Đánh giá về việc khai thác tài nguyên thiên nhiên năm 2024

Lý luận về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được tăng cường nghiên cứu, củng cố và cập nhật để cung cấp luận cứ cho thực tiễn phù hợp, kịp thời so với bối cảnh trong nước và quốc tế.

Một là, hệ thống lý luận về quyền sở hữu, quyền tài sản và các quyền điều tra, thăm dò, quyền khai thác đối với tài nguyên thiên nhiên ngày càng được làm rõ hơn, mở rộng, đa dạng và phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Quan điểm về chế độ sở hữu đối tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam được hoàn thiện trong Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiếp pháp 2013 vẫn thống nhất quan điểm "đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Để đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới và phát triển KTTT định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận tài nguyên phục vụ sản xuất kinh doanh các quyền về sử dụng đất, quyền tài sản, quyền về điều tra, thăm dò và khai thác tài nguyên đã dần được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện cho sự hình thành và vận hành thị trường các yếu tố sản xuất phù hợp với đặc thù của từng loại tài nguyên.

Đất đai được xem là một loại tài sản đặc biệt và pháp luật về quyền sở hữu đất đai đã có những đổi mới theo hướng để quản trị tốt hơn. Quyền sử dụng đất được quy định ngày càng mở và rõ ràng hơn qua các giai đoạn khác nhau. Hiện nay, người sử dụng đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất”. Cùng với đó các quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động điều tra cơ bản, đánh giá, khai thác tài nguyên như khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên và môi trường biển và hải đảo cũng đã được quy định ngày càng rõ trong hệ thống pháp luật. Đặc biệt, việc quy định rõ về quyền khai thác tài nguyên khoáng sản, nước, quyền sở hữu rừng sản xuất và rừng trồng, quyền khai thác rừng; quy định về quyền chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản đầu tư vào công trình xả nước thải vào nguồn nước ... đã và sẽ tạo tiền đề cho việc thiết lập cơ chế đấu giá hoặc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên rừng từng bước tiếp cận theo cơ chế thị trường, giảm dần cơ chế xin - cho, đảm bảo công bằng và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Hai là, các nguyên tắc căn bản trong QLTN, BVMT gồm “người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; người hưởng lợi từ tài nguyên và môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” đã được nhận thức rõ ràng và từng bước được thể chế hóa thông qua quá trình hoàn thiện dần các công cụ kinh tế như thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên, thuế BVMT, phí hoặc giá dịch vụ BVMT, đấu giá hoặc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền tài nguyên nước, cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng… Tiếp cận thị trường trong ứng phó với BĐKH, đặc biệt là trong giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm năng lượng; phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.

Ba là, tiếp cận đất đai, các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nền KTTT được làm rõ theo hướng ngày càng đa dạng và phù hợp hơn; các loại hình dịch vụ môi trường và ứng phó với BĐKH được khuyến khích và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn trong các quy định pháp luật.

Trong hệ thống các luận cứ về đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, biển và hải đảo đã được mở rộng theo hướng tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác nhau khả năng tiếp cận các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, đa dạng và bình đẳng theo nguyên tắc của mô hình KTTT hiện đại. Người sử dụng đất được xác định hiện nay bao gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; cộng đồng dân cư; cơ sở tôn giáo; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch; doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và các dạng tài nguyên khác cũng đã được hoàn thiện theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả.

Từ khi có Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/06/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác vảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đến Nghị quyết số 41-NQ/TW (ngày 15/11/2004) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với mục đích điều chỉnh các hoạt động của xã hội trong giai đoạn quá độ tiến tới một nền sản xuất công nghiệp và xa hơn nữa là kinh tế tri thức; và tiếp tục được phát triển trong Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành ngày 03/6/2013, đã đề ra những quyết sách lớn của Đảng trong ứng phó với BĐKH, QLTN, và BVMT ở nước ta. Các quy định về khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào BVMT và ứng phó với BĐKH (bao gồm cả đầu tư) ngày càng rõ ràng. Các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế các loại ngày càng được quy định rõ ràng và cụ thể hơn trong các Luật có liên quan; các lĩnh vực BVMT và ứng phó với BĐKH ngày càng được mở rộng để cho phép sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước vào các hoạt động tư vấn, quan trắc và đánh giá môi trường Chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cung cấp các hàng hóa và dịch vụ về môi trường; sản xuất và cung ứng các sản phẩm và thân thiện với môi trường được quy định đầy đủ hơn trong hệ thống các Luật và văn bản dưới luật và hoàn thiện hơn trên thực tiễn.

Bốn là, luận cứ khoa học về giá trị, vốn hóa đất đai, tài nguyên thiên nhiên được làm rõ tạo cơ sở cho việc ban hành các qui định về giá cả của đất đai, các hàng hóa và dịch vụ về tài nguyên, dịch vụ BVMT bước đầu được xác định dựa trên cơ chế cung - cầu, có sự định hướng, điều tiết của Nhà nước.

Chính sách về giá đất, định giá đất được căn cứ vào giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất, giá đất trong cơ sở dữ liệu về đất đai, giá đất trên sàn giao dịch bất động sản. Mặc dù hiện nay vẫn tồn tại 2 loại giá (giá do Nhà nước quy định và giá đất cụ thể theo thị trường), tuy nhiên việc định giá đất cũng đã hướng đến mục tiêu xây dựng giá đất theo thị trường, vai trò của thị trường trong quyết định giá cả được đề cao hơn và sự can thiệp của Nhà nước trong việc quyết định giá cả đã giảm dần. Giá đối với tài nguyên khoáng sản (đặc biệt là khoáng sản sau khai thác, chế biến) về cở bản là dựa trên tín hiệu của thị trường và do thị trường quyết định. Giá nước và các dịch vụ về nước đã bước đầu tiếp cận theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước để đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận tài nguyên nước của các đối tượng khác nhau trong nền kinh tế. Giá các lĩnh vực khác như: lâm nghiệp (gỗ, dược liệu …), ngư nghiệp (thủy hải sản) đã được hình thành trên cơ sở quan hệ cung cầu của thị trường. Giá cả các dịch vụ liên quan đến BVMT đã bước đầu được áp dụng chuyển từ cơ chế phí sang giá đối với dịch vụ thu gom và xử lý chất thải. Các dịch vụ BVMT khác đang từng bước được nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện.

Năm là, những quy định pháp luật khác liên quan đến cơ chế thị trường như hình thành quỹ BVMT cấp quốc gia và địa phương, phục hồi khai thác khoáng sản, trồng lại rừng đối với diện tích bị mất do xây dựng đập thủy điện, thực hiện cơ chế phát triển sạch (CDM) trước đây… đã thể hiện tiếp cận thị trường ngày càng rõ trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH.