy tương cận nhưng khác nhau, chẳng hạn Chuyên viên Điều trị Trẻ em [Child Psychotherapist], Chuyên viên Tâm lý Trẻ em Lâm sàng [Clinical Child Psychologist], và đặc biệt là Chuyên viên Tâm lý Học Đường [TLHD] [School Psychologist].

Riêng tại Hoa Kỳ, chuyên viên TLHD đóng một vai trò quan trọng trong việc nhận diện và đánh giá trẻ Tự Kỷ. Theo báo của của Yeargin-Allsopp et al. [2003] được trích dẫn trong nguồn của GS. Stephen Brock [2009] thì chỉ có 3% trẻ TK được nhận diện bởi các nguồn không phải trường học, trong số còn lại thì 40% bởi trường học và 57% bởi trường và một cơ quan/tổ chức cộng đồng.

Tôi xin gởi kèm đây các slides trình bày về vai trò của chuyên viên TLHD trong việc đánh giá TK của GS Stephen Brock. Xin các bạn chú ý các slide 8 và 9 để thấy rằng không phải chuyên viên TLHD nào cũng có khả năng đánh giá TK, nhưng cũng không phải là chuyên gia TLHD không có khả năng đánh giá và chẩn đoán TK. Vấn đề là sau khi tốt nghiệp, chuyên viên đấy có quyết định hướng chuyên môn vào trẻ độ tuổi nào và mắc các chứng rối loạn nào. Theo Brock thì yêu cầu là, Chỉ có các chuyên viên TLHD được huấn luyện và giám sát thích hợp mới được chẩn đoán chứng rối loại phổ TK [Only those School psychologists with appropriate training and supervision should diagnose a specific autism spectrum disorder].

Những điểm khác biệt giữa các chuyên viên TLHD và chuyên viên khác trong việc chẩn đoán trẻ TK không phải nằm trong công cụ đánh giá, nhưng nằm trong quy trình đánh giá và can thiệp sau đó. Theo luật liên bang Hoa Kỳ chuyên viên TLHD có 60 ngày để hoàn tất việc đánh giá, viết báo cáo, họp báo cáo kết quả và cùng tổ Giáo dục Đặc biệt [GDĐB] quyết định tiêu chuẩn, xếp lớp, soạn các mục tiêu về hành vi và học tập.v.v và soạn chương trình GDĐB với các dịch vụ can thiệp và phương pháp sư phạm cụ thể để giúp trẻ đạt những mục tiêu đề ra.

Trong 60 ngày đó thông thường mỗi chuyên gia sẽ mất khoảng 10-20 giờ đồng hồ để đánh giá, tùy theo ca dễ hay khó và tùy theo kinh nghiệm và kỹ năng của chuyên gia. Việc đánh giá phải bao gồm:

[a] việc tham khảo các hồ sơ y khoa từ nhỏ đến lớn của trẻ, nếu cần thiết phải liên lạc với bác sỹ hay chuyên gia đã chăm sóc trẻ để kiếm cho đầy đủ thông tin;

[b] quan sát trẻ ở các môi trường tự nhiên khác nhau như lớp học, sân chơi, và thậm chí ở nhà chứ không phải chỉ ở trong văn phòng của chuyên viên;

[c] phỏng vấn phụ huynh, thày cô, và tất cả ai có tương tác với trẻ và dĩ nhiên cả trẻ nếu trẻ thuộc loại chức năng cao.

và cuối cùng mới là [d] trắc nghiệm bằng công cụ.

Việc đánh giá này có thể xem như một nghiên cứu cả về định tính [tham khảo hồ sơ, quan sát, phỏng vấn] lẫn định lượng [trắc nghiệm bằng công cụ với điểm tiêu chuẩn [Standard Score]] để đưa ra một kết quả chính xác nhất.

Người chuyên viên TLHD không hành nghề đơn độc trong trường học. Trong giai đoạn đánh giá, họ chính là người trưởng ca [case manager/carrier] điều phối tiến trình đánh giá của Y tá Học đường [School Nurse], chuyên gia ngữ âm [Speech & Language Therapist], chức năng [Occupational Therapist], giáo viên thể dục đặc biệt [Adaptive Physical Education] và dĩ nhiên các giáo viên Giáo dục Đặc biệt [GDDB]. Mỗi chuyên viên sẽ có bản báo cáo riêng nhưng bản báo cáo của chuyên viên TLHD sẽ mang tính tổng hợp bao gồm kết quả của các chuyên viên khác để trình bày những phát hiện và chứng cứ cho việc đạt tiêu chuẩn hưởng chương trình GDDB. Nếu trẻ ở độ tuổi vườn trẻ hay nhỏ hơn, phụ huynh thường nhận được một bản báo cáo tổng hợp bao gồm tất các kết quả đánh giá của các chuyên gia thay vì từng bản báo cáo riêng lẻ.

Tất cả dịch vụ này hoàn toàn miễn phí trong phạm vi trường học. Chi phí cho một ca đánh giá này bao gồm luôn thời gian tư vấn lẫn nhau của các chuyên gia và buổi họp tường trình kết quả với mức lương của một chuyên viên TLHD khoảng từ 80-100 USD một giờ và các chuyên viên khác khoảng khoảng 60- 80 USD thì chi phí tổng cộng sẽ ở mức 3000-3600 USD. Dĩ nhiên chi phi này do học khu [district] hay nói đúng hơn là chính phủ chịu từ tiền thuế của nhân dân. Nếu một phụ huynh đem con đi đánh giá với một chuyên viên TLHD có văn phòng riêng [private practice] ngoài trường học thì sẽ phải trả từ 2500 USD đến 3000 USD, không bao gồm đánh giá của các chuyên gia khác.

Hiện nay Bộ Giáo dục & Đào tạo của Việt Nam đang chuẩn bị cho ra thông tư quy định về ngành Tư vấn Tâm lý Học đường. Nếu xã hội và chính quyền nghĩ rằng vai trò, chuyên môn, và chức năng của người chuyên viên này trong trường học chỉ giới hạn trong việc tư vấn và tham vấn các rối loạn tâm lý thông thường mà bỏ qua các lãnh vực hoạt động khác mà chuyên viên TLHD tại các quốc gia có ngành nghề này phát triển thì thật là một uổng phí trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Các lãnh vực hoạt động khác phải bao gồm tư vấn, phòng ngừa, can thiệp, đánh giá, nghiên cứu trong các rối loạn phát triển, nhận thức, hành vi, cảm xúc, học tập, kỹ năng sống của trẻ. Ngoài ra người chuyên viên TLHD cũng phải được tạo điều kiện gắn chặc hoạt động của mình với bộ phân GDDB và các chuyên gia đã kể trên để cùng phối hợp hoạt động can thiệp cho trẻ.

Sự giới hạn hay sai lệch của tầm nhìn trong quy định về người chuyên viên TLHD không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ở đây là phụ huynh và các con trẻ, mà còn cho người cung ứng dịch vụ, ở đây là các chuyên viên TLHD tương lai của Việt Nam. Sự giới hạn hay sai lệch trong tầm nhìn sẽ khiến các vị lãnh đạo Khoa hay Bộ Môn tại các trường đại học trong nước, vốn chưa quen thuộc với chuyên môn và vai trò của người chuyên viên TLHD trên thế giới, xây dựng những chương trình đào tạo lệch chuẩn hay thiếu sót và từ đó cung cấp cho xã hội những chuyên viên nếu không khuyết tật thì cũng giới hạn, không đủ chuyên môn để làm tốt công việc của mình. Và đó lại là một thiệt thòi cho sinh viên khi việc đào tạo bị thiếu sót khiến cho môi trường và khả năng làm việc bị giới hạn và từ đó giới hạn luôn nguồn thu nhập của chính mình.

Link presentation của GS Stephen Brock
//www.csus.edu/in/b/brocks/workshops/nasp/2009/asd.pdf

[Nguồn: Theo FB Lê Nguyên Phương, link://www.facebook.com/profile.php?id=100006037394935]

Tin tức khác

  • Kỷ niệm Ngày thế giới nhận biết chứng tự kỷ 2/4/2020
  • 100 phụ huynh, chuyên viên tham dự hội thảo về huấn luyện cha mẹ có con rối loạn hành vi
  • Phát hiện sớm hội chứng tự kỷ ở trẻ
  • Dấu hiệu trẻ bị chứng rối loạn ngôn ngữ
  • Trẻ tự kỷ cần được can thiệp trước 3 tuổi
  • Trẻ chậm nói
  • Khuyết tật học tập ở trẻ em

Video liên quan

Chủ Đề