Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?

Trong báo cáo mới nhất, Công ty chứng khoán VnDirect kỳ vọng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi và lên mức 3,3 tháng nhập khẩu, tương đương 102 tỷ USD vào cuối năm 2023 so với mức hiện tại là 90 tỷ USD.

Dự trữ ngoại hối được VnDirect kỳ vọng phục hồi nhờ tỷ giá ổn định hơn, thặng dư thương mại cao và tài khoản vãng lai chuyển sang thặng dư trong năm tới.

Cụ thể, công ty chứng khoán dự báo thặng dư thương mại năm 2023 có thể đạt 13,4 tỷ USD, tăng thêm 1 tỷ USD so với năm 2022. VnDirect cũng kỳ vọng tài khoản vãng lai chuyển từ thâm hụt trong năm trước sang thặng dư ở mức 1,4% GDP vào năm nay.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam

Trong 10 tháng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán một lượng lớn dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá, ước khoảng 20% dự trữ ngoại hối. Điều này đã khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF [thấp hơn 3 tháng nhập khẩu].

Bước sang những tháng cuối 2022 và đầu 2023, đồng USD hạ nhiệt đã làm giảm áp lực lên tỷ giá. Tính đến cuối 2022, tỷ giá chính thức trên ngân hàng chỉ tăng khoảng 3% so với đầu năm.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể chuyển ưu tiên sang ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, theo VnDirect. Để bơm thanh khoản VND ra thị trường nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét mua vào dự trữ ngoại hối.

Điều này theo công ty chứng khoán có thể tính đến trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở sát với ngưỡng khuyến nghị 3 tháng nhập khẩu của IMF. Ngân hàng Nhà nước từ giữa tháng 12/2022 cũng đã phát tín hiệu quay trở lại mua ngoại tệ sau ba tháng "để trắng" giá bên mua.

Cùng quan điểm với công ty chứng khoán, Standard Chartered cũng cho rằng việc cải thiện dự trữ ngoại hối có thể là ưu tiên chính của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay. Sự cải thiện của cán cân vãng lai và sự phục hồi du lịch có thể hỗ trợ cho tiền đồng, theo đó, tỷ giá USD/VND được ngân hàng này dự báo đạt 23.400 đồng vào cuối năm 2023 và 23.000 đồng vào cuối năm 2024.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán VnDirect cũng quan điểm thận trọng khi cho rằng chỉ số USD Index khó giảm sâu xuống dưới 100 điểm và thậm chí có thể tăng trở lại trong bối cảnh Fed có thể tăng lãi suất chính sách thêm 50-75 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2023. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ duy trì quan điểm thận trọng nhất định đối với tỷ giá, nhất là trong nửa đầu năm 2023.

Ngân hàng Nhà nước [NHNN] đã bắt đầu mua vào ngoại tệ kể từ tháng 1-2023 và trong tháng 1 đã mua thêm 2,78 tỉ đô la Mỹ, nâng dự trữ ngoại hối lên 91,78 tỉ đô la Mỹ, theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán BIDV công bố vào đầu tháng 2-2023.

Gần đây hơn, báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect cho biết NHNN đã mua vào khoảng 3,6 tỉ đô la Mỹ kể từ đầu năm 2023 cho đến những ngày gần giữa tháng 2. Điều này đồng nghĩa NHNN đã mua thêm xấp xỉ hơn 0,8 tỉ đô la Mỹ trong nửa đầu tháng 2.

VNDirect dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể sẽ đạt 102 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm 2023, tương đương 3,3 tháng giá trị nhập khẩu. Kỷ lục cao nhất của dự trữ ngoại hối được ghi nhận vào cuối năm 2021 với con số 110 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, trong năm 2022 vừa qua, đặc biệt là giai đoạn 10 tháng đầu năm, để ổn định thị trường ngoại hối trước sức ép mất giá quá lớn của tiền đồng, nhà điều hành đã phải liên tục bán ngoại tệ và khiến dự trữ ngoại hối giảm 21 tỉ đô la Mỹ.

Giờ đây dự trữ ngoại hối của Việt Nam dường như đang trên đường hồi phục trở lại. Trong bối cảnh triển vọng tăng giá của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đã suy yếu, với chỉ số USD Index giảm 8,8% kể từ đỉnh cao vào giữa tháng 10-2022 cho đến nay, sức ép lên tỷ giá của nhiều nền kinh tế đã giảm đi đáng kể, và tạo điều kiện cho nhiều nước tăng cường dự trữ ngoại hối trở lại.

Theo dữ liệu thống kê gần đây của Bloomberg, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và các quốc gia Đông Nam Á đã bổ sung tổng cộng khoảng 132 tỉ đô la Mỹ kể từ tháng 11-2022. Con số này cao hơn một nửa lượng đô la Mỹ mà họ bán ra vào năm ngoái.

Dự trữ ngoại hối của các nền kinh tế này giảm 243 tỉ đô la Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2022 khi họ tìm cách ngăn đồng nội tệ giảm sâu hơn nữa so với đô la Mỹ. Đơn cử như dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đã có ba tháng tăng liên tiếp từ tháng 11-2022 đến tháng 1-2023.

Diễn biến NHNN mua ròng ngoại tệ trở lại đồng nghĩa với việc NHNN bơm ra một lượng lớn thanh khoản tiền đồng, sẽ góp phần giúp lãi suất tiền đồng hạ nhiệt và ổn định hơn.

Tại Việt Nam, tỷ giá đã thật sự ổn định trở lại từ tháng 11-2022 đến nay. Cụ thể trên thị trường tự do, giá đô la Mỹ sau khi giảm mạnh 1.800 đồng trong hai tháng cuối năm 2022, đặc biệt là vào tháng 12-2022, đã tiếp tục giảm thêm hơn 250 đồng trong tháng 1-2023. Đây là một trong những cơ sở quan trọng hỗ trợ cho động thái mua ngoại tệ trở lại của nhà điều hành.

Cũng cần nhắc lại rằng tín hiệu nối lại chính sách mua ngoại tệ đã sớm được phát ra từ giữa tháng 12-2022, thời điểm NHNN bất ngờ niêm yết trở lại giá mua đô la Mỹ, với tỷ giá tham khảo 23.450 đồng/ đô la, sau hơn ba tháng để trống, như bài viết “Nhờ đâu kênh mua ngoại tệ đang được nối lại?” trên KTSG[*] đã chỉ ra. Và mức giá này đã được giữ ổn định suốt từ đó đến nay, trong khi giá bán ra cũng được giữ nguyên ở mốc 24.780/đô la, chênh lệch khá cao ở mức 1.330 đồng.

Chờ sự tác động tích cực lên lãi suất

Bên cạnh yếu tố tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng ổn định, nguồn cung ngoại tệ dồi dào trở lại cũng giúp nhà điều hành thuận lợi trong việc gia tăng dự trữ ngoại hối. Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, sau khi xuất siêu 12,4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022, tháng 1-2023 tiếp tục chứng kiến mức thặng dư thương mại hàng hóa 660 triệu đô la Mỹ, dù có giảm so với con số xuất siêu 3,6 tỉ đô la Mỹ ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê, nhưng có thể thấy đà xuất siêu vẫn đang được duy trì.

Ở hoạt động đầu tư, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân trong tháng 1 ước tính đạt 1,35 tỉ đô la Mỹ, trong khi trên thị trường chứng khoán nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng mạnh mẽ từ tháng 11-2022 đến nay. Ngoài ra, lượng kiều hối đổ về rơi vào giai đoạn cao điểm tháng 1 hàng năm cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp nguồn cung ngoại tệ dồi dào trở lại.

Điều quan trọng hơn là các hoạt động đầu cơ, lướt sóng, tích trữ ngoại tệ đã giảm đáng kể so với giai đoạn quí 3 đến đầu quí 4 năm trước, thời điểm mà kỳ vọng phá giá tiền đồng ở mức rất cao khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ [Fed] liên tục tăng lãi suất rất mạnh.

Bên cạnh đó, những bất ổn trên thị trường tài chính tiền tệ giai đoạn tháng 9 và tháng 10 khi một ngân hàng bị đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt cũng có thể đã thúc đẩy cầu ngoại tệ giai đoạn đó gia tăng và giờ thì hạ nhiệt.

Gần đây, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối chia sẻ: “Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, NHNN không phải sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước để can thiệp, bình ổn thị trường.

Tình trạng cá nhân lợi dụng mua ngoại tệ tiền mặt tại các tổ chức tín dụng được phép để trục lợi đã từng bước được ngăn chặn, không còn tình trạng người dân xếp hàng đi mua ngoại tệ tại ngân hàng. Nguồn cung ngoại tệ tăng, hiện nay, NHNN đã mua ròng ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối”.

Ngoài ra, qua việc giám sát, theo dõi báo cáo của các tổ chức tín dụng, NHNN cho biết số liệu chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài toàn hệ thống [cho các mục đích du lịch, học tập, trợ cấp thân nhân, định cư ở nước ngoài…] đã giảm mạnh [tháng 11-2022 giảm khoảng 40% so với tháng 10-2022].

Ở hoạt động bán ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng, lượng bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân cũng giảm mạnh [tháng 11-2022 giảm khoảng 57% so với tháng 10-2022], trong khi lượng mua ngoại tệ tiền mặt của các tổ chức tín dụng tăng mạnh [tháng 11-2022 tăng khoảng 69% so với tháng 10-2022].

Diễn biến NHNN mua ròng ngoại tệ trở lại đồng nghĩa với việc NHNN bơm ra một lượng lớn thanh khoản tiền đồng, sẽ góp phần giúp lãi suất tiền đồng hạ nhiệt và ổn định hơn.

Cụ thể với 3,6 tỉ đô la Mỹ mua ròng như đã nêu ở trên, ước tính NHNN đã bơm ra hơn 84.400 tỉ đồng từ đầu năm đến nay, giúp thanh khoản hệ thống dồi dào hơn rất nhiều. Và thực tế như chúng ta cũng thấy, xu hướng lãi suất đã có dấu hiệu đi xuống trở lại, thể hiện qua động thái giảm lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng kể từ đầu tháng 2 đến nay.

Dựa trên cơ sở này, dễ hiểu vì sao nhiều dự báo gần đây đã đảo chiều khi cho rằng NHNN có thể giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm nay, thậm chí có thể nỗ lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, thông qua các giải pháp hỗ trợ thanh khoản trên thị trường mở và tiếp tục duy trì kênh mua ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành ngân hàng trong năm 2023 này.

Chủ Đề