Đánh giá trường đại học văn khoa sài gòn

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN KHOA SAIGON
Tiền thân của Trường Đại học Văn khoa là Trường Đại học Văn khoa Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Phan Huy Quát cho thành lập vào năm 1949 thời Quốc Gia Việt Nam [dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng Bảo Đại 1948-1955]

Vài nét về trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

Trước 1975, các trường Đại Học công lập như Luật khoa, Văn khoa, Kiến trúc, Dược khoa và Y khoa v.v… đều là các Phân khoa thuộc Viện Đại Học Sài Gòn
Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn là một trường đại học thành viên của Viện Đại Học Sài Gòn, đặt ở Sài Gòn, thời Việt Nam Cộng Hoà.

Vào đầu thập niên 1960 trường toạ lạc tại đường Nguyễn Trung Trực, đến niên khoá 1966-1967 thì chuyển về đường Cường Để, bên cạnh trường Đại Học Nông Lâm Súc, đối diện với trường Đại Học Dược Khoa, cơ sở cũ của trường được nhượng lại để xây thành Thư Viện Quốc Gia.

Hình trường Văn Khoa cũ trên đường Nguyễn TrungTrực Sài Gòn

Tiền thân của Trường Đại học Văn khoa là Trường Đại học Văn khoa Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Phan Huy Quát cho thành lập vào năm 1949 thời Quốc Gia Việt Nam [dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng Bảo Đại 1948-1955]. Hoạt động của Trường trong những năm kế tiếp bị gián đoạn vì tình hình chính trị.
Mãi đến năm 1955, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà, Trường Đại học Văn khoa mới được ưu tiên phát triển. Lúc đầu Trường Đại học Văn khoa cấp bằng cử nhân văn chương Pháp và Anh và phải đến năm học 1957-1958 thì chương trình cử nhân giáo khoa Văn chương Việt Nam mới được hoàn thiện. Cũng năm đó chương trình cử nhân giáo khoa Triết học cũng được xây dựng hoàn tất.

Vào năm 1969, trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn có 16,372 sinh viên, đến năm 1974 có tất cả khoảng 30.000 sinh viên theo học.

Dại học Văn Khoa đưởng Cường Để

Từ cổng trường đi vào, bên tay trái là một dẫy nhà trệt, đi chếch vào bên phải một chút là toà nhà 3 tầng, mỗi tầng có một giảng đường [giảng đường 1 ở tầng dưới, giảng đường 2 ở tầng giữa và tầng trên cùng là giảng đường 3].
Đi thẳng phía bên phải, qua khỏi dẫy nhà các giảng đường thì tới Hội Quán Văn Khoa, những buổi trình diễn văn nghệ sinh viên thường được tổ chức tại đây. Các sinh viên sau giờ học thường hay xuống Hội Quán để chơi pinpong, khi nào mệt thì các anh có thể gọi một ly nước chanh đường, vừa nhâm nhi ly nước vừa hát nho nhỏ câu “uống ly chanh đường, uống môi em ngọt”[*].

Nơi đây chúng tôi cũng hay gặp vị hôn phu của ca sĩ Hoàng Oanh, anh hay chơi ping pong với các bạn trong lúc đợi chị tan lớp.
Sau 1975, theo vận nước nổi trôi, trường Đại Học Văn Khoa cũng bị đổi tên và hiện nay tên trường là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, vào năm 1980, đọan đường Cường Để đổi thành đường Đinh Tiên Hoàng, nên địa chỉ hiện tại của trường nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng.

Hình trường ĐHVK hiện nay

Các vị khoa trưởng của trường Đại Học Văn Khoa từ 1949 tới 1975:
Giáo sư Ngô Thúc Địch
Giáo sư Nguyễn Huy Bảo,
Giáo sư Nguyễn Đình Hoà
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục.
Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch
Giáo sư Nguyễn Văn Trung
Giáo sư Lê Trung Nhiên
Giáo sư Bùi Xuân Bào
Giáo sư Lê Thành Trị.

Chiếc dù xanh viền tím của một nữ sinh Trường ĐH KHXH&NV từ cổng trường ra lúc gần 9g sáng 4-11 - Ảnh: M.C.

"Con đường trời mưa êm - Chiếc dù che màu tím" [Con đường tình ta đi - nhạc Phạm Duy] chợt vang lên trong đầu chúng tôi sáng 4-11, khi đứng giữa khung trời hai trường ĐH Văn khoa và ĐH Dược trước 1975; nơi mà vị nhạc sĩ này thốt lên cảm xúc về "người tình Văn khoa" nào đó.

Cuộc chia ly "chấn động" khung trời đại học Duy Tân

Đầu tháng 11-1963, lực lượng đảo chính chống chế độ Ngô Đình Diệm tấn công Lữ đoàn phòng vệ Phủ tổng thống đóng ở thành Cộng Hòa trên đại lộ Thống Nhứt [nay là Lê Duẩn]. 

Chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Tòa nhà chính giữa thành [ở vị trí giữa đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay] đầy vết đạn pháo. Và sau đó, công trình xây dựng từ năm 1873 trên vị trí giữa thành Gia Định xưa đã bị chính quyền Sài Gòn giải tỏa toàn bộ.

Thành Cộng Hòa bị xóa sổ. Hai tòa nhà hai bên cổng thành bị chia cắt thành đường Cường Để nối dài [nay là Tôn Đức Thắng - sau 1975 đoạn đường mới mang tên Tôn Đức Thắng, sau đó cắt về Đinh Tiên Hoàng như hiện nay].

Trường ĐH Dược khoa tách khỏi Y khoa và tá túc một thời gian ở góc Công Lý [nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa] - Hiền Vương [nay là Võ Thị Sáu] năm 1964 đã chuyển về định cư [cho đến nay, hiện là khoa Dược của Đại học Y dược TP.HCM] ở khu vực tòa nhà bên trái, nhìn từ đường Lê Duẩn hiện nay nhìn vô.

Cổng khoa dược Trường ĐH Y dược TP.HCM. Tòa thành xưa [màu xám] hiện là căngtin dược khoa - Ảnh: M.C.
Khung trời đại học thứ hai ở Sài Gòn sáng 4-11. Bên trái là khuôn viên ĐH KHXH&NV, bên phải, qua lớp bạt che là khuôn viên khoa dược ĐH Y dược TP.HCM. Hàng cổ thụ giữa ảnh là đường Tôn Đức Thắng - Ảnh: M.C.

Phía sau và sát cạnh ĐH Dược là Trường cao đẳng Nông lâm súc [năm 1972 đổi thành Học viện Nông nghiệp, năm 1974 thành Trường ĐH Nông nghiệp Sài Gòn; nay là ĐH Nông lâm TP.HCM nhưng dời về Thủ Đức hiện nay; trụ sở trường nay là Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II].

Tòa nhà bên phải giao cho Trường ĐH Văn khoa cũng từ năm 1964. Vốn trước đó, ĐH Văn khoa ở khu vực Thư viện Quốc gia trước khi được xây dựng lại [nay là Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM].

Cổng Trường đại học Văn khoa [nay là Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM] trên đường Cường Để [nay là Đinh Tiên Hoàng, Q, 1, TP.HCM] - Ảnh tư liệu

ĐH Y khoa Sài Gòn sau khi tách Y và Dược từ năm 1961, thầy trò Y khoa đã ở lại cơ sở 28 Trần Quý Cáp [nay là Võ Văn Tần] tới năm 1966 thì dời sang Trung tâm Giáo dục y khoa vừa xây dựng xong trên đường Hồng Bàng [do hai nhóm kiến trúc sư Mỹ - Việt thiết kế, trong đó có KTS Ngô Viết Thụ, người thiết kế dinh Độc Lập]. 

Cuộc chia ly này ít nhiều làm rơi nước mắt những chàng, nàng sinh viên các trường "lỡ" quen nhau ở khung trời đại học cũ với trục đường Duy Tân [nay là Phạm Ngọc Thạch]. Có chàng Văn khoa than thở với nàng sinh viên Luật của mình: "Đời sao ngang trái, trớ trêu - Ta đây nàng đấy dựng lều hai nơi" [!].

Một khung trời đại học thành hai khung trời

Hai khung trời này nối với nhau bằng đại lộ Thống Nhứt.

Các chàng, nàng sinh viên Văn khoa, Dược, Nông lâm súc đã bắt đầu khung trời đại học mới của mình. Khung trời thứ hai này thơ mộng không kém, thậm chí còn hơn khung trời đầu tiên khi trước cổng trường là đại lộ Cường Để với hàng cổ thụ lớn nhất Sài Gòn, nhìn như rừng [hiện nay đoạn trước cổng trường là Đinh Tiên Hoàng; đoạn có hàng cổ thụ tiếp theo là Tôn Đức Thắng].

Số lượng sinh viên của khung trời mới này không hề kém số sinh viên ở khung trời cũ. Niên khóa 1969-1970, tổng cộng sinh viên ba trường Văn khoa, Dược, Nông lâm súc gần 20.000, trong đó riêng Văn khoa là 16.372 [cùng lúc hai trường Luật và Kiến trúc ở khung trời đầu tiên chỉ hơn 14.000, cụ thể Luật 13.711, Kiến trúc 689.

Ở đó, năm 1967, trên nền gạch một khu nhà đổ nát được cấp sau cuộc đảo chính 1963 chưa được xây dựng lại, lần đầu tiên giọng ca của ca sĩ Khánh Ly đã vang lên với những bản tình ca, Ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn. Đó là một quán lá dựng vội trong khuôn viên ĐH Văn khoa với tên Quán Văn.

Trịnh Công Sơn đàn cho Khánh Ly hát ở Quán Văn với khán giả là sinh viên Văn khoa - Ảnh tư liệu

Những chàng, nàng sinh viên Văn khoa là những khán giả đầu tiên ngẩn ngơ với giọng ca khàn đục này: Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ [Diễm Xưa - Trịnh Công Sơn]. Tháp cổ ấy liệu có phải nói về tầng tháp cổng thành xưa đến giờ vẫn ngập tràn thơ mộng?

Lúc đó, qua cổng trường là những dãy nhà trệt và tòa nhà 3 tầng, mỗi tầng một giảng đường, qua đó là Hội quán Văn Khoa với món uống chủ lực cũng hiền như sinh viên Văn khoa là đá chanh đã vô thơ nhạc [Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt - Trả lại em yêu - Phạm Duy] và chương trình văn nghệ sinh viên.  

Rồi gần như sát cạnh ba trường bên là Sở thú, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm mà đến nay vẫn tràn ngập bóng cây bên ngôi trường Trưng Vương thơ mộng: Con đường mộng hoa xưa, vẫn từng đôi từng lứa - Con đường vào mộng mơ, con đường mặn mà - Hỡi người tình Văn Khoa, bóng người trên hè phố - Lá đổ để đưa đường - Hỡi người tình Trưng Vương [Con đường tình ta đi - nhạc Phạm Duy].

Dân Văn khoa có lẽ ai chẳng mê thơ nhạc. Ca sĩ Hoàng Oanh nổi tiếng Sài Gòn xưa trước và sau giờ học là có chàng đưa đón. "Chiều phai nắng bước ngang Văn Khoa - Mấy bóng hồng như những nụ hoa" - chàng sinh viên Văn khoa Nguyễn Cang đến giờ vẫn nhớ hình bóng cũ những cô nàng Văn khoa niên khóa 1973-1974 của mình như vậy.

Có ai người Sài Gòn không biết, không nhớ những "khung trời đại học" và "con đường mộng hoa" nơi đây? Sáng 4-11, ghé qua khung trời đại học thứ hai này, chúng tôi vẫn cảm nhận rất rõ một khung trời đại học rộn rã yêu thương, như tiếng cười rúc rích của những nàng sinh viên Dược trên sân bóng rổ trong tiết thể dục thể thao, khi mưa buổi sáng lất phất trong những hàng cây cổ thụ Sài Gòn...

Hai khung trời đại học của Sài Gòn trên bản đồ hiện nay với các vị trí [1: khuôn viên đầu tiên của ĐH Văn khoa; 2: ĐH Kiến trúc, 3: Đại học Luật [nay là khuôn viên ĐH Kinh tế TP.HCM] ở khung trời đầu tiên và vị trí các trường ở khung trời thứ hai [4, 5, 6: Cao đẳng Nông lâm súc, nay là Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II] - Đồ họa: Trị Thiên

Chủ Đề