Điểm ưu tiên 2023

Từ năm 2023, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục thay đổi cách tính điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học. Đây là thông tin đang thu hút sự quan tâm trong dư luận.

Bộ GD&ĐT dự kiến cách tính điểm ưu tiên mùa tuyển sinh 2023 với những thí sinh đạt tới tổng điểm 22,5 không có gì thay đổi trong điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Nhưng với những thí sinh đạt từ 22,5 trở lên, điểm ưu tiên của các em sẽ được giảm dần đều. Đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.

Như vậy, đối với em đạt điểm càng cao, điểm ưu tiên càng giảm để tránh hiện tượng như những năm trước: có thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, hoặc trường hợp những thí sinh ở khu vực 3 có điểm chuẩn rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển do sự cạnh tranh ở những ngành có điểm trúng tuyển cao là rất lớn.

Theo lý giải của Bộ GD&ĐT thì việc điều chỉnh trên không chỉ giải quyết vấn đề có trường hợp thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, mà còn tạo sự công bằng ở nhóm điểm cao khi cạnh tranh vào các ngành và các trường hàng đầu.

Phổ điểm kết quả xét tuyển các năm vừa qua cho thấy, điểm xét tuyển của thí sinh trước và sau khi được cộng điểm ưu tiên có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là từ mức điểm lớn hơn 22,5 điểm [mức 22,5 điểm ở đây tương đương với 7,5 điểm nếu quy ra mức thang điểm 10 thông thường].

Theo đó, khi chưa được cộng điểm ưu tiên thì nhóm thí sinh ở KV1, KV2, KV2-NT có điểm trung bình thấp hơn nhóm không được cộng điểm ưu tiên [KV3]. Nhưng khi được cộng điểm ưu tiên thì điểm trung bình của nhóm được cộng điểm ưu tiên lại lớn hơn [thậm chí tỉ lệ lớn gấp nhiều lần] so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên.

Kết quả phân tích quá trình học tập của 2 nhóm thí sinh này trong trường đại học cho thấy: nhóm sinh viên trúng tuyển do được cộng điểm ưu tiên có kết quả học tập thấp hơn so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên.

Như vậy, có sự không công bằng giữa 2 nhóm đối tượng thí sinh trên và các trường; đặc biệt là các trường tốp đầu với các ngành hàng đầu, cũng không lựa chọn được các thí sinh có thực lực tốt để đào tạo.

Nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi, không được hưởng sự công bằng chính là nhóm ở KV3, khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu. Cũng theo thống kê, ở nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao thì tỉ lệ thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có thực lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên.

Trước dự kiến thay đổi cách tính điểm ưu tiên như trên, có ý kiến cho rằng nên bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển đại học.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cho rằng, nên bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực bởi khoảng cách về điều kiện học tập ở các địa phương đang được thu hẹp. Chính sách cộng điểm này không còn nhiều ý nghĩa, lại có thể tạo sự bất công cho thí sinh.

Ở các trường top trên, thí sinh đậu hay trượt chỉ cách nhau 0,1-0,2 điểm; trong khi điểm cộng khu vực tối đa là 0,75. Vì vậy Bộ GD&ĐT có thể hỗ trợ thí sinh ở khu vực khó khăn bằng nhiều chính sách khác.

Ảnh minh họa

Thực tế, Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh về điểm ưu tiên khu vực nhiều năm qua nhưng còn nhiều bất cập. Ví dụ ở các thành phố lớn, có những học sinh đạt tới 28-29 điểm ba môn xét tuyển nhưng vẫn bị trượt nguyện vọng cao nhất do kém bạn khác về điểm ưu tiên.

Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất 3 điểm ưu tiên khu vực. Từ năm 2004 đến 2017, tối đa là 1,5 điểm. Và từ 2018, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75 .

Mức độ ưu tiên giảm theo thời gian nhưng việc xác định nhóm ưu tiên là chưa hợp lý. 

Hiện nay, nhiều thành phố thuộc tỉnh có điều kiện dạy và học tương đương với các thành phố trực thuộc trung ương nhưng vẫn được xếp vào khu vực 2. Khi duyệt hồ sơ xét tuyển bằng học bạ, các trường nhận thấy sự tương đương về lực học giữa các nhóm này. Nhưng theo quy định, thí sinh ở các khu vực ưu tiên vẫn được cộng điểm.

Nhiều chuyên gia cho rằng mùa tuyển sinh tới, chưa cần bỏ quy định cộng điểm ưu tiên khu vực nhưng cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng. Theo đó, khu vực được xếp loại ưu tiên cần được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cập nhật thường xuyên để sát thực tế hơn.

Hoàng Thanh

Mở cơ hội học tập cho thí sinh vùng khó

Điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng là mức điểm Nhà nước dành cho các thí sinh diện đặc biệt thuộc một trong các đối tượng và khu vực theo quy định.

Điểm ưu tiên được cộng thêm vào số điểm thi thực tế của thí sinh và là căn cứ để các trường xét trúng tuyển. Bản chất của cộng điểm ưu tiên là tạo sự công bằng cho các đối tượng/vùng miền do điều kiện tiếp cận giáo dục bậc phổ thông chưa đều.

Sau nhiều lần điều chỉnh, mức độ điểm ưu tiên giảm dần theo thời gian. Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất 3 điểm ưu tiên khu vực. Từ năm 2004 đến 2017, tối đa là 1,5 điểm. Và từ 2018, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75.

Theo Quy chế tuyển sinh 2022, mức cộng điểm ưu tiên để xét tuyển đại học theo khu vực cao nhất là 0,75 điểm. Từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp và một năm kế tiếp.

Dù qua nhiều lần điều chỉnh đến nay cơ chế cộng điểm ưu tiên vẫn thu hút nhiều ý kiến đóng góp đa chiều từ phía dư luận, chuyên gia xung quanh việc nên hay bỏ điểm ưu tiên.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT giữ quan điểm chưa thể bỏ điểm ưu tiên trong thi cử. Bởi thực tế cho đến thời điểm hiện nay, điều kiện học tập ở các vùng miền của nước ta vẫn có sự khác biệt, không phải nơi nào cũng có điều kiện học tập như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.

Với thí sinh ở khu vực khó khăn, nhờ chính sách cộng điểm ưu tiên đã mở ra cơ hội trúng tuyển đại học cho nhiều em. Sau khi tốt nghiệp, các em quay về địa phương, làm cán bộ và phấn đấu từng bước để tạo sự phát triển kinh tế xã hội cho những vùng khó khăn.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ ví việc cộng điểm ưu tiên quá nhiều như việc một người uống thuốc quá liều sẽ gây tác dụng ngược. Thế nên, chuyên gia này cho rằng, cần tính toán, điểm ưu tiên ở mức độ nào để tạo được nguồn đào tạo chất lượng.

Thay đổi cách tính điểm ưu tiên vào đại học từ năm 2023

Để tạo công bằng cho thí sinh các vùng miền, Bộ GDĐT cho biết, từ năm 2023, Bộ sẽ thay đổi cách tính điểm ưu tiên.

Theo đó, chính sách ưu tiên đối tượng, khu vực trong tuyển sinh năm 2023 sẽ giảm tuyến tính từ mức điểm gây mất công bằng đối với tổng 3 môn thi THPT để xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Quy chế quy định. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên [khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30] được xác định theo công thức sau:

Điểm ưu tiên = [[30 – Tổng điểm đạt được]/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 Quy chế.

Bộ GDĐT cho biết, năm 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên; ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như công an, quân đội, y dược... thì tỷ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp; tỷ lệ thí sinh phải có điểm ưu tiên trúng tuyển cao dẫn đến dư luận cho rằng điểm ưu tiên trở lên thiếu công bằng. Vì thế, điều chỉnh này nhằm đảm bảo sự công bằng và khắc phục tình trạng có thí sinh đạt kết quả điểm xét tuyển là 30 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển đại học, cao đẳng.

Năm 2023, xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm

Bộ GDĐT vừa có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về một số nội dung chính trong công tác tuyển sinh đại học và tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022. 

Theo đó, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình xét tuyển.

Bộ GDĐT tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn có tính logic.

Đồng thời, Bộ sẽ hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ [không sử dụng] các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh. 

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, trong đó có thể xem xét khuyến cáo các cơ sở đào tạo không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022, mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT – tuyển sinh đợt 1.

Chủ Đề