Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp

Những năm qua, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật [KHKT] vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại những thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân. Từ phương thức sản xuất truyền thống, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế vào sản xuất,... góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người dân.

Trang trại chăn nuôi ở Đông Phú [Đông Sơn] đầu tư máy ấp trứng tự động. Ảnh: Lê Ngọc

Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các tiến bộ KHKT mới, hàng năm, huyện Hoằng Hóa đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, như: tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các HTX dịch vụ nông nghiệp tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân về những mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán sản xuất. Do đó, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp của huyện đã có nhiều bước tiến quan trọng, đạt hiệu quả kinh tế cao ở hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân. Ông Lê Trọng Hòa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện, cho biết: Trong lĩnh vực trồng trọt, người dân đã sử dụng giống lúa có chất lượng cao, thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp; có 25% diện tích sản xuất lúa được cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, sử dụng mạ khay, cấy và thu hoạch bằng máy... Bên cạnh đó, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất; ủ phân hữu cơ; thuốc bảo vệ thực vật sinh học; sản xuất rau quả trong nhà màng, nhà lưới áp dụng biện pháp tưới và cung cấp dinh dưỡng tự động... Trong chăn nuôi, toàn huyện có 9 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đã áp dụng KHKT, như: đầu tư xây dựng hệ thống chuồng khép kín; ứng dụng hệ thống làm mát chuồng trại; sử dụng máng ăn, uống nước tự động; sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải; nhất là các loại máy móc hiện đại để phối trộn thức ăn với men vi sinh... Các trang trại chăn nuôi áp dụng KHKT đã giảm được chi phí sản xuất, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế tăng từ 15 đến 20% so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. Đi đôi với đó, KHKT còn được ứng dụng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, như: nuôi tôm trong bể xi măng, ao lót bạt, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước, hệ thống quạt khí, nuôi tôm trong nhà màng...

Tại huyện Như Xuân, việc ứng dụng KHKT đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất cho người dân. Nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, đã được đưa vào sản xuất, như: TBR279, Bắc Thịnh, TBR225, TBR45, Nhị Ưu 986, GS9, GS55... Thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Như Xuân đã khuyến khích người dân chuyển đổi các cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, như: cam Xã Đoài, cam Đường Canh, cam V2, bưởi Diễn, bưởi da xanh... Áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp bón phân qua nước theo công nghệ NETTAFIM, cải tạo vườn vải, nhãn kém hiệu quả bằng phương pháp cắt ghép... Trong chăn nuôi, huyện đã thực hiện có hiệu quả các chương trình cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo, sử dụng tinh bò đực giống Zebu, thụ tinh nhân tạo với bò cái vàng địa phương, đưa giống mới thuần ngoại Landrace...; ứng dụng công nghệ sinh học, như: làm hầm biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm balasa... Đồng thời, đã chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả nhiều giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao, như: gà Lương Phượng, gà lai chọi, gà mía, gà Lạc Thủy, khôi phục vịt bầu Thanh Quân, vịt Cổ Lũng... Các mô hình này góp phần thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa; nhất là, chủ động được nguồn giống có chất lượng cho các hộ chăn nuôi.

Có thể nói, ứng dụng KHKT không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa; không chỉ nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn tiết giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất. Các mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT được triển khai, nhân rộng cũng đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ 15 đến 20% so với diện tích sản xuất nông nghiệp truyền thống. Phát huy những kết quả đạt được, để đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan cần tăng cường khảo nghiệm, thử nghiệm các giống mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ KHKT đạt hiệu quả kinh tế cao; các mô hình an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP,... đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT; khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm...; đồng thời, cần quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông nhằm hỗ trợ nông dân trong việc chuyển giao, ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp. Thường xuyên rà soát, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Lê Ngọc

Khoa học và công nghệ giúp ngành nông nghiệp nâng cao giá trị, tạo đà bứt phá

[ĐCSVN] - Khoa học và công nghệ [KH&CN] được coi là “xương sống” và đang trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp vô cùng quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời mở ra triển vọng to lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Ứng dụng KH&CN giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản tại nhiều địa phương. Ảnh: BL

Tạo đà xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển có lợi thế phát triển lĩnh vực này.

Việt Nam có thế mạnh của nền nông nghiệp truyền thống, nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tài nguyên nông nghiệp phong phú, khí hậu đa dạng và thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Mặt khác, giá trị mặt hàng nông sản gần 100% là do lao động trong nước tạo ra. Vì vậy, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đồng thời mở ra triển vọng to lớn cho xuất khẩu nông sản.

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch COVID-19.

Có thể thấy thông qua Chương trình sản phẩm quốc gia giúp nhân rộng phát triển 18 giống lúa chất lượng cao cho các tỉnh phía Nam cùng với các gói kỹ thuật tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất từ 17,5-36,9%; đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp 12 giống nấm mới; phát triển sản xuất đối với 13 giống cà phê vối, 4 giống cà phê chè chất lượng cao áp dụng gói kỹ thuật GAP/BAP.

Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực trên các đối tượng cây con chủ lực, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế từ 15-30%, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực trồng trọt, nhờ ứng dụng hiệu quả KH&CN đã giúp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo giống, đồng thời, tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến và áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, quản lý tính kháng thuốc, quản lý dịch hại tổng hợp nên sản lượng và chất lượng nhiều loại cây ăn quả đạt giá trị kinh tế cao như cam, quýt và bưởi. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao ngày càng gia tăng, từng bước nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt”.

Theo Bộ KH&CN, nhờ ứng dụng KH&CN, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN [trong đó cao hơn gấp rưỡi Thái Lan], cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới [chỉ sau Brazil], năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới [chỉ sau Ấn Độ], cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới.

Mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ

Theo các chuyên gia, để tiến vào thị trường các nước, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do [FTA], các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về chất lượng, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã phải đa dạng, giá thành hợp lý, đồng thời cũng phải đảm bảo khâu cung ứng kịp thời cho nhà nhập khẩu…

Theo đó, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp cũng như nâng cao năng lực cho nông dân để họ có thể tự tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng.

Các cơ quan chức năng cần tổ chức hướng dẫn nông dân về canh tác sạch, an toàn; khuyến khích, khen thưởng và tiếp thị tìm thị trường cho nông sản sạch; kết nối nông dân để chia sẻ thông tin thị trường; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn sử dụng công nghệ cao; đồng thời kết nối doanh nghiệp và nông dân; hỗ trợ các địa phương đào tạo và phát triển nguồn nhân lực KH&CN; tiếp nhận các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, vấn đề quan trọng để phát triển KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp là các nhà khoa học cần được “đặt hàng”, phải biết doanh nghiệp và nông dân đang cần gì để bắt tay vào nghiên cứu cái đó, như thế mới giải quyết được thực tiễn.

Các nhà khoa học phải cố gắng phát huy hết tiềm năng sinh học của đất nước, những loại cây có giá trị cao ở từng vùng, miền để khi áp dụng công nghệ cao sẽ mang lại năng suất cao, nông dân và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi.

Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, việc phát triển nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, nông sản xuất khẩu dưới dạng thô là chính. Thêm vào đó, chất lượng nông sản không đồng đều, chi phí đầu vào cao, thiếu kho tồn trữ bảo quản, công nghệ chế biến còn lạc hậu. Tất cả những lý do đó đã và đang làm giảm giá trị xuất khẩu nông sản Việt.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ và tìm hiểu xu hướng của người tiêu dùng thế giới và trong nước hiện nay để tạo ra sản phẩm phù hợp với khả năng kinh tế cũng như sở thích của họ. “Áp dụng khoa học và công nghệ ở đây không chỉ là công nghệ sản xuất mới mà còn cần chú trọng giải pháp về quản lý nhằm giảm bớt chi phí, từ đó giảm giá thành sản phẩm”, bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, tiếp tục cần sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự để thực thi hiệu quả, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững./.

Bích Liên

Video liên quan

Chủ Đề