Em hay nếu trách nhiệm của học sinh trong phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm phòng ngừa tội phạm
  • 2. Khái niệm ma tuý và tội phạm ma tuý
  • 3. Thiết chế nhà trường trong phòng ngừa tội phạm ma tuý
  • 4. Các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi vi phạm pháp về ma túy đối với học sinh
  • 5. Thực tiễn phòng ngừa tội phạm ma tuý trong học sinh
  • 5.1. Tình hình tội phạm ma tuý trong học sinh hiện nay
  • 5.2. Các biện pháp đã được triển khai và kiến nghị

1. Khái niệm phòng ngừa tội phạm

Phòng ngừa tội phạm có thể hiểu là tổng thể các biện pháp can thiệp chung và riêng áp dụng cho người phạm tội tiềm năng và nạn nhân tiềm năng, xác định mục tiêu rõ ràng, được tiến hành bởi các thiết chế nhà nước và cộng đồng, trong đó nhấn mạnh cách tiếp cận vấn đề có định hướng nhằm kiểm soát hành vi không phù hợp với xã hội, những hành vi phạm tội, cũng như giải quyết những khía cạnh liên quan đến tội phạm như nỗi sợ hãi, sự rối loạn về tâm lí, mất an ninh, trật tự.

2. Khái niệm ma tuý và tội phạm ma tuý

- Khái niệm ma tuý:

Theo Tổ chức Liên Hợp Quốc: Ma túy là “Các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng”.

WHO định nghĩa: Ma túy theo nghĩa rộng nhất là “Mọi thực thể hoá học hoặc là những thực thể hỗn hợp khác với tất cả những cái được đòi hỏi, để duy trì một sức khoẻ bình thường, việc sử dụng những cái đó sẽ làm biến đổi chức năng sinh học và có thể cả cấu trúc của vật”.

Luật Phòng, chống ma tuý số 73/2021/QH14 của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 30/3/2021, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, cũng đưa khái niệm về chất ma túy như sau: “Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành”.

- Khái niệm về Tội phạm ma tuý:

Tội phạm về ma túy là tội phạm bao gồm hành vi vì phạm quy định về quản lí, sử dụng các chất ma tuý do Bộ luật hình sự quy định. Tội phạm về ma túy là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm chế độ thống nhất quản lý của Nhà nước đối với các chất ma túy và các loại thuốc gây nghiện, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội và tính mạng, sức khỏe con người và sự phát triển bình thường của nòi giống dân tộc

3. Thiết chế nhà trường trong phòng ngừa tội phạm ma tuý

Người chưa thành niên theo quy định của pháp luật là người chưa đủ 18 tuổi, chưa phát triển đầy đủ về mặt thể chất và tinh thần của con người và được cụ thể hoá bằng giới hạn độ tuổi trong các văn bản pháp luật. Họ phần lớn đều đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập hoặc dân lập. Vậy nên nhà trường giữ một vai trò tích cực trong phòng ngừa tội phạm nói chung và đặc biệt là các tội phạm về ma tuý. Vai trò đó được thể hiện như sau:

Thứ nhất, trường học là nơi rèn luyện kiến thức, nhận thức và kỹ năng cho trẻ em và thanh thiếu niên. Ngoài việc trang bị kiến ​​thức, kỹ năng văn hóa, nhà trường còn có nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống, phát triển nhân cách và rèn luyện tác phong cho học sinh. Thanh thiếu niên không chỉ cần giỏi các môn học theo yêu cầu của nha trường mà còn cần phát triển những kỹ năng cơ bản để ứng phó, tránh xa với các hành vi tội phạm nói chung và tội phạm về ma tuý nói riêng.

Thứ hai, trường học giúp ngăn chặn tội phạm nói chung và tội phạm về ma tuý nói riêng. Dưới góc độ ngăn ngừa tội phạm, nhà trường đã tạo cho học sinh, sinh viên môi trường giao tiếp xã hội, tương tác với nhau. Tùy từng đối tượng học sinh, sinh viên nhà trường xây dựng môi trường giáo dục phù hợp, hướng tới giá trị Chân - Thiện - Mỹ, tránh xa được các nguy cơ vi phạm pháp luật về ma tuý.

Thứ ba, trường học chính là cầu nối truyền tải chương trình ngăn chặn tội phạm đến với học sinh, sinh viên thông qua việc phổ biến, giáo dục pháp luật. Phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường bao gồm hai lĩnh vực đó là giáo dục pháp luật và phổ biến pháp luật. Đối với học sinh, sinh viên thì hiểu biết pháp luật, củng cố những tri thức được học từ hoạt động giáo dục pháp luật, sẽ giúp củng cố niềm tin vào pháp luật, đồng thời rèn luyện hành vi ứng xử theo chuẩn mực đạo đức . Từ đó mà các học sinh sẽ tự tạo ra sự miễn dịch cho chính mình đối với các tội phạm về ma tuý..

4. Các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi vi phạm pháp về ma túy đối với học sinh

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội cần phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội cần phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Đây chính là quy định mang tính xuyên xuốt trong quá trình xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Bảo đảm lợi ích tốt nhất và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ người dưới 18 tuổi phạm tội trong mọi tình huống, mọi trường hợp thì Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải tạo mọi điều kiện và áp dụng các biện pháp phi hình phạt đối với họ.

Tại Chương XX, Bộ luật hình sự 2015 quy định về các tội phạm về ma túy thì khung hình phạt chung của các tội phạm trong nhóm này sẽ là tù có thời hạn [1 năm đến 20 năm], lên đến tù chung thân và tử hình. Ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ , cấm hành nghề trong một khoảng thời gian nhất định và tịch thu tài sản. Nhưng đối với người phạm tội là người chưa thành niên thì mức hình phạt này sẽ được giảm nhẹ như là: sẽ không áp dụng hình phạt tử hình và tù chung thân, đối với tù có thời hạn thì mức án được tuyên cho người chưa thành niên phạm tội tối đa sẽ bằng 2/3 khung hình phạt chung.

Ngoài ra, tại Điều 8 Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 có quy định về trách nhiệm của các cơ sở giáo dục:

“Điều 8. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục
1. Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
2. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma túy.
3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên sử dụng trái phép chất ma túy”

Nhằm quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục nói chung và các cơ sở giáo dục phổ thông nói riêng gắn chặt trách nhiệm này cho từng cơ sở giáo dục, để hạn chế việc các học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường phạm phải những tội phạm về ma tuý.

5. Thực tiễn phòng ngừa tội phạm ma tuý trong học sinh

5.1. Tình hình tội phạm ma tuý trong học sinh hiện nay

Theo thống kê của Bộ Công an cho thấy, 60% số người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu là ở độ tuổi từ 15 - 25, trong đó nhiều người đang là học sinh, sinh viên. Người sử dụng ma túy cũng như các chất gây nghiện đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa .

Ngày 09/07/2021 qua tiến hành kiểm tra đột xuất, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma tuý và Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Thành phố Việt Trì bắt quả tang một nhóm thanh niên 14 người cả nam và nữ tụ tập, sử dụng trái phép chất ma túy trong quán karaoke tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tiến hành kiểm tra nhanh tại chỗ có 10 đối tượng dương tính với chất ma túy. Các đường dây tội phạm đang hướng tới đối tượng thanh thiếu niên để tìm mọi cách đưa ma túy xâm nhập vào đời sống một bộ phận giới trẻ.

Theo Bộ Công an, tội phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, nắm rõ học sinh, sinh viên ở độ tuổi dễ bị lôi kéo, nên tìm đủ mọi cách đưa ma túy vào học đường thông qua những điểm, tụ điểm xung quanh nhà trường và từ chính học sinh, sinh viên.

5.2. Các biện pháp đã được triển khai và kiến nghị

Bộ Giáo dục và Đào tạo có các chương trình hành động cụ thể hướng dẫn các trường học tuyên truyền phổ biến pháp luật có trọng tâm, trọng điểm: Kế hoạch số 370/KH-BGDĐT ngày 08/6/2020 của Bộ GDĐT triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong ngành Giáo dục; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên [HSSV] về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội. Đặc biệt trong Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2020 tập trung tuyên truyền về hậu quả, tác hại của việc sử dụng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy; tác hại của các loại ma túy, chất hướng thần; các loại ma túy có nguồn gốc tự nhiên, ma túy tổng hợp, một số loại phổ biến như “thuốc lắc”, “tem giấy”, “cỏ Mỹ”, “bóng cười”... và các chất hướng thần mới để nâng cao ý thức cho học sinh sinh viên tự phòng ngừa thông qua các hoạt động giáo dục.

Ở Chương trình quốc gia về phòng ngừa tội phạm giai đoạn 1998-2015 đề ra mục tiêu: Tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về trật tự an toàn xã hội, giữ vững kỷ cương pháp luật, xây dựng một môi trường sống lành mạnh, nếp sống và làm việc theo pháp luật; làm giảm một cách cơ bản các loại tội phạm, phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Với bốn đề án như sau: Đề án thứ nhất: Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư. Đề án thứ hai: Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự. Đề án thứ ba: Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm và tội phạm có tính quốc tế. Đề án thứ tư: Đấu tranh phòng, chống các loại tội xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên.

Kết quả đạt được sau khi áp dụng chương trình phòng ngừa tội phạm. Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo 138 do Thượng tướng Lê Thế Tiệm - Thứ trưởng bộ Công an - Phó Ban chỉ đạo 138 nêu rõ, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09/CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ về “tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân. Đã điều tra, khám phá được nhiều vụ án lớn về hình sự, kinh tế, ma túy, tham nhũng, bóc gỡ nhiều vụ án lớn về hình sự, kinh tế, ma túy, tham nhũng; bóc gỡ nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm nghiêm trọng; làm rõ được nhiều vụ án tồn đọng kéo dài gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đặc biệt đã xây dựng được nhiều mô hình, tổ chức quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm tại cơ sở, góp phần tạo môi trường ổn định, lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Từ năm 1998 đến nay, cả nước đã đấu tranh, phát hiện hơn 953.000 vụ tội phạm các loại, giảm hơn 10% so với những năm từ 1986 đến năm 1997.Một số địa phương giảm mạnh phạm pháp hình sự như: Lạng Sơn, Ninh Bình, Nam Định, Bến Tre, TP HCM; công tác bắt giữ tội phạm về ma túy tăng gấp 3 lần, giảm 25% số đối tượng truy nã ngoài xã hội.

Trong Chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 đã đề ra những mục tiêu như sau: Thứ nhất là tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tôn trọng, chấp hành pháp luật, nhằm xây dựng xã hội an ninh, an toàn, trật tự, văn minh, nề nếp và thân thiện. Thứ hai, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 3 - 5% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016. Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, ma túy, môi trường, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, tội phạm liên quan trực tiếp đến sự suy thoái đạo đức gia đình, xã hội... Thứ ba, trên cơ sở tổng kết đánh giá thực hiện các Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, xác định nhiệm vụ trọng tâm để tập trung đầu tư nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, duy trì các mục tiêu đạt được, xác định mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong từng giai đoạn 05 năm, với định hướng :Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm, giảm các loại trọng án, giảm tội phạm ở các địa bàn trọng điểm, góp phần xây dựng xã hội an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Xây dựng một xã hội trật tự, văn minh, mọi công dân có ý thức tôn trọng, tự giác tuân thủ pháp luật, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tội phạm. Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, đảm bảo “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, không để xảy ra oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự.

Video liên quan

Chủ Đề